Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:06 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Với lực lượng hùng hậu, trang bị hiện đại, nhưng sau hơn 10 năm hiện diện tại Áp-ga-ni-xtan, quân Mỹ và NATO đã đưa quốc gia này ngày càng lún sâu vào chia rẽ và bạo lực. Vậy, tương lai nào cho quốc gia Nam Á này khi lực lượng quân đội nước ngoài rút đi. Đây là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Tình hình Áp-ga-ni-xtan hiện nay
Hiện tại, trong thành phần lực lượng bảo đảm an ninh quốc tế (ISAF) tại Áp-ga-ni-xtan có sự tham gia của quân đội 50 nước với tổng số hơn 130.000 quân, được trang bị khoảng 70 xe tăng, hơn 1.000 xe bọc thép, trên 100 máy bay chiến đấu và khoảng 500 trực thăng. Trong đó, lực lượng quân Mỹ chiếm tỷ lệ lớn và trực tiếp tham gia các chiến dịch quân sự.
Để tổ chức chiến đấu có hiệu quả, ISAF đã chia lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan thành 6 vùng và giao cho từng Bộ Chỉ huy phụ trách. Riêng quân chiến đấu Mỹ đảm nhiệm 50% số vùng quy định. Nhiệm vụ chủ yếu của ISAF là chiến đấu, tiêu diệt lực lượng vũ trang (LLVT) đối lập, ổn định tình hình và ngăn chặn hoạt động bạo loạn. Hình thức tác chiến chủ yếu của ISAF là thông qua các chiến dịch ổn định tình hình, bao gồm tổng hợp các hoạt động: quân sự, chính trị, kinh tế và thông tin - tâm lý nhằm trấn áp các lực lượng chống Chính phủ, bảo đảm an ninh, an toàn cho dân chúng, tạo điều kiện cho các cơ quan hành chính và chính quyền các cấp hoạt động có hiệu quả. Để đạt được mục tiêu đề ra, ISAF sử dụng các biện pháp chống nổi dậy, chủ yếu là kết hợp giữa trinh sát đường không bằng máy bay không người lái để phát hiện mục tiêu với sử dụng lực lượng đặc nhiệm mặt đất bí mật đột kích vào ban đêm; đồng thời, sử dụng máy bay ném bom có điều khiển, hỏa lực của trực thăng vũ trang và các loại súng cối, pháo mặt đất để đánh phá, ngăn chặn, chế áp sự chống trả của đối phương, sau đó sử dụng lực lượng bộ binh đánh chiếm và “thanh lọc” các khu vực dân cư.
Mặc dù có ưu thế áp đảo về lực lượng, trình độ tác chiến, phương tiện kỹ thuật so với các lực lượng đối lập, nhưng ISAF vẫn không thể đè bẹp được đối phương. Lợi dụng địa hình hiểm trở, sử dụng chiến thuật linh hoạt, tác chiến nhỏ lẻ, LLVT đối lập liên tục tiến công, quấy rối, tiêu hao ISAF và Quân đội của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan. Hơn 10 năm qua, tuy một số thủ lĩnh của An-kê-đa bị tiêu diệt, nhưng Ta-li-ban chưa hề bị đánh bại, thậm chí còn duy trì sức mạnh trên diện rộng và gần đây đã trở thành đối trọng với chính quyền Ca-bun. Khi ISAF ồ ạt tiến quân vào Áp-ga-ni-xtan, người dân nước này hy vọng vào một nền hòa bình, ổn định. Song, thay vào đó là bạo lực gia tăng, đời sống người dân bất ổn. Liên tiếp xảy ra các vụ bắn nhầm vào dân thường; xúc phạm văn hóa, tôn giáo đạo Hồi của ISAF đã làm cho người dân nước này có quan điểm ủng hộ lực lượng nổi dậy và coi sự hiện diện của quân đội nước ngoài là “xâm lược, chiếm đóng”. Do đó, số người dân Áp-ga-ni-xtan tình nguyện gia nhập lực lượng của Phong trào Ta-li-ban ngày càng đông. Trong khi đó, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước gửi quân tham gia lực lượng ISAF luôn phải thắt chặt chỉ tiêu, cắt giảm ngân sách quốc phòng nên việc tiếp tục duy trì những đội quân lớn ở Áp-ga-ni-xtan là không khả thi và ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp cả về chính trị và kinh tế. Vì vậy, họ buộc phải rút quân khi sứ mệnh chưa hoàn thành. Đây là “khoảng trống an ninh” lớn khó có thể bù đắp đối với chính quyền Ca-bun đương nhiệm.
Thách thức đối với Áp-ga-ni-xtan sau khi ISAF rút quân
Theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, sau khi ISAF rút khỏi Áp-ga-ni-xtan, nước này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức:
Một là, thách thức về an ninh và chính trị. Sau năm 2014, thách thức lớn nhất đối với Áp-ga-ni-xtan là sự chống phá quyết liệt của các lực lượng đối lập (Phong trào hồi giáo Ta-li-ban, Đảng hồi giáo Áp-ga-ni-xtan và Phong trào hồi giáo U-dơ-bê-ki-xtan). Các lực lượng này đã mở rộng đáng kể ảnh hưởng và giành quyền kiểm soát đối với phần lớn lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan. Vì thế, số lượng các vụ đụng độ vũ trang giữa Quân đội Chính phủ và Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan ngày càng tăng. Điểm đáng chú ý là, các lực lượng hồi giáo cực đoan đang tập trung mũi nhọn vào đại diện bộ máy quyền lực và an ninh của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan, coi đó là mục tiêu tiến công hàng đầu, nhất là đối với các quan chức cấp cao. Các vụ khủng bố gần đây đã gây tiếng vang lớn, tạo tâm lý hoảng loạn trong bộ máy cầm quyền và làm rối loạn hoạt động của các cơ quan quyền lực. Do lo sợ tới tính mạng, nhiều quan chức Chính phủ đã bỏ vị trí ở công sở và trở về sống với gia đình, càng làm cho uy tín và ảnh hưởng của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan ngày một suy giảm. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho Phong trào Ta-li-ban tạo ảnh hưởng đối với dân chúng và thực hiện mục tiêu “lật đổ chế độ cầm quyền đương nhiệm, thiết lập Chính phủ mới ở Áp-ga-ni-xtan”. Trong bối cảnh đó, việc Mỹ và NATO quyết định rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan được Phong trào Ta-li-ban coi là một thắng lợi của họ. Bởi lẽ, mục tiêu chiến đấu của họ là vì nền độc lập của Áp-ga-ni-xtan, vì chiến thắng của đạo Hồi và đánh đuổi “quân chiếm đóng nước ngoài”. Hoạt động tích cực của các lực lượng cực đoan đã gây tổn thất ngày càng nhiều cho lực lượng quân sự của Mỹ và NATO. Tính từ năm 2001 đến tháng 5-2012, số binh sĩ của ISAF ở Áp-ga-ni-xtan chết và bị thương đã lên tới gần 12.000 người. Hiện nay, Ta-li-ban đang phục hồi hoạt động các bộ phận then chốt của Nhà nước Hồi giáo, nhất là ở các cơ quan quyền lực và họ đã xây dựng xong thành phần cơ bản của Chính phủ Ta-li-ban trong tương lai.
Trước tình hình đó, Chính quyền Ca-bun nỗ lực thực hiện chương trình hòa hợp dân tộc, nhằm thu hút 20.000 thành viên các tổ chức hồi giáo cực đoan vào đời sống xã hội và kinh tế của Áp-ga-ni-xtan, nhưng kết quả không như mong muốn. Song, thách thức lớn nhất đối với Chính quyền Ca-bun không chỉ đến từ các lực lượng đối lập mà còn là sự yếu kém của cơ quan quyền lực nước này. Theo đánh giá của các nhà quan sát, các cơ quan quyền lực ở Áp-ga-ni-xtan sẽ không còn khả năng tự đứng vững khi ISAF rút đi. Mặc dù, Chính phủ Áp-ga-ni-xtan đang xúc tiến đẩy nhanh quá trình xây dựng lực lượng an ninh riêng khoảng trên 240.000 người vào đầu năm 2013, nhưng lực lượng này đã mất khả năng chiến đấu, kể cả việc tự bảo vệ nơi đồn trú và tính mạng của chính họ; còn Quân đội của Chính phủ khó có thể đạt được khả năng chiến đấu cần thiết sau 10 năm nữa. Điều này mở ra khả năng, Mỹ có thể sẽ tiếp tục hiện diện quân sự ở mức độ hạn chế sau năm 2014 trên cơ sở Hiệp định về đối tác chiến lược giữa Ca-bun và Oa-sinh-tơn. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ đầu tư đáng kể tiền, của để hiện đại hóa và xây dựng các công trình quân sự, chủ yếu là các sân bay ở Áp-ga-ni-xtan. Tính từ năm 2002 đến nay, mỗi năm Mỹ đã chi cho mục đích này khoảng 1 tỷ USD. Vì thế, ngày 08-6-2013, Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mit Ca-dai tuyên bố, Áp-ga-ni-xtan sẽ nhường cho Mỹ quyền tiếp tục sử dụng 9 căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này để bảo đảm an ninh cho Chính quyền sở tại.
Hai là, thách thức về kinh tế. Hiện nay, sự tồn tại của Áp-ga-ni-xtan gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn viện trợ tài chính của nước ngoài. Ngân sách nhà nước của Áp-ga-ni-xtan chủ yếu là tiền của các quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế viện trợ (tổng viện trợ trong những năm 2001 - 2011 lên tới 64 tỷ USD; trong đó, hơn 52 tỷ USD đến từ Mỹ). Nhờ những khoản viện trợ này, Áp-ga-ni-xtan đã đầu tư xây dựng một số ngành công nghiệp, các cơ sở hạ tầng năng lượng, trường học và bệnh viện... Tuy nhiên, do phục hồi chậm, cộng với nạn tham nhũng tràn lan nên nền kinh tế Áp-ga-ni-xtan chỉ hấp thụ, sử dụng có hiệu quả không quá 60% tổng số nguồn tài chính được viện trợ. Đây là nguyên nhân khiến các quốc gia tài trợ không muốn chuyển tiền viện trợ vào quyền kiểm soát toàn bộ cho Chính quyền Ca-bun.
Nguy hiểm hơn, nền kinh tế Áp-ga-ni-xtan lại dựa chủ yếu vào việc sản xuất và chế biến chất ma túy bất hợp pháp. Theo số liệu của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, hiện nay có hơn 1,5 triệu người ở Áp-ga-ni-xtan chuyên sản xuất và chế biến chất ma túy; diện tích trồng cây thuốc phiện ở nước này năm 2011 là 130.000 ha, chiếm hơn 80% tổng diện tích trồng cây thuốc phiện trên toàn thế giới; tổng khối lượng thuốc phiện trong năm 2011 đã lên tới 8.000 tấn. Như vậy, cho dù Mỹ và đồng minh có cam kết từ nay tới năm 2024 sẽ viện trợ tài chính quy mô lớn cho Áp-ga-ni-xtan để xây dựng Quân đội và phát triển kinh tế thì vẫn khó cải thiện được tình hình. Đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với tình hình an ninh, chính trị và kinh tế của quốc gia Nam Á này.
Triển vọng đối với Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014
Nếu muốn dùng một từ nào đó để mô tả triển vọng đối với Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014, thì từ đó là “bất ổn và mờ mịt”. Thật trớ trêu, sau hơn 10 năm Mỹ tiến hành “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” ở Áp-ga-ni-xtan, quốc gia này lại đang trở thành nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố. Vừa qua, tại cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia Nga, Tổng thống Nga V. Pu-tin nhận định: nguy cơ khủng bố từ Hồi giáo cực đoan ở Áp-ga-ni-xtan sau khi ISAF rút đi vào năm 2014, sẽ là mối đe dọa an ninh đối với Nga và nhiều nước trong khu vực.
Cùng với việc quân đội nước ngoài rút khỏi Áp-ga-ni-xtan, các LLVT đối lập sẽ tăng cường hoạt động và không loại trừ khả năng sau năm 2014 sẽ giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan. Trong khi đó, sự yếu kém của các lực lượng an ninh của Áp-ga-ni-xtan cũng như những sai lầm, hạn chế của Chính quyền Ca-bun trong việc xây dựng Nhà nước sẽ khó có thể ổn định được tình hình trong một tương lai gần. Vì thế, mặc dù quyết định rút quân, nhưng Mỹ và NATO có thể vẫn phải duy trì một lực lượng đồn trú nhất định ở Áp-ga-ni-xtan và tiếp tục viện trợ cho nước này. Song dư luận đang đặt câu hỏi, sau hơn 10 năm, với lực lượng hùng hậu nhưng ISAF đã không thể tạo ra một nền hòa bình, ổn định cho Áp-ga-ni-xtan và bạo lực vẫn diễn ra hằng ngày ở nước này. Vậy khi ISAF rút đi, “khoảng trống an ninh” đó liệu có được chính quyền sở tại lấp đầy?
Đại tá LÊ THẾ MẪU
áp-ga-ni-xtan
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