Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 12/07/2018, 09:19 (GMT+7)
Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 nhìn từ phía bên kia

Kể từ khi Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 kết thúc đến nay, tại Mỹ và một số nước phương Tây đã xuất bản nhiều ấn phẩm, công trình nghiên cứu cùng nhiều bài báo, tạp chí bình luận của các nhà nghiên cứu, học giả, trong đó có các tướng lĩnh Mỹ trực tiếp tham chiến. Tuy nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng phần lớn đều cho rằng, Mỹ đã thất bại thảm hại trong Chiến dịch có một không hai này.

Khe Sanh địa bàn có vị trí chiến lược đối với cả hai bên tham chiến. Với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, đây là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn miền Nam. Còn đối với quân Mỹ, đây là tuyến phòng ngự chiến lược, ngăn chặn mọi cuộc tiến công, chi viện của quân Bắc Việt, bảo vệ chế độ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam Việt Nam; bởi thế, cả hai bên đều quyết tâm chiếm, giữ bằng được. Xuất phát từ vị trí đó, hai bên theo dõi nhất cử, nhất động của nhau để hoạch định chiến lược của mình. Từ nửa cuối năm 1967, khi phát hiện nhiều đơn vị chủ lực Quân Giải phóng miền Nam di chuyển khắp chiến trường, Lầu Năm Góc phán đoán sẽ có một kế hoạch quân sự rất lớn của Bắc Việt.

Trước tình hình đó, từ Nhà trắng đến Sài Gòn đã tổ chức nhiều cuộc họp bất thường, các quan chức, tướng lĩnh, sĩ quan Mỹ bàn luận, phán đoán, tranh cãi: Bắc Việt muốn lập một “Trận Điện Biên Phủ” đối với quân Mỹ tại Đường 9 - Khe Sanh. Quá lo ngại sự việc trên, Tổng thống Mỹ Lin-đơn B. Giôn-xơn (Lyndon B. Johnson) yêu cầu các tướng lĩnh “ký tên bằng máu” cam kết rằng, Khe Sanh sẽ không sụp đổ”1. Theo đó, tướng Uy-li-am C. Oét-mo-len (William C.Westmoreland) - Tổng chỉ huy quân Mỹ tại Việt Nam lập tức điều động gần 03 sư đoàn quân Mỹ ra phía Bắc của Nam Việt Nam. Mặc dù đã coi hành động của Quân giải phóng miền Nam tại Khe Sanh là “một sự kiện chính yếu của cuộc tấn công từ phe cộng sản”2, nhưng tướng Oét-mo-len vẫn “tự tin” tuyên bố rằng, với lối đánh, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, hỏa lực mạnh và đặc biệt là căn cứ được xây dựng kiên cố, vững chắc thì “Khe Sanh sẽ mang lại một chiến thắng của Hoa Kỳ”. Nhận định về sự kiện này, tác giả Neil Sheehan đã viết “Những người cộng sản Việt Nam không hề có ý định làm một “Điện Biên Phủ thứ hai” ở đấy. Mục tiêu của họ là Uy-li-am C. Oét-mô-len chứ không phải là pháo đài bị bao vây. Chỗ ấy chỉ là một cái bẫy làm viên tướng tổng chỉ huy không ngờ đến mục đích thật sự”3. Đúng như vậy, Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ động mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh nghi binh chiến lược, nhưng cũng vừa là chiến dịch tiến công thực hiện quyết tâm đánh chiếm bằng được địa bàn này nhằm nối thông tuyến vận tải chiến lược từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam.

Là người theo dõi sát hoạt động của hai bên trong suốt chiến sự diễn ra tại khu vực Đường 9 - Khe Sanh, nhà sử học Mai-cơn Mác-lia (Maicol Maclia) đã mô tả tính chất ác liệt của trận đánh ngay từ ngày đầu tiên: “Rạng sáng ngày 21-01-1968, pháo tầm xa của Bắc Việt mở màn cuộc bao vây Khe Sanh với sự chính xác tai hại”4. Còn báo chí Pháp, nhất là các tờ nhật báo đều đăng tải chiến sự tại Khe Sanh và cho rằng, Mỹ gặp rất nhiều khó khăn về việc bảo đảm: “Ở những ngọn đồi cứ điểm xung quanh Khe Sanh, nạn thiếu thực phẩm và nước uống đã trở nên nghiêm trọng. Cơn đói, khát, cảnh rách rưới đã giày vò những người lính Mỹ bảo vệ Đồi 881 và 861”5. Còn Tập san Quốc tế thì thẳng thắn: “Nhìn vào thực tế của Mỹ và chính quyền Sài Gòn thì tình hình xấu đi về mọi mặt, không hiểu số phận của cuộc chiến đi đến đâu, nhân dân yêu chuộng tự do và hòa bình ở các nước phương Tây đều bất bình. Bản thân cuộc chiến có lẽ sắp đến hồi kết”6.

Qua khối tài liệu mật được giải mã cho thấy, lời thú nhận của tướng lĩnh Mỹ được thể hiện qua các báo cáo gửi về bộ phận an ninh Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn thời điểm tháng 6-1968, ghi rõ: “Khe Sanh đã trở thành nơi mà lần đầu tiên quân đội Mỹ phải rút bỏ một căn cứ quân sự trọng yếu bởi áp lực của đối phương”7. Báo Tia sáng tại Sài Gòn số ra ngày 27-6 đã miêu tả chi tiết: “Các cuộc rút quân của Mỹ tại Khe Sanh rất bài bản, nhưng vẫn bị đối phương phát hiện và nỗ lực chặn đánh,…”. Tờ Baltimore (Mặt trời) tại Pháp số ra ngày 28-6-1968 cũng đồng tình việc “Mỹ vừa buộc phải rút khỏi Khe Sanh, một căn cứ quân sự được phòng thủ với giá đắt, kết cục thật bi thảm”.

Sau khi quyết định rút quân, Mỹ lo lắng phải đối mặt với các phương tiện truyền thông trong nước. Vì, trước đó 4 tháng, Tổng thống Lin-đơn B. Giôn- xơn đã tuyên bố “sẽ giữ Khe Sanh bằng mọi giá”, thậm chí, phát ngôn viên của Chính phủ Mỹ còn tuyên bố “chiến thắng” và “Khe Sanh đã được giải vây”. Thực tế, phóng viên Giôn Ca-rôn (John Carol) của tờ Mặt trời Ban-ti-mo (Baltimore) đã phơi bày sự thật này, ngày 24-6, quân Mỹ “vừa buộc phải rút bỏ Khe Sanh”. Bộ chỉ huy Mỹ lập tức phản bác tin này, nhưng Giôn Ca-rôn khẳng định, “Các thủy quân lục chiến biết việc này, người Bắc Việt Nam biết việc này”. Sự che đậy vụng về của Nhà Trắng đã bị lật tẩy, làn sóng đấu tranh của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình ở cả Mỹ và các nước trên thế giới tăng cao. Như vậy, mọi toan tính của Mỹ hòng cắt đứt tuyến chi viện chiến lược của Bắc Việt Nam từ các căn cứ quân sự vùng giới tuyến không thực hiện được. “Phán quyết của lịch sử về Khe Sanh cho là Mỹ đã thua và buộc tội Tướng Uy-li-am C. Oét-mô-len hơn là công nhận một sự thực về bản hùng ca đã bảo vệ được cả quốc gia đứng vững trong thời gian tổng công kích từ tháng Giêng đến tháng Tư năm 1968”8.

Tựu trung lại, tuy còn có sự nhận thức chưa đồng thuận xung quanh một số vấn đề liên quan đến chiến sự tại Đường 9 - Khe Sanh; song, về phía Quân Giải phóng miền Nam, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 đã góp phần giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chính quyền của Tổng thống B. Giôn-xơn phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, cử đại diện đàm phán với Hà Nội tại Hội nghị Pa-ri (Paris). Còn về phía Hoa Kỳ, thất bại ở Đường 9 - Khe Sanh làm sâu sắc thêm sự phân hóa, chia rẽ nội bộ Mỹ; thúc đẩy phong trào phản chiến trong các tầng lớp nhân dân. Đúng như nhà sử học Ronald Spector nhận xét: “Không có lý do nào hợp lý để coi trận đánh Khe Sanh là một chiến thắng của Hoa Kỳ như họ đã tuyên bố. Với việc rút bỏ căn cứ Khe Sanh đã khắc sâu trong tâm trí của nhiều người Mỹ như là một biểu tượng của sự hy sinh vô nghĩa và những chiến thuật lộn xộn đã khiến cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam đi đến thất bại”9.

Từ khi chiến sự Đường 9 - Khe Sanh kết thúc cho đến nay, các nhà hoạch định chiến lược, nhiều tướng lĩnh và các nhà báo, phóng viên các tạp chí lớn của Mỹ và một số nước phương Tây tập trung nghiên cứu phân tích, đánh giá và thống nhất đưa ra một số nguyên nhân thất bại của Mỹ.

Một là, Hoa Kỳ thua vì không đảm bảo được vật chất phục vụ sinh hoạt của binh lính Mỹ ở Khe Sanh. Số phận của hơn 6.000 lính Mỹ trong căn cứ Khe Sanh hoang mang, dao động và nỗi ám ảnh nhất là cái chết đang cận kề. Đến tận bây giờ, cựu binh Mỹ John Scott Jones vẫn không thôi bị ám ảnh và than thở rằng: “Chúng tôi đã ở dưới những căn hầm trú ẩn nhỏ, có rất nhiều bom đạn thả xuống, rất nhiều người chết và bị thương”. Chia sẻ với binh lính Mỹ, Hãng tin AP đưa ra bình luận rằng, “Sống ở Khe Sanh nào khác gì kẻ bị kết án ngồi trên ghế điện”.

