Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 18/06/2018, 07:59 (GMT+7)
Nét đặc sắc về nghệ thuật lập thế trận trong trận Bạch Đằng năm 938

Cách đây 1.080 năm, nhận được sự cầu viện của tên phản quốc Kiều Công Tiễn, Vương triều Nam Hán đã phát binh xâm lược nước ta một lần nữa. Rút kinh nghiệm từ thất bại của lần xâm lược trước (năm 930 - 931), lần này (năm 938) chúng chuẩn bị kỹ về mọi mặt, từ lực lượng đến lương thảo và phương thức tiến công. Theo tính toán của địch, để nhanh chóng thôn tính Đại Việt, chúng tổ chức 02 đạo binh tiến công trên hai hướng. Hướng thứ nhất do Hoằng Tháo chỉ huy, gồm lực lượng thủy binh hùng hậu, thiện chiến, với hàng vạn quân lương, hàng trăm chiến thuyền cỡ lớn,… thực hành vượt biển và ồ ạt tiến vào nước ta theo cửa sông Bạch Đằng. Hướng thứ hai theo đường bộ, do Lưu Cung - Vua Nam Hán trực tiếp chỉ huy, gồm lực lượng lớn bộ binh, kỵ binh áp sát biên giới, sẵn sàng ứng viện. Với ý đồ “nội công, ngoại kích”, trong lần xâm lược này, quân Nam Hán hí hửng sẽ nhanh chóng đè bẹp sự kháng cự của quân, dân Đại Việt.

Lễ kỷ niệm 1080 năm và 730 năm chiến thắng Bạch Đằng tại thị xã
Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: qtv.vn)

Với tầm nhìn xa, trông rộng và tài thao lược, Ngô Quyền đã cùng với Bộ Tham mưu cuộc kháng chiến dày công nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ tình hình địa hình, thời tiết, khí hậu, nhất là quy luật “con nước”; mạnh, yếu của địch, khả năng của ta để xác định phương lược tác chiến. Trước hết, nhằm làm thất bại âm mưu nham hiểm của địch, Ngô Quyền tập trung lực lượng diệt trừ bọn phản động, bán nước ở trong nước, phá tan ý đồ phối hợp ngoài tiến vào, trong đánh ra của chúng, tập trung sức mạnh cho trận quyết chiến chiến lược. Tiếp đó, trên cơ sở phán đoán đúng ý đồ của địch và nhận thức rõ thế thiên hiểm của địa hình, quy luật con nước,… cùng khả năng, sở trường của ta, Ngô Quyền cùng các tướng lĩnh đã lựa chọn khu vực cửa sông Bạch Đằng để tổ chức trận quyết chiến chiến lược. Theo kế sách đó, quân ta âm thầm, bí mật chuẩn bị lực lượng, triển khai thế trận tác chiến một cách toàn diện, liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc và có chiều sâu trên một khu vực rộng lớn ở cửa sông Bạch Đằng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và toàn dân, đánh bại hướng tiến công chủ yếu của địch. Đúng như dự đoán của ta, cậy thế quân đông, thuyền lớn,… lại hy vọng có nội ứng bên trong, đạo quân của Hoằng Tháo đã ào ạt tiến quân và nhanh chóng lọt vào trận địa mà ta đã bày sẵn. Trong bối cảnh đó, mặc dù chủ động tiến công, nhưng do rơi vào thế bất lợi cả ở dưới sông và trên bờ, lại vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của sức mạnh chiến tranh nhân dân, đạo thủy binh địch đã nhanh chóng bị tiêu diệt. Nghe tin đạo quân tinh nhuệ của Hoằng Tháo bị tiêu diệt hoàn toàn, Lưu Cung cùng đạo quân ứng phó, tiếp viện trên biên giới bàng hoàng, khiếp sợ và vội vã lui quân. Có thể nói, trận đánh trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 là một trong những trận đánh xuất sắc, nhanh, gọn, hiệu quả chiến đấu cao nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cho đến thời điểm đó và để lại nhiều bài học quý; tiêu biểu là nghệ thuật tạo lập thế trận tác chiến và được thể hiện ở một số điểm sau:

Một là, ra sức cố kết cộng đồng, tạo sự đồng lòng, chung sức của toàn dân để chiến thắng kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Chúng ta biết, cuộc kháng chiến của nhân dân Đại Việt chống quân Nam Hán xâm lược lần thứ hai diễn ra trong tình thế hết sức khó khăn do hậu quả nặng nề của quãng thời gian gần một nghìn năm Bắc thuộc. Ngô Quyền với “đội quân mới họp của nước Việt”1 còn non trẻ, trang bị vũ khí chủ yếu chỉ có cung, nỏ, lao, gậy, dao, kiếm hết sức thô sơ,... số lượng và chất lượng các loại thuyền chiến vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, Nam Hán là một nước mạnh cả về kinh tế và quân sự, có đội quân xâm lược dày dạn kinh nghiệm chiến đấu; đặc biệt, lực lượng quân sự, nhất là thủy binh thường xuyên được đầu tư, củng cố rất mạnh với nhiều chiến thuyền lớn, đa năng và một đội cung nỏ lợi hại. Để có sức mạnh vượt trội chống lại kẻ thù, bằng uy tín, tài năng và hành động chính nghĩa, Ngô Quyền ra sức cố kết cộng đồng, thu phục lòng người,… nhằm quy tụ mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các sĩ phu, trai tráng ở khắp các vùng, miền tham gia kháng chiến. Ngay khi được tin quân Nam Hán chuẩn bị xâm lược nước ta, một mặt, Ngô Quyền đẩy mạnh tuyên truyền về lòng yêu nước, tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến và tinh thần độc lập, tự chủ chống ngoại xâm của dân tộc; mặt khác, ra sức ổn định tình hình trong nước, thiết lập mạng lưới chính quyền chống quân xâm lược ở khắp nơi, v.v. Đây là cơ sở quan trọng để động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Nhờ đó, nhân dân ta từ đồng bằng ven biển đến trung du, miền núi đều tích cực đóng góp nhân tài, vật lực và công sức cho kháng chiến. Điển hình là, các thanh niên, trai tráng ở Gia Viên (nơi Ngô Quyền đặt đại bản doanh), Lâm Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng),... người mang vũ khí, kẻ mang thuyền bè, tìm đến cửa quân xin diệt giặc. Ba anh em họ Lý ở Hoàng Pha (Hoàng Động, Thủy Nguyên), ông tổ dòng họ Phạm ở Đằng Giang (An Hải, Hải Phòng) cũng chiêu mộ dân binh, hăng hái tham gia chiến đấu. Các hào trưởng, tộc trưởng, anh hùng, hào kiệt ở khắp nơi đều hăng hái đầu quân cho kháng chiến, thậm chí có nơi còn tự vũ trang thành các đội dân binh tại chỗ để tham gia chiến đấu. Do đó, Quân đội của Ngô Quyền tuy mới hình thành, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều nhưng được nhân dân các địa phương hết sức ủng hộ, nên ngày càng được bổ sung, phát triển cả về quân số và trang bị, làm cho đội quân của Ông từ một đội binh Ái Châu đã nhanh chóng trở thành đội quân dân tộc.

Hai là, nghiên cứu nắm chắc tình hình mọi mặt, chủ động bố trí trận địa cọc hiểm hóc, tạo thế bất ngờ, đánh bại thủy quân của địch. Sông Bạch Đằng là cửa ngõ phía Đông Bắc Tổ quốc, nơi có đường giao thông quan trọng từ Biển Đông vào nội địa Việt Nam, cửa sông rộng, có nhiều nhánh sông đổ về, hai bên là núi cao, cây cối um tùm, che lấp bờ sông - một địa hình thiên hiểm. Nghiên cứu nắm chắc địa hình, sông nước và các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù phương Bắc trước đây, Ngô Quyền tiên đoán rằng, đoàn thuyền chiến của Hoằng Tháo sẽ vượt biển tiến vào cửa sông Bạch Đằng rồi vào sâu nội địa nước ta. Vì thế, Ngô Quyền đặt quyết tâm: lợi dụng địa hình hiểm trở của rừng núi, sông nước vùng Đông Bắc để bày binh, bố trận hiểm hóc tại vùng hạ lưu và cửa biển Bạch Đằng nhằm diệt gọn toàn bộ chúng tại đây. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng đặt ra là, làm thế nào hãm được địch ở trên sông để tập trung lực lượng tiêu diệt, trong khi chúng có thuyền lớn, quân đông và thành thạo thủy chiến. Để giải quyết vấn đề này, Ngô Quyền chủ trương: phải thiết lập các bãi cọc ngầm, kiên cố, ở giữa lòng sông, nơi hiểm yếu và được vận hành theo quy luật con nước thủy triều để chặn giặc. Theo đó, Ông trực tiếp lựa chọn những người giỏi địa lý, thường xuyên theo dõi thực tế và nắm chắc quy luật thủy triều lên xuống hằng ngày để xác định các vị trí đóng cọc phù hợp. Ngoài ra, Ông còn tính độ mớm nước của thuyền địch, từ đó tính toán chính xác độ cao của hàng cọc để không gây khó khăn cho đoàn thuyền địch khi tiến vào cửa biển, nhưng lại chặn đứng chúng khi tháo chạy lúc thủy triều xuống. Thực hiện kế hoạch đề ra, Ngô Quyền huy động quân và dân vào rừng chặt gỗ, vận chuyển ra khu tập kết, động viên nhân dân tích cực rèn mũi sắt, vát nhọn đầu cọc,... làm tốt mọi công tác chuẩn bị. Trong thời gian ngắn, mặc dù thời tiết những ngày cuối năm mưa dầm, gió bấc, trời rét buốt như cắt vào da thịt, nhưng hàng nghìn cây gỗ nhọn đầu, bịt sắt đã được quân và dân ta bí mật cắm xuống lòng sông theo đúng ý định. Thực tiễn trận Bạch Đằng cho thấy, việc bí mật thiết lập các bãi cọc ngầm ở dưới lòng sông, quân và dân ta không chỉ khiến địch hoàn toàn bất ngờ, mà còn buộc chúng đang ở thế chủ động tiến công rơi vào thế bị động, lúng túng đối phó và nhanh chóng bị tiêu diệt. Đây là một thế trận sáng tạo, độc đáo trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Vì thế, đội thuyền chiến đông đảo của địch đã bị chặn đứng, dồn lại trong thế hỗn loạn khi quân ta tổ chức phản kích tiêu diệt.

Ba là, tổ chức, bố trí các lực lượng hợp lý, tạo sức mạnh tổng hợp, tiêu diệt lớn quân địch, kết thúc chiến tranh. Để giành thắng lợi quyết định trong trận quyết chiến chiến lược, cùng với bố trí trận địa cọc ở những nơi hiểm yếu, Ngô Quyền còn tổ chức, bố trí các lực lượng tác chiến một cách chặt chẽ, khoa học để hình thành trận địa mai phục quy mô lớn ở vùng hạ lưu và cửa sông Bạch Đằng. Thế trận đó gồm các lực lượng: chặn đầu, khóa đuôi,… và hai bên sườn đủ mạnh, phối hợp chặt chẽ với nhau để chặn đứng đội hình tiến công của chúng, thực hành phản kích mạnh mẽ, đủ sức tiêu diệt toàn bộ đạo binh thuyền của địch. Theo đó, ở phía đầu nguồn, Ngô Quyền tổ chức và trực tiếp chỉ huy lực lượng chặn địch; sử dụng một lực lượng thủy binh dày dặn kinh nghiệm chiến đấu, giỏi sử dụng thuyền chiến, do Dương Tam Kha chỉ huy, bố trí ở tả ngạn sông Bạch Đằng, phục sẵn ở các kênh rạch bên sông. Còn bên hữu ngạn sông Bạch Đằng, là nơi bố trí lực lượng (gồm cả thủy binh và bộ binh) do Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy, cánh quân này sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng dân binh địa phương để đánh địch. Nhiệm vụ của hai cánh quân này là đánh ập vào hai bên sườn đội hình địch, đẩy chúng xuống lòng sông, tạo điều kiện cho thủy quân tiêu diệt. Với cách tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng như vậy, kết hợp với trận địa cọc tạo thành một thế trận “thiên la, địa võng”, khiến đạo quân xâm lược không còn đường về.

Trận quyết chiến đã được bày sẵn, nhưng làm thế nào để kẻ thù mau chóng lọt vào trận địa mai phục của ta mà vẫn bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ? Để giải quyết vấn đề này, Ngô Quyền tổ chức một lực lượng khiêu chiến, do Nguyễn Văn Tố - người giỏi bơi lặn và quen thuộc sông nước Bạch Đằng - chỉ huy. Với những thủy binh có nhiều kinh nghiệm trên chiến trường sông nước, Ông sử dụng chiến thuyền vừa nhỏ vừa nhẹ, cơ động linh hoạt để đánh và dụ chúng đi vào khu vực trận địa cọc ta chuẩn bị và kìm chân chúng ở đó, tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực phản kích, tiêu diệt địch khi nước rút. Thực tế chứng minh, khi địch cơ động vào cửa sông Bạch Đằng đã bị lực lượng nhỏ của ta khiêu khích vừa đánh, vừa lừa, dụ chúng vào trận địa mai phục; khi nước rút, ta nhanh chóng phản kích mạnh mẽ, từng bước phá vỡ đội hình, không cho chúng có điều kiện, thời cơ triển khai đội hình chiến đấu. Trong thế bị động, quân địch vội rút ra biển, nhưng bị trận địa cọc chặn lại, làm cho đội hình hỗn loạn, mất sức chiến đấu; chớp thời cơ, ta nhanh chóng tiến công tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch, kết thúc cuộc chiến.

Chiến thắng Bạch Đằng đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại, để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, nhất là bài học xây dựng thế trận trên sông nước. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong việc xây dựng thế trận quân sự trong các khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận phòng thủ biển, đảo bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tá, ThS. PHẠM ĐỨC TRƯỜNG, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
______________

1 - Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Nxb KHXH, H. 1998, tr. 204.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.