QPTD -Thứ Hai, 08/01/2018, 14:00 (GMT+7)
Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Cách đây đúng 50 năm, vào thời khắc giao thừa Tết Mậu Thân 1968, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp miền Nam, trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế, đánh thẳng vào các căn cứ quân sự, cơ quan đầu não, khiến giới cầm quyền Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn bàng hoàng, sửng sốt. Đây là cuộc tiến công chiến lược táo bạo, bất ngờ, có quy mô rộng nhất, cường độ mãnh liệt nhất, đều khắp nhất và tầm ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta, tính đến thời điểm đó. Lần đầu tiên, sau nhiều năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, toàn bộ hệ thống phòng thủ đô thị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn bị tiến công; hậu phương, hậu cứ của địch bị rối loạn. Đặc biệt, với 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế đã khẳng định sức mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam anh hùng.

Trong cuộc tiến công chiến lược này, chúng ta không chỉ tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, mà còn đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải nhận ra rằng, không thể dùng lực lượng viễn chinh để thắng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Với thắng lợi đó đã buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta ở hội nghị Pa-ri, tạo bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hơn thế, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 còn là cơ sở, động lực quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện chủ trương chiến lược: “đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành trọn vẹn mong ước của toàn dân tộc và Bác Hồ kính yêu: “Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”. Có được thắng lợi to lớn, vang dội như vậy là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố; trong đó, tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược của toàn thể dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhất. Điều đó được thể hiện ở đường lối lãnh đạo đúng đắn, sự chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng tạo của Đảng đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, nhất là trước những thử thách ngặt nghèo và thời điểm khó khăn nhất.

Ngay từ giữa năm 1965, đứng trước sự phá sản không thể cứu vãn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ buộc phải bị động chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh và quân đồng minh vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Trước tình thế đó, Đảng ta chủ trương: “Động viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào”1. Đặc biệt, đến cuối năm 1967, khi cục diện chiến trường và tình hình quốc tế (liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam) có bước chuyển biến mau lẹ theo hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam, Đảng ta quyết định: “… động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất,… để giành thắng lợi quyết định”2. Điều đó thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược sắc sảo, táo bạo, đúng đắn của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo phát động và đưa cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta được thể hiện sâu sắc trong “Thư chúc mừng năm mới” 1968 của Bác Hồ kính yêu: “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”. Quyết tâm sắt đá đó được hậu phương lớn miền Bắc thể hiện ở sự chi viện đắc lực sức người, sức của, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Đối với tiền tuyến lớn miền Nam, thể hiện tập trung ở chỗ quán triệt sâu sắc tư tưởng chiến lược tiến công; kết hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, thực hiện đánh địch bằng ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, ở mọi quy mô: đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ, v.v. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược không chỉ dừng lại ở ý chí, ở sức mạnh tinh thần mà còn được chuyển hóa thành hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong việc nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, so sánh lực lượng ta - địch, nắm bắt thời cơ, lựa chọn thời điểm, mục tiêu tiến công táo bạo, bất ngờ để giành thắng lợi lớn về chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Thắng lợi đó đánh dấu bước phát triển mới trong học thuyết và nghệ thuật quân sự Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm, bài học quý, trong đó bài học về tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược vẫn còn nguyên giá trị đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hiện nay.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - bước ngoặt quyết định
và bài học lịch sử”

Trong những năm tới, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây bất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông diễn ra gay gắt, tác động không nhỏ đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Đối với nước ta, tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định; kinh tế tiếp tục tăng trưởng, quốc phòng, an ninh được củng cố, quan hệ hợp tác đối ngoại không ngừng được mở rộng, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn, tình hình chính trị - xã hội ở một số địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới và biển, đảo còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội. Tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động đánh giá đúng tình hình, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, vận dụng, phát triển những bài học quý trong các cuộc kháng chiến vừa qua, nhất là bài học về tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối lãnh đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nói riêng, đường lối lãnh đạo đúng đắn và sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi. Bởi đường lối của Đảng là cội nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc, của ý chí, niềm tin chiến thắng và khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của quân và dân ta. Nhờ đường lối đúng, nên Đảng ta đã khơi dậy, phát huy cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc, sức mạnh của cả hai miền Nam, Bắc để đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Để vận dụng, phát triển bài học trên vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, chúng ta phải quán triệt và thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trước hết, tập trung quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trên cơ sở thấu suốt tư duy mới của Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc để có giải pháp kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,… không ngừng tăng cường sức mạnh và tiềm lực quốc phòng, ứng phó kịp thời, hiệu quả với mọi tình huống, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược. Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp thường xuyên và lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chúng ta phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, nhận thức rõ đối tác, đối tượng, phối hợp chặt chẽ các hoạt động quốc phòng với an ninh và đối ngoại nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao nhất. Quá trình tổ chức thực hiện, phải nắm vững quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng: bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Hai là, coi trọng nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, đảm bảo sự chủ động về chiến lược, đối phó thắng lợi với mọi tình huống xảy ra

