Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 28/09/2020, 08:53 (GMT+7)
Bước phát triển nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Biên giới 1950

Chiến dịch Biên giới 1950 là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực, phá sản hoàn toàn Kế hoạch Rơve của địch, phá thế bao vây, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, giành thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ. Đồng thời, khai thông tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, cơ sở, nền tảng để Việt Nam mở rộng quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa đối với cuộc kháng chiến. Trải qua 29 ngày, đêm (16/9/1950 - 14/10/1950) chiến đấu quyết liệt, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn, đáp ứng được yêu cầu chiến lược, mở ra giai đoạn mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cán bộ, chiến sĩ sau khi kết thúc chiến dịch Biên Giới, năm 1950. (ảnh tư liệu)

Thắng lợi của Chiến dịch khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, khẳng định sự trưởng thành của Quân đội: lần đầu tiên ta huy động phần lớn các đơn vị chủ lực của Bộ tham gia một chiến dịch. Chiến dịch Biên giới thắng lợi đánh dấu sự phát triển của nghệ thuật quân sự cả về chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật; được thể hiện ở các nội dung chủ yếu sau.

Thứ nhất, về chỉ đạo chiến lược

Bước vào năm 1950, năm thứ 5 của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân viễn chinh Pháp bị tổn thất nặng, hoang mang, sợ chiến tranh kéo dài, v.v. Nhận thấy tình hình chiến trường Đông Dương đang có lợi cho ta, nhất là sau khi ta xây dựng được một số đơn vị chủ lực cơ động mạnh (trung đoàn, đại đoàn), Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Đây là thời điểm quan trọng, ta có điều kiện phá thế bao vây của địch đối với vùng căn cứ địa, giành lại quyền chủ động chiến lược, nối liền hậu phương với các nước anh em để tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của quốc tế. Ban đầu, ta mở Chiến dịch Lê Hồng Phong 1 trên hướng Tây Bắc, nhưng thắng lợi của Chiến dịch này không đáp ứng được mục đích, yêu cầu đặt ra. Trước tình thế đó, nghiên cứu, đánh giá kỹ khu vực Đông Bắc ta thấy có nhiều thuận lợi, nên tháng 7/1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược từ Tây Bắc sang Đông Bắc. Thực hiện Kế hoạch này, ta mở Chiến dịch Lê Hồng Phong 2 - Chiến dịch Biên giới. Việc chuyển hướng tiến công chiến lược từ Tây Bắc sang Đông Bắc thể hiện tư duy sáng tạo, nhận định chính xác tình hình và khả năng nắm bắt thời cơ của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tư lệnh.

Xét tại thời điểm lúc đó, khu vực biên giới Đông Bắc là chiến trường sôi động nhất. Tại đây địch bố trí binh lực, hỏa lực mạnh gấp hai lần ở Tây Bắc, tập trung chủ yếu trên Đường số 4, với mục đích biến tuyến đường chiến lược này thành “tuyến phòng thủ mạnh”. Tuy binh lực nhiều, hỏa lực mạnh, nhưng nhược điểm nổi bật của địch là bố trí đội hình thành tuyến kéo dài, giữa vùng rừng núi hiểm trở, các vị trí đóng quân cô lập, cách nhau xa, nên khi bị tiến công, khả năng chi viện khó khăn, buộc địch phải cơ động ứng cứu, giải tỏa bằng đường bộ hoặc đường không. Đây là điểm yếu chí tử của địch, một trong những yếu tố để ta chuyển hướng tiến công chiến lược từ Tây Bắc sang Đông Bắc và thực hiện phương châm tác chiến từ du kích chiến, vận động chiến sang tác chiến tập trung quy mô lớn, đánh “điểm”, “diệt viện”, tức là sử dụng lực lượng đánh cứ điểm quan trọng, buộc địch cơ động lực lượng ứng cứu, giải tỏa bằng đường bộ, đường không, ta sử dụng lực lượng tập trung đánh vận động để tiêu diệt lực lượng chi viện của địch.

Cùng với việc chuyển hướng tiến công chiến lược, Trung ương Đảng còn tổ chức cơ quan chỉ huy chiến dịch có trình độ, tư duy sắc bén, đủ sức đảm nhiệm điều hành Chiến dịch. Theo đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Chiến dịch; đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng được cử làm Tham mưu trưởng Chiến dịch. Để bảo đảm chắc thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp ra Chiến dịch chỉ đạo, động viên bộ đội, dân công quyết tâm chiến đấu, đồng thời triển khai nhanh các quyết định, chỉ thị của Trung ương.

Thứ hai, về nghệ thuật chiến dịch

Là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng đầu tiên của Quân đội ta, đánh vào tuyến phòng ngự mạnh của thực dân Pháp trên Đường số 41, từ Thất Khê tới Cao Bằng (gần 100 km), nên ta tập trung hầu hết các đơn vị chủ lực của Bộ2 cùng 03 tiểu đoàn chủ lực của Liên khu Việt Bắc và lực lượng vũ trang của hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Mặc dù, Cao Bằng, Đông Khê là những cụm cứ điểm mạnh của địch, nhưng lại là nơi hiểm yếu. Bởi lẽ, đây là khu vực rừng núi hiểm trở, xa trung tâm chỉ huy (Lạng Sơn), nên rất khó khăn trong tiếp tế và chi viện. Do đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch chọn Cao Bằng - Thất Khê làm khu vực tác chiến chủ yếu là quyết định chính xác. Ngoài ra, Cao Bằng và Đông Khê nối liền với Trung Quốc bằng 04 trục đường nên thuận lợi trong việc bảo đảm vật chất cho Chiến dịch.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch chọn Đông Khê đánh trận mở màn là sự lựa chọn thận trọng, khoa học, vì ta có thời gian làm công tác chuẩn bị, cơ sở, nền tảng đảm bảo đánh chắc thắng. Lúc đầu, Bộ Chỉ huy xác định tiến công Cao Bằng trước, sau đó khuếch trương thắng lợi đánh Đông Khê, Thất Khê, nhưng khi đi nghiên cứu, trinh sát thực địa, ta nhận thấy thị xã Cao Bằng là cụm cứ điểm khá vững chắc, nếu mở màn Chiến dịch tại đây sẽ gặp khó khăn và không đảm bảo chắc thắng hoặc thắng lợi nhưng thương vong cao, ảnh hưởng đến tâm lý bộ đội và diễn biến tiếp theo của Chiến dịch. Mặt khác, nếu tiến công Cao Bằng, khả năng địch đưa lực lượng đến chi viện, ứng cứu không nhiều, cơ hội tiêu diệt sinh lực địch hạn chế và khó có thể làm thay đổi cục diện chiến trường. Trong khi đó, Đông Khê là khu vực địch bố trí hệ thống phòng thủ sơ hở, mỏng yếu, mất Đông Khê, một mắt xích trên phòng tuyến Đường số 4 của địch bị chặt đứt, Cao Bằng rơi vào thế bị cô lập, buộc địch phải chi viện, ứng cứu, đó là thời cơ tốt nhất để ta đánh địch ngoài công sự. Để bảo đảm chắc thắng trận mở màn, Chiến dịch quyết định tiến công Đông Khê với binh, hỏa lực áp đảo, gấp 09 lần quân địch3; cử một số cán bộ chủ chốt trực tiếp chỉ huy trận đánh4. Quán triệt sâu sắc ý nghĩa quan trọng của trận mở màn Chiến dịch, chỉ sau 02 ngày chiến đấu, quân ta đã giành thắng lợi lớn, làm chủ Đông Khê, tạo tiền đề để thực hiện ý định đánh vận động tiêu diệt địch ngoài công sự (đánh điểm, diệt viện).

Sau thắng lợi của trận mở màn, để giữ quyền chủ động tác chiến, Bộ Chỉ huy Chiến dịch gấp rút điều chỉnh lại lực lượng, sẵn sàng đánh viện. Nắm được ý định quân Pháp tăng cường lực lượng cho Cao Bằng bằng không quân và mở cuộc hành quân nghi binh đánh lên Thái Nguyên nhằm thu hút lực lượng ta về hướng đó; đồng thời, chúng tổ chức một binh đoàn cơ động do Lơpagiơ chỉ huy từ Thất Khê lên, nhằm chiếm lại Đông Khê và đón binh đoàn do Sactong chỉ huy rút khỏi Cao Bằng. Quyết tâm không để hai binh đoàn của địch hội quân với nhau, bám sát phương châm tác chiến, Bộ Chỉ huy Chiến dịch tổ chức lực lượng, tập trung binh, hỏa lực tiêu diệt Binh đoàn Lơpagiơ trước, kiềm chế, tiêu hao rồi tiêu diệt Binh đoàn Sactong sau. Vì thế, chỉ trong 05 ngày, đêm quyết chiến với địch, ta bắt sống Bộ Tham mưu và tiêu diệt toàn bộ hai binh đoàn Lơpagiơ và Sactong.

Việc chọn Cao Bằng - Thất Khê làm khu vực tác chiến chủ yếu, Đông Khê là mục tiêu tiến công mở màn, cùng với phương châm đánh điểm, diệt viện, tập trung ưu thế vượt trội về binh, hỏa lực, cũng như khả năng chuyển hóa thế trận linh hoạt, giữ vững và phát huy quyền chủ động trong chuẩn bị và thực hành Chiến dịch, ta đã phá sản kế hoạch tác chiến của thực dân Pháp tại khu vực Đông Bắc, đồng thời khẳng định bước phát triển nhảy vọt về nghệ thuật tác chiến chiến dịch.

Thứ ba, về chiến thuật

Để bảo đảm chắc thắng trong từng trận đánh, ngay từ đầu chuẩn bị Chiến dịch, ta đã xác định rõ cách đánh (đánh cứ điểm, đánh địch ngoài công sự), tổ chức thực hành các trận chiến đấu (chiến thuật) phù hợp với khả năng tổ chức, biên chế trang bị của bộ đội, trình độ chỉ huy của cán bộ các cấp. Trận then chốt mở đầu Đông Khê là trận đánh công kiên, hiệp đồng binh chủng quy mô lớn của Quân đội ta kể từ năm 1947 (khi có chiến thuật công kiên). Trong trận này, ta tập trung ưu thế binh, hỏa lực, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh với pháo binh; chọn điểm đột phá hợp lý; thực hành tiến công trên hướng chủ yếu, kết hợp đột phá chính diện, tiến công bên sườn, chia cắt đội hình địch vừa tiến công, vừa củng cố, vừa giữ vững công sự, trận địa đã chiếm. Đồng thời, ta còn khắc phục được nhiều điểm hạn chế so với những trận công kiên ở An Châu, Bản Trại, Phố Lu. Đây là trận công kiên lớn, điển hình, kết quả của trận chiến đấu thể hiện sự tiến bộ, phát triển vượt bậc về trình độ đánh địch trong công sự vững chắc của Quân đội ta.

Trận then chốt quyết định Cốc Xá, điểm cao 477 là trận vận động tiến công thành công nhất của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ta sử dụng hơn một đại đoàn vận động đánh địch ở địa hình rừng núi, trong phạm vi gần 60 km2, thực hiện chia cắt, kiềm chế hai binh đoàn cơ động của địch, dồn chúng vào thế bất lợi, tổ chức các bộ phận đón lõng, bao vây, chia cắt để tập trung lực lượng lần lượt tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Do nắm chắc ý định của địch, ta sử dụng Đại đoàn 308 triệt để tận dụng lợi thế của địa hình hiểm trở khu vực Cốc Xá, tổ chức chia cắt, bao vây, vận động tiến công tiêu diệt Binh đoàn Lơpagiơ. Tiếp đó, Đại đoàn 308 còn phối hợp với một bộ phận của Trung đoàn 209 ngăn chặn, chia cắt, tiến công tiêu diệt toàn bộ Binh đoàn Sactong tại điểm cao 477, không cho chúng cơ động đến Cốc Xá. Trong 05 ngày, đêm chiến đấu quyết liệt tại Cốc Xá và điểm cao 477, với cách đánh vận động chiến, quân ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xóa sổ 02 binh đoàn tinh nhuệ của địch. Đây là trận khởi đầu, nhưng rất hoàn thiện về chiến thuật vận động tiến công, bước phát triển của chiến thuật trong giai đoạn này.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950 có ý nghĩa chiến lược lớn, mở ra giai đoạn mới, giai đoạn phản công và tiến công, đồng thời khẳng định bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi của Chiến dịch còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá PHM ĐC TRƯNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
_______________       

1 - Giữa năm 1950, lực lượng địch trên Đường số 4 lên tới gần 11 tiểu đoàn, 09 đại đội bộ binh, 04 đại đội cơ giới, 04 đại đội công binh, gần 30 khẩu pháo lớn, 08 máy bay, v.v.

2 - Gồm: Đại đoàn 308; 02 trung đoàn 209, 174; 04 đại đội sơn pháo; 05 đại đội công binh.

3 - Ta: 02 trung đoàn, 02 tiểu đoàn, 13 khẩu sơn pháo và ĐKZ; địch: 02 đại đội, 02 trung đội, 02 khẩu pháo.

4 - Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái làm Chỉ huy trưởng (Tham mưu trưởng chiến dịch); Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Liêm làm Chính ủy (Chủ nhiệm Phòng Chính trị chiến dịch); Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209 Lê Trọng Tấn làm Chỉ huy phó.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.