Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Bảy, 16/04/2016, 08:19 (GMT+7)
Xu hướng xây dựng lực lượng phản ứng nhanh của một số nước châu Á hiện nay

Những năm qua, trước bối cảnh khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, một số nước châu Á tập trung phát triển lực lượng phản ứng nhanh. Đây là vấn đề nhạy cảm, được dư luận hết sức quan tâm.

Lực lượng phản ứng nhanh của Trung Quốc ở Tân Cương (Ảnh: Reuters)

Thực trạng lực lượng phản ứng nhanh của một số nước châu Á

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, nhất là từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, cùng với xu thế xây dựng quân đội gọn, nhẹ, có sức chiến đấu cao, nhiều nước tập trung xây dựng lực lượng phản ứng nhanh, nhằm kịp thời đối phó với tình huống khẩn cấp và thực hành răn đe chiến lược. Đến nay, đã có trên 20 quốc gia thiết lập lực lượng phản ứng nhanh và bước đầu phát huy vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia, giải quyết xung đột và đối phó với các nguy cơ. Lực lượng này thường được phát triển nâng cấp từ các đơn vị của lực lượng vũ trang, được trang bị các loại vũ khí, kỹ thuật cao, tổ chức tinh gọn, có khả năng triển khai nhanh bằng đường không, đường biển, tác chiến cơ động, phản ứng linh hoạt, độc lập chiến đấu ở cường độ và quy mô trung bình, sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phức tạp ở trong và ngoài nước.

Những năm gần đây, một số nước châu Á đã chú trọng xây dựng, phát triển lực lượng phản ứng nhanh, coi đây là “quả đấm chiến lược”, tác chiến chủ yếu trong các cuộc xung đột vũ trang và chiến tranh cục bộ. Cùng với tăng cường hoả lực mạnh, khả năng tác chiến tầm xa và công nghệ thông tin, cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của lực lượng phản ứng nhanh cũng đã có những phát triển mới. Theo đó, chất lượng, khả năng và hiệu quả tác chiến của quân đội cũng được nâng cao trong điều kiện nhịp độ tác chiến nhanh, tính bí mật, bất ngờ lớn, yêu cầu độ chính xác cao, hiệu quả tức thời. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, khả năng kinh tế,… của mỗi nước khác nhau nên quan điểm, biện pháp và hiệu quả xây dựng lực lượng này cũng khác nhau.

Đối với Trung Quốc, lực lượng phản ứng nhanh được thành lập từ năm 1960, với quy mô ban đầu chỉ là một số đơn vị hải quân đánh bộ. Năm 1980, lực lượng này được thành lập ở cả 3 quân chủng: Lục quân, Không quân, Hải quân và phát triển mạnh từ thập kỷ 90 đến nay. Hiện nay, lực lượng phản ứng nhanh của Trung Quốc đã phát triển đến quy mô cấp hạm đội, quân đoàn và tập đoàn quân, với hàng chục sư đoàn. Ngoài ra, nước này còn có nhiều trung đoàn, tiểu đoàn lực lượng phản ứng nhanh trong dân quân tự vệ. Tuy vậy, về lãnh đạo, chỉ huy, khi mới thành lập, lực lượng phản ứng nhanh của quân chủng nào do quân chủng đó chỉ huy, điều hành, nên hiệu quả hoạt động cũng có mặt còn hạn chế. Hiện tại, Trung Quốc xác định lấy lực lượng này là dự bị chiến lược; đồng thời, tiếp tục ưu tiên đầu tư các loại vũ khí, trang bị hiện đại; hoàn thiện tính chuyên nghiệp hóa cho từng đơn vị, trọng tâm là Quân đoàn đổ bộ đường không số 15, Tập đoàn quân trực thăng vận tải 38 và ba sư đoàn lục quân, nhằm nâng cao khả năng tác chiến trong mọi tình huống.

