Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 14/11/2016, 13:29 (GMT+7)
Những điều chỉnh có tính chiến lược của quân đội Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương

Những năm gần đây, môi trường an ninh ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương có những diễn biến phức tạp, nhất là sự gia tăng hoạt động khủng bố, vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và các động thái tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, v.v. Điều đó buộc Quân đội Mỹ phải có những điều chỉnh chiến lược tại khu vực này. Đây là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng tới an ninh của nhiều nước và được dư luận hết sức quan tâm.

Châu Á–Thái Bình Dương đang là khu vực phát triển năng động nhất thế giới và có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu. Song, nơi đây cũng đang diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn. Vì thế, giới lãnh đạo quân sự Mỹ chủ trương điều chỉnh một số vấn đề về chiến lược ở khu vực này, nhằm chiếm ưu thế trước các đối thủ tiềm tàng và sự điều chỉnh đó được thể hiện chủ yếu trên các lĩnh vực sau:

Nâng tầm khống chế của Hải quân Mỹ tại khu vực

Đây là nội dung quan trọng nhất trong những điều chỉnh chiến lược của Mỹ tại khu vực này. Bởi lẽ, tác chiến hải quân là một trong những nhân tố cốt lõi, mang tính then chốt trong việc khống chế, bao quát toàn bộ khu vực châu Á–Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ đã xây dựng kế hoạch điều chỉnh lực lượng, bảo đảm đến năm 2020 sẽ điều chuyển 60% lực lượng Hải quân đến châu Á–Thái Bình Dương; trong đó, có thể bao hàm cả tàu ngầm tiến công hạt nhân lớp “Virginia” thứ 4, tàu tuần dương, tàu tác chiến ven bờ và tàu sân bay thế hệ mới. Cũng theo kế hoạch này, từ năm 2016 trở đi, Mỹ sẽ duy trì mỗi năm khoảng 2.500 binh sĩ đồn trú tại căn cứ Đác-uyn (Ốt-xtrây-li-a) cùng 01 tiểu đoàn hải quân đánh bộ ở Hàn Quốc. Ngoài ra, Mỹ đã thỏa thuận về việc hải quân nước này được phép cập cảng và tham gia các cuộc tập trận trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng với các nước: Xin-ga-po, Phi-líp-pin, Thái Lan, v.v. Bên cạnh việc tăng cường lực lượng, Lầu Năm góc còn chú trọng nâng cao khả năng kỹ thuật và chiến thuật cho lực lượng Hải quân. Theo các quan chức cao cấp của Hải quân Mỹ, hiện nay, khả năng hạn chế thương vong trong một cuộc xung đột với đối thủ tiềm tàng tương đối thấp. Vì vậy, Mỹ phải thay thế chiến lược chiến tranh cũ bằng một kịch bản mới; trong đó, lực lượng Hải quân phải cơ động nhanh và hoạt động bí mật hơn khi tác chiến và không nhất thiết phải đạt được thắng lợi hoàn toàn như mục tiêu trước đây đã đề ra. Mỹ cho rằng, nhu cầu cấp thiết là phải trang bị hỏa lực mạnh cho các tàu nổi để tăng khả năng tác chiến, thay vì chủ yếu dựa vào tàu sân bay và tàu ngầm để thực hành tiến công (như trước đây). Vì vậy, Hải quân Mỹ chủ trương đẩy mạnh trang bị tên lửa chống hạm cho tàu nổi và một số vũ khí có tầm bắn xa hơn, hiệu quả hơn, khả năng vô hiệu hóa các biện pháp đối phó công nghệ cao của đối phương. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã lập kế hoạch cải tiến nâng cao tính năng kỹ–chiến thuật cho tên lửa hiện có, nhất là tên lửa hành trình, nhằm đáp ứng yêu cầu vừa tiêu diệt các mục tiêu cố định trên đất liền, vừa có thể tiêu diệt được các mục tiêu khác, v.v. Mặt khác, Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ ở châu Á–Thái Bình Dương còn tổ chức phân công nhiệm vụ cho các đơn vị theo hướng đan xen nhau, nhằm tăng cường khả năng giải quyết các tình huống tác chiến, cứu hộ trên biển. Phát biểu trước báo giới, Đô đốc Hải quân Mỹ Xờ-uýt cho biết: rất khó đoán định tương lai, nên chúng tôi chuẩn bị nhiều phương án để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra.

Tàu khu trục USS Zumwalt thử nghiệm phóng tên lửa diệt mục tiêu trên biển. (Ảnh: US Navy)

Cùng với đó, Hải quân Mỹ cũng chủ trương tăng cường hợp tác chặt chẽ với hải quân của các nước tại khu vực (trong đó có Ấn Độ và các nước Đông Nam Á) nhằm chống khủng bố, bảo vệ an ninh hàng hải và cứu hộ nhân đạo khi thảm họa xảy ra. Để thực hiện được, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình tại Đông Á–Thái Bình Dương nhằm phục vụ cho chiến lược “Tái cân bằng” tại đây. Theo dự báo, năm 2017, Mỹ sẽ phân bổ hơn 1,5 tỷ USD cho khu vực này; trong đó, dành 646 triệu USD cho các hoạt động ngoại giao và 873 triệu USD cho các hoạt động viện trợ nước ngoài. Ngoài ra, cơ quan này sẽ tiếp tục ưu tiên mở rộng hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế tại My-an-ma, Cam-pu-chia và Lào;… đồng thời, tăng cường hợp tác phát triển với đồng minh và đối tác tại châu Á–Thái Bình Dương thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Như vậy, để “xoay trục” về châu Á–Thái Bình Dương, Mỹ đã tổ chức một lực lượng Hải quân tương đối lớn như hiện nay1 và ngày càng được tăng cường lực lượng, phương tiện hiện đại cũng như nâng cao khả năng về kỹ thuật và chiến thuật. Đúng như phát ngôn của Giô-dép Ai-côn – Phó Đô đốc Hải quân Mỹ: để đạt đến 60% tàu mặt nước, Mỹ sẽ triển khai từ 10–15 tàu (loại chiến hạm USS Blue Ridge) ở vùng Ấn–Á–Thái Bình Dương.

Tăng cường khả năng can dự ở cấp chiến lược của Lục quân

Do tính chất khu vực và căn cứ vào chiến lược “Tái cân bằng” tại châu Á–Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ tiến hành hàng loạt điều chỉnh, nhằm nâng cao khả năng can dự ở cấp chiến lược. Theo đó, Lục quân Mỹ tại chiến trường này đang tích cực xây dựng lực lượng và khả năng tác chiến ở mức sẵn sàng chiến đấu cao, bảo đảm đủ sức ứng phó với toàn bộ cục diện khu vực. Trong đó, Mỹ tập trung vào các vấn đề chủ yếu, như: tăng cường hơn nữa an ninh và ổn định khu vực tác chiến; nâng cao năng lực phòng chống tên lửa cho lục quân; thiết lập quan hệ chỉ huy một cách thông suốt, vững chắc trong nội bộ và với hệ thống tác chiến liên hợp, lực lượng trên bộ chủ yếu của các nước đồng minh và đối tác trong khu vực. Thực hiện ý định đó, ngoài việc tăng quân số2 đồn trú ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương, trong các thập niên tiếp theo, Lục quân Mỹ sẽ tiếp tục được đổi mới trang bị quân sự theo hướng: nâng cấp liên tục để đáp ứng các tiêu chuẩn tác chiến kết nối mạng hiện đại.

Hiện nay, Mỹ đã xây dựng một lực lượng lớn các đơn vị đồn trú tại châu Á–Thái Bình Dương luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù tiềm năng. Để đảm nhiệm toàn bộ khu vực kéo dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến A-lát-xca và Ha-oai, Lục quân Mỹ đã trang bị nhiều vũ khí, trang bị hiện đại, với quy mô lực lượng lên tới 106.000 quân, hơn 300 máy bay chiến đấu các loại, 05 cụm tàu chiến và tàu bảo đảm, phối thuộc, v.v. Trước bối cảnh an ninh khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á ngày càng nóng lên, Mỹ đang triển khai 50.000 quân tại 109 căn cứ quân sự ở Nhật Bản (trong đó có 42 căn cứ quân sự của Mỹ phối hợp hành động với các lực lượng Phòng vệ Nhật Bản), 28.000 binh sĩ tới 65 trong tổng số 85 căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc. Tháng 4-2014, Chính phủ Mỹ đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng trong vòng 10 năm với Chính phủ Phi-líp-pin. Đây là cơ hội để Quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Phi-líp-pin; đồng thời, là điều kiện thuận lợi để mở rộng các căn cứ lục quân của mình tại châu Á–Thái Bình Dương.