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đảng ta đã nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình, tương quan so sánh lực lượng địch - ta để vạch ra phương châm chỉ đạo chiến lược đúng đắn, đảm bảo luôn giữ và giành quyền chủ động chiến lược; thực hiện đòn tiến công táo bạo, bất ngờ, chính xác và giành thắng lợi to lớn. Thực tiễn đó cho thấy, nhờ nắm chắc tình hình, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu chí mạng của địch, nắm vững quy luật của chiến tranh, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh của chiến tranh nhân dân vào điều kiện cụ thể của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 để đạt mục tiêu chiến lược, tạo nên bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, chúng ta phải làm tốt công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là những vấn đề liên quan, tác động đến quốc phòng, an ninh của đất nước. Trên cơ sở đó, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, kiên quyết giữ vững nguyên tắc chiến lược; đồng thời, có đối sách linh hoạt, mềm dẻo để giải quyết tốt các vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ quốc tế. Cùng với đó, chủ động chuẩn bị về lực lượng và các kế hoạch, phương án tác chiến, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là cơ quan cấp chiến lược, cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, lực lượng,… nhất là với lực lượng An ninh và Đối ngoại để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này. Trước hết, các lực lượng cần thường xuyên phối hợp nắm chắc tình hình, có biện pháp đấu tranh hiệu quả, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động và các hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.

Ba là, kế thừa những tinh hoa về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Đây là một bài học thành công và cũng là nét đặc sắc, sáng tạo của Đảng ta trong việc vận dụng nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong đó, nổi bật là nghệ thuật kết hợp đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; thực hành ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận) trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị). Đó còn là nghệ thuật tổ chức xây dựng, sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), nghệ thuật kết hợp giữa tiến công của các đơn vị bộ đội chủ lực với nổi dậy của quần chúng nhân dân. Nét đặc sắc của nghệ thuật đó còn được thể hiện trong kết hợp, vận dụng linh hoạt các yếu tố về “thế, lực, thời, mưu”, lựa chọn thời cơ, thời điểm và mục tiêu tiến công, cũng như cách đánh hiểm, táo bạo, bất ngờ vào thẳng sào huyệt kẻ thù, trên cơ sở thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, vững chắc.

Ngày nay, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu bài học về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân nêu trên để vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Theo đó, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay phải trên cơ sở nắm vững quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, do toàn dân tiến hành, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Nền quốc phòng đó phải được xây dựng theo phương châm: vững toàn diện, mạnh ở trọng điểm, nhất là trên các địa bàn chiến lược, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong thời bình; đồng thời, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi quy mô, hình thức. Muốn vậy, cùng với nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, phải đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng phải thường xuyên phối hợp, hướng dẫn các ban, bộ, ngành từ Trung ương tới địa phương tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc về chiều sâu theo Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính Phủ về khu vực phòng thủ và Nghị định 02/2016/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 152/2007/NĐ-CP. Trong đó, phải đặc biệt coi trọng xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở và lấy đó làm cơ sở, nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân.

Bốn là, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, trọng tâm là xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, làm nòng cốt cho toàn dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang trong chiến tranh cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, nhất là xây dựng bộ đội chủ lực từng bước phát triển lớn mạnh. Theo đó, đến cuối năm 1967, lực lượng bộ đội chủ lực toàn miền Nam đã phát triển lên 278.000 người3, được tổ chức thành 190 tiểu đoàn chiến đấu, bố trí bí mật trên khắp các chiến trường. Đây là một trong những nhân tố tạo sức mạnh trực tiếp, quyết định thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đồng thời, thể hiện tầm nhìn và sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo của Đảng ta về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến tranh giải phóng dân tộc.

Đó là bài học hết sức quý báu, cần được tiếp tục vận dụng, phát huy để xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, coi trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu. Đặc biệt, cần tập trung xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại theo phương hướng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định. Phải xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, làm nòng cốt cho toàn dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều đó, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng theo Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”; xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Đây là những vấn đề rất quan trọng, cần được thực hiện nghiêm túc, nhằm đảm bảo cho Quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục quán triệt, nắm vững và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt công tác: hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng và đối ngoại quốc phòng, v.v. Phải coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng theo các phương án và huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại; huấn luyện thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, thảm họa, v.v.

Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhằm ôn lại sự kiện lịch sử hào hùng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng và khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn giá trị lịch sử và hiện thực cũng như những bài học, kinh nghiệm quý được đúc rút từ thực tiễn để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

____________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 26, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 634.

2 - Sđd, Tập 29, tr. 50.

3 - Trận đánh ba mươi năm, Nxb QĐND, H. 2005, tr. 983.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết