Thứ Hai, 16/09/2024, 21:57 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh vũ trang của cách mạng Lào, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 20-01-1949, tại chiến khu Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, trên cơ sở các tiểu đội, trung đội tự vệ vũ trang ở huyện, tỉnh và đại đội độc lập ở một số khu vực, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản đã tuyên bố thành lập Quân đội Lào Ít-xa-la1 - Quân đội nhân dân Lào ngày nay. Trải qua 68 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Lào luôn là lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào, người bạn chiến đấu thủy chung của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu của cách mạng Đông Dương và với quan điểm “Đông Dương là một chiến trường”, ngay từ khi ra đời, bộ đội Pa-thét Lào luôn kề vai, sát cánh “chung một chiến hào” với Quân tình nguyện Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng chống thực dân, đế quốc xâm lược để giành và giữ vững nền độc lập, tự do dân tộc. Sau khi được thành lập, bộ đội Pa-thét Lào đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội tình nguyện Việt Nam tác chiến với quy mô từ nhỏ đến lớn, giành thắng lợi quan trọng trong chiến dịch Xiềng Khọ, Sông Mã (năm 1949), phá tan tuyến phòng thủ của quân Pháp ở Bắc Lào, mở ra một giai đoạn mới để Quân đội nhân dân Lào giành quyền chủ động trên chiến trường. Đặc biệt, tháng 4-1953, Liên quân Lào - Việt đã phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào - chiến dịch quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Lào và giành thắng lợi to lớn, giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, tỉnh Phông Xa Lỳ và một phần tỉnh Xiêng Khoảng; đồng thời, tạo thuận lợi thúc đẩy các chiến dịch kế tiếp giành thắng lợi ở Trung Lào, Hạ Lào và Tây Lào. Tiếp tục giữ vững thế tiến công, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, trên chiến trường Lào, Quân đội Pa-thét Lào đã phối hợp tác chiến với Quân tình nguyện Việt Nam, loại khỏi vòng chiến đấu 8.000 tên địch, thu nhiều vũ khí, trang bị, giải phóng 10 vạn km2 (không kể tỉnh Hủa Phăn), góp phần quan trọng vào thắng lợi của nhân dân ba nước Đông Dương, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Trong đó, Pháp và một số nước đồng minh đế quốc đã phải thừa nhận Pa-thét Lào là lực lượng chính trị độc lập, hợp pháp, có quân đội, có vùng tập kết ở hai tỉnh Hủa Phăn và Phông-xa-lỳ.
Thế nhưng, Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết chưa ráo mực thì Mỹ ráo riết can thiệp vào ba nước Đông Dương, đặt Lào, miền Nam Việt Nam và Cam-pu-chia vào “khu vực bảo hộ” của Mỹ. Tại Lào, Mỹ lập ra chính quyền tay sai, ra sức củng cố ngụy quân, tăng cường viện trợ quân sự, nhằm thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở Lào.
Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào2, Quân đội Pa-thét Lào đã kịp thời chuyển hướng chiến lược theo phương châm: kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, lấy đấu tranh vũ trang giữ vai trò trực tiếp quyết định. Theo đó, Quân đội nhân dân Lào vừa tranh thủ thời gian chỉnh đốn lực lượng, vừa tích cực cùng nhân dân phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động tác chiến, đánh địch đồng loạt trên các chiến trường, nhất là các hướng quan trọng. Từ tháng 10-1954 đến tháng 8-1956, bộ đội Pa-thét Lào đã cùng nhân dân đánh bại nhiều cuộc tiến công với các quy mô của lực lượng ngụy quyền tay sai, loại khỏi vòng chiến đấu gần 5.000 tên địch. Trên đà thắng lợi, Quân đội Pa-thét Lào tiếp tục phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam chủ động tổ chức nhiều trận đánh, tiêu hao, tiêu diệt lớn sinh lực địch. Tiêu biểu là chiến dịch Nậm Thà (năm 1962), giải phóng gần 8.000 km2 đất đai, với trên 7 vạn dân. Những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân Lào, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào (23-7-1962). Song, ngay sau đó, Mỹ đã lật lọng, đơn phương xóa bỏ Hiệp định đã ký, dựng lên chính quyền tay sai thân Mỹ và tổ chức “lực lượng đặc biệt” do Vàng Pao chỉ huy.
Nhằm đánh bại âm mưu và hành động mở rộng chiến tranh của Mỹ và tay sai, Đảng Nhân dân Lào chủ trương phát động chiến tranh nhân dân, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, hình thành khối chủ lực tập trung gồm các tiểu đoàn cơ động mạnh và phát triển lực lượng du kích rộng khắp trong cả nước. Nhờ đó, Quân giải phóng nhân dân Lào từng bước trưởng thành, phát triển về quy mô tổ chức lực lượng, vũ khí, trang bị, càng đánh càng mạnh, càng thắng lớn, nâng cao trình độ phối hợp với nhân dân và Quân tình nguyện Việt Nam mở nhiều chiến dịch và liên tiếp giành thắng lợi. Từ năm 1964 đến năm 1973, Quân giải phóng nhân dân Lào đã liên tục đánh bại địch trong các cuộc hành quân Xổn Xay 1, Xổn Xay 2; chiến dịch Nậm Bạc; cuộc hành quân “Lam Sơn 719” và chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (năm 1971), tạo thế và thời cơ có lợi cho cách mạng Lào. Đồng thời, góp phần cùng với những thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định trên chiến trường Việt Nam, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam (27-01-1973) và Hiệp định Viêng Chăn về Lào (21-02-1973). Đặc biệt, phối hợp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của dân tộc Việt Nam, quân và dân các bộ tộc Lào, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã đồng loạt nổi dậy, tiến công địch, hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, lập nên nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, đánh dấu một chương mới trong lịch sử đương đại Lào, đưa đất nước “Triệu Voi” tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau năm 1975, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đứng trước những thử thách rất nặng nề, khắc nghiệt. Đó là mưu toan lật đổ chính quyền của các thế lực thù địch. Ở một số nơi, bọn tàn quân ngụy cấu kết với bọn phản động lưu vong ngang nhiên chống phá chính quyền và sát hại nhân dân. Vì vậy, tăng cường quốc phòng, an ninh trong thời kỳ này của quân và dân Lào vẫn là “Nhiệm vụ hàng đầu và có tầm quan trọng số một”. Thực hiện chủ trương đó, Đảng và Nhà nước Lào đã tập trung xây dựng Quân đội, củng cố, phát triển tiềm lực, sức mạnh quốc phòng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Theo đó, các trung đoàn, sư đoàn chủ lực lần lượt được thành lập cùng các lực lượng, như: phòng không, không quân, xe tăng thiết giáp, thông tin liên lạc,…; hệ thống các học viện, nhà trường Quân đội cũng từng bước được xây dựng và hoàn thiện, v.v. Đi đôi với phát triển về tổ chức lực lượng, Đảng, Chính phủ Lào coi trọng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị và lấy đó làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Nhờ đó, Quân đội nhân dân Lào ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay và thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có biến chuyển nhanh, phức tạp và khó lường sẽ tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, nhân dân và lực lượng vũ trang Lào với cả hai chiều thuận, nghịch đan xen. Cùng với đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đã, đang lợi dụng khó khăn về kinh tế - xã hội và những mặt không thuận của tình hình và quan hệ quốc tế để kích động tư tưởng ly khai, tự trị; chia rẽ giữa Đảng với nhân dân và Quân đội; chia rẽ khối đại đoàn kết các bộ tộc Lào; đồng thời, khoét sâu, phá hoại tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa ba nước Đông Dương, hòng chuyển hóa Lào theo quỹ đạo của chúng. Tình hình đó đặt ra cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Lào những yêu cầu mới, cao hơn, nặng nề hơn và Quân đội nhân dân Lào phải được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của đất nước mà Nghị quyết Đại hội X Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Bộ Quốc phòng Lào lần thứ IV đề ra. Để đạt được mục tiêu đó, Quân đội nhân dân Lào đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, nổi lên một số nội dung chủ yếu sau:
Tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị và xác định đó là nội dung quan trọng, xuyên suốt, nhằm củng cố lập trường giai cấp, giữ vững mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm có bản lĩnh chính trị vững vàng, sức đề kháng cao trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Quá trình thực hiện, đã triển khai đồng bộ các biện pháp, trọng tâm là đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi quân nhân nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối xây dựng nền quốc phòng - an ninh toàn dân, toàn diện của Đảng Nhân dân cách mạng Lào; nhiệm vụ của Quân đội, của đơn vị trong tình hình mới. Đồng thời, nhận thức rõ đối tác, đối tượng cùng âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; từ đó, nâng cao cảnh giác, quyết tâm, trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội,… giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong lực lượng vũ trang.
Thường xuyên chăm lo nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cho nên, công tác huấn luyện được đổi mới ở tất cả các cấp, trong từng khâu, bước; trong đó, việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp huấn luyện, kiểm tra phải được thực hiện triệt để, chặt chẽ ở từng cơ quan, đơn vị. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của từng lực lượng, Quân đội nhân dân Lào tập trung huấn luyện cho bộ đội vừa giỏi tác chiến độc lập, vừa thành thạo trong tác chiến hiệp đồng với các lực lượng; huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại; đồng thời, coi trọng huấn luyện đêm và nâng cao khả năng cơ động trên địa hình phức tạp. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược ở cả trong và ngoài nước, nhằm không ngừng nâng cao trình độ lý luận khoa học nghệ thuật quân sự; trình độ chỉ huy, tham mưu - tác chiến và khả năng vận dụng vào thực tiễn bảo vệ Tổ quốc.
Coi trọng khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, kết hợp với từng bước đầu tư mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, bảo đảm cho Quân đội đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện, Quân đội nhân dân Lào chú trọng phát huy nội lực để một mặt, tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu, sửa chữa, nâng cấp, tăng hạn sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; mặt khác, phấn đấu từng bước sản xuất được vũ khí, trang bị kỹ thuật thông thường cùng một số trang bị đồng bộ khác. Đồng thời, tận dụng những thành tựu về khoa học - công nghệ quân sự, nhất là công nghệ thông tin, kỹ thuật điện tử và vấn đề an ninh mạng,… để ứng dụng vào hiện đại hóa một số ngành của Quân đội.
Đẩy mạnh việc mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng, nhằm tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong huấn luyện chiến đấu, đào tạo cán bộ và tranh thủ các nguồn ngoại lực để xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng. Tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn hợp tác đa phương; xây dựng, đề xuất các sáng kiến an ninh khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Quân đội nhân dân Lào trên trường quốc tế. Trong đó, thắt chặt tình đoàn kết đặc biệt, trong sáng, thủy chung giữa Quân đội nhân dân Lào với Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước Lào và Việt Nam là một trong những động lực quan trọng để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân Lào, đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước trong điều kiện mới.
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Lào (20-01-1949 – 20-01-2017) và nhân dịp năm mới - 2017, thay mặt cho Phòng Tùy viên Quốc phòng Lào, tôi xin gửi lời thăm hỏi chân tình và chúc sức khỏe tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - người bạn chiến đấu thủy chung của Quân đội nhân dân Lào. Chúc mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai Quân đội, Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào - Việt Nam ngày càng bền chặt, phát triển.
Đại tá BANGSY XAYSOMKHOT, Trưởng phòng Tùy viên Quốc phòng Lào tại Việt Nam
_____________
1 - Còn gọi là bộ đội Pa-thét Lào, Quân đội Pa-thét Lào.
2 - Sau này là Đảng Nhân dân cách mạng Lào (thành lập ngày 22-3-1955).
Quân đội nhân dân,Pa-thét Lào,bộ đội Việt Nam,bạn chiến đấu
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương