Bình luận - Phê phán Sinh hoạt tư tưởng

QPTD -Thứ Hai, 09/12/2013, 14:48 (GMT+7)
Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Sự ra đời của điện thoại, nhất là điện thoại di động là bước phát triển văn minh của con người. Ai cũng thấy ích lợi của điện thoại, cho nên ở nước ta hiện nay tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động rất cao. Có lẽ không một cán bộ, viên chức nhà nước nào mà lại không sở hữu và sử dụng ít nhất một chiếc điện thoại di động. Đó là điều tốt, vì nó thuận tiện cho việc chung và việc riêng.

Việc sử dụng điện thoại di động đúng cách, đúng nơi, đúng lúc thì không có gì phải bàn. Điều đáng bàn là, có một số người sử dụng điện thoại quá “vô tư” ngay ở nơi công cộng. Trong không ít cuộc họp, sinh hoạt, học tập của cơ quan, đơn vị, mặc dù đã có sự nhắc nhở của ban tổ chức, hoặc người chủ trì về việc yêu cầu mọi người tắt điện thoại hoặc để ở chế độ rung, nhưng vẫn có người hình như không quan tâm đến điều đó. Vậy nên, trong giờ họp, sinh hoạt hay học tập, trong khi mọi người đang trật tự theo dõi nội dung thì thỉnh thoảng lại có những tín hiệu báo có cuộc gọi hoặc tin nhắn gửi đến. Thôi thì đủ loại tín hiệu, nào là gà gáy, chim hót, chuông reo hay một đoạn tình ca mùi mẫn,… được cất lên. Để thể hiện cá tính, có chủ nhân của điện thoại còn sưu tầm, cài đặt các kiểu chuông “không giống ai”, nên khi những âm thanh ấy vang lên, đến bản thân tác giả của chúng cũng “ngượng chín người”, chứ chưa nói gì đến cử tọa và nhất là sự chi phối đến người chủ trì buổi làm việc. Trường hợp tín hiệu báo có người gọi điện thoại hay tin nhắn gửi đến giữa những sinh hoạt tập thể thiêng liêng khác, như: chào cờ, viếng người quá cố,… thì điều đó không chỉ phản cảm mà còn thể hiện sự thiếu nghiêm túc.

Một số người trong các sinh hoạt tập thể chẳng những không tập trung chú ý theo dõi lắng nghe, mà còn dùng điện thoại di động làm công cụ để giải trí. Nào là lướt web, chơi game, nghe nhạc, gọi điện hoặc gửi tin nhắn,… Điều đó không những làm cho bản thân họ không nắm được nội dung của buổi sinh hoạt, mà còn gây ức chế đến nhiều người khác. Sử dụng điện thoại di động như thế nên chăng?

Nói về điều này, có người cho rằng: “Chuyện nhỏ ấy mà!”. Xin thưa, chuyện thì nhỏ, nhưng xét về mặt văn hóa thì chẳng nhỏ chút nào. Bản thân chiếc điện thoại không có lỗi; tiếng nhạc chuông ấy cũng không có lỗi. Chỉ những người sử dụng nó không đúng cách mới đáng chê trách. Thiết nghĩ, sử dụng điện thoại như thế nào cho có văn hóa là vấn đề mà mỗi chúng ta cần quan tâm, sao cho người sử dụng chúng phải xứng tầm là “chủ nhân thông minh” của những phương tiện hiện đại.

NGUYỄN PHÚ HƯNG

Ý kiến bạn đọc (0)