Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 26/12/2016, 08:16 (GMT+7)
Xu hướng trang bị tên lửa bờ đối hải của một số nước châu Á hiện nay

Tên lửa bờ đối hải là một trong những loại hỏa lực quan trọng trong tổ hợp vũ khí, trang bị phòng thủ của nhiều nước, nhất là các quốc gia có biển. Đặc biệt, với khả năng cơ động linh hoạt, dễ sử dụng, lại tiêu diệt chính xác các mục tiêu tầm xa, cả trên mặt nước, mặt đất, tên lửa bờ đối hải đang là mối quan tâm phổ biến của các quốc gia châu Á.

Type-88 là hệ thống phòng thủ bờ biển chủ lực của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. (Ảnh: National Interest)

Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, cùng với trọng tâm kinh tế thế giới dần dịch chuyển từ châu Âu - Đại Tây Dương sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cục diện địa chính trị và vấn đề chủ quyền lãnh thổ, an ninh biển ở khu vực này có nhiều biến chuyển nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường. Trong đó, các nước lớn đều có sự điều chỉnh về chiến lược quân sự, trọng tâm là lĩnh vực hải quân, làm cho vấn đề phòng thủ biển của các quốc gia trong khu vực cũng có bước phát triển sôi động. Trong bối cảnh đó, các hệ thống tên lửa bờ đối hải hiện đại, có uy lực mạnh, tầm bắn xa,… không chỉ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, mà còn được sử dụng trong tác chiến ven bờ, trên đất liền và là công cụ răn đe chiến lược khi cần thiết. Vì thế, tên lửa bờ đối hải đã, đang được các quốc gia chấu Á hết sức quan tâm.

Hiện tại, tên lửa bờ đối hải có trong trang bị của một số nước châu Á đã được cải tiến, nâng cấp, phát triển mới cả về tầm bắn và tốc độ, nhằm đáp ứng sự phát triển vượt trội của các phương tiện tác chiến trên biển. Theo đó, hầu hết các tên lửa bờ đối hải hiện đại đều được trang bị hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, có tầm bắn xa từ 200 km (MM40, Block3, NSM, C-602) đến 300km (Club-K, Club-M, Bastion, Brahmos); thậm chí, có loại lên tới 1.000km (DF-21D). Tuy nhiên, để ứng phó với sự phát triển của vũ khí, trang bị, phương tiện tiến công cùng các phương thức tác chiến từ hướng biển, các chuyên gia phân tích cho rằng, trong tương lai gần, xu hướng phát triển, trang bị hệ thống tên lửa bờ đối hải của các nước châu Á là đa năng hóa, tăng tầm bắn, tăng tốc độ và tính tự hoạt, v.v. Trong đó, việc tăng tốc độ cho hệ thống tên lửa bờ đối hải được thực hiện theo hướng: từ dưới âm, siêu âm đến vượt âm. Trên thực tế, các tên lửa dạng này với tốc độ dưới âm và siêu âm vẫn song song tồn tại; trong đó, tên lửa dưới âm còn chiếm tỷ lệ khá lớn cả về số lượng và chủng loại, nhưng xu hướng phát triển tên lửa đạt tốc độ siêu âm và vượt âm (trên 5.000 km/giờ) đang dần chiếm ưu thế.

Để tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển, các nước châu Á đang coi trọng nghiên cứu, phát triển và mua sắm các loại tên lửa có thể vô hiệu hóa hệ thống phòng không trên các chiến hạm của đối phương. Theo đó, hệ thống tên lửa bờ đối hải hiện đại phải được thiết kế theo công nghệ tàng hình, sử dụng các xen-xơ thụ động cùng phần mềm, thuật toán đặc biệt, giúp cho nó khó bị phát hiện khi tác chiến. Đồng thời, triệt để áp dụng các phương thức bay tiếp cận mục tiêu, như: bay bám biển, bay biên dạng cao - thấp hỗn hợp, bay vòng tránh khu vực hỏa lực,… nhằm đánh bại hệ thống tên lửa phòng thủ trên tàu.

Như vậy, xu hướng trang bị hệ thống tên lửa bờ đối hải của các nước châu Á hiện nay phải là các chủng loại được trí năng hóa và có tính đa dụng ngày càng cao, trở thành loại vũ khí thông minh, với tầm bắn, tốc độ vượt trội, sử dụng hệ thống điều khiển hỗn hợp (cả bằng quán tính, vệ tinh, so sánh ảnh địa hình và ra-đa tự dẫn), có khả năng phát hiện, nhận dạng và lựa chọn mục tiêu, có thể bay theo quỹ đạo, dích dắc, vòng tránh và lặp lại việc tấn công khi bắn trượt. Hệ thống đó phải bảo đảm khả năng cơ động linh hoạt, bí mật; có thể triển khai tiến công bất ngờ và ồ ạt vào các mục tiêu, nhưng vẫn bảo đảm thu hồi khí tài nhanh và cơ động tiến công tiếp ở vị trí mới. Tuy nhiên, việc trang bị các hệ thống tên lửa như vậy rất tốn kém và phụ thuộc vào nhiều yếu tố có tính tiên quyết, như: trình độ khoa học - công nghệ, tiềm lực kinh tế quốc gia, v.v. Do đó, tùy thuộc vào trình độ, nhu cầu và khả năng của từng nước, việc trang bị hệ thống tên lửa bờ đối hải của các nước châu Á cũng mang tính phong phú, đa dạng.

