Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 22/01/2015, 10:33 (GMT+7)
Những chuyển động trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Những năm gần đây, xu thế đa cực hóa cấu trúc an ninh toàn cầu nói chung, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng đang chuyển từ định hướng sang định hình. Trong đó, các liên minh song phương do Mỹ chi phối vẫn tồn tại; các thể chế đa phương khu vực ASEAN tiếp tục phát triển; sự “trỗi dậy” của Trung Quốc và vai trò “nước lớn quân sự” của Nhật Bản là những vấn đề quan trọng, đã và đang chi phối sự hình thành, phát triển của cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ảnh minh họa

Cấu trúc an ninh là một hình thái quan hệ giữa các nước bao gồm các nhân tố: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ,… có sự hợp tác và đấu tranh với nhau. Xét theo tầng của mối quan hệ, gồm có: những bộ phận đã hình thành cấu trúc an ninh; những vấn đề tiềm tàng và triển vọng về một cơ chế an ninh mới; những vấn đề đang có nguy cơ đe dọa hòa bình và ổn định. Xét theo loại hình của mối quan hệ, gồm có: an ninh song phương - đa phương; an ninh truyền thống - phi truyền thống; an ninh chính thức và không chính thức.

Theo nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, quan hệ an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) bị tác động bởi nhiều yếu tố, nhất là tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ trên các vùng biển (Biển Hoa Đông, Biển Đông); cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn tại khu vực; sự đe dọa của các thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, nhất là khủng bố và an toàn hàng hải, v.v. Các yếu tố này thường xuyên vận động, phát triển và tác động qua lại lẫn nhau để hình thành cấu trúc an ninh khu vực với những biểu hiện đặc thù.

Định hình cấu trúc an ninh khu vực CA-TBD

Một trong những biểu hiện rõ nét nhất của “định hình” cấu trúc an ninh khu vực là, thời gian qua liên minh Mỹ - Nhật Bản (do Mỹ thiết lập trước đây), vẫn tiếp tục phát triển và giữ vai trò chủ đạo, chi phối các cơ chế an ninh trong khu vực. Đây là liên minh chủ chốt được hai nước tiếp tục củng cố nhằm ứng phó với các vấn đề: hạt nhân của Triều Tiên và răn đe, kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, v.v. Gần đây, việc Nhật Bản chuẩn bị dư luận sửa đổi Hiến pháp năm 1947, nhằm tăng cường sức mạnh cho liên minh Nhật - Mỹ, hỗ trợ chiến lược “Tái cân bằng” của Mỹ tại CA-TBD là một trong những động thái nhằm củng cố liên minh này. Theo đó, “quyền phòng vệ tập thể” bên ngoài lãnh thổ được Tô-ky-ô xác định không chỉ đối với Mỹ mà còn với những quốc gia Đông Nam Á khác, như: Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, v.v. Qua đó, giúp Mỹ có những con bài thuận lợi hơn trong việc thỏa hiệp hoặc gây sức ép với Trung Quốc. Ngoài ra, các liên minh giữa Mỹ với Phi-líp-pin, Ô-xtrây-li-a và “quan hệ đối tác chiến lược” Mỹ - Ấn Độ cũng là yếu tố quan trọng tạo ra “định hình” cấu trúc an ninh khu vực.

