Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Sáu, 06/10/2017, 10:19 (GMT+7)
Nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947

Vào cuối năm 1947, tức là chỉ một năm sau Ngày toàn quốc kháng chiến, bằng chiến thắng Việt Bắc, quân và dân ta đã làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải đánh kéo dài, sa lầy và thất bại. Đây là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược đầu tiên của Quân đội ta, được ghi dấu ấn bằng nhiều bài học quý; trong đó, nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược là nét nổi bật.

Hội thảo khoa học về Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947

Với mưu đồ: chụp bắt cơ quan đầu não của ta; tiêu diệt bộ đội chủ lực; phá căn cứ địa kháng chiến; khóa chặt biên giới và khủng bố, uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta, đầu tháng 10-1947, địch huy động trên 12.000 quân với nhiều vũ khí, trang bị hiện đại, mở cuộc tiến công lên Việt Bắc. Đây là đòn tiến công có quy mô chiến lược - phản ánh sự cố gắng cao nhất của thực dân Pháp (lúc bấy giờ), thực hiện “tốc chiến, tốc thắng”, kết thúc chiến tranh trong vòng ba tuần, theo như tuyên bố của tướng Xa-lăng - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Đông Dương, tác giả của “Kế hoạch tiến công Việt Bắc”.

Trên cơ sở nắm chắc ý đồ của địch, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo, chỉ đạo cả nước chuẩn bị thực lực mọi mặt, triển khai thế trận kháng chiến toàn dân, sẵn sàng đập tan cuộc tiến công quy mô lớn của chúng. Đặc biệt, khi địch mở cuộc hành binh lên Việt Bắc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là của Bộ Tổng chỉ huy, quân và dân ta tiến hành chiến dịch phản công trên toàn chiến trường Việt Bắc, với nhiều trận đánh xuất sắc trong thế trận chiến tranh nhân dân và giành thắng lợi lớn, bảo vệ an toàn cơ quan lãnh đạo kháng chiến, căn cứ địa cách mạng và bảo toàn lực lượng chủ lực của ta. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự và chính trị. Bởi, ta đã đánh sập hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, đẩy chúng vào thế bị động về chiến lược, buộc phải đánh lâu dài; đưa cuộc chiến tranh theo đúng đường lối mà Đảng đã xác định: kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện. Thắng lợi đó để lại nhiều bài học có giá trị về nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược, được thể hiện qua những nội dung cơ bản sau:

1. Nắm chắc tình hình, chỉ đạo sát sao công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó thắng lợi với các cuộc tiến công lớn của địch. Bước vào Hè - Thu năm 1947, trước những động thái của địch, như: tập trung quân ra Bắc, tăng cường trinh sát đường không, huấn luyện quân dù,…; Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy đã phán đoán tương đối sát âm mưu chiến lược của chúng. Ngày 19-5-1947, trên cơ sở đánh giá, kết luận tình hình, Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về tích cực chuẩn bị chiến dịch mùa Đông, trong đó nhấn mạnh: phải “chuẩn bị chống các cuộc quân địch đánh xuyên mũi dùi, đánh vòng thật rộng, hay nhảy dù, đổ bộ sau lưng ta”. Đây là Chỉ thị có tầm quan trọng đặc biệt trong việc chuẩn bị cho cuộc đối đầu quy mô lớn. Quán triệt Chỉ thị của Đảng, Hội nghị quân sự toàn quốc (tháng 9-1947) xác định: bằng mọi giá phải phá kế hoạch tiến công của địch; kiên quyết nắm vững bộ đội, giữ gìn chủ lực, gắng tiêu diệt từng bộ phận lực lượng địch, bảo vệ căn cứ, v.v. Đây là những nét lớn, tuy còn sơ khai về phương hướng tác chiến chiến lược, nhưng có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn to lớn, làm cơ sở cho các khu, địa phương chủ động làm công tác chuẩn bị, sẵn sàng đánh địch. Nét nổi bật về chỉ đạo chiến lược trong giai đoạn này còn được thể hiện, lần đầu tiên Bộ Tổng chỉ huy xác định một cách cụ thể phương hướng tác chiến và mối quan hệ giữa bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương. Theo đó, các khu phát động du kích chiến rộng khắp, nhưng phải tích cực tìm cơ hội đánh vận động chiến để tiêu diệt địch, phải chủ động và kiên quyết tiến công ở quy mô thích hợp, tránh tư tưởng giữ đất, phòng ngự chính diện thụ động, khô cứng. Như vậy, với tầm nhìn chiến lược, bằng sự phân tích một cách khoa học, Trung ương Đảng đã nhận định, đánh giá đúng tình hình, nhất là về địch và đề ra phương thức tác chiến chiến lược phù hợp. Thực tế Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947 đã chứng minh sự chỉ đạo của Đảng và Bộ Tổng chỉ huy trong giai đoạn chuẩn bị Chiến dịch là hoàn toàn chính xác. Nhờ đó, mặc dù địch huy động lực lượng lớn, mở cuộc hành binh bất ngờ lên Việt Bắc nhưng đã vấp phải thế trận chiến tranh nhân dân độc đáo của ta, bị sa lầy và thất bại. Sau này, nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng, sự chỉ đạo chiến lược của Đảng trước khi Chiến dịch diễn ra đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông năm 1947.

2. Kịp thời chỉ đạo chuyển hóa thế trận tác chiến linh hoạt, sáng tạo để bẻ gãy từng gọng kìm quân địch, giành thắng lợi. Trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, mặc dù ta đã dự kiến: địch có thể liều lĩnh tiến công lên Việt Bắc, nhưng chưa phán đoán đúng khả năng và thủ đoạn hành binh mạo hiểm của địch, nên công tác chuẩn bị có phần sơ khoáng, dẫn đến những lúng túng, bị động ban đầu. Hơn nữa, thông qua một số trận chiến đấu chống quân địch đổ bộ đường không ở khu vực Bắc Cạn cho thấy, trình độ tổ chức chỉ huy, trang bị và khả năng chiến đấu của bộ đội ta còn hạn chế, nhất là trong đối phó với bộ binh cơ giới địch và các vị trí nhảy dù đã được củng cố của chúng. Trước tình hình đó và trên cơ sở nắm chắc được kế hoạch hành binh của địch, Bộ Tổng chỉ huy đã kịp thời chỉ đạo điều chỉnh thế trận Chiến dịch một cách linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm sự liên hoàn, vững chắc. Theo đó, ta không triển khai thế trận đánh địch tập trung lớn, mà tiến hành điều chỉnh thế bố trí và tổ chức lực lượng, hình thành 03 mặt trận đánh địch chủ yếu: Mặt trận Sông Lô - Đường số 2, Mặt trận Bắc Cạn - Đường số 3 và Mặt trận Cao Bằng - Đường số 4 nhằm đánh vào điểm yếu sinh tử của chúng là cơ động, vận tải tiếp tế trên quãng đường dài, xa căn cứ và ở vùng rừng núi hiểm trở. Trên từng mặt trận, ta tổ chức lực lượng hợp lý, bảo đảm có lực lượng tại chỗ, có lực lượng cơ động, tạo nên thế trận chủ động đánh địch rộng khắp và tập trung vào mục tiêu chủ yếu. Đây là sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và hết sức sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa bàn, trình độ tác chiến của bộ đội và so sánh lực lượng địch - ta lúc bấy giờ. Với thế trận này, ta đã tránh được cái mạnh của địch (quân đông, trang bị, vũ khí hiện đại), phát huy được sức mạnh, sở trường của ta (đánh gần, nhỏ lẻ, bất ngờ) để làm suy yếu, tiến tới bẻ gãy từng gọng kìm của địch. Điều đáng nói là, trong chỉ đạo chiến lược, Bộ Tổng chỉ huy đã chú trọng chỉ đạo các lực lượng thực hiện tốt việc cài thế chiến dịch linh hoạt, có lợi cho ta, bảo đảm vừa có thể tiêu hao, tiêu diệt địch rộng khắp, có trọng điểm, trên bộ, trên sông và cô lập địch đổ bộ đường không, vừa tạo ra thế ngăn chặn địch trên từng hướng, phá ý đồ hợp vây của chúng. Đồng thời, sẵn sàng chuyển sang truy kích địch khi chúng rút chạy. Diễn biến Chiến dịch cho thấy, việc chỉ đạo chuyển hóa thế trận của Bộ Tổng chỉ huy đã tạo ra sức mạnh to lớn, bước chuyển biến căn bản để đánh địch, nhất là tạo ra thế đánh hiểm, bất ngờ,… cho các lực lượng, đạt hiệu suất chiến đấu cao, góp phần khoét sâu mâu thuẫn của địch: giữa yêu cầu tiếp tế, bảo vệ tiếp tế với tập trung lực lượng hành quân thọc sâu, hợp điểm, khiến địch bị sa lầy và thất bại.

Như vậy, mặc dù lúc đầu bị bất ngờ về hành động liều lĩnh của địch, nhưng nhờ bản lĩnh và tài thao lược, khả năng ứng phó nhanh nhạy với tình huống khẩn trương trên chiến trường, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Bộ Tổng chỉ huy kịp thời chỉ đạo nhanh chóng khắc phục thiếu sót ban đầu, tổ chức lại thế trận phản công, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế trận đánh địch có lợi nhất.

3. Chỉ đạo vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, đánh bại hoàn toàn cuộc hành binh quy mô lớn của địch. Ngay sau khi thực dân Pháp mở cuộc tiến công lên Việt Bắc, Thường vụ Trung ương Đảng nhận định: cuộc tiến công này của địch chứng tỏ chúng không mạnh, chỉ ồ ạt lúc đầu, phải dàn quân mỏng,… là dịp tốt để ta đánh khi chúng đang vận động, xa căn cứ. Quán triệt tinh thần đó, Bộ Tổng chỉ huy đã nghiên cứu, đánh giá kỹ tình hình các mặt để chỉ đạo vận dụng cách đánh cho phù hợp. Theo đó, Bộ chỉ đạo các khu phải phát động rộng rãi chiến tranh du kích, bất ngờ đánh những trận nhỏ dọc theo đội hình, tiêu hao lực lượng để phân tán, kìm chân và gây tâm lý hoang mang cho địch. Đồng thời, ta điều chỉnh lực lượng, kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội, dân quân, du kích làm nhiệm vụ tại chỗ với các tiểu đoàn cơ động của Chiến dịch, tổ chức các trận tác chiến tập trung; dùng hình thức phục kích là chính, với quy mô nhỏ, nhằm vào các đơn vị nhỏ của địch đang vận động làm mục tiêu chủ yếu, v.v. Bằng cách đánh đó, ta đã khoét sâu chỗ yếu cơ bản của địch khi thoát ly công sự, thoát ly sự chi viện của hỏa lực, nhất là của pháo binh để tiêu diệt gọn từng bộ phận, từng bước vô hiệu hóa, tiến tới bẻ gãy từng gọng kìm của chúng. Cách đánh sáng tạo này đã được Chiến dịch vận dụng đồng loạt trên toàn chiến trường Việt Bắc, cả ở môi trường trên bộ, trên sông và địch đổ bộ đường không, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Điển hình là các trận: phục kích tàu địch trên sông Lô bằng pháo binh (ngày 23-10-1947), ta đánh chìm 02 tàu địch, đánh hỏng 02 chiếc khác; trận phục kích đèo Bông Lau trên Đường số 4 (ngày 30-10-1947), ta diêu diệt cả đoàn xe 30 chiếc (có cả xe thiết giáp), thu nhiều vũ khí, trang bị của chúng, Đường số 4 thành “con đường tử thần” của địch, v.v. Không chỉ phục kích đánh hiểm, bất ngờ địch ở trên sông và trên các tuyến giao thông huyết mạch, các đơn vị còn chớp thời cơ thực hiện nhiều trận tập kích tiêu diệt gọn quân địch, như: trận Tiểu đoàn 102 diệt gọn 01 đại đội ứng viện ở Lục Rã (ngày 29-11-1947) và trận diệt hơn 100 tên địch ở quán Ông Già (Thái Nguyên) của hai đại đội thuộc Trung đoàn 174 (ngày 01-12-1947), v.v. Các hoạt động tác chiến rộng khắp đó đã tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Đường số 3 vừa đánh địch, vừa tổ chức sơ tán, di chuyển cơ quan Trung ương, kho tàng, cơ xưởng về nơi an toàn,…; chỉ đạo nhân dân thực hiện “vườn không nhà trống”, làm cho các đợt tiến công của địch đều như “đánh vào chỗ không người”; nhưng lại bị ta bất ngờ đánh vào bên sườn, phía sau, gây cho địch tổn thất nặng nề. Như vậy, với quy mô phổ biến là các trận đánh cấp đại đội và tiểu đoàn, kết hợp khéo léo giữa bộ binh đánh địch trên bộ với pháo binh đánh địch trên sông, nhằm vào các đơn vị nhỏ của chúng đang cơ động hoặc tạm dừng, ta đã tiêu diệt từng bộ phận quân địch, làm cho chúng muốn cơ động nhanh cũng không được, tìm cơ quan đầu não và chủ lực ta để đánh cũng không ra, mà lại luôn bị đánh bất ngờ, tổn thất nghiêm trọng. Đây là cách đánh rất sáng tạo, được Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo Chiến dịch vận dụng khéo léo, đạt hiệu quả chiến đấu cao; là yếu tố trực tiếp làm cho ý đồ “chơi ván bài cuối cùng” của tướng Va-luy (Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương) hoàn toàn tan vỡ.

Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông năm 1947 là dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước, bài học kinh nghiệm quý báu, tạo cơ sở cho quân và dân ta giành thắng lợi trong các chiến dịch kế tiếp sau này. Đã 70 năm trôi qua, nhưng chiến thắng oanh liệt đó còn nguyên giá trị đối với sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam nói riêng, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay nói chung.

Đại tá, TS. NGUYỄN XUÂN ĐÀI, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.