Thứ Bảy, 14/09/2024, 02:43 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Giành và giữ quyền chủ động tác chiến là nội dung cơ bản của Nghệ thuật Quân sự Việt Nam và cũng là một trong những bài học quý - nét nghệ thuật đặc sắc, góp phần làm nên Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947. Bài học đó còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trong lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự, giành và giữ quyền chủ động tác chiến được các bên tham chiến luôn coi trọng và xem đó là nghệ thuật tác chiến bao trùm, chi phối xuyên suốt cuộc chiến tranh. Theo các nhà lý luận quân sự, giành và giữ quyền chủ động tác chiến suy cho cùng là quá trình giành toàn bộ quyền làm chủ trên chiến trường để tự do hành động theo ý mình, đẩy đối phương vào thế bị động, đối phó lúng túng và thất bại.
Với âm mưu dùng thắng lợi quân sự để thúc đẩy thành lập chính quyền bù nhìn toàn quốc, kết thúc chiến tranh và đặt lại ách thống trị lên đất nước ta, Thu - Đông 1947, thực dân Pháp đã huy động trên 12.000 quân với nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại mở cuộc tiến công lên Việt Bắc. Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương hy vọng rằng, với cuộc hành binh bất ngờ, quy mô lớn, chúng sẽ nhanh chóng đạt mục đích: chụp bắt cơ quan đầu não của ta; tiêu diệt chủ lực Việt Minh; phá tan căn cứ địa kháng chiến; khóa chặt biên giới,… và giáng đòn quyết định vào tinh thần kháng chiến của nhân dân ta. Đây là thử thách nghiêm trọng nhất (kể từ khi bước vào cuộc kháng chiến) đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trực tiếp là quân và dân Việt Bắc trong điều kiện địch mạnh, ta yếu cả về tiềm lực, lực lượng và kinh nghiệm điều hành chiến tranh. Trước tình thế đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào sức mạnh của toàn dân, bình tĩnh, sáng suốt lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta mở chiến dịch phản công trên toàn chiến trường Việt Bắc, giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự và chính trị. Đặc biệt, Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải đánh kéo dài, sa lầy và thất bại. Thắng lợi đó do nhiều nguyên nhân, trong đó việc giành và giữ quyền chủ động tác chiến là nội dung quan trọng - nét nghệ thuật đặc sắc của Chiến dịch và được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:
Một là, luôn bám sát tình hình, đánh giá đúng ý đồ và mạnh, yếu của địch, tổ chức lực lượng tác chiến linh hoạt, từng bước giành quyền chủ động. Trong Chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947, ban đầu ta dự kiến thực dân Pháp có thể đem quân tiến công Việt Bắc, nhưng chưa phán đoán đúng hướng, khả năng và thủ đoạn hành binh mạo hiểm của địch, nên công tác chuẩn bị của ta còn nhiều sơ khoáng, dẫn đến một số nơi bị động, bất ngờ và tổn thất. Trên thực tế, ngay trong thời gian đầu của cuộc hành binh, quân Pháp đã nhảy dù đánh chiếm được một số khu vực, đánh phá một số cơ sở sản xuất vũ khí và nơi bố trí cơ quan, kho tàng, gây cho ta nhiều khó khăn. Về ta, do dự kiến địch sẽ đánh từ trung du lên, nên hầu hầu hết các đơn vị chủ lực đều bố trí ở phía Nam Thái Nguyên và Tuyên Quang, trong khi đó ở trong vùng Bắc Cạn - Chợ Đồn - Chợ Mới không có bộ đội chủ lực hoạt động.
Trước tình hình đó, Bộ Tổng chỉ huy đã bám sát ý đồ của địch, bình tĩnh đánh giá tình hình mọi mặt, nhất là đánh giá đúng mạnh yếu của chúng để có phương án đối phó phù hợp. Theo đó, điểm mạnh của địch khi mở cuộc hành binh lên Việt Bắc là: quân số đông, tinh nhuệ, có ưu thế về máy bay, pháo binh, cơ giới và giữ quyền chủ động ban đầu. Tuy nhiên, ưu thế đó không thể phát huy được đầy đủ trên chiến trường rừng núi, nhất là trong điều kiện thời tiết mùa Đông hết sức khắc nghiệt. Còn điểm yếu nổi bật của chúng là, lực lượng phải dàn mỏng trên chiến trường rộng (gồm 8 tỉnh), lại rất xa hậu cứ, việc bảo đảm các mặt cho tác chiến dài ngày gặp nhiều khó khăn. Địch sẽ phải dùng các trục đường bộ và đường sông để giải quyết vấn đề tiếp tế, tăng viện. Đây là điều kiện lý tưởng để ta tiêu hao, tiêu diệt địch cơ động cả trên bộ và trên sông ở địa hình rừng núi.
Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, nhất là về địch, Chiến dịch đã chủ động tổ chức lại lực lượng nhằm hạn chế chỗ mạnh của địch, phát huy sở trường của ta, từng bước tạo thế mới, lực mới để giành lại quyền chủ động. Cùng với tổ chức lực lượng du kích, lực lượng các cơ quan Trung ương và của các khu 1, 10, 12 thành các đơn vị chiến đấu rộng khắp trên các mặt trận, địa phương, Bộ Tổng chỉ huy kịp thời phân tán 30 đại đội chủ lực về hoạt động tại các châu huyện trên địa bàn 3 khu đã tạo điều kiện quyết định phát triển chiến tranh du kích. Theo đó, các đại đội độc lập không chỉ tích cực, chủ động quấy rối, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận địch, mà còn giúp đỡ vũ trang tuyên truyền, phối hợp và dìu dắt lực lượng vũ trang địa phương phát triển, lớn mạnh, tạo khả năng đánh địch rộng khắp. Đây là động lực quan trọng, làm cho nhân dân các dân tộc Việt Bắc có thể tham gia đánh địch rộng khắp, mọi lúc, mọi nơi và bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Nhờ đó, các lực lượng của Chiến dịch đã tận dụng thế thiên hiểm của địa hình, tổ chức đánh địch ở khắp nơi, kìm giữ, căng kéo, phân tán để đối phó, khiến địch từ thế chủ động dần rơi vào thế bị động và không thể thực hiện theo kế hoạch hành binh đã vạch ra. Như vậy, bằng sự phân tích, đánh giá đúng tình hình và nghệ thuật tổ chức lực lượng đánh địch rộng khắp, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện lúc bấy giờ đã tạo cơ sở để Chiến dịch từng bước tiến lên giành lấy quyền chủ động tác chiến từ tay địch trong tình thế hết sức khó khăn, phức tạp.
Hai là, kết hợp giữa bảo vệ căn cứ địa kháng chiến với tích cực chặn bước tiến quân của địch, khiến chúng rơi vào thế bị động, tiến thoái lưỡng nan. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của quân Pháp trong cuộc hành binh lên Việt Bắc là nhằm chộp bắt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Vì thế, việc bảo vệ các cơ quan Trung ương, bảo vệ an toàn cho căn cứ địa,… là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Chiến dịch. Đặc biệt, trong bối cảnh hết sức khẩn trương, địch sử dụng sức cơ động của cơ giới ở hai gọng kìm để “vây chặt” Chiến khu Việt Bắc kết hợp với đổ bộ đường không vào trung tâm căn cứ thì công tác này lại càng có ý nghĩa quan trọng. Trên cơ sở phán đoán từng bước tiến quân của địch, Bộ Tổng chỉ huy đã chủ động triển khai kế hoạch nghi binh lừa địch và chỉ đạo sơ tán, di chuyển cơ quan, kho tàng, cơ xưởng,… một cách nhanh chóng, bí mật. Điều đáng nói là, cùng với tổ chức cơ động di chuyển, Chiến dịch coi trọng công tác nghi binh, ngụy trang và phòng gian, giữ bí mật, đồng thời tổ chức bảo vệ chặt chẽ, sẵn sàng đánh địch. Nhờ đó, mặc dù địch phán đoán khá chính xác vị trí di chuyển của ta ở Võ Nhai, Đình Cả, Tràng Xá, nhưng khi tổ chức nhảy dù chúng đều “vồ hụt” và chịu nhiều tổn thất.
Nét nghệ thuật đặc sắc trong giành và giữ quyền chủ động tác chiến còn được thể hiện khi Chiến dịch đẩy mạnh thực hiện triệt để việc phá hoại trong các thị xã, thị trấn và phá hoại đường sá, cầu cống trên các tuyến giao thông huyết mạch. Đây là một trong những sáng tạo của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, được Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy hết sức coi trọng và xác định đó là nhiệm vụ trung tâm của quân và dân Việt Bắc, nhằm ngăn chặn bước tiến quân của địch, khiến địch cơ động hết sức khó khăn. Thậm chí, binh đoàn Bopher (Bô-phê) thuộc gọng kìm phía Đông phải bỏ xe để hành quân bộ, phải dùng lừa, ngựa để vận chuyển vũ khí, trang bị và tiến quân theo kiểu sâu đo, vừa đi vừa phải sửa đường và chống đỡ với lực lượng đánh chặn của ta. Cùng với đó, Bộ Tổng chỉ huy đã kịp thời chỉ đạo các địa phương thực hiện triệt để việc “tiêu thổ kháng chiến”, thực hiện “vườn không, nhà trống”,… làm cho các mũi tiến công của địch như “đấm vào chỗ không người”. Địch không tìm thấy cơ quan đầu não của ta, tìm bộ đội chủ lực để giao tranh thì không gặp, tổ chức chiếm đóng thì khó khăn chồng chất. Tình thế đó, không chỉ đẩy địch rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, mà quan trọng hơn là làm cho chúng mất dần quyền chủ động trên chiến trường, sa lầy và thất bại.
Ba là, chủ động lựa chọn cách đánh phù hợp, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, nhằm giành quyền chủ động từ tay địch. Trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, nhìn tổng quát về cách đánh, chúng ta không tổ chức phòng ngự để đối phó với cuộc tiến công quy mô lớn của địch, mà sử dụng hình thức phản công, tức là lấy hoạt động tác chiến tiến công rộng khắp làm phương hướng chủ yếu để tiến hành chiến dịch phản công ở địa hình rừng núi. Đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa bàn và trình độ khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang ta lúc bấy giờ. Thực hiện chủ trương đó, ta đẩy mạnh tác chiến du kích ở khắp các địa phương nhằm phân tán, kìm chân địch, tạo điều kiện cho những trận tác chiến tập trung (quy mô nhỏ nhưng hiệu quả cao) để bẻ gãy từng gọng kìm của địch. Quá trình thực hiện Chiến dịch, ta đã vận dụng nhiều hình thức chiến thuật phù hợp, như: phục kích, tập kích, đánh quần lộn, phá hoại giao thông,… trong đó, lấy hình thức phục kích ở địa bàn hiểm yếu là chủ yếu.
Điểm nổi bật của nghệ thuật vận dụng cách đánh chiến dịch để giành và giữ quyền chủ động tác chiến là, ta không tập trung lực lượng chủ lực để đối phó với bộ binh cơ giới địch cũng như tiến công vào những vị trí địch nhảy dù xuống Bắc Cạn đã được củng cố, mà sử dụng lực lượng nhỏ đánh tiêu hao, tiêu diệt rộng khắp. Khi có thời cơ, ta tổ chức các trận tập trung quy mô cấp tiểu đoàn nhằm vào điểm yếu sinh tử của chúng là khi quân địch đang vận động tăng viện, tiếp tế cả trên bộ và trên sông để tiêu diệt gọn từng bộ phận. Đây là vấn đề cốt lõi để ta lần lượt đánh bại từng cánh quân hùng hậu của địch; đồng thời, cũng là điểm khởi đầu của một trong những nội dung quan trọng trong cách đánh của nghệ thuật chiến dịch phản công của ta sau này.
Với cách đánh này, ta đã buộc quân Pháp từ chỗ muốn “đánh nhanh, giải quyết nhanh” phải chuyển sang đánh kéo dài, theo cách đánh của ta và mất dần quyền chủ động. Trong bối cảnh so sánh lực lượng ta - địch vào cuối năm 1947, địch rất muốn đánh tập trung, hòng sớm tiêu diệt chủ lực ta để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Còn ta (nhờ cách đánh này) đã buộc địch phải phân tán đối phó trên nhiều hướng, nhiều khu vực, nhằm ngăn chặn, làm suy yếu từng hướng tiến công, không cho chúng hội quân ở Bắc Cạn, phá tan thế phối hợp tiến quân cả trên bộ, trên sông và trên không của địch. Thực tiễn Chiến dịch đã chứng minh, những trận đánh điển hình trên Đường số 2 (ngày 22-10), trên sông Lô (ngày 23 và 24-10),… và đặc biệt là trận phục kích trên đèo Bông Lau (Đường số 4) ta đã tiêu diệt đoàn xe chở quân 30 chiếc, khiến địch phải choáng váng, bất ngờ đều xuất phát từ việc vận dụng cách đánh sáng tạo của Chiến dịch. Sau này nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng, việc vận dụng cách đánh trên là đúng đắn, phù hợp với trình độ tác chiến của bộ đội ta lúc đó và cũng chỉ với cách đánh sáng tạo đó trong một chiến dịch phản công, ta mới có thể giành quyền chủ động và đánh thắng địch trong điều kiện so sánh lực lượng địch mạnh hơn ta nhiều lần mà quyền chủ động ban đầu lại thuộc về quân Pháp.
Chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947 là chuỗi hoạt động tác chiến quy mô cấp chiến dịch đầu tiên của Quân đội ta và đã giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược. Chiến dịch đã để lại nhiều bài học quý, làm cơ sở, nền móng cho phát triển các vấn đề chủ yếu của lý luận nghệ thuật chiến dịch sau này. Trong đó, bài học về giành và giữ quyền chủ động tác chiến vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu, phát triển và vận dụng có hiệu quả trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc./.
TRẦN THÁI
Việt Bắc Thu - Đông 1947
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh 22/01/2024
Nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch giải phóng Lai Châu năm 1953 14/12/2023
Nghệ thuật sử dụng pháo binh trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 13/11/2023
Nghệ thuật chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 19/10/2023
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945