QPTD -Thứ Sáu, 08/04/2016, 07:49 (GMT+7)
Toàn quân quán triệt, thực hiện thắng lợi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra trong không khí phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang thi đua sôi nổi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước.

Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc bầu cử lần này, ngay từ những ngày đầu năm 2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 51-CT/TW, ngày 04-01-2016; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 13-01-2016; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1134/2016/UBTVQH13 về thực hiện bầu cử, ngày 18-01-2016 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch 11/2016/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 01-02-2016 về Hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Theo đó, Quân ủy Trung ương ban hành Chỉ thị 105-CT/QUTW, ngày 20-02-2016, Tổng cục Chính trị ban hành Hướng dẫn 309/HD-CT, ngày 26-02-2016 về thực hiện công tác bầu cử, v.v. Đó là những văn bản pháp quy mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cần quán triệt kỹ, thực hiện nghiêm túc, nhằm đảm bảo cho Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 thành công. Toàn quân cần đề cao trách nhiệm chính trị, tập trung thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau:

Một là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc bầu cử. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Quân đội nhân dân trong năm 2016. Cấp ủy, chỉ huy các cấp, cơ quan chức năng, báo chí Quân đội,... phải nắm vững các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn về bầu cử, chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bầu cử; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, t­ư tưởng và hành động; thực hiện thắng lợi Cuộc bầu cử.

Tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; phân tích rõ bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước, những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức tác động đến nước ta nói chung, Cuộc bầu cử nói riêng. Coi trọng tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Quân đội, từ đó định hướng tư tưởng cho bộ đội. Đồng thời, cần tuyên truyền về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước, Quốc hội, Hội đồng nhân dân; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đặc biệt, cần phải tuyên truyền về thành tựu của Quốc hội và Hội đồng nhân dân qua các thời kỳ, những đổi mới của Quốc hội trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; của Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện chức năng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, nhất là qua 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong tuyên truyền, giáo dục cần phổ biến những điểm mới trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này. Tuyên truyền về tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân để bộ đội có cơ sở lựa chọn khi bầu cử.

Công tác tuyên truyền phải được tiến hành sâu rộng tới mọi đối tượng và thường xuyên, liên tục cả trước, trong và sau bầu cử. Coi trọng tuyên truyền quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nghĩa vụ, trách nhiệm của cử tri trong công tác bầu cử; hoạt động trong quá trình tiếp xúc cử tri; quy định về trình tự, thể thức bầu cử,... về tình hình và kết quả bầu cử của đơn vị bầu cử, điểm bầu cử mà đơn vị tham gia. Chú trọng tuyên truyền sự tham gia tích cực, chủ động của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng và nhân dân đối với Cuộc bầu cử. Tuyên truyền về các hoạt động thi đua lập thành tích chào mừng Cuộc bầu cử, kịp thời biểu dương những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng còn nhiều khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo.

Để thực hiện tốt các nội dung trên, các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành đoàn thể, Ủy ban bầu cử địa phương, xây dựng kế hoạch, nội dung, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện quyền và nghĩa vụ, hăng hái tham gia bầu cử. Đồng thời, bồi dưỡng một số kiến thức cơ bản cho lực lượng tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là trên các địa bàn trọng yếu, có nhiều khó khăn trong công tác bầu cử. Phải kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền sao cho phong phú, đa dạng, hiệu quả; gắn tuyên truyền, vận động với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Các cơ quan thông tấn, báo chí Quân đội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động của bộ đội và nhân dân trong công tác bầu cử. Đặc biệt, phải chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị nhằm vào Cuộc bầu cử. Quá trình tuyên truyền về công tác bầu cử phải chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, tránh xảy ra sai sót, sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng kích động, phá hoại bầu cử. Thực hiện tốt việc đó, sẽ thiết thực tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của quân và dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Hai là, tổ chức chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, bảo đảm thực hiện thắng lợi Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Toàn quân, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quán triệt, nắm vững và thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp quy, trực tiếp là Chỉ thị 105-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương và Hướng dẫn 309/HD-CT của Tổng cục Chính trị về thực hiện công tác bầu cử. Công tác nhân sự, giới thiệu cán bộ Quân đội tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 phải thực hiện theo đúng Hướng dẫn 267/HD-CT, ngày 23-02-2016 của Tổng cục Chính trị. Cần nắm vững tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để lựa chọn, hiệp thương, giới thiệu cán bộ ra ứng cử, đảm bảo chặt chẽ, đúng luật và đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội trong thời kỳ mới. Đồng thời, việc triển khai thực hiện quy trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu cán bộ Quân đội tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 phải theo đúng Nghị quyết liên tịch 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là quy định về tổ chức các hội nghị, thành phần tham gia, thời gian tổ chức và hoàn thành hội nghị. Có như vậy mới lựa chọn, giới thiệu được những người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân để bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới. Các đơn vị có người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cần chủ động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã (phường) tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú. Chuẩn bị tốt chương trình hành động của cán bộ Quân đội tham gia ứng cử để tiến hành vận động bầu cử đúng luật.

