Thứ Bảy, 23/11/2024, 20:55 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Những năm qua, với nhiều nội dung, hình thức hoạt động phù hợp, công tác dân vận của lực lượng vũ trang ở vùng đồng bào theo đạo trên địa bàn Miền Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ và để lại nhiều kinh nghiệm quý.
Miền Đông Nam Bộ có vị trí địa chính trị, kinh tế, quân sự, quốc phòng và an ninh quan trọng của Tổ quốc1. Nơi đây có đông đồng bào theo đạo, sinh hoạt ở nhiều tổ chức khác nhau, như: Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh độ Cư sĩ, Ba-hai, Hồng môn Minh đạo, Thiên khai Huỳnh đạo,... với khoảng trên 4,6 triệu tín đồ, chiếm hơn 30% dân số. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”2, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đứng chân trên địa bàn Miền Đông Nam Bộ đã triển khai toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm những nội dung, giải pháp tiến hành công tác dân vận đối với đồng bào theo đạo và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nổi bật là, từ năm 2008 đến năm 2017, các đơn vị đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo và công tác tôn giáo. Đồng thời, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung đẩy mạnh thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và địa phương, gắn với nhiều mô hình cụ thể, tập trung vào giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; củng cố, kiện toàn, hệ thống chính trị, trước hết là xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, công tác điều hành của hệ thống chính quyền các cấp. Đến nay, trên địa bàn Miền Đông Nam Bộ cơ bản chấm dứt tình trạng thôn, buôn “trắng” đảng viên; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên; hoạt động của các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở có nhiều tiến bộ; các tổ chức chính trị - xã hội được kiện toàn, củng cố, hoạt động nền nếp, chất lượng hơn. Lực lượng dân quân tự vệ được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, bảo đảm số lượng, chất lượng, độ tin cậy cao3. Đồng bào theo đạo trên địa bàn luôn nêu cao tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước” tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật Nhà nước, đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhiệm vụ quân sự - quốc phòng ở các địa phương được tổ chức thực hiện có hiệu quả; mối quan hệ máu thịt quân - dân ngày càng được tăng cường.
Quá trình tiến hành công tác dân vận ở vùng đồng bào theo đạo trên địa bàn Miền Đông Nam Bộ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cần được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị nghiên cứu, vận dụng, đó là:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao năng lực tiến hành công tác dân vận cho cán bộ, chiến sĩ. Đây là vấn đề rất quan trọng, trực tiếp quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác dân vận. Vì thế, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần tập trung bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ những nội dung cơ bản về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; nội dung, hình thức tiến hành công tác dân vận. Đồng thời, coi trọng bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, trình độ và khả năng tổ chức thực tiễn cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là những người trực tiếp tiến hành công tác dân vận ở vùng đồng bào theo đạo. Quá trình thực hiện, chú trọng vào việc khắc phục những khâu yếu, mặt yếu cả trong nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ chuyên trách.
Thứ hai, nắm chắc thực tiễn địa phương, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện sáng tạo các nội dung, hình thức công tác dân vận. Công tác dân vận của các đơn vị Quân đội bao giờ cũng diễn ra trên một địa bàn cụ thể, gắn với đối tượng cụ thể. Chỉ có bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, đặc điểm địa bàn, nhất là ở các khu vực trọng điểm, phức tạp, các thời điểm có nhiệm vụ chính trị quan trọng, sự kiện chính trị lớn,… mới giúp cho các đơn vị xác định nội dung, hình thức tổ chức tiến hành công tác dân vận “đúng và trúng”. Vì thế, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, nắm chắc đặc điểm địa bàn, tình hình tôn giáo và âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch, nhất là đặc điểm về tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, dân cư, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, phải nắm chắc và hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, tình hình đời sống, sinh hoạt của chức sắc, chức việc tôn giáo cũng như mọi hoạt động của nhân dân ở vùng đồng bào theo đạo. Trên cơ sở đó, lựa chọn nội dung, hình thức tiến hành vận động nhân dân cho phù hợp.
Thứ ba, thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn. Đây không chỉ là nguyên tắc, mà còn là bài học kinh nghiệm quý được rút ra từ thực tiễn tiến hành công tác dân vận trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta. Thực tiễn cho thấy, khi nào có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng trên địa bàn thì công tác dân vận của các đơn vị ở vùng đồng bào theo đạo trên địa bàn Miền Đông Nam Bộ sẽ thu được kết quả toàn diện. Ngược lại, nếu không coi trọng công tác này thì khó tránh khỏi những vướng mắc, bị động, chồng chéo hoặc bỏ sót địa bàn quan trọng và kết quả sẽ không cao. Tiến hành tốt công tác dân vận ở vùng đồng bào theo đạo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương và đơn vị và phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể ở địa phương. Phát huy vai trò cơ quan quân sự địa phương vừa làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, vừa là trung tâm phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị đứng chân trên địa bàn cùng tiến hành công tác dân vận.
Thứ tư, coi trọng và phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo. Những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, như: lão thành cách mạng, cựu chiến binh, người có công với nước, nhà khoa học,… có tiếng nói và việc làm ảnh hưởng tích cực đến mọi hoạt động của người dân. Đặc biệt, đối với tín đồ tôn giáo, đội ngũ chức sắc, chức việc mặc dù chỉ chiếm hơn 5%, nhưng họ giữ vai trò rất quan trọng. Vì thế, trong tiến hành công tác dân vận ở vùng đồng bào theo đạo, các đơn vị cần coi trọng vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư, bảo đảm thực hiện tốt phương châm: “tôn trọng giáo chủ, tranh thủ giáo sĩ, thực lòng quan tâm đến giáo dân”. Theo đó, chúng ta phải chủ động đến với họ, vừa vận động, vừa tranh thủ vai trò, uy tín của họ trong tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; tham gia xây dựng lực lượng cốt cán ở cơ sở; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch. Trong quá trình tiến hành công tác dân vận, các đơn vị cần coi trọng việc phát huy vai trò của tín đồ tôn giáo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia giám sát hoạt động của hệ thống chính trị,… hướng tín đồ vào thực hành tròn bổn phận công dân, tín đồ chân chính, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng hành cùng cộng đồng dân cư xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh.
Thứ năm, kết hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Để công tác dân vận đạt chất lượng, hiệu quả cao, các đơn vị phải được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; coi đó là điều kiện, tiền đề để làm tốt công tác dân vận ở vùng đồng bào theo đạo. Thực tế minh chứng, đơn vị nào vững mạnh toàn diện, nội bộ đoàn kết, hoạt động chính quy, nền nếp kỷ luật tốt thì sẽ được nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, noi theo. Đơn vị vững mạnh toàn diện, sẽ làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với thanh niên, thiếu niên đến học tập, rèn luyện, góp phần trực tiếp đào tạo nhân lực cho xã hội về lâu dài, cũng như đào tạo lực lượng kế tục trực tiếp cho các cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh. Xác định rõ, làm tốt công tác dân vận là tiêu chí đánh giá chất lượng xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, làm cơ sở để giáo dục, rèn luyện bộ đội, nâng cao bản lĩnh chính trị cách mạng của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội.
Vấn đề cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần hết sức quan tâm là cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở và công tác quần chúng trong đơn vị, tạo ra bầu không khí dân chủ, đoàn kết để khơi dậy và phát huy trí tuệ của mọi quân nhân. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng nòng cốt, hướng mọi hoạt động của các tổ chức vào hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần chú trọng làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ mọi mặt cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần vào xây dựng và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và tổ chức quần chúng; nêu cao ý thức tự giáo dục, rèn luyện và chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật Quân đội và kỷ luật dân vận của mọi quân nhân.
Vận dụng tốt những kinh nghiệm trên đây, sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác dân vận của Quân đội trong vùng có đông đồng bào theo đạo, làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng tỏa sáng trong lòng nhân dân.
Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN LÀNH, Trường Sĩ quan Lục quân 2 _________________
1 - Miền Đông Nam Bộ, gồm 05 tỉnh và một thành phố trực thuộc Trung ương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, có 6 thành phố trực thuộc tỉnh, 19 quận, 8 thị xã và 39 huyện với diện tích 23.564,4 km2, có 120 km bờ biển, 477,8 km đường biên giới với Cam-pu-chia; dân số khoảng 16,6 triệu người (chưa tính dân số tạm trú), chiếm 17,01% dân số Việt Nam và là vùng có tốc độ tăng dân số cao nhất nước.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.
3 - Từ năm 2008 đến nay, các đội công tác đã đến 735 phường, xã, thị trấn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kết nạp 4.765 đảng viên (trong đó có 776 người là người gốc đạo và người dân tộc thiểu số); xây dựng 265 hương ước, quy ước thôn, ấp, buôn; kiện toàn 435 tổ hòa giải, 185 ban thanh tra nhân dân; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của 345 già làng, thôn, ấp, tổ trưởng có uy tín; củng cố 867 thôn, buôn, ấp, làng, tổ vững mạnh. Đặc biệt, đã tuyển chọn 1.156 con em người dân tộc thiểu số về học tại Trường thiếu sinh quân dân tộc Quân khu 7 và các trường trong Quân đội.
Miền Đông Nam Bộ,lực lượng vũ trang,công tác dân vận
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm 21/11/2024
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 11/11/2024
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 04/11/2024
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học 28/10/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu 24/10/2024
Trường Cao đẳng Biên phòng nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo 21/10/2024
Mấy kinh nghiệm xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” ở Lữ đoàn Pháo binh 572 17/10/2024
Nhà máy Z157 nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật xe - máy trong thời kỳ mới 14/10/2024
Trường Sĩ quan Tăng thiết giáp thi đua “dạy tốt, học tốt” 10/10/2024
Nhà máy Z199 vững bước trên con đường hội nhập và phát triển 27/09/2024
Lữ đoàn Pháo binh 164 tập trung nâng cao sức mạnh chiến đấu
Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đột phá nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học
Lữ đoàn Công binh 229 chủ động khắc phục khó khăn nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu
Lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phong trào Thi đua Quyết thắng ở Sư đoàn 8 - kết quả và kinh nghiệm