Lực lượng phản ứng nhanh của Nhật Bản được xây dựng theo hướng đa năng, vừa có khả năng đối phó với các sự kiện đột xuất, vừa có thể tăng viện cho lục quân và hải quân, ngăn chặn, kiềm chế và tiêu diệt kẻ địch tiến công. Để tiếp tục nâng cao hiệu suất chiến đấu cho lực lượng này, Nhật Bản đẩy mạnh việc điều chỉnh cơ cấu chỉ huy, giảm bớt tầng nấc trung gian, nâng cao khả năng tác chiến liên hợp, phản ứng linh hoạt của bộ máy chỉ huy các cấp, tăng đầu mối đơn vị và quân số, ưu tiên đầu tư trang bị, vũ khí hiện đại mới, theo hướng “tinh, gọn, đa năng, linh hoạt và hiệu quả”, trên cả 3 phương diện: nâng cao khả năng cơ động trên không; chống tăng tầm xa; đánh địch tầm gần, đảm bảo đối phó hiệu quả với các cuộc tiến công khủng bố, giữ vững an ninh chính trị trong nước.

Đối với Thái Lan, lực lượng tác chiến đặc biệt của lục quân có chức năng, nhiệm vụ như lực lượng phản ứng nhanh, được huấn luyện đặc biệt, trang bị hiện đại và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Lục quân Thái Lan, để giải quyết các vấn đề an ninh trong nước và ngăn chặn các mối đe dọa từ ngoài nước. Xu hướng tới, Thái Lan tiếp tục củng cố, phát triển lực lượng tác chiến đặc biệt, đầu tư trang bị, nhất là những loại vũ khí nhẹ, mới của nước ngoài.

Quân đội Phi-líp-pin tổ chức lực lượng phản ứng nhanh trên cơ sở các đơn vị biệt kích thám báo và đặc nhiệm của lục quân. Lực lượng này được huấn luyện ở trình độ cao về các thủ đoạn chống nổi dậy và khủng bố. Ngoài ra, các nước khác như: Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia cũng đã thiết lập lực lượng phản ứng nhanh, với tổ chức biên chế gọn nhẹ, có khả năng cơ động cao, trang bị, vũ khí hiện đại, nhằm đáp ứng yêu cầu an ninh của mỗi nước.

Một số xu hướng xây dựng chủ yếu

Theo các chuyên gia dự báo, trong những năm tới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là nơi phát triển năng động nhất thế giới. Song cũng là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn nên cũng tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, khó lường. Vì thế, việc xây dựng lực lượng phản ứng nhanh của các nước châu Á là một tất yếu để đối phó với các xung đột trong nước cũng như khu vực. Việc này được thể hiện rõ qua các xu hướng sau:

1. Nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng phản ứng nhanh, để nâng cao khả năng phản ứng nhanh trước các nguy cơ. Theo đó, các nước châu Á sẽ dựa trên tiêu chí xây dựng lực lượng của quân đội các nước tiên tiến, để huấn luyện lực lượng phản ứng nhanh của mình. Trong đó, xu thế phát triển lực lượng phản ứng nhanh của Trung Quốc theo hướng: nâng cao tính cơ động, khả năng đối phó mau lẹ và tác chiến hợp đồng quân chủng, binh chủng ở tuyến trước, cả ở trong và ngoài lãnh thổ nước này.

2. Do lực lượng phản ứng nhanh thường được triển khai sớm tại các khu vực có tình huống khẩn cấp và có thể phải duy trì khả năng tác chiến với điều kiện không được tăng viện trong một thời gian nhất định, nên các nước luôn coi trọng nâng cao khả năng tác chiến độc lập cho lực lượng này. Hiện tại, trên cơ sở lực lượng nòng cốt, Nhật Bản đã tiến hành mở rộng quy mô các đơn vị tác chiến đặc biệt. Phi-líp-pin đang hướng tới thành lập cụm hoạt động tác chiến đặc biệt hải quân với quy mô 3.650 binh sĩ, đảm bảo có thể độc lập tác chiến trong mọi tình huống.

