Thứ Ba, 17/09/2024, 10:16 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã giáng một đòn chí tử vào quân viễn chinh Mỹ, làm đảo lộn thế chiến lược của địch, lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc Oa-sinh-tơn phải từng bước xuống thang trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thắng lợi đó do nhiều nguyên nhân; trong đó, công tác chuẩn bị tác chiến là nét nổi bật.
Trên cơ sở phân tích khoa học mọi mặt liên quan đến cuộc chiến tranh và theo dõi sát diễn biến thực tế trên các chiến trường, những tháng đầu năm 1967, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đề ra Kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967 - 1968, nhằm tận dụng thời cơ có lợi, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, tháng 10-1967, Bộ Chính trị họp xác định chủ trương, kế hoạch chiến lược năm 1968. Đây là hội nghị rất quan trọng, quyết định kế hoạch tiến công táo bạo trên toàn chiến trường miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Để thực hiện, ngay trong năm 1967, hàng loạt vấn đề đã được ta nghiên cứu và tiến hành một cách chặt chẽ, chu toàn. Theo đó, các địa phương khắp miền Nam nói riêng, cả nước nói chung đã đồng loạt gấp rút mọi công tác chuẩn bị. Chính trong thời gian này, ta đã đưa được số lượng lớn lực lượng, vũ khí, trang bị vào ém sẵn, lót sâu, sát sào huyệt địch - nơi được bảo vệ rất nghiêm ngặt; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân sẵn sàng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang tiến công địch,… tạo thế trận vững chắc, bảo đảm đầy đủ các yếu tố cần thiết cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân 1968 giành thắng lợi. Công tác chuẩn bị chu đáo đó được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:
1. Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Từ thực tiễn lịch sử của dân tộc ta và bằng kinh nghiệm hoạt động cách mạng, Đảng đã đánh giá đúng vai trò to lớn của nhân dân. Trong đó, tạo được “thế trận lòng dân” vững chắc sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất để cuộc Tổng công kích giành thắng lợi. Vì thế, khi bước vào làm công tác chuẩn bị, bằng nhiều biện pháp, Đảng ta đã động viên, bồi dưỡng tinh thần cách mạng và sức sáng tạo cho nhân dân; dày công xây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở quần chúng ở sâu trong lòng địch. Các kế hoạch vận động gia đình binh sĩ trong quân đội ngụy quyền; tổ chức các đơn vị địch làm binh biến, chiếm giữ các mục tiêu và các hoạt động tác chiến của ta,… được xây dựng chặt chẽ. Ta còn vận động, cảm hóa được một số tề xã, tề ấp, cảnh sát ngụy tham gia tác chiến và vận chuyển vũ khí vào ém ở các trọng điểm. Cùng với đó, trước khi nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, ta cho công bố chính sách 8 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với sĩ quan, binh lính, cảnh sát của chính quyền Sài Gòn và chính sách 4 điểm với nhân viên ngụy quyền. Những việc làm đó đã động viên, khuyến khích nhiều đơn vị, cá nhân làm binh biến, diệt ác ôn, chiếm căn cứ, kho tàng, sân bay, bến cảng, giải thoát đồng bào bị giam cầm, nộp hồ sơ, ngân quỹ cho cách mạng. Vì thế, trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, ta đã làm chủ ở cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Đặc biệt, ta đã làm chủ một số vùng sát các căn cứ đóng quân và xen kẽ trong hệ thống đồn bốt dày đặc của Mỹ - ngụy. Đây chính là “trận địa lòng dân” vững chắc, cơ sở thuận lợi để ta tiến hành công tác chuẩn bị. Cùng với đó, ta còn xây dựng được nhiều tổ, đội vũ trang, tuyên truyền, binh vận và hàng nghìn quần chúng nòng cốt tại các khóm, phường, khu phố, v.v. Chính chiều sâu và diện rộng của “thế trận lòng dân” không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho các đơn vị lực lượng vũ trang tiến công địch, mà còn là chỗ dựa cho sự kết hợp đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, giữa tiến công và nổi dậy; làm cho chúng hoang mang, dao động, lúng túng khi phải đối phó với chiến tranh nhân dân Việt Nam.
2. Chuẩn bị đầy đủ vật chất, vũ khí, trang bị cho Tổng công kích. Đây là nội dung rất quan trọng trong công tác chuẩn bị. Bởi, mục tiêu trọng điểm của cuộc Tổng tiến công chiến lược là các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam – nơi địch bố trí nhiều lực lượng, phòng thủ vững chắc, cẩn mật. Hơn thế, các hoạt động tác chiến của ta sẽ diễn ra trên diện rộng với nhiều lực lượng tham gia, đòi hỏi phải có một khối lượng rất lớn về vật chất, vũ khí, trang bị bảo đảm. Để thực hiện, ta đã huy động toàn bộ lực lượng với tất cả các loại phương tiện có thể vận chuyển, bằng nhiều biện pháp, nhiều con đường, bí mật đưa số lượng lớn vật chất tập kết tại các địa điểm quy định an toàn. Theo đó, Đoàn vận tải chiến lược Trường Sơn chấn chỉnh tổ chức, chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ huy, quản lý, vận chuyển. Cơ quan Đoàn bộ được kiện toàn gọn nhẹ, hoạt động có hiệu suất cao. Tuy quân số chỉ tăng 30%, xe máy bổ sung mới đủ bù vào số bị tổn thất do máy bay địch đánh phá, nhưng khả năng vận chuyển các loại vật chất từ miền Bắc vào tăng gấp ba lần so với mùa khô năm trước. Trên tuyến vận tải hậu phương miền Bắc, ta mở Chiến dịch vận tải mùa mưa 1967, nhằm chủ động chuẩn bị sớm chân hàng cho đoàn vận tải chiến lược vào miền Nam. Mặc dù máy bay, tàu chiến địch đánh phá ráo riết, thời tiết không thuận lợi, Chiến dịch vận tải đã hoàn thành vượt mức cả về vận chuyển hàng vào tiền phương và tiếp nhận hàng viện trợ từ nước ngoài. Trong hai năm: 1967 và 1968, các chiến sĩ vận tải, thanh niên xung phong, hải quân ở miền Bắc đã vượt Trường Sơn và biển cả, chi viện cho chiến trường miền Nam trên 200 nghìn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, v.v.
Phát huy “thế trận lòng dân” và thế trận chiến tranh nhân dân, ta đã huy động được lực lượng lớn nhân dân trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Bộ tham gia phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Lực lượng này tiến hành vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm từ các địa điểm tập kết vào nội đô, cất giấu trước và cứu thương, tải thương khi chiến sự nổ ra. Hội phụ nữ ở một số địa phương còn thực hiện phong trào xây dựng “hũ gạo nuôi quân”. Theo đó, mỗi gia đình để sẵn 05 lon gạo đón bộ đội chủ lực, sau đó cứ mỗi tuần lại quyên góp một lần, v.v. Vì thế, đến đầu năm 1968, trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, ta đã xây dựng được 19 điểm lõm chính trị, 12 kho vũ khí, 400 điểm ém quân, phần lớn ở gần các mục tiêu sẽ đánh chiếm. Mỗi điểm lõm có nhiều cơ sở cất giấu vũ khí và ém quân, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
3. Chuẩn bị lực lượng mạnh và thế trận tác chiến có lợi cho Tổng tiến công và nổi dậy. Cùng với chuẩn bị tốt “thế trận lòng dân”, chuẩn bị chu đáo về vật chất, vũ khí, trang bị, ta tích cực chuẩn bị lực lượng và thế trận tác chiến, tạo nên lực mạnh, đáp ứng yêu cầu cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Về chuẩn bị lực lượng, năm 1967 ta có hơn 94.000 cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc biên chế thành từng trung đoàn, sư đoàn bộ binh và binh chủng kỹ thuật đã hành quân vào bổ sung cho mặt trận, nâng tổng số quân ở miền Nam lên 220.000 quân chủ lực và 57.000 quân địa phương (không kể dân quân, du kích, tự vệ). Các quân khu miền Nam khẩn trương thực hiện việc tổ chức lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược lịch sử sắp diễn ra. Quân khu Trị - Thiên điều cán bộ bổ sung cho các huyện có phong trào quần chúng còn yếu; phát triển mạnh cơ sở chính trị ở nội, ngoại thành Huế. Ngoài Trung đoàn 6 chủ lực, Quân khu còn được tăng cường thêm Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304). Thành đội Huế thành lập các đoàn đặc công: K1, K2, củng cố và phát triển 14 đội biệt động. Các địa phương của Quân khu tổ chức dân quân, tự vệ thành từng đại đội đưa ra phía trước, hình thành khối có từ 02 đến 03 đại đội nhằm tiến đánh các quận lỵ, thị trấn. Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định hợp nhất và chia thành 06 phân khu, bố trí lực lượng thành 05 mũi tiến công vào nội đô Sài Gòn. Đặc biệt, phân khu 6 (các quận nội thành) có 11 đội đặc công, biệt động, tổ chức thành 03 cụm (Đông, Nam, Bắc). Các phân khu khác có từ 04 đến 06 tiểu đoàn bộ binh, tổ chức thành những tiểu đoàn mũi nhọn hướng vào nội đô để phối hợp và tiếp ứng cho các đội đặc công, biệt động. Bộ đội chủ lực Miền được tăng thêm lực lượng làm nhiệm vụ tiến công và ngăn chặn các sư đoàn Mỹ và quân ngụy ở hướng Bắc, Tây – Bắc, Đông Sài Gòn và bảo đảm phía sau cho lực lượng của các phân khu. Các quân khu: 5, 6, 8 và 9 tổ chức thêm nhiều tiểu đoàn và đại đội tỉnh, huyện, bằng cách tập trung dân quân tự vệ, động viên thêm tân binh và bố trí hướng vào các mục tiêu trọng điểm. Cùng với lực lượng vũ trang, hàng đoàn cán bộ thâm nhập vào các thị xã, thị trấn bằng con đường hợp pháp và bí mật, cùng cán bộ và cơ sở nội thành tiến hành các mặt công tác tổ chức, chuẩn bị cho quần chúng nổi dậy. Lúc này, quân và dân trên toàn miền Nam có khí thế phấn khởi, sôi nổi chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt. Như vậy, quy mô chuẩn bị lực lượng là toàn Miền, toàn diện, rộng lớn trên nhiều hướng, tất cả đã sẵn sàng. Mặc dù chuẩn bị lớn như vậy, nhưng ta vẫn giữ được bí mật, khiến cho Bộ Chỉ huy quân đội viễn chinh Mỹ và quân ngụy hoàn toàn bất ngờ khi cuộc Tổng công kích nổ ra.
Để chuẩn bị thế trận tác chiến có lợi, ta đã phát triển thế chủ động tiến công, nhằm đẩy địch lún sâu hơn nữa vào thế phòng ngự, bị động. Theo đó, lực lượng chủ lực của ta đẩy mạnh tác chiến theo hướng tiêu diệt lớn lực lượng địch (gọn chiến đoàn, trung đoàn, lữ đoàn ngụy). Cùng với đòn nghi binh có hiệu quả tại Khe Sanh, thu hút và giam chân một lực lượng lớn quân chủ lực địch, ta chuyển sang đánh mạnh vào các vùng ven và cả bên trong thị trấn, thị xã. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của các đội biệt động, đặc công trong các thành phố, làm cho hậu phương địch ngày càng rối loạn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đứng lên đấu tranh chính trị. Chỉ trong vòng ba tháng trước Tết Mậu Thân 1968, ta thu được hàng loạt chiến thắng giòn giã, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, trong đó có các chiến thắng: Đắc Tô (Tây Nguyên), Hậu Nghĩa, Cái Bè (Mỹ Tho), Bà Chiểu (Tây Ninh), Quế Sơn (Quảng Nam), Phú Lộc (Thừa Thiên), v.v. Khối cơ động lực lượng của cả quân đội Mỹ và quân ngụy phải điều lực lượng đối phó với hàng loạt hành động đánh vừa, đánh nhỏ của quân và dân miền Nam, buộc chúng lâm vào tình trạng phân tán, căng thẳng thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra đúng ý định.
Đây chính là yếu tố quan trọng, tạo thuận lợi cho cuộc Tổng công kích giành thắng lợi to lớn, buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược quân sự. Bài học về công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thượng tá, ThS. LÊ HỮU TRƯỜNG và Thiếu tá, ThS. NGUYỄN VĂN NGỌC
Học viện Quốc phòng
Mậu Thân 1968
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 19/08/2024
Nghệ thuật đánh trận then chốt quyết định trong Chiến dịch Nông Sơn - Thượng Đức năm 1974 15/07/2024
Nhà Lý kết hợp tiến công quân sự với biện pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh, kiến tạo hòa bình 24/06/2024
Chiến dịch Long Khánh năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật tập kích 04/06/2024
Nghệ thuật đánh điểm, diệt viện trong Chiến dịch Trung - Hạ Lào năm 1954 22/04/2024
Nét nổi bật về nghệ thuật đánh trận mở đầu trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1954 15/02/2024
Chiến dịch Phước Bình - Bù Đốp năm 1969 - nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng cách đánh 22/01/2024
Nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch giải phóng Lai Châu năm 1953 14/12/2023
Nghệ thuật sử dụng pháo binh trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 13/11/2023
Nghệ thuật chuyển hóa thế trận trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 19/10/2023
Nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về tạo và nắm thời cơ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945