Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 25/11/2021, 08:26 (GMT+7)
Mấy vấn đề nổi bật về nghệ thuật quân sự trong trận Đak Pơ

Trận Đak Pơ (24/6/1954) là trận phục kích điển hình của lực lượng vũ trang Liên khu 5, tiêu diệt toàn bộ Binh đoàn cơ động 100 quân viễn chinh Pháp. Trận đánh để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự cần nghiên cứu, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta vẫn còn tiếp diễn cho đến khi Hiệp định Giơnevơ chính thức được ký kết (20/7/1954) và lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, đẩy mạnh kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự, lực lượng vũ trang nhân dân cả nước nắm chắc thời cơ địch đang hoang mang, sa sút; tận dụng thế và lực do Chiến thắng Điện Biên Phủ mang lại, liên tục tiến công địch trên khắp các chiến trường và thu được nhiều thắng lợi. Nổi bật là, trên địa bàn huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai, chiến trường Tây Nguyên đã diễn ra trận đánh “Đak Pơ” lịch sử do Trung đoàn 96 - Liên khu 5 tiến hành, tiêu diệt toàn bộ Binh đoàn cơ động 100 quân viễn chinh Pháp1 rút chạy trên đường 19 từ thị trấn An Khê về Pleiku, đánh bại chiến dịch Át Lăng của tướng Nava, góp phần quan trọng đưa chiến trường Tây Nguyên đến thắng lợi. Cùng chiến thắng trên chiến trường chính Bắc Bộ và các chiến trường khác, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Tuy Đak Pơ là trận đánh cấp chiến thuật, nhưng mang ý nghĩa chiến dịch, chiến lược sâu sắc, để lại nhiều bài học quý.

1.  Xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ngay trong chiến đấu, ngay tại chiến trường. Đầu năm 1953, Bộ Tổng Tham mưu quân Pháp ý đồ thực hiện Kế hoạch Nava ở Nam Trung Bộ (Liên khu 5) và triển khai kế hoạch hành quân bằng Chiến dịch Át Lăng, nhằm tập trung lực lượng, tổ chức các binh đoàn cơ động mạnh, thực hành tiến công chiến lược phía Nam, chiếm đóng các vùng tự do (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên); sau đó, quay ra Bắc cùng với khối chủ lực cơ động quyết chiến chiến lược với chủ lực Việt Nam, giành thắng lợi quyết định.

Để đối phó với ý đồ đó, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chủ trương nhanh chóng xây dựng, phát triển bộ đội chủ lực bằng cách rút quân ở các địa phương lên bổ sung cho đơn vị chủ lực, tách một số tiểu đoàn từ các trung đoàn chủ lực thiện chiến ra thành lập các đơn vị mới. Chỉ “trong vòng 30 ngày, ta đã có Trung đoàn 96, một tiểu đoàn bộ binh (tiểu đoàn 375) và một số đại đội địa phương khác”2. Trung đoàn 96 (chủ lực Liên khu 5) - đơn vị trực tiếp đánh trận Đak Pơ, được thành lập ngay trong chiến đấu, ngay tại chiến trường Tây Nguyên. Thực chất Trung đoàn được thành lập từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, thuộc biên chế Đại đoàn 31, đã từng tham gia chiến đấu giành thắng lợi nhiều trận ở Đà Nẵng, nhưng do yêu cầu, nhiệm vụ điều chỉnh biên chế Trung đoàn sáp nhập vào các đơn vị. Vì vậy, ngay sau khi tái lập (01/5/1954), Trung đoàn được giao nhiệm vụ “sẵn sàng đánh phá tiểu khu An Khê, tiêu diệt địch rút chạy…”3. Nhiệm vụ nặng nề, trong khi cán bộ khung ghép từ các đơn vị về, biên chế còn thiếu nhiều vị trí; chiến sĩ mới được bổ sung từ các đơn vị, địa phương vào, nhưng Trung đoàn đã đoàn kết, trên dưới một lòng, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục kích, truy kích tiêu diệt Binh đoàn cơ động 100 quân viễn chinh Pháp. Điều này cho thấy, chủ trương xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang ngay trong chiến đấu, ngay tại chiến trường của Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 là hết sức đúng đắn, phù hợp với điều kiện thời chiến, đáp ứng yêu cầu đối phó kịp thời, thắng lợi với ý đồ sử dụng lực lượng tập trung, cơ động mạnh, hành quân đánh chiếm vùng tự do của địch.

2. Chọn đúng địa hình, mục tiêu phục kích. Trong trận này, ta chọn địa hình phục kích đoạn cầu Đak Pơ trên đường 19 từ An Khê đi Pleiku. Đoạn đường nằm giữa hai cứ điểm (Cà Tung, Mũi Nhung) cách nhau chưa đầy 15 km, nhưng rất hiểm trở, có giá trị về quân sự, đặc biệt về chiến thuật phục kích. Phía Bắc trục đường có nhiều đồi, núi xen kẽ, thuận tiện cho ta bố trí lực lượng, phương tiện chiến đấu bí mật, phát huy hỏa lực, làm bàn đạp xung phong ra mặt đường, đánh hất, dồn địch xuống phía Nam trục đường (địa hình có nhiều hố sâu kéo dài đến tận thung lũng Sông Ba). Phía Đông, Tây trục đường tiện bố trí lực lượng chủ yếu, gồm: đối diện, chặn đầu, khóa đuôi; tiện quan sát và phát huy hỏa lực. Nhìn chung, khi địch lọt vào đoạn này, bị ta cô lập hoàn toàn, dồn, tắc không thể cơ động; xung lực, hỏa lực khó triển khai, chỉ còn cách vứt, bỏ vũ khí, trang bị cá nhân lẩn trốn, còn không thì bị tiêu diệt.

Tại sao ta chọn đánh toàn bộ đội hình địch cơ động rút chạy trên đường 19 từ An Khê về Pleiku, trong đó có Sở Chỉ huy Binh đoàn 100, sở chỉ huy các tiểu đoàn, hỏa lực của địch mà không đánh địch đang trong các cứ điểm, tiền đồn ở thị trấn An Khê. Bởi lẽ, đánh địch trong công sự hiệu suất chiến đấu không cao, thời gian kéo dài, tổn thất, thương vong lớn, còn đánh địch cơ động trên đường rút chạy (bộc lộ lực lượng), ta có nhiều lợi thế: dễ quan sát, phát hiện, tiêu diệt; địa hình hiểm trở, tạo được bí mật, bất ngờ; chủ động thời cơ nổ súng; phát huy được sở trường, thế mạnh. Vì thế, khi địch lọt vào thế trận phục kích, ta nổ súng tiến công tiêu diệt từ hai bên sườn, chặn đầu, khóa đuôi làm cho chúng hoàn toàn bị động, lúng túng đối phó; bắt sống chỉ huy binh đoàn, tiểu đoàn địch, chúng càng rối loạn mất sức chiến đấu, chịu thất bại.

3. Nắm, tận dụng thời cơ, thế trận tiến công tiêu diệt địch. Trung đoàn 96 tận dụng được thời cơ chiến lược trên toàn chiến trường Đông Dương, quân viễn chinh Pháp đang hết sức hoang mang, dao động sau Chiến thắng Điện Biên Phủ của ta, cùng sự thất bại liên tiếp trên các hướng chiến trường và thực tế cuộc chiến tranh đang ở giai đoạn cuối - ngừng bắn theo Hiệp định Giơnevơ. Đặc biệt, ngay tại chiến trường Tây Nguyên địch cũng đang ở vào thế bị động, phải dừng chiến dịch Át Lăng không dám hành quân đi đánh chiếm vùng tự do theo kế hoạch, mà phải quay về giữ các tiền đồn, thị xã, thị trấn, trục đường giao thông chính. Quân viễn chinh Pháp đang lo sợ bị tiêu diệt lớn, đây là thời cơ địch hoang mang, dao động cực điểm, thế địch đang đi xuống, binh lính mất tinh thần,… trong khi Trung đoàn 96 lợi dụng được thế trận của trên và đơn vị bạn tạo ra, nhất là Trung đoàn 803 đánh địch trên đường 7 và 14 (khu vực Pleiku - Cheo Reo - An Khê), Trung đoàn 108 chặn đánh Binh đoàn 42 địch ở Play Bôn; thế hiểm của đoạn đường cầu Đak Pơ và thế trận phục kích vững chắc do Trung đoàn xây dựng, nên mặc dù lực lượng không nhiều, không ưu thế hơn địch, ta vẫn giành thắng lợi giòn giã. Thực tiễn đó cho thấy, “có thời, có thế trận tốt, chiến sĩ mới, cán bộ mới cũng lập được công to. Lực lượng đông, có trang bị mạnh mà bị hãm vào đất hiểm, lại bị thời cơ chi phối thì kẻ địch dù là Pháp, hay kẻ thù nào khác cũng sẽ bị tiêu vong”4. Ta đã tận dụng được thời cơ, thế trận để “lấy ít thắng nhiều”, phát huy sức mạnh cao nhất, dám dùng lực lượng ít hơn đánh tan đối phương có lực lượng lớn hơn nhiều lần.