Các hệ thống tên lửa bờ đối hải của nước Nga luôn ở vị trí tiên phong trên thế giới, bởi các tính năng vượt trội nên được nhiều quốc gia quan tâm. Những năm gần đây, nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó với những thay đổi của cục diện châu Á - Thái Bình Dương cùng các mối đe dọa từ hướng biển, Nga chú trọng phát triển các hệ thống tên lửa bờ đối hải thế hệ mới, như: Bal, Bastion và Club-M để thay thế các tên lửa thế hệ cũ. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, “bộ ba tên lửa” trên đang làm đau đầu Hải quân Mỹ, phương Tây và I-xra-en khi chúng bắt đầu xuất hiện ở các “điểm nóng” trên thế giới, như: Trung Đông, Nam Mỹ và Đông Nam Á. Trong “bộ ba” này, hệ thống Bal-E với tên lửa hành trình chống hạm dưới âm Kh-35E là phiên bản dành cho xuất khẩu; còn hệ thống Bal trang bị cho Hải quân Nga có một số tính năng cao hơn và hiện vẫn là vấn đề bí mật. Riêng hệ thống tên lửa bờ đối hải phiên bản Bal-E có thể bắn 32 quả tên lửa trong một loạt bắn và hoàn toàn có khả năng tiêu diệt một cụm tàu sân bay hoặc một cụm tàu tấn công hay đổ bộ cách bờ từ 7 đến 120 km. Đặc biệt, hệ thống tên lửa bờ đối hải Bastion với hai biến thể: cố định (Bastion-S) và cơ động (K300P Bastion-P), thời gian triển khai tác chiến không quá 5 phút, có tầm bắn lên tới 300km và khả năng bảo vệ khu vực bờ biển dài khoảng 600km. Theo giới chức quốc phòng Nga, trong những năm tới, Mát-xcơ-va sẽ tăng cả về số lượng, chất lượng hệ thống tên lửa hành trình bờ đối hải so với hiện nay, tạo sự vượt trội so với các đối thủ tiềm tàng.

Với Trung Quốc, sau cuộc chiến vùng Vịnh (năm 1990), một trong những thay đổi về tư duy phòng thủ biển mà Bắc Kinh hướng tới là chuyển từ nghiên cứu học thuật đánh bại các tàu sân bay đối phương sang mua sắm, chế tạo các loại vũ khí đối hải, nhằm biến ý tưởng trên thành hiện thực. Theo đó, sự ra đời của tên lửa đường đạn bờ đối hải Đông Phong 21D (DF-21D) là một trong những bước đột phá trong trang bị hệ thống tên lửa bờ đối hải của nước này. Tên lửa DF-21D có tầm bắn khoảng 1.700 km, sử dụng thông tin chỉ thị mục tiêu bổ sung từ bên ngoài (chủ yếu từ các trạm ra-đa ngoài đường chân trời trên bờ biển), cho phép phát hiện, phân loại các loại tàu mặt nước cỡ lớn ở cự ly đến 3.000km với sai số tối đa là 10 m. Ngoài ra, trong Triển lãm hàng không Chu Hải (năm 2006), lần đầu tiên Trung Quốc giới thiệu một cách chi tiết về khái niệm hệ thống phòng thủ bờ biển tích hợp, cho phép các tên lửa bờ đối hải có thể giao chiến với các mục tiêu ở cự ly từ 8 - 280km. Trong khái niệm hệ thống phòng thủ này, Trung Quốc sử dụng 4 thiết kế tên lửa bờ đối hạm cơ bản; đó là các mẫu thiết kế tên lửa: C-602, C-701, C-704, C-801 và ít nhất, hai trong số bốn mẫu trên đã được sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, tên lửa C-602 được giới quan sát đánh giá là sự khởi đầu quan trọng về độ chính xác, tốc độ, tầm bắn và là sát thủ đối với các mục tiêu trên biển.

Để tăng cường sức mạnh răn đe tại khu vực châu Á và Ấn Độ Dương, những năm gần đây, Ấn Độ tích cực điều chỉnh chiến lược quân sự theo hướng: chuyển trọng tâm chiến lược từ lục địa là chính sang coi trọng cả lục địa và biển, nhất là tăng cường sự hiện diện quân sự trên hướng biển. Theo đó, cùng với đẩy mạnh phát triển vũ khí, trang bị hải quân và không quân, Ấn Độ đặc biệt chú trọng phát triển năng lực tác chiến của tên lửa phòng thủ bờ biển. Năm 1998, Ấn Độ đã hợp tác với Nga thành lập Liên doanh Brahmos về chế tạo tên lửa và đã cho ra đời các phiên bản tên lửa mang tên Brahmos. Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ, tên lửa Brahmos được xác định là vũ khí tiến công chủ yếu của cả ba quân chủng (hải, lục, không quân), với các biến thể phù hợp để trang bị cho tàu nổi, tàu ngầm, bệ phóng mặt đất và máy bay. Trong đó, phiên bản tên lửa bờ đối hải đã được sản xuất với số lượng lớn để trang bị cho hải quân và lục quân. Đây là bước phát triển mới trong công nghệ chế tạo vũ khí, trang bị nói chung, tên lửa tiến công của Ấn Độ nói riêng. Theo đánh giá của các chuyên gia vũ khí, Brahmos là tên lửa hành trình có tốc độ cao nhất hiện nay của Quân đội nước này, có động năng hủy diệt mục tiêu cao gấp 6 lần so với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Hơn nữa, với tầm hoạt động tối đa là 290km, Brahmos có khả năng tấn công các mục tiêu mặt nước với độ cao rất thấp: chỉ 10m. Cùng với đó, Ấn Độ đang cố gắng nâng cao khả năng tự nghiên cứu, chế tạo để đưa vào trang bị các loại tên lửa hành trình bờ đối hải, nhất là các phiên bản tên lửa Brahmos-2 siêu âm cao, Fearless,… với tầm bắn xa nhất lên tới 1.000km.

Do lo ngại về các mối đe dọa không gian chiến lược của mình, Nhật Bản đang chuyển hướng chiến lược từ “phòng vệ thụ động” sang “phòng vệ cơ động” và chuyển trọng tâm phòng thủ từ phía Bắc xuống các đảo hướng Tây Nam. Thực hiện chủ trương đó, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tăng cường trang bị cho các lực lượng hải quân, lục quân và không quân; trong đó, đẩy mạnh việc mua sắm, bố trí tên lửa bờ đối hải thế hệ mới, nhằm nâng cao khả năng phòng thủ. Hiện nay, Nhật bản đã cơ bản hoàn thành việc bố trí tên lửa bờ đối hải tại các căn cứ quân sự quan trọng, đảm bảo hình thành mạng lưới tiến công bao trùm các đảo tranh chấp, sẵn sàng phong tỏa eo biển Miyako và các vùng biển trọng yếu khi cần thiết. Ngoài ra, trong Kế hoạch điều chỉnh Lực lượng phòng vệ, trong những năm tới, Chính phủ Nhật Bản đề xuất tăng cường mua sắm các loại tên lửa bờ đối hải thế hệ mới, như Type-12, Type-88; tăng thêm quy mô và năng lực tác chiến của các đơn vị tên lửa bờ đối hải. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, phát triển các loại tên lửa bờ đối hải siêu âm, kiểu mới (XASM-3) cũng như điều chỉnh cơ chế chỉ huy tác chiến đối với hệ thống tên lửa phòng thủ này, tạo thế răn đe về chiến lược.

Đối với các nước Đông Nam Á, trước những diễn biến phức tạp về tình hình an ninh trên biển, nhất là những động thái tranh chấp chủ quyền gia tăng ở Biển Đông, cùng với nâng cao khả năng tác chiến của hải quân, việc hướng tới trang bị các hệ thống tên lửa bờ đối hải là nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, do trình độ, tiềm lực có hạn, nên mối quan tâm chủ yếu của các nước này là đầu tư mua sắm hệ thống tên lửa bờ đối hải hiện đại, kết hợp với nghiên cứu, cải tiến và chuyển giao công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp, nhằm nâng cao khả năng phòng thủ của mình. Hiện tại, các sản phẩm tên lửa phòng thủ biển của Nga, Pháp, Ấn Độ, I-xra-en,… được một số nước, như: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Bru-nây,… hết sức quan tâm.

Hệ thống tên lửa bờ đối hải hiện đại là loại vũ khí có uy lực mạnh, “công thủ toàn diện”, có khả năng giải quyết các nhiệm vụ: phòng thủ bờ, tiêu diệt các mục tiêu trên biển, trên mặt đất và răn đe đối phương một cách hiệu quả. Với những quốc gia có biển nhưng tiềm lực về kinh tế, khoa học - công nghệ, quân sự,… có hạn, thì trang bị hệ thống tên lửa đa dụng này là giải pháp phòng thủ “nhất cử lưỡng tiện”. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các hệ thống tên lửa bờ đối hải thế hệ mới đang là mối quan tâm lớn trên thị trường châu Á.

Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...