Các đơn vị phải tổ chức chặt chẽ công tác bầu cử, bảo đảm mọi quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng đều tham gia bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình (tự bỏ phiếu). Việc phân chia khu vực bỏ phiếu và thành lập tổ bầu cử có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo sự thành công của Cuộc bầu cử. Vì thế, các đơn vị được giao đảm nhiệm phải đề cao trách nhiệm, tổ chức chặt chẽ theo đúng quy định của Hướng dẫn 309/HD-CT của Tổng cục Chính trị. Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Các đơn vị đủ điều kiện (số lượng cử tri) thì thành lập khu vực bỏ phiếu riêng. Những đơn vị đóng quân gần nhau có thể phối hợp thành lập chung một khu vực bỏ phiếu, lấy đơn vị có số cử tri nhiều hơn làm điểm bỏ phiếu chung. Đối với những đơn vị không đủ điều kiện thành lập khu vực bỏ phiếu riêng thì tham gia bỏ phiếu chung với nhân dân địa phương nơi đóng quân. Những đơn vị do điều kiện đóng quân đặc biệt khó khăn (đảo, đồn Biên phòng, trạm ra-đa,...) phải chủ động liên hệ, phối hợp với Ủy ban bầu cử địa phương để đề nghị cho đơn vị được bầu cử sớm hơn, nhưng vẫn trong khuôn khổ quy định. Việc xác định khu vực bỏ phiếu do ủy ban nhân dân xã (phường) quyết định, các đơn vị chủ động phối hợp với Ủy ban bầu cử địa phương nơi đóng quân để thống nhất thành lập khu vực bỏ phiếu.

Đơn vị Quân đội được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng thì thành lập tổ bầu cử có từ 5 đến 9 thành viên, gồm: tổ trưởng, thư ký và các ủy viên là đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân. Trong trường hợp đơn vị Quân đội và địa phương có chung một khu vực bỏ phiếu thì đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị được tham gia tổ bầu cử. Chỉ huy các đơn vị phải thực hiện nghiêm quy định về lập danh sách cử tri, niêm yết danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu và thông báo cho cử tri biết. Khi lập danh sách cử tri, chú ý những trường hợp đang công tác, học tập, lao động ở nước ngoài không tham gia bầu cử (không ghi tên trong danh sách cử tri) để báo cáo Tổng cục Chính trị. Đồng thời, phải thực hiện đúng quy định với những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri.

Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ bầu cử. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 574/KH-TC, ngày 15-02-2016 của Cục Tác chiến về sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Các cấp cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng về tầm quan trọng của sự kiện này, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phần tử xấu. Trên cơ sở đó, đề cao cảnh giác, phòng gian, bảo mật, kịp thời phát hiện và đấu tranh vô hiệu hóa các hoạt động lợi dụng bầu cử, những luận điệu, tài liệu có nội dung sai trái nhằm phá hoại Cuộc bầu cử. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động móc nối, phá hoại an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Tăng cường quản lý quân số, vũ khí, trang bị, duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống cháy nổ, trực nghiệp vụ, trực thông tin liên lạc,… đảm bảo kịp thời ngăn chặn, xử trí có hiệu quả các tình huống, bảo vệ tốt cơ quan, đơn vị, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an toàn tuyệt đối các điểm bỏ phiếu và Cuộc bầu cử, không để bị động, bất ngờ. Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ, kế hoạch hiệp đồng; thường xuyên rà soát, bổ sung kế hoạch và tổ chức luyện tập thành thục các phương án sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống cháy nổ, ứng cứu sập đổ công trình. Tổ chức canh gác các mục tiêu chặt chẽ, nhất là doanh trại, kho tàng, nhà xưởng, nhà xe, khu kỹ thuật, v.v. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an và cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình địa bàn, xử trí kịp thời, hiệu quả các tình huống. Tuyệt đối không vận chuyển vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ,… qua các khu đông dân cư và các điểm bỏ phiếu trong ngày tổ chức bầu cử (22-5-2016).

Với trách nhiệm chính trị cao nhất, cán bộ, chiến sĩ toàn quân, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp cần đề cao trách nhiệm, chủ động triển khai bằng những biện pháp đồng bộ để hoàn thành tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Đại tướng ĐỖ BÁ TỴ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc 24/05/2021

Bài 8: Nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho thanh niên Quân đội trước thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 21/05/2021

Bài 7: Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên trong Quân đội hiện nay 20/05/2021

Bài 6: Trách nhiệm của tuổi trẻ lực lượng vũ trang Quân khu 1 trong Cuộc bầu cử 19/05/2021

Bài 5: Vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong tổ chức, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 18/05/2021

Bài 4: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử ở Binh chủng Hóa học 17/05/2021

Bài 3: Vai trò, trách nhiệm của công dân trong Cuộc Bầu cử sắp tới 16/05/2021

Tìm hiểu nguyên tắc bầu cử trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (năm 2015) 14/05/2021

Thanh niên Quân đội chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa 14/05/2021

Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 14/05/2021

Là đại biểu của nhân dân, phải hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc
Ngay sau khi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn nhanh báo chí về sự kiện trọng đại này.