QPTD -Thứ Bảy, 24/12/2016, 08:14 (GMT+7)
Cơ sở của việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân

Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Đến tháng 5-1945, Đội thống nhất với Cứu quốc quân và các đội vũ trang khác thành Việt Nam Giải phóng quân. Thực tiễn cho thấy sự ra đời, hoạt động và ảnh hưởng của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân không chỉ đáp ứng kịp thời đòi hỏi của cách mạng Việt Nam trong chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, mà còn làm phong phú thêm bài học kinh nghiệm về chỉ đạo hình thức đấu tranh cách mạng của Đảng, cũng như trong tổ chức, xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời là một sự kiện chính trị - lịch sử rất đặc thù - “quân đội có trước chính quyền”. Điều đó thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã khẳng định con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản, muốn cách mạng đi đến thắng lợi, phải sử dụng bạo lực cách mạng chống bạo lực phản cách mạng; bởi “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”1. Chính vì vậy, ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Đảng ta đã khẳng định sự cần thiết phải lập ra quân đội công nông. Theo đó, từ rất sớm, các đội Tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, đội Du kích Bắc Sơn, Du kích Nam Kỳ, Du kích Ba Tơ, các đội Cứu quốc quân, đội vũ trang Cao Bằng đã lần lượt ra đời, hỗ trợ, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Nhưng, khi phong trào cách mạng đã phát triển thành cao trào, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thì các lực lượng này chưa thể đáp ứng được yêu cầu của cách mạng. Bởi lẽ, việc kết hợp tuyên truyền chính trị với hoạt động của các đội vũ trang còn mang nặng tính địa phương, thiếu thống nhất, chưa phát huy tác dụng gây dựng cơ sở lan rộng, nhất là những vùng địch kiểm soát. Trong khi đó, vào thời điểm giữa năm 1944, thực dân Pháp tiến hành hàng loạt biện pháp đàn áp, mua chuộc đồng bào, tạo mâu thuẫn giữa đồng bào các dân tộc,… nhằm “tách cá khỏi nước”, chia rẽ sự gắn kết giữa quần chúng với lực lượng vũ trang. Với nhãn quan chính trị và tầm nhìn sâu rộng, Trung ương Đảng và Bác Hồ nhận định: lúc này thời kỳ cách mạng hòa bình đã qua, đòi hỏi phải kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự và phải “… chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”2. Và Hồ Chí Minh đã phác thảo những nét chính về Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, từ tổ chức, phương châm hành động, đến cung cấp lương thực, đạn dược và quan hệ với nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương. Về tổ chức, Người chỉ rõ: “Đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”3 và mọi hoạt động của Đội phải chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của liên tỉnh ủy. Về lực lượng, các đội viên phải là những người kiên quyết, hăng hái trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu, có lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc và phải cân nhắc từng người một. Đối với cán bộ chỉ huy cấp trung đội, tiểu đội, chủ yếu lấy trong số cán bộ đi học quân sự ở nước ngoài về, đã trải qua chiến đấu, có kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự và thành phần trong Đội phải có đủ người Tày, Nùng, Mán, Kinh,… nhằm phục vụ hoạt động sau này của Đội.

Theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, sau một thời gian chuẩn bị, chi bộ Đảng của Đội được thành lập4 trước ngày thành lập Đội. Và đến 17 giờ ngày 22-12-1944, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), trước đông đảo đại biểu Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, Ban khu, Ban châu, các tổng, xã và đồng bào các dân tộc, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt “Đoàn thể” tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng vũ trang cách mạng. Từ đây, cách mạng Việt Nam xuất hiện ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang là: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực và các đội vũ trang ở châu, các đội tự vệ nửa vũ trang ở các xã.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân không chỉ là công cụ bạo lực, làm nhiệm vụ chiến đấu, mà còn đảm đương chức năng tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, xây dựng lực lượng cách mạng. Đó là đội quân chiến đấu, đội quân công tác của Đảng, của cách mạng và nhân dân. Bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh: sự phát triển của cách mạng Việt Nam phải đi từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa với chiến tranh cách mạng. Lực lượng tiến hành khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng bao gồm: lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; trong đó, lực lượng chính trị quần chúng là cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Với tư tưởng đó, trong Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một nhiệm vụ giao thời. Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”5.

Ra đời và hoạt động với phương châm “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, “chính trị trọng hơn quân sự”, song điều đó không có nghĩa là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chỉ làm công tác tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng, mà còn là đội quân chủ lực, vừa đánh giặc, vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cách mạng trong quần chúng nhân dân; dìu dắt, giúp đỡ các đội vũ trang của các châu, huyện, xã về huấn luyện, vũ khí, trang bị, giúp các đội vũ trang ấy ra đời và mau chóng phát triển. Đội gắn hoạt động quân sự với chính trị, vũ trang với tuyên truyền, tham gia vận động quần chúng, tổ chức hội Việt Minh ở những nơi Đội hoạt động, công tác.

Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh “trong vòng một tháng sau khi thành lập phải hoạt động”, “trận đầu nhất định phải thắng”; Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã tổ chức liên tiếp hai trận đánh đồn Phai Khắt (25-12-1944)6 và đồn Nà Ngần (26-12-1944)7. Đây là hai trận đánh mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu và kết hợp khôn khéo giữa “mưu và lực” của bộ đội Việt Nam trong chiến đấu. Sau đó, Đội tiến hành chấn chỉnh, phát triển lực lượng; đồng thời, tiếp tục đặt kế hoạch mở rộng tổ chức cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang, đề ra biện pháp phát triển công tác vũ trang tuyên truyền. Với phương châm: trước khi đánh phải tính đến mục đích tuyên tuyền; sau khi đánh phải tìm cách phát huy chiến thắng bằng công tác tuyên truyền, giác ngộ chính trị, làm cho nhân dân tin ở sức mạnh của cách mạng, nên đi tới đâu, Đội cũng phát truyền đơn, viết khẩu hiệu và tổ chức các cuộc mít tinh tuyên truyền chính sách của Việt Minh, tuyên truyền chiến thắng; khi có điều kiện và cần thiết thì sẽ mở những trận đánh nhỏ để gây thanh thế. Ngoài ra, Đội còn phát hành tờ báo “Tiếng súng reo” bằng nhiều thứ tiếng để tuyên truyền ra các tổ chức quần chúng khác. Sự xuất hiện của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với hai chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã tác động mạnh mẽ, gây hoang mang, lo sợ trong hàng ngũ quân địch; đồng thời, cổ vũ tinh thần cách mạng của quần chúng, gấp rút chuẩn bị mọi mặt để đón thời cơ đập tan ách áp bức của thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.

Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là tất yếu lịch sử, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt trên con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời và hoạt động của Đội là sự vận dụng sáng tạo nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, nguyên tắc nhất quán về xây dựng đội quân chủ lực đầu tiên là phải “người trước, súng sau”, “chính trị trọng hơn quân sự” và mọi hoạt động quân sự phải lấy “chính trị làm gốc”. Chính trị đó chính là phương hướng, bản chất giai cấp công nhân được thể hiện trong đường lối chính trị của Đảng trong xây dựng quân đội. Việc xây dựng đội quân chủ lực tất yếu phải xuất phát từ đường lối chính trị của Đảng và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Chính vì tuân thủ nguyên tắc ấy mà Quân đội nhân dân Việt Nam - tiền thân là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã phát triển nhanh chóng về mọi mặt và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; “càng đánh càng mạnh”, là lực lượng nòng cốt trong chiến tranh nhân dân, đã đánh thắng hai đế quốc lớn, giải phóng dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Những bài học về tổ chức, xây dựng và hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đến nay còn nguyên giá trị; cần được tiếp tục kế thừa, phát triển trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, phải thường xuyên coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, đảm bảo cho Quân đội luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Thượng tá, Ths. NGUYỄN QUANG HỢP
______________________

1 - Hồ Chí Minh- Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 114.

2 - Sđd, Tập 3, tr. 539.

3 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký, Tập 1, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 84.

4 - Chi bộ Đội gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Xích Thắng, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, do Xích Thắng làm Bí thư.

5 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký, Tập 1, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 89.

6 - Diệt và bắt sống 18 tên địch, thu 17 súng và toàn bộ trang bị.

7 - Tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, thu 17 súng các loại.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Hà Nội chung sức, đồng lòng phát triển thủ đô nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, Thành phố thông minh, hiện đại 23/12/2021

Toàn quốc kháng chiến - bài học về xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới 19/12/2021

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong tình hình mới 18/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại 17/12/2021

Phát huy tinh thần toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 16/12/2021

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” - cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc 15/12/2021

Phát huy bài học về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong toàn quốc kháng chiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 14/12/2021

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – Lời hịch thời đại Hồ Chí Minh 13/12/2021

Lực lượng vũ trang Quân khu 3, phát huy thắng lợi mở đầu toàn quốc kháng chiến, xây dựng tiềm lực quốc phòng vững mạnh 12/12/2021

Tuổi trẻ Việt Nam phát huy tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 10/12/2021

Xã luận: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại
Kỷ niệm 75 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021) là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện lịch sử trọng đại này. Đặc biệt, những bài học được rút ra từ sự kiện đó, trong thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt đối với vận mệnh của dân tộc còn nguyên giá trị.