Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Tư, 06/10/2021, 06:45 (GMT+7)
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh trước mùa mưa bão

Quảng Nam là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, có 3/4 diện tích là rừng núi, chia làm 3 vùng: vùng miền núi trải dài từ Tây sang Đông có độ dốc lớn; vùng đồng bằng chạy dọc theo ven biển; vùng trung du chạy theo các vùng trũng thấp. Đây cũng là nơi có thời tiết, khí hậu, thủy văn diễn biến phức tạp, nhiều sông lớn chảy từ Tây sang Đông, như: sông Vu Gia, sông Thu Bồn, v.v. Tất cả hội tụ để Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh hứng chịu nhiều thiên tai, bão, lũ so với cả nước. Vào mùa mưa lũ, mực nước lên nhanh từ 0,5 m đến 02 m, nhiều đợt lũ, mực nước vượt mức báo động ba, gây ngập nhiều nhà dân, công trình dân sinh, hoa màu, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản Nhà nước và nhân dân. Mưa lớn cũng làm mực nước tại các hồ tích tụ, dâng cao vượt mức cho phép, dễ dẫn đến nguy cơ vỡ đập, nếu không xả lũ kịp thời. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn Tỉnh có từ 05 đến 07 đợt bão, lũ, gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng năm 2020, thiên tai khốc liệt, dồn dập chưa từng có với các cơn bão cường độ mạnh, kèm theo mưa lớn kéo dài, gây lũ lụt, sạt lở đất, thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trong đó, 05 vụ sạt lở đất xảy ra tại các xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My), xã Trà Tân (huyện Bắc Trà My) và xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) khiến 30 người chết, 17 người mất tích.

Nhận rõ điều đó, những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, góp phần giảm nhẹ hậu quả thiên tai trên địa bàn. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn Tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện kịp thời; chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức luyện tập thuần thục các phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng tham gia ứng phó, xử lý kịp thời các sự cố, thiên tai xảy ra trên địa bàn. Năm 2020, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã huy động hơn 38.500 lượt người, di dời gần 31.000 hộ với trên 93.000 người đến nơi an toàn; tích cực tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Tỉnh. Tổ chức phối hợp với Sư đoàn Không quân 372 vận chuyển, gùi, thồ bằng đường bộ hơn 43 tấn hàng nhu yếu phẩm thiết yếu tiếp tế vùng bị cô lập tại các xã: Phước Lộc, Phước Thành, huyện Phước Sơn. Tích cực quyên góp, huy động nhiều nguồn lực xã hội, hỗ trợ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Cứu hộ người dân trong mưa lũ

Mùa mưa bão năm 2021 được dự báo rất khó lường, trong khi đó dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Để chủ động ứng phó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn.

Trước hết, quán triệt, thực hiện nghiêm pháp lệnh, quy chế, các chỉ thị, quyết định của cấp trên; tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cấp ủy, chỉ huy các cấp về công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, làm cho mọi người hiểu rõ đây là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của đơn vị. Nội dung toàn diện, song chú trọng làm cho bộ đội thấy hết những thuận lợi, khó khăn, phức tạp, những tình huống đột biến có thể xảy ra; từ đó, xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, “vì nhân dân quên mình” trong thiên tai, cứu hộ, cứu nạn của “Bộ đội Cụ Hồ”. Chủ động các phương án phòng tránh, chằng, chống doanh trại, bảo vệ trang, thiết bị kỹ thuật, kho tàng, trạm, xưởng, tài sản của đơn vị trước mưa bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia giúp chính quyền, nhân dân địa phương phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh. Các cơ quan, đơn vị chủ động huấn luyện lồng ghép các nội dung cứu hộ, cứu nạn với chương trình huấn luyện cơ bản cho các đối tượng theo Quyết định số 315/QĐ-TM, ngày 11/3/2009 của Bộ Tổng Tham mưu; chú trọng huấn luyện thuần thục các nội dung, như: bơi cứu người bị nạn, làm bè mảng, phương pháp cứu thương, di chuyển người, trang bị, vật chất ra khỏi vùng bão lụt, v.v. Đối với lực lượng sẵn sàng cơ động, tăng cường huấn luyện theo hướng chuyên sâu, tập trung nâng cao khả năng cơ động, năng lực làm chủ các loại trang bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để đủ khả năng làm nòng cốt trong xử lý các tình huống thiên tai.

Thực hiện tốt công tác chuẩn bị, nêu cao tính chủ động trong mọi tình huống. Trọng tâm là xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; hiệp đồng, bảo đảm và tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh sát với dự báo tình hình thiên tai; tổ chức huấn luyện, luyện tập thuần thục theo các phương án. Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn các cấp; phân công nhiệm vụ, phân chia địa bàn phụ trách cụ thể cho các thành viên. Tăng cường theo dõi, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình thiên tai, sự cố trên từng địa bàn, làm cơ sở để bố trí lực lượng ứng trực, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống cả thường xuyên và đột xuất.

Trong xây dựng lực lượng, chú trọng bố trí xen kẽ phù hợp các lực lượng: bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên. Ở cấp Tỉnh, dự kiến thành lập ba sở chỉ huy phòng, chống thiên tai và một đội cơ động tìm kiếm, cứu nạn. Mỗi đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh thành lập một đội tìm kiếm, cứu nạn trong lũ, lụt và một đội tìm kiếm, cứu nạn trong sạt lở đất (mỗi đội từ 15 đến 25 người); các phân đội trực thuộc tổ chức thành một đội tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn do cơ quan quân sự trực tiếp điều hành khi có tình huống bão, lụt xảy ra. Trên cơ sở biên chế của đơn vị và lực lượng dự bị động viên ở địa phương, ban chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố chủ động thành lập hai đội tìm kiếm, cứu nạn trong lũ, lụt và trong sạt lở đất, sập đổ công trình; cấp xã, phường, thị trấn thành lập một đội xung kích phòng, chống thiên tai. Ngoài ra, mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng một đại đội dự bị động viên làm lực lượng dự bị, sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh. Khi bão, lụt xảy ra, mực nước lũ trên các sông ở mức báo động hai, các sở chỉ huy được triển khai để trực tiếp chỉ huy, điều hành lực lượng trên các hướng.

Công tác chuẩn bị vật chất, được quan tâm thường xuyên; việc dự trữ vật chất cho nhiệm vụ sẵn sàng cơ động, ứng cứu ở từng cấp được thực hiện chu đáo theo đúng quy định, đặc biệt là các phương tiện, dụng cụ phòng, chống bão, lũ. Tập trung đầu tư trang bị cho các địa phương thường xuyên xảy ra lũ, lụt các loại phương tiện, như: ca nô, nhà bạt, phao cứu sinh, áo phao, phao bè, đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ và dự trữ một số trang bị như nhà bạt, phao bè sẵn sàng giúp đỡ các địa phương vùng bị nạn. Bảo đảm đầy đủ các phương tiện: xe, ca nô, tàu, thuyền,… phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai. Thường xuyên bảo đảm dự trữ về lương thực, thực phẩm, nước uống theo quy định. Các địa phương, đơn vị, nhất là đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng cơ động, thường xuyên bảo đảm lương thực, thực phẩm đủ dùng trong một tuần. Thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ1, huy động tổng lực về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất để ứng cứu khi có tình huống, với phương châm: cứu người trước, tài sản sau, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

Với tư tưởng chỉ đạo: phòng là chính, ứng phó nhanh, hiệu quả với bão lũ, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động dự kiến các tình huống, xây dựng các kịch bản ứng phó, sát thực tiễn. Trong đó, xác định 05 loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, là: bão; lụt; lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; lốc xoáy, mưa đá; động đất, sóng thần. Trên cơ sở đó, phân chia thành các cấp độ, giai đoạn khác nhau để xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp; đồng thời, chia địa bàn Tỉnh thành các khu vực trọng điểm gắn với các loại hình thiên tai, như: vùng trọng điểm bão, ngập lụt; vùng trọng điểm lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Từ đó, có phương án sử dụng lực lượng, phương tiên phù hợp, chủ động trong xử lý khi xảy ra các tình huống, sự cố, thảm họa thiên tai. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra các tuyến đường cơ động để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; chủ động hiệp đồng với Sư đoàn Không quân 372 khảo sát, xây dựng, quản lý các bãi hạ cánh máy bay trực thăng phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại các huyện, thị xã, thành phố. Thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với các sở, ban, ngành của Tỉnh, nắm chắc thông tin về tình hình sự cố, thiên tai để có biện pháp chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu; phân công, phân nhiệm, địa bàn phụ trách rõ ràng; thống nhất phương án ứng phó, sử dụng lực lượng, phương tiện của các đơn vị tham gia, tránh chồng chéo, lúng túng khi có tình huống xảy ra. Phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa Tỉnh, Trung tâm Y tế các địa phương dự trù đầy đủ phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc men sẵn sàng cơ động cứu chữa người bị nạn. Tổ chức lực lượng, phối hợp với lực lượng Công an tuần tra, canh gác giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; bảo vệ an toàn hồ chứa nước, công trình thủy lợi, thủy điện. Lực lượng dân quân tự vệ các địa phương biên giới, ven biển phối hợp với các đồn Biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn theo kế hoạch hiệp đồng giữa các đơn vị.

Cùng với đó, các phương án ứng phó với thiên tai, thích nghi và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đã và đang được các cơ quan, đơn vị tích cực thực hiện. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương chuẩn bị địa điểm, phương án sơ tán nhân dân, theo hướng ưu tiên xen ghép, sơ tán tại chỗ, tách biệt thôn với thôn, xã với xã, huyện với huyện, hạn chế sơ tán tập trung, giảm nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Xây dựng các phương án huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để ứng cứu và khắc phục hậu quả ngay tại địa bàn; bảo đảm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong tất cả các khâu, các bước của công tác phòng, chống thiên tai. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị y tế, thuốc men, hoàn thành tiêm vaccine, bảo đảm an toàn cho lực lượng tuyến đầu trong thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam luôn xác định: phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn không chỉ góp phần giảm nhẹ thiệt hại về người, tài sản, mà còn là tình cảm, trách nhiệm của “Bộ đội Cụ Hồ” đối với nhân dân, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng TRUNG THÀNH, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng
Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

___________________

1 - Gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.