4. Quyết tâm chiến đấu táo bạo. Mặc dù lực lượng chủ yếu của ta chỉ có 02 tiểu đoàn bộ binh với vũ khí, trang bị không nhiều, không mạnh, nhưng dám quyết tâm tiến công tiêu diệt cả một binh đoàn chủ lực mạnh đang cơ động bằng xe cơ giới có không quân yểm trợ, pháo binh chi viện. Quyết tâm táo bạo đó dựa trên cơ sở khoa học là: tư tưởng địch đang hoang mang, dao động đến cực điểm, tâm lý hoảng loạn, rút chạy; ta nắm chắc quy luật hành quân của địch và lực lượng địch bộc lộ rõ trên đường dễ quan sát, phát hiện, tiêu diệt, nhìn chung địch ở thế bất lợi hoàn toàn. Trung đoàn tuy mới thành lập, nhưng đội ngũ cán bộ từ trung đội đến tiểu đoàn, trung đoàn đều đã được thử thách, rèn luyện, có kinh nghiệm, bản lĩnh chỉ huy chiến đấu từ các đơn vị thiện chiến trên địa bàn Liên khu 5. Địa hình hiểm trở, thuận lợi cho ta triển khai thế trận phục kích bí mật, bất ngờ, v.v.

5. Sử dụng lực lượng hợp lý, phát huy sức mạnh bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích tham gia đánh địch. Trong trận này ta tổ chức lực lượng hết sức sáng tạo, quyết đoán. Kết hợp sử dụng Tiểu đoàn 79 phục kích đoạn chủ yếu (từ cầu Đak Pơ về phía Đông), Tiểu đoàn 40 chặn đầu và phục kích từ cầu Đak Pơ về phía Tây, tổ chức các bộ phận: dự bị, khóa đuôi, đối diện, hỏa lực,… sử dụng Trung đoàn địa phương 120 (phối thuộc) đánh địch trên đoạn An Khê - Cà Tung, phá cầu, cống, kiềm chế, làm giảm sức cơ động và ngăn chặn địch rút chạy. Sử dụng dân quân, du kích, đồng bào Ba Na ở địa phương do Anh hùng Núp phụ trách bao vây, cô lập lực lượng địch ở An Khê, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ Trung đoàn 96 phục kích tiêu diệt địch.

Nhờ sử dụng lực lượng hợp lý, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu từ phục kích tại chỗ đến vận động phục kích, đánh địch phản kích, truy kích địch rút chạy; phát huy tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, kiên cường, vừa chiến đấu, vừa thu vũ khí địch để đánh địch, ta đã tiêu diệt toàn bộ Binh đoàn 100 - lực lượng cơ động mạnh của quân viễn chinh Pháp vừa rút từ Chiến trường Triều Tiên về tăng cường cho Tây Nguyên.

Đak Pơ là trận phục kích mẫu mực, thể hiện sự mưu trí, anh dũng của quân và dân trên địa bàn, tiêu diệt gọn Binh đoàn cơ động 100 của quân viễn chinh Pháp; mãi mãi là chiến công oanh liệt của quân, dân Liên khu 5. Gần 70 năm trôi qua, những bài học quý trong trận Đak Pơ vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam và vận dụng hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, TS. ĐOÀN CHÍ KIÊN, Trường Sĩ quan Lục quân 1
__________________

1 - GM 100 là Binh đoàn cơ động mạnh nhất của quân viễn chinh Pháp ở chiến trường Đông Dương thời điểm đó được rút từ Triều Tiên về tăng cường cho chiến trường Tây Nguyên trong chiến tranh Việt Nam.

2 - Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 - Từ Điện Biên Phủ đến Bắc Tây Nguyên (Trung đoàn 96 - trận tiêu diệt Binh đoàn cơ động 100 của Pháp), Nxb QĐND, H. 1995, tr. 21.

3 - Sđd, tr. 25.

4 - Sđd, tr. 46.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.