Bình luận - Phê phán Sinh hoạt tư tưởng

QPTD -Thứ Hai, 20/10/2014, 16:01 (GMT+7)
Giá các chú đừng chúc thì anh khỏe hơn!

Đó là câu nói của bác Trưởng Ban liên lạc làng tôi trong buổi gặp mặt con em của làng đang sinh sống, công tác xa quê mới đây.

Theo quy chế và đã trở thành thông lệ, mỗi năm, Ban liên lạc tổ chức gặp mặt một lần con em của làng xa quê vào dịp đầu năm học mới của các cháu học sinh. Buổi gặp mặt có ba nội dung: một là, Ban liên lạc đánh giá tổng kết năm học của các cháu và trao phần thưởng cho những cháu học sinh giỏi, thi đỗ đại học; hai là, đóng quỹ khuyến học; ba là, bữa cơm gặp mặt. Đó là việc làm ý nghĩa nhiều mặt, tạo cho những người sống xa quê như chúng tôi gắn kết với nhau, nhắc nhở nhau có trách nhiệm với quê hơn; đồng thời, góp phần thúc đẩy tinh thần hăng say học tập của các cháu. Vì thế, mặc dù bận rộn với công việc, nhưng các cuộc gặp mặt hằng năm khá đông đủ, ai nấy đều vui vẻ. Năm nay, khi chuyển sang phần cuối - liên hoan - mọi người nâng cốc “chúc sức khỏe” nhau. Chúng tôi hào hứng đến gần bác Trưởng Ban liên lạc, người nâng ly, người nâng cốc chạm ly cùng bác và nói: “Chúc bác sức khỏe”!

Bác nâng ly hưởng ứng và rằng:

- “Giá như các chú đừng chúc thì anh khỏe hơn”!

Mọi người chưa kịp hiểu ý, bác đã nói tiếp:

- Các chú biết không, vừa rồi, tôi giật mình khi được biết: Việt Nam là “cường quốc” về uống rượu, bia. Những “kỷ lục”, như: Người Việt tiêu thụ tới 3 tỷ lít bia mỗi năm, thuộc quốc gia uống bia nhiều nhất Đông Nam Á. Thông tin đó, làm tôi thực sự ngỡ ngàng. Ấy là chưa kể đến món “quốc lủi” được nhiều người “tôn vinh” đang hiện diện ở hầu khắp gia đình, từ nông thôn đến thành thị, các chú đều biết cả! Thú thực với các chú, có lúc tôi tự hỏi giá như Việt Nam là cường quốc về kinh tế, về khoa học - kỹ thuật,… thay vì là cường quốc về uống rượu, bia thì hay biết mấy! Ấy là chưa nói đến việc khi đã “quá chén” kéo theo bao hệ lụy khôn lường. Các chú thấy báo, đài thông tin về tình hình tai nạn giao thông, trong đó có tới một nửa số vụ là do rượu, bia. Tôi nói: “các chú đừng chúc thì anh khỏe hơn” là ở nhẽ ấy.

Dừng giây lát, bác tiếp mạch:

- Nói thật, các chú ở xa về, uống rượu, bia rồi nhỡ “có chuyện gì” thì khổ, mà anh cũng áy náy cả đời. Vậy nên, những khi gặp nhau vui như thế này, ta cũng đừng cố “màn hình phẳng”, “bắc cạn”, “dô, dô” nhiều quá làm gì. Mà như thế đâu có kém vui. Các chú đều là chủ và là rường cột của gia đình nên càng phải giữ gìn. Đang vui mà anh nhắc đến điều này cũng là không phải. Anh nói thế, có điều gì sai các chú bỏ quá cho!

Ra về, ngẫm nghĩ những điều bác Trưởng Ban liên lạc nói tôi thêm thấm thía. Đành rằng, uống rượu, bia là một “nhu cầu tự nhiên” của con người, nó như một phần của cuộc sống và đã tồn tại từ hàng ngàn năm qua, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước. Song, không vì thế mà mỗi khi gặp gỡ nhau là lại uống, mà đã uống là phải “mút chỉ”, “đến bến”. Giờ nghỉ trưa công sở cũng uống. Đàm phán, ký kết hợp đồng cũng phải có tí “cay cay”. Tổng kết, sơ kết là mượn đến chai rượu,… làm mất đi ý nghĩa của việc uống rượu, bia. Thiết nghĩ, uống sao cho có chừng mực, có lúc, có nơi thể hiện văn hóa trong uống rượu, bia là điều mỗi người cần suy ngẫm.

NGUYỄN PHÚ HƯNG

Ý kiến bạn đọc (0)