3. Tổ chức biên chế linh hoạt cho lực lượng phản ứng nhanh cũng là xu thế mà các nước châu Á đang hướng tới. Các nước thường duy trì lực lượng phản ứng nhanh khoảng 10-30% quân số thường trực. Theo các chuyên gia quân sự, thời gian tới, lực lượng phản ứng nhanh của các nước chủ yếu được xây dựng trên cơ sở của các lực lượng nhẹ, như: lực lượng cơ động đổ bộ đường không và lữ đoàn, sư đoàn nhẹ. Tuy nhiên, do đặc điểm, điều kiện của mỗi nước mà quy mô, tính chất và khả năng trang bị cho lực lượng phản ứng nhanh cũng khác nhau. Ví như trường hợp của quân đội Trung Quốc, khi mới thành lập, mỗi đại quân khu, tập đoàn quân có một tiểu đoàn phản ứng nhanh; đến những năm 90 phát triển thành các trung đoàn và sư đoàn. Sang đầu thế kỷ XXI, lực lượng này đã phát triển thành quân đoàn, hạm đội, tập đoàn quân. Trong khi đó, Phi-líp-pin tiếp tục phát triển các lực lượng phản ứng nhanh, tăng đầu mối đơn vị và quân số, tranh thủ sự tài trợ và đào tạo của Mỹ. Từ năm 1970, khi mới ra đời, tổ chức biên chế lực lượng phản ứng nhanh của Thái Lan gồm cấp đại đội biệt kích, tiểu đoàn chiến đấu đặc biệt. Năm 1982, lực lượng này phát triển thành Sư đoàn tác chiến đặc biệt số 1, với trên 6.000 quân. Đến nay, Thái Lan phát triển thêm hai sư đoàn đặc nhiệm, Trung tâm tác chiến đặc biệt, tiểu đoàn tác chiến đặc biệt. Ngoài ra còn có Trường huấn luyện tác chiến đặc biệt và các đơn vị bảo đảm.

4. Tăng cường khả năng cơ động chiến lược là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu, được các nước coi trọng, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng phản ứng nhanh. Để nâng cao khả năng này, một số nước đã, đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ; trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau: (1). Tăng số lượng máy bay vận tải cỡ lớn, đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị trưng dụng máy bay vận tải dân dụng; chủ yếu thực hiện chiến lược quân sự “Phòng thủ biển xa”. (2). Tăng cường khả năng dự trữ vật tư hàng hóa ở nước ngoài để giảm thiểu khối lượng vận chuyển hoặc bố trí dự trữ, nhằm nhanh chóng triển khai tác chiến tại các khu vực cần thiết. (3). Tập trung đầu tư vũ khí, trang bị chiến đấu nhẹ, có khả năng cơ động cao, như: xe thiết giáp cỡ nhỏ, pháo tự hành bánh hơi, đáp ứng yêu cầu tung phóng tầm xa, phản ứng nhanh.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, việc xây dựng lực lượng phản ứng nhanh của các nước châu Á hiện nay chủ yếu nhằm đáp ứng sự biến động mau lẹ, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và tận dụng trình độ phát triển của khoa học công nghệ cao. Đó còn là nhu cầu của từng nước trong quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, nếu quá chú trọng vào vấn đề này, có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực, thậm chí còn góp phần làm cho các cuộc xung đột, chiến tranh trong tương lai trở nên phức tạp, khó lường. Vì vậy, dư luận cho rằng, việc phát triển lực lượng phản ứng nhanh là nhu cầu của mỗi quốc gia, nhưng phải trong khuôn khổ các quy định của luật pháp quốc tế, nhằm hướng tới bảo vệ nền hòa bình, ổn định ở từng khu vực và thế giới.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN HỒNG QUÂN, Viện Chiến lược quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...