Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 18/04/2011, 07:55 (GMT+7)
Công tác đối ngoại biên phòng của Bộ đội Biên phòng Lào Cai – kết quả và kinh nghiệm

alt
Trung tướng Trần Hoa, Tư lệnh BĐBP đến thăm và kiểm tra Đồn Biên phòng Bản Lầu, Lào Cai

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lào Cai có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tuyến biên giới quốc gia (BGQG) dài 184,086 ki-lô-mét, tiếp giáp với các huyện: Hà Khẩu, Kim Bình, Mã Quan thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trên tuyến biên giới này có 128 cột mốc, 2 cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu (đường bộ và đường sắt), 1 điểm làm thủ tục xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh qua cầu đường bộ sông Hồng Việt – Trung, 1 cặp cửa khẩu song phương Mường Khương – Miều Đầu và 4 cặp cửa khẩu phụ (lối mở).

Đặc điểm của tuyến biên giới Lào Cai – Vân Nam là nhiều sông suối (có tới 131,744 ki-lô-mét đường biên nằm trên lòng sông suối), đồi núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Khu vực biên giới (KVBG) của Tỉnh có 26 xã, phường, với 17 dân tộc anh em sinh sống. Cơ sở hạ tầng KVBG còn kém phát triển; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều và nhìn chung còn thấp nên ý thức về quốc gia, quốc giới của một bộ phận đồng bào còn hạn chế; hơn nữa, các phần tử xấu lại thường lợi dụng KVBG làm nơi truyền đạo trái pháp luật, hoặc kích động, chia rẽ dân tộc. Ngoài ra, tuyến biên giới Lào Cai – Vân Nam là tuyến biên giới tự nhiên, hầu hết sông suối về mùa khô đều cạn, nhân dân hai bên lại có quan hệ thân tộc, dòng tộc lâu đời. Đó là những nguyên nhân khách quan làm nảy sinh các hoạt động vi phạm Quy chế biên giới, đáng chú ý là các hoạt động: buôn bán phụ nữ, trẻ em, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, vũ khí, buôn lậu qua biên giới.

alt
Phối hợp tuần tra biên giới song phương lực lượng Biên phòng hai nước Việt Nam và Trung Quốc
Mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ từ những đặc điểm trên, song tình hình trên tuyến biên giới Lào Cai – Vân Nam, nhìn chung, vẫn là tuyến biên giới ổn định; chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG, trật tự an toàn xã hội ở KVBG được giữ vững. Không những thế, Lào Cai còn là tỉnh hoàn thành việc phân giới cắm mốc trước 1 năm so với các tỉnh biên giới phía Bắc theo Hiệp định phân định biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung quốc. Sau ngày Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc Tuyên bố hoàn thành việc phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước (31-12-2008), Lào Cai tiếp tục là tỉnh dẫn đầu các tỉnh biên giới phía Bắc về giải quyết dứt điểm các vùng đất hiện quản (vùng đất trước kia thuộc nước bên này, nhưng sau khi phân giới, cắm mốc thuộc nước đối diện), các cồn, bãi trên sông suối, cũng như giải quyết xong các mốc cũ, các công trình quân sự, quốc phòng của Bạn (các công trình được xây dựng trước đây, nay không còn phù hợp với đường biên giới đã chỉnh lý sau Hiệp định phân định biên giới trên đất liền giữa hai nước). Hiện nay, quan hệ giữa chính quyền, nhân dân KVBG hai bên có bước phát triển mới và ngày càng đi vào chiều sâu, theo đúng phương châm 16 chữ: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt”. Đặc biệt, thông qua công tác đối ngoại biên phòng (ĐNBP) và ngoại giao nhân dân, với hàng trăm cuộc tiếp xúc, hội đàm và tuần tra song phương, BĐBP Lào Cai đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các lực lượng bảo vệ biên giới, cửa khẩu tỉnh Vân Nam. Đó là cơ sở quan trọng để hai bên đẩy mạnh hoạt động phối hợp, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tuyến biên giới chung giữa hai nước.

Có được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Lào Cai; trong đó, công tác ĐNBP của BĐBP Tỉnh có đóng góp quan trọng. Từ thực tiễn hoạt động, BĐBP Lào Cai đã kịp thời tổng kết, qua đó rút ra được nhiều kinh nghiệm bổ ích, nổi lên là 4 bài học kinh nghiệm lớn sau đây:

1. Công tác ĐNBP phải luôn luôn được các cấp coi trọng. Thực tế cho thấy, có coi trọng công tác này mới có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và mới tạo nên hiệu quả công tác. Với nhận thức như vậy, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh yêu cầu các cấp quán triệt nghiêm túc các nghị định, quyết định, chỉ thị, hướng dẫn về hoạt động ĐNBP của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP và các bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, hằng năm, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch công tác ĐNBP và chỉ đạo các đồn biên phòng xây dựng kế hoạch công tác ĐNBP, đảm bảo thống nhất về quan điểm, nguyên tắc, nội dung và biện pháp công tác. Để đa dạng hóa các quan hệ và tăng cường các cuộc trao đổi, BĐPB Tỉnh cùng với Bạn xác định 3 phương thức quan hệ ĐNBP chủ yếu; đó là: quan hệ trực tiếp theo định kỳ1, quan hệ trực tiếp đột xuất và quan hệ gián tiếp. Mỗi phương thức có 2 cấp quan hệ: cấp tỉnh và cấp đồn. Trong quan hệ gián tiếp, hai bên chủ yếu trao đổi, thông báo tình hình cho nhau qua thư từ. Trong quan hệ trực tiếp, hai bên thường tập trung vào 3 nội dung lớn: phối hợp quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đấu tranh  phòng, chống tội phạm; chế độ quan hệ hai bên. Riêng về tuần tra song phương, bên Việt Nam lấy đồn biên phòng làm đơn vị tổ chức, bên Bạn là tiểu đoàn BĐBP (thuộc BĐBP Khu Mông Tự, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc). Hằng tháng, mỗi bên cử 10 người cùng bên đối diện tuần tra trên một đoạn biên giới theo thể thức luân phiên về tổ chức và đảm bảo hậu cần.

alt
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào địa phương kỹ thuật trồng dứa
Nhờ coi trọng công tác ĐNBP và có sự thống nhất cao về quan điểm, nội dung, phương pháp công tác, hai bên đã phối hợp giải quyết tốt các khu vực C (khu vực tranh chấp phức tạp), rút ngắn đáng kể thời gian phân giới, cắm mốc mà vẫn đảm bảo quyền lợi của mỗi bên. Thông qua hoạt động tuần tra song phương, hai bên còn kịp thời giải quyết ngay từ cơ sở nhiều vụ việc một cách êm thấm theo phương châm "biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự". Bên cạnh các hoạt động đó, bằng cách thường xuyên phối hợp với nhau trong công tác đấu tranh phòng, chống các hoạt động phạm pháp qua biên giới, hai bên đã ngăn chặn và thực hiện thành công nhiều chuyên án lớn. Chỉ tính trong 2 năm (2009-2010), BĐBP Tỉnh đã trao trả người vi phạm, tội phạm và người bị hại cho bên Bạn 20 vụ/38 đối tượng, bên Bạn trao trả cho ta 76 vụ/143 đối tượng. Đó là thực tiễn sinh động khẳng định hiệu quả to lớn của công tác ĐNBP trong việc quản lý, bảo vệ BGQG ở Lào Cai.

2. Kết hợp chặt chẽ công tác ĐNBP với công tác ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Quản lý, bảo vệ BGQG là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Vì vậy, kết hợp chặt chẽ ba mặt công tác trên là yêu cầu khách quan. Để thực hiện yêu cầu này, trước hết, BĐBP Tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ở KVBG về công tác ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân và phương thức kết hợp hai mặt công tác đó với công tác ĐNBP. Đối với công tác ngoại giao nhà nước, BĐBP tham mưu cho cấp xã, huyện biên giới và Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh về ý định, thời gian tổ chức và kế hoạch triển khai các cuộc trao đổi, hội đàm, giao lưu với chính quyền và nhân dân Bạn, theo phương châm xã ngoại giao với xã, huyện ngoại giao với huyện, tỉnh ngoại giao với tỉnh. Với công tác ngoại giao nhân dân, BĐPB trực tiếp xuống cơ sở gặp gỡ, trao đổi với các trưởng thôn, trưởng dòng họ về các vấn đề liên quan đến việc quản lý biên giới và đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm pháp luật trên KVBG. Mặt khác, trong công tác ĐNBP, BĐBP đã đề đạt với chính quyền xã, phường cử cán bộ và dân quân tham gia các hoạt động hội đàm, tuần tra song phương, xử lý giải quyết các vụ việc để nâng cao hiệu quả ĐNBP, giúp BĐBP thực hiện tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách của mình trong quản lý, bảo vệ BGQG.

alt
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Lầu, Lào Cai tuyên truyền chống buôn bán phụ nữ và trẻ em cho nhân dân trên địa bàn
 3. Thông qua thực tiễn để giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vị trí và tầm quan trọng của công tác ĐNBP. Cùng với 5 biện pháp công tác cơ bản đã xác định, những năm gần đây, ĐNBP đã trở thành biện pháp công tác thứ sáu giữ vai trò hết sức quan trọng đối với BĐBP. Tuy vậy, do đặc thù của công tác, nên bên cạnh việc thường xuyên quán triệt các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về hoạt động ĐNBP, BĐBP Lào Cai luôn thông qua thực tiễn, lấy những kết quả, những thành công điển hình trong hoạt động ĐNBP để giáo dục, làm cho bộ đội nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác ĐNBP, như: việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phân giới, cắm mốc; giải quyết êm thấm nhiều vấn đề có tính nhạy cảm; ngăn chặn các biểu hiện xây kè, xây đập để ngăn, nắn dòng chảy; phá, dỡ các mốc cũ, các công trình phòng thủ; phối hợp trong đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm quy chế quản lý biên giới, v.v, chính là nhờ có sự đóng góp quan trọng của công tác ĐNBP. Không có, hoặc công tác ĐNBP không được đặt đúng vị trí, không thể đạt được những kết quả này. Điều đó đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác ĐNBP; từ đó, nêu cao quyết tâm và trách nhiệm đối với nhiệm vụ ĐNBP được phân công.

4. Phải luôn quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước trong hoạt động ĐNBP. ĐNBP là một trong những công tác đặc biệt. Bởi vậy, trước và trong khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lào Cai luôn quán triệt đầy đủ và sâu sắc quan điểm, nguyên tắc, chính sách đối ngoại và chính sách quốc phòng Việt Nam. Biểu hiện cụ thể của sự quán triệt đó là, hầu hết cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao bản lĩnh chính trị, xử lý các vấn đề một cách khôn khéo, nhưng luôn đảm bảo nguyên tắc. Dù thường xuyên hoạt động độc lập, phân tán, song ý định, kế hoạch, nội dung ĐNBP đều được phê duyệt và tổ chức triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy trình, đảm bảo tuyệt đối giữ bí mật quân sự và bí mật quốc gia. Mỗi cuộc hội đàm hoặc mỗi đợt tuần tra song phương, đơn vị tham gia đều tiến hành việc ghi biên bản, lưu biên bản và báo cáo cấp trên đúng thủ tục, nguyên tắc.

Tuy vậy, bên cạnh những bài học thành công, công tác ĐNBP của BĐBP Tỉnh cũng còn bộc lộ một số mặt hạn chế. Điều đó đòi hỏi BĐBP Lào Cai trong thời gian tới cần có biện pháp khắc phục; đặc biệt, phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trực tiếp là quan điểm, chủ trương về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; trên cơ sở đó, tiếp tục đổi mới tư duy và tác phong công tác, nâng cao hiệu quả hoạt động ĐNBP, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh BGQG.

 Đại tá BÙI ĐỨC HẠNH

Chỉ huy trưởng BĐBP Tỉnh

           

1- BĐBP Tỉnh hội đàm với Tổng đội biên phòng tỉnh Vân Nam, Bộ đội cảnh sát vũ trang nhân dân Trung Quốc 2 năm 1 lần theo thể thức luân phiên; hội đàm với BĐBP Khu Mông Tự, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc mỗi năm 1 lần; các đồn biên phòng trong Tỉnh hội đàm với các trạm công tác biên phòng (đối diện) thuộc Tổng đội biên phòng tỉnh Vân Nam, và hội đàm với các tiểu đoàn BĐBP (đối diện) thuộc BĐBP Khu Mông Tự mỗi tháng 1 lần.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.