Hai là, Quân Giải phóng miền Nam đã thiết lập hệ thống công sự, trận địa vây, lấn được kiểm nghiệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) để đối phó với vũ khí, trang bị, kỹ thuật hiện đại, hỏa lực mạnh của Mỹ. Để lý giải cho điều này, Tư lệnh quân chiến đấu Mỹ tại Khe Sanh viết trong báo cáo rằng, chúng phải sử dụng đến 1.000 viên đạn pháo chỉ để phá hủy 30 mét đường hào cùng một vài người lính của Quân Giải phóng miền Nam.

Ba là, Quân Giải phóng miền Nam vừa thực hiện được đòn nghi binh chiến lược, vừa quyết tâm chiếm giữ Đường 9 - Khe Sanh. Đúng như tác giả Mai-cơn Mác-lia trong cuốn “Việt Nam cuộc chiến tranh mười nghìn ngày” đã nhận xét: “Các trận đánh trong Tết Mậu Thân làm cho người ta có cảm tưởng rằng Khe Sanh có vẻ như là cuộc bao vây để đấy mà thôi. Nếu vậy, thì Bắc Việt Nam là bậc thầy trong việc nghi binh”10. Điều này còn được khẳng định trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9-1994 của đại tá Hoa Kỳ khi ông phỏng vấn đại tướng Võ Nguyên Giáp về cuộc tiến công Đường 9 - Khe Sanh năm 1968. Đại tướng cho biết: “ông biết khả năng không quân của Mỹ là cực mạnh khiến việc lặp lại Điện Biên Phủ là không thể, mục tiêu thực tế mà ông theo đuổi là gây cho quân Mỹ thương vong lớn khiến họ phải sa lầy, nhụt chí và cuối cùng phải tự rút khỏi đó. Thực tế ông đã đạt được mục tiêu đó sau 6 tháng giao chiến khiến quân Mỹ liên tục bị tiêu hao sinh mạng ở mức độ cao”.

Bốn là, Quân Giải phóng miền Nam có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tài giỏi, cùng với tất cả cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng khác đã kiên quyết, liên tục tiến công đối phương (quân Mỹ) là một yếu tố quan trọng tạo sức đột phá mạnh, giành thắng lợi nhanh, hạn chế thương vong, tổn thất. Đặc biệt là, công tác xây dựng yếu tố chính trị, tinh thần và nhiệm vụ tác chiến của từng đơn vị, từng hướng, từng mũi, góp phần củng cố ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm chiến đấu, giành thắng lợi.

Tuy nhiên, cũng có một số sách, báo được phát hành tại Mỹ đã cố tình bào chữa cho những sai lầm của Mỹ kể từ khi họ tính toán để thiết lập tuyến phòng thủ Khe Sanh (từ năm 1962) cho đến khi chiến sự Đường 9 - Khe Sanh kết thúc. Dù thế nào đi chăng nữa thì thất bại thảm hại tại Khe Sanh là không thể đảo ngược. Tờ Thời báo New York đưa tin từ Hồng Công cũng nhấn mạnh rằng: “70% người Châu Á tin rằng lý do Mỹ phải bỏ Khe Sanh là bởi họ đã bị đối phương đánh bại”.

Đại tá, TS. TRƯƠNG MAI HƯƠNG, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
________________

1 - Mai-cơn Mác-lia, Việt Nam - Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Sự thật, H. 1990, tr. 149.

2 - Theo Tài liệu Mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, lưu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

3 - Neil Sheehan - Sự lừa dối hào nhoáng, Nxb CAND, H. 2003, tr. 844.

4 - Mai-cơn Mác-lia - Việt Nam - Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb. Sự thật, H. 1990, tr. 148.

5 - Báo Pháp Paris Pret (Paris X.press), số ra ngày 10-3-1968.

6 - Sđd, số ra ngày 02-3-1968.

7 - Theo Tài liệu Mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, lưu Thư viện Quân đội.

8 - Trần Hồng Tâm dịch từ “5 điều bạn chưa biết về Khe Sanh” của Thomas E.Ricks, FP, May 5, 2014; điểm cuốn “Gian hàng cuối cùng tại Khe Sanh” của Gnegg Jones.

9 - Tài liệu Mật Bộ Quốc phòng Mỹ, lưu tại Thư viện Trung ương Quân đội.

10 - Mai-cơn Mác-lia - Việt Nam - cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb Sự thật, H. 1990, tr. 149.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.