Cùng với các liên minh song phương, sự tồn tại đan xen của các thể chế an ninh đa phương là đặc thù trong cấu trúc an ninh khu vực. Thời gian qua, về cơ bản các thể chế an ninh đa phương ở CA-TBD được chia làm hai loại: (1). Các thể chế do ASEAN giữ vai trò điều phối, như: ASEAN với Trung Quốc (ASEAN+1); ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3); Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và mở rộng (ADMM+). (2). Các thể chế đa phương khác: Diễn đàn hợp tác kinh tế CA-TBD (APEC); Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), v.v. Tất cả các thể chế này đều song trùng tồn tại, phát triển và cạnh tranh, bổ sung, thúc đẩy nhau trong cấu trúc an ninh khu vực. Song, đặc trưng cố hữu của các thể chế đa phương này là đan xen, chồng chéo, không rõ ràng, tính ràng buộc thấp nên chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh trong tổng thể cấu trúc an ninh ở khu vực. Chính vì lẽ đó, sự liên minh và liên kết an ninh đa phương đã có sự manh nha hình thành và được thể hiện rõ ở 3 khía cạnh sau: Thứ nhất, các liên minh truyền thống do Mỹ đứng đầu không còn giữ được hình thái “trục nan hoa” như trước, mà có sự nâng cao và phối hợp chặt chẽ hơn dẫn đến hình thành mạng lưới liên kết đa phương ở CA-TBD. Điều này cũng lý giải vì sao Mỹ khuyến khích các nước đồng minh năng động hơn và chia sẻ trách nhiệm với Mỹ (trong bối cảnh sức mạnh Mỹ đang suy giảm, chi phí quốc phòng bị cắt giảm). Năm 2014, Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a đã thiết lập khuôn khổ “đối tác chiến lược đặc biệt”, thực chất là một dạng đồng minh không chính thức. Đối với các nước trong khu vực, trước sự “trỗi dậy” và ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, một mặt họ đề phòng, mặt khác tận dụng các cơ hội cải thiện quan hệ với Bắc Kinh nhằm khai thác tiềm năng kinh tế của các đối tác và tránh sa vào thế mắc kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ1. Thứ hai, liên kết tay ba giữa Nhật Bản – Phi-líp-pin – Ô-xtrây-li-a ngày càng được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ Mỹ triển khai chiến lược “Tái cân bằng” tại CA-TBD và phục vụ những toan tính chiến lược quốc gia của riêng họ. Thứ ba, do lo ngại có sự thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc, nên một số nước trong khu vực, điển hình là Ấn Độ, Nhật Bản và Ô-xtrây-li-a đã liên kết an ninh đa phương (không có Mỹ và Trung Quốc tham gia) để bảo vệ lợi ích quốc gia của họ và đối phó với nguy cơ thỏa hiệp giữa hai nước lớn. Những chuyển động nêu trên đã có tác động mạnh mẽ tới “định hình” cấu trúc an ninh khu vực CA-TBD.

Xu hướng trong cấu trúc an ninh khu vực CA-TBD

Theo các nhà quan sát, với sự trỗi dậy mạnh mẽ và hành xử quyết đoán, Trung Quốc tiếp tục trở thành nhân tố thúc đẩy sự chuyển động trong cấu trúc an ninh khu vực CA-TBD trong thời gian tới. Từ năm 2010, Trung Quốc đã chính thức thay thế Nhật Bản và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Với sức mạnh kinh tế đó, Trung Quốc liên tục tăng cường tiềm lực quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, làm cho khoảng cách sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ thu hẹp đáng kể. Trung Quốc nhiều lần tỏ thái độ không muốn ràng buộc bởi khuôn khổ “luật chơi” của hệ thống quốc tế đương đại vốn do các nước phương Tây thiết lập và chi phối cho dù Trung Quốc đang được hưởng lợi từ hệ thống này. Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục đòi cải tổ các thể chế kinh tế, tài chính quốc tế, như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các công ước quốc tế khác theo hướng có lợi cho mình. Đối với khu vực CA-TBD, Trung Quốc tiếp tục theo đuổi một khuôn khổ liên kết khu vực Đông Á khép kín do Trung Quốc làm chủ đạo, nhằm gạt ảnh hưởng của Mỹ ra ngoài; coi EAS là cơ chế hỗ trợ cho ASEAN+3 trong công cuộc xây dựng Cộng đồng Đông Á; tích cực thúc đẩy quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để làm nền tảng cho hội nhập kinh tế CA-TBD (không bao gồm Mỹ). Từ cuối năm 2012 trở lại đây, Trung Quốc tăng cường cơ chế ASEAN+1 và đưa ra hàng loạt các sáng kiến nhằm thắt chặt quan hệ với ASEAN. Tuy số lượng sáng kiến của Trung Quốc rất nhiều, nhưng hầu hết nội dung và mục tiêu chưa được xác định, khiến các nước ASEAN đều tiếp cận dè dặt. Tại Hội nghị hợp tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) vài tháng qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên công bố khái niệm “An ninh mới ở châu Á”; trong đó, đề ra 4 nguyên tắc2 nhằm xây dựng một châu Á hòa bình, ổn định và phát triển. Việc Trung Quốc đưa ra khái niệm an ninh mới cho thấy, nước này muốn thiết lập một hệ thống an ninh châu Á theo hướng giảm vai trò của Mỹ, nhấn mạnh “công việc của châu Á phải do người châu Á giải quyết”. Thông qua hàng loạt “sáng kiến”, như: thành lập Khu vực Thương mại Tự do CA-TBD (FTAAP), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và “Con đường tơ lụa” trên biển thế kỷ XXI (nhằm tài trợ cho cơ sở hạ tầng trong khu vực, đẩy mạnh kết nối thương mại nội khối), Trung Quốc mong muốn cải thiện hình ảnh của mình, trấn an các nước láng giềng. Những đề xuất của Trung Quốc được cho là sẽ tác động nhiều chiều đến cấu trúc an ninh khu vực CA-TBD.

Cùng với đó, là Chiến lược “Tái cân bằng” với Chính sách “xoay trục” về CA-TBD của Mỹ đã và đang thúc đẩy việc xây dựng cấu trúc an ninh theo hướng khẳng định vai trò không thể thiếu của Mỹ tại khu vực. Mục tiêu của Mỹ là duy trì vị thế cường quốc số một thế giới, ngăn ngừa bất cứ quốc gia hoặc thế lực nào nổi lên thách thức vai trò lãnh đạo của mình; đồng thời, duy trì trật tự thế giới hiện hành dựa trên hệ thống các giá trị mà Mỹ và các đồng minh đã dày công xây dựng từ mấy thập kỷ nay. Tuy nhiên, Mỹ đang phải đối diện với một thực tế là sức mạnh ngày càng suy giảm; tiếp tục phải đối phó với các cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông, U-crai-na, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, I-ran; sự phụ thuộc về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng. Trong bối cảnh đó, tuy vẫn đẩy nhanh tiến trình triển khai chiến lược “Tái cân bằng” ở khu vực CA-TBD nhưng Mỹ có những điều chỉnh nhất định so với nhiệm kỳ I của Tổng thống B. Ô-ba-ma. Đó là, vận động các nước đồng minh tích cực “chia sẻ trách nhiệm” hơn với Mỹ, thúc đẩy xây dựng cấu trúc an ninh khu vực theo hướng khẳng định vai trò không thể thiếu của Mỹ. Theo đó, Mỹ chủ trương đẩy mạnh liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Phi-líp-pin và Thái Lan; đồng thời, khẳng định, sẽ phát triển các mối quan hệ chiến lược mới với các nước mới nổi, như: In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, v.v. Hơn thế, Mỹ sẽ thúc đẩy “chủ nghĩa đa phương” thông qua các cơ chế hợp tác khu vực, nhất là đối với EAS; coi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là mô hình hợp tác kinh tế đa phương “điển hình” do Mỹ lãnh đạo để lôi kéo các nước vừa và nhỏ tham gia.

Bên cạnh đó, sự nổi lên của Nhật Bản, nhất là về quốc phòng, đưa quan hệ Nhật - Mỹ đóng vai trò lớn hơn trong cấu trúc an ninh khu vực. Thông qua “quyền phòng vệ tập thể” tăng cường quan hệ với Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ; đẩy mạnh quan hệ với ASEAN; thúc đẩy các cơ chế đa phương có sự tham gia của Mỹ và các nước ngoài khu vực, như: EAS, APEC, v.v. Tô-ky-ô đang có bước đi mới, thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong cấu trúc anh ninh khu vực. Trong đó, liên minh Mỹ - Nhật Bản vẫn  được coi là xương sống của cấu trúc an ninh CA-TBD trong tương lai gần.

Ngoài ra, vị thế, vai trò của Ấn Độ, Nga cũng là những nhân tố không thể thiếu và ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy cấu trúc an ninh CA-TBD trong thời gian tới.

Đối với ASEAN, với mục tiêu xây dựng cấu trúc CA-TBD dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Khối, ASEAN luôn ủng hộ một cấu trúc khu vực đa tầng nấc, dựa trên tiến trình hợp tác khu vực hiện có để bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau; trong đó, ASEAN giữ vai trò trung tâm và là động lực chính. Theo quan điểm của các nước ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực là điều kiện cần thiết để bảo đảm độc lập, chủ quyền, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, phát triển cho các nước trong khu vực. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ASEAN ủng hộ quan hệ hài hòa giữa các cường quốc và tạo điều kiện cho các cường quốc đóng góp tích cực vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình và ổn định trong khu vực.

Như vậy, từ những động thái của các nước, các tổ chức trong khu vực CA-TBD cho thấy, cấu trúc an ninh khu vực này đang tồn tại sự đan xen giữa các cấu trúc hiện có và các cấu trúc đang hình thành, theo hướng đa tầng nấc, phức tạp, bổ sung hỗ trợ lẫn nhau, vừa góp phần duy trì, vừa tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Thiếu tướng, PGS, TS. TRẦN MINH SƠN, Viện trưởng Viện B70, Tổng cục II
_______________________

1 - Việc Trung Quốc và Ô-xtrây-li-a thiết lập “đối tác chiến lược” (năm 2013) đã cho thấy điều này.

2 - Gồm: “an ninh chung”, “an ninh toàn diện”, “an ninh hợp tác” và “an ninh bền vững”.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...