Nâng cao khả năng tác chiến linh hoạt của Không quân

Để đáp ứng tham vọng đó ở khu vực, các đơn vị Không quân Mỹ tại châu Á–Thái Bình Dương sẽ được điều chỉnh một cách phù hợp. Theo đó, về quy mô lực lượng, đến năm 2020, Mỹ sẽ điều động 60% tổng số lực lượng không quân của nước này đang đóng ở nước ngoài đến chiến trường châu Á–Thái Bình Dương cùng với 60% lực lượng tác chiến không gian và tác chiến mạng dịch chuyển theo để hỗ trợ, nâng cao tốc độ phản ứng nhanh, phạm vi tác chiến và tính linh hoạt cho Không quân Mỹ. Thậm chí, khi cần thiết, lực lượng Không quân chiến lược và Không quân chiến thuật trong nước cũng sẽ được điều động đến khu vực này; trong đó có triển khai các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới, máy bay trinh sát không người lái chiến lược, máy bay tiến công không người lái, v.v. Hiện nay, Mỹ đã triển khai các Tập đoàn Không quân: số 5 ở Nhật Bản, số 7 ở Hàn Quốc, số 11 ở A-lát-xca và số 13 ở Ha-oai, với tổng quân số lên gần 29.000 người và hơn 300 máy bay các loại.

Cùng với đó, việc điều chỉnh thế bố trí các cơ sở sân bay và tên lửa của không quân cũng được Lầu Năm góc tiến hành hết sức linh hoạt. Nhằm tăng cường ngụy trang, che giấu, giảm thiểu thiệt hại cho các căn cứ lớn và những máy bay ném bom chiến lược tầm xa hoặc máy bay chiến đấu khác trước tên lửa phòng không của các đối thủ tiềm tàng, Mỹ thực hiện phân tán các máy bay chiến đấu và các loại vũ khí khác ra nhiều căn cứ không quân. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, việc này không đòi hỏi phải có các căn cứ lớn, lâu dài, mà chỉ cần đường băng bình thường, thậm chí tương đối thô và không có nhiều cơ sở hạ tầng khác, nhằm bảo đảm cho Không quân Mỹ có thể tiếp cận một loạt sân bay ở Thái Bình Dương. Hiện nay, ngoài căn cứ Không quân Ka-de-na ở Ô-ki-na-oa (căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương), Quân đội Mỹ đã có quyền tiếp cận các sân bay ở Pa-lau (Nam Thái Bình Dương) và ở Phi-líp-pin; đồng thời, đang cân nhắc kế hoạch xây dựng cơ sở bổ sung trên các đảo xa ở Thái Bình Dương. Cùng với triển khai các loại máy bay (B-52, F-22, F-16, E-8, RC-135), ra-đa phòng thủ tên lửa đạn đạo, mới đây, Mỹ và Hàn Quốc đang tham vấn việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên bán đảo Triều Tiên. Đây là một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến được thiết lập nhằm đánh chặn các tên lửa đạn đạo và mọi mối đe dọa đối với nước Mỹ với tỷ lệ thành công tới gần 100%. Theo giới quan sát, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối ở Hàn Quốc là nằm trong tiến trình hiện thực hóa chiến lược “Tái cân bằng” châu Á–Thái Bình Dương, theo hướng củng cố liên minh quân sự song phương với các nước trong khu vực đã được đại diện của Mỹ trình bày tại Diễn đàn Shang-ri-La lần thứ 11 (2012).

Từ những động thái chuyển dịch nêu trên cho thấy, bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, các lợi ích cơ bản của Mỹ đã được đặt trong tầm quan trọng của vị trí địa–chiến lược khu vực châu Á–Thái Bình Dương. Phải chăng, đó thực chất là chiến lược của Mỹ, nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy, ảnh hưởng của các nước lớn tại khu vực này.

Đại tá LÊ VĂN THÀNH, Viện B70
_______________     

1 - Tổng số có 360.000 người (gồm: hạm đội số 3,5,7, Quân đoàn hải quân đánh bộ viễn chinh số 1 và 3).

2 - Cách đây 04 năm có 70.000 người, hiện nay có hơn 100.000 người.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...