Thứ Ba, 17/09/2024, 08:44 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Sinh hoạt tư tưởng
Gần đây, rộ lên chuyện các địa phương “đua nhau” làm cổng chào. Tỉnh (thành) làm; huyện làm; thậm chí xã cũng làm. Hình dáng của các cổng chào cũng muôn hình muôn vẻ. Còn độ “hoành tráng” thì khỏi phải nói, nhất là với cổng chào “cấp tỉnh”. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, tỉnh bạn dựng cổng chào hàng trăm triệu đồng, thì tỉnh ta phải tiền tỉ, thậm chí hàng chục tỉ, cho nó hơn người. Điều đáng buồn là, có địa phương còn nghèo, đời sống nhân dân còn khổ, việc làm ăn còn phải “cầu cứu” Trung ương “viện trợ”, song cũng dựng cổng chào cho nó “bằng anh bằng em”!.
Lý do dựng cổng chào thì nhiều lắm: nào là kỷ niệm năm chẵn thành lập tỉnh; nào là chào đón các danh hiệu được trên trao tặng, v.v và v.v.
Sẽ không có gì đáng nói, nếu những cái cổng chào ấy được dựng với kinh phí phù hợp; được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, được làm và đặt đúng nơi, đúng chỗ; kinh phí hết sức khiêm tốn; vật liệu chủ yếu làm bằng các thứ sẵn có ở địa phương,... nhìn thật giản dị mà đẹp, thiết thực. Nhưng cũng có không ít cổng chào được dựng lên với kinh phí “khủng” song đặt “nhầm” chỗ, gây phản cảm, thậm chí ảnh hưởng tới giao thông. Có cổng chào được thiết kế quá “thường thường bậc trung”, chất lượng lại tồi, sớm “phôi pha” chỉ sau thời gian ngắn. Cũng không ít chuyện lình xình trong sử dụng kinh phí cho việc này, khiến dư luận hoài nghi. Ấy vậy mà, có nơi, khi được hỏi, lãnh đạo nơi đó thản nhiên mà rằng, đó là kinh phí huy động từ xã hội hóa, chứ đâu có “đụng” vào ngân sách địa phương. Ôi chao! Tiền nào mà chả là tiền! Đều từ sức dân mà ra đấy, các “vị” ạ!
Người viết bài này ngẫm rằng, phải chăng, đây chính là một biểu hiện của “căn bệnh” khá phổ biến hiện nay: bệnh lãng phí. Nó cùng với căn bệnh tham ô, tham nhũng đang hằng ngày hằng giờ làm nghèo đất nước; một biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra.
Thiết nghĩ, cái mà người dân cần là làm sao để cuộc sống ngày một khấm khá, có “của ăn của để”; dân chủ hóa trong đời sống xã hội được coi trọng; tình làng, nghĩa xóm thân thiện, “tắt lửa, tối đèn” có nhau,… chứ người dân đâu cần cái thứ hào nhoáng, phô trương, hình thức kia. Ông cha ta đã rất chí lý khi dạy rằng: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”; cũng như một nhà hiền triết đã nói “chiếc áo không làm nên ông thày tu”.
Nghĩ sâu xa hơn, những việc làm “quá đà” nêu trên, chẳng phải do cá nhân nào tự quyết, mà phải là “ý chí” của một tập thể, bàn bạc và quyết định. Như thế là, cái tập thể ấy đã “đánh rơi” mất chữ KIỆM trong tám chữ vàng mà sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn nhắc nhở mọi người gắng sức thực hiện; tinh thần kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ở địa phương đó chưa thiết thực, cụ thể và chưa thấm vào suy nghĩ, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền .
VĨNH PHUC
bệnh lãng phí,biểu hiện
“Đèn nhà ai, nhà nấy rạng” 18/03/2024
Câu chuyện nhỏ về “yêu, ghét” 03/11/2023
Đơn giản mà không đơn giản 10/07/2023
Tản mạn về chuyện lấy phiếu tín nhiệm 13/03/2023
Vạch áo cho người xem lưng 10/11/2022
Chuyện “Ngại… làm Bí thư chi bộ” 08/08/2022
“Nút thắt” trong sinh hoạt đảng viên hai chiều 24/06/2022
Ngẫm về điều không được làm của đảng viên 03/02/2022
Chuyện đi cơ sở 09/09/2021
Văn hóa Đảng - một góc nhìn 04/06/2021