Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Tư, 15/02/2017, 10:57 (GMT+7)
Những thách thức và bài học an ninh Quốc gia đối với Tổng thống Mỹ Donald Tramp

Ngày 25-3-2016, Trung tâm An ninh Mỹ mới đã công bố báo cáo với tựa đề “09 bài học cho an ninh quốc gia”. Báo cáo nêu ra những thách thức mà tân Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt khi nhậm chức, đồng thời đưa ra 09 khuyến nghị trong xây dựng ê kíp an ninh quốc gia mới.

Những thách thức về an ninh

Báo cáo nhận định, hầu như không có giai đoạn nào trong lịch sử thế giới hiện đại lại phức tạp như giai đoạn sắp tới. Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với những vấn đề quốc tế nóng bỏng, những thách thức an ninh gay gắt, như: mối đe dọa khủng bố, sự trỗi dậy quyết đoán của một số cường quốc, sự bất ổn nghiêm trọng ở Trung Đông, vấn đề khủng hoảng hạt nhân, sự phổ biến nhanh của công nghệ với mặt trái tiềm ẩn, v.v. Báo cáo chỉ rõ: ngoài các thách thức cụ thể đối với an ninh quốc gia, tân Tổng thống Mỹ sẽ phải đối phó với một vấn đề mơ hồ hơn, đó là, vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ ngày càng suy giảm.

Những khuyến nghị của Trung tâm An ninh Mỹ mới

Trước những thách thức về an ninh, Báo cáo đã đưa ra 09 khuyến nghị đối với tân Tổng thống Mỹ:

1. Nhậm chức với cam kết rõ ràng về các thách thức an ninh quốc gia, cơ hội, mục tiêu và các ưu tiên cùng với điều chỉnh chiến lược trong năm đầu tiên. Đây là nhiệm vụ cấp thiết và không phải chờ đến khi tổ chức bầu cử và quá trình chuyển tiếp tổng thống mới chính thức bắt đầu. Các ứng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa cần xúc tiến đánh giá môi trường an ninh quốc gia, thiết lập các nguyên tắc hướng dẫn nhằm thúc đẩy chính quyền hành động sớm về an ninh quốc gia. Tuy nhiên, theo giới quan sát, trong lễ nhậm chức ngày 20-01-2017, ông D. Trump đã không nêu cụ thể những thách thức an ninh nào đối với nước Mỹ, ngoại trừ lời kêu gọi đoàn kết chống khủng bố.

2. Lựa chọn đội ngũ an ninh quốc gia mới không chỉ dựa vào kinh nghiệm, và năng lực chuyên môn mà còn phải chú ý khả năng làm việc theo nhóm. Đội ngũ này phải là những người có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề, hiểu được điểm mạnh và hạn chế của quá trình hoạch định chính sách, có khả năng lãnh đạo và quản lý các tổ chức có hiệu quả. Hiệu quả làm việc nhóm sẽ nâng cao tính đa dạng về quan điểm và kinh nghiệm, giúp chính quyền có cái nhìn bao quát hơn trong giải quyết các vấn đề thách thức. Tuy còn phải đợi sự phê duyệt của Quốc hội Mỹ, nhưng những dự kiến nhân sự cho chính quyền mới của ông D. Trump, phần lớn là những nhân vật chưa từng có kinh nghiệm chính trường, họ là những tỷ phú và có quan điểm cứng rắn.  

3. Cải tổ Hội đồng An ninh Quốc gia và quy trình hoạt động. Bước đầu tiên là làm rõ vai trò của các cố vấn an ninh quốc gia thông qua người đứng đầu các cơ quan, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tài chính. Trong lịch sử, mỗi đời Tổng thống Mỹ sẽ có cơ cấu Hội đồng An ninh quốc gia khác nhau. Việc cải tổ cơ cấu Hội đồng An ninh quốc gia sẽ đáp ứng những yêu cầu của tình hình mới. Việc tối ưu hóa các ủy ban từ thấp lên cao sẽ giúp việc thảo luận các chính sách có hiệu quả trước khi được đệ trình lên Tổng thống.

4. Quan tâm sát sao và tức thời đến bất kỳ chiến dịch tình báo hay quân sự đang hoặc sắp diễn ra, đặc biệt là các chiến dịch có thể đưa công dân Mỹ vào tình thế nguy hại. Khi chuyển giao, Tổng thống Mỹ cần nắm bắt đầy đủ các hoạt động quân sự và tình báo trên diện rộng của các lực lượng Mỹ, tiếp cận nhanh chóng vai trò Tổng Tư lệnh Quân đội.

5. Dành thời gian tham dự thường xuyên với đội ngũ an ninh quốc gia, nhằm chỉ đạo, theo dõi thực hiện và kết quả, điều chỉnh chủ trương và nắm thông tin.

6. Phác thảo lịch trình ban đầu về các sáng kiến và hành động, nhằm khẳng định vấn đề khôi phục vai trò dẫn đầu của Mỹ và truyền đạt các ưu tiên về chiến lược của Oa-sinh-tơn.

7. Thỏa thuận ngân sách toàn diện là ưu tiên hàng đầu về an ninh quốc gia. Trên thực tế, trong quá trình tranh cử ông D. Trump đã đưa ra dự kiến đề xuất ngân sách quốc phòng cho thời kỳ làm Tổng thống Mỹ là 450 tỷ USD.

8. Bảo đảm đội ngũ an ninh quốc gia quan tâm tới mối quan hệ dân - quân lành mạnh. Tuy nhiên, hầu hết các tổng thống và nhiều thành viên đội ngũ an ninh quốc gia khi nhậm chức vẫn còn thiếu kinh nghiệm làm việc với quân đội. Do đó, một số trường hợp không có khái niệm rõ ràng về cách thức duy trì quan hệ dân - quân, thậm chí có quan niệm sai lầm về đối tác quân sự. Tổng thống mới cần bổ nhiệm các vị trí dân sự trong đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia là những người có kinh nghiệm và cách làm việc hiệu quả với quân đội.

 9. Đầu tư vào nguồn nhân lực tham gia ê kíp an ninh quốc gia, bất kể đó là nhà chính trị, công chức, viên chức ngoại giao, chuyên viên tình báo hay sĩ quan quân đội.

Như vậy, ông D. Trump đã chính thức trở thành chủ nhân Nhà trắng thứ 45 của nước Mỹ. Trong lễ Tuyên thệ nhậm chức ngày 20-01-2017, Ông đã tuyên bố: “Lời thề nhậm chức của tôi hôm nay là lời thề trung thành với mọi người Mỹ”. Tuy nhiên, theo giới phân tích để trở thành “Tổng thống của mọi người dân Mỹ” và nước Mỹ “trở lại với vai trò lãnh đạo toàn cầu” thì ông D. Trump sẽ phải thực hiện cương lĩnh tranh cử của mình một cách thông minh nhất. Trong lĩnh vực an ninh quốc gia, Ông sẽ phải vượt qua thách thức với việc vận dụng 09 khuyến nghị do Trung tâm An ninh Mỹ mới đề xuất. Vì thế, hiệu quả của việc thực hiện Cương lĩnh tranh cử của tân Tổng thống D. Trump, trong đó có vấn đề an ninh quốc gia Mỹ vẫn đang ở phía trước với đáp án còn bỏ ngỏ.

Đại tá LÊ VĂN THÀNH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...