Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 19/08/2013, 16:23 (GMT+7)
“Mùa xuân A-rập” không mang lại bình yên cho Ai Cập

Sau khi hạ bệ Tổng thống H. Mu-ba-rắc và thay vào đó là một Chính phủ được bầu cử dân chủ, những tưởng “Mùa xuân A-rập” sẽ đơm hoa, kết trái tại Ai Cập. Thế nhưng, mới đây trên đất nước này lại xảy ra cuộc chính biến phế truất Tổng thống M. Mơ-xi. Mặc dù đã có Chính phủ lâm thời, nhưng người ta chưa thấy sự bình yên ở xứ sở Kim Tự Tháp, mà thay vào đó là nội tình lục đục, hỗn loạn và máu vẫn đổ.

Cuộc chính biến đầy tranh cãi

Ngay sau khi “tối hậu thư” hết thời hạn, ngày 03-7-2013, Quân đội Ai Cập đã tuyên bố đình chỉ Hiến pháp và phế truất Tổng thống M. Mơ-xi vì “không đáp ứng những đòi hỏi của người dân”. Đây là “kịch bản” không quá bất ngờ, nhưng do cuộc chính biến diễn ra nhanh, quyết liệt đã tạo “cơn địa chấn chính trị” cùng các phản ứng và dư luận trái chiều cả trên chính trường Ai Cập và quốc tế. Ở trong nước, nếu những người ủng hộ ông M. Mơ-xi coi việc lật đổ Tổng thống là cuộc đảo chính quân sự, vi phạm hiến pháp và phản ứng dữ dội thì hàng chục triệu người phản đối lại đổ ra đường ăn mừng chiến thắng. Nhiều người dân khi được hỏi ý kiến đều trả lời rằng, họ muốn cảm ơn Chúa và quân đội vì đã giúp người dân Ai Cập thoát ra khỏi chế độ của tổ chức “Anh em Hồi giáo” mà họ không phải là người Hồi giáo.

Quân đội Ai Cập được lệnh trực chiến 24/24 trước nguy cơ bùng phát
bạo lực và nội chiến. (Nguồn: cand.com.vn)

Trong khi đó, dư luận quốc tế đặc biệt chú ý tới phản ứng của Mỹ - quốc gia từng tích cực cổ xúy cho “Mùa xuân A-rập” ở Ai Cập và hậu thuẫn cho tổ chức "Anh em Hồi giáo" lên cầm quyền ở nước này. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, để không bị mất ảnh hưởng đối với Ai Cập, Oa-sinh-tơn đã chọn cách ứng xử thực dụng và đưa ra quan điểm trung lập. Ngày 06-7-2013, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma cho biết, Mỹ không tán thành việc Quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống M. Mơ-xi, nhưng cũng không ủng hộ bất cứ đảng phái chính trị hoặc tổ chức nào của Ai Cập có liên quan tới sự kiện này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thì úp mở rằng, Oa-sinh-tơn chưa khẳng định việc lật đổ Tổng thống M. Mơ-xi có phải là “đảo chính quân sự” hay không. Tổng Thư ký NATO A. Ra-xmu-xen thì tuyên bố: “Vấn đề không phải là ở chỗ có nên gọi cuộc chính biến này là đảo chính hay không, mà điều chủ yếu hiện nay là tìm ra cách thức giải quyết vấn đề củng cố nền dân chủ ở quốc gia này”. Trái với những quan ngại của phương Tây, các nước trong khu vực, như: A-rập Xê út, I-rắc, Xy-ry,… lại tỏ ra ủng hộ những sự kiện vừa qua tại Ai Cập. Thậm chí, Tổng thống Xy-ry B. An Át-xát còn cho rằng, những gì đang diễn ra ở Ai Cập là thất bại của những nỗ lực nhằm đưa các lực lượng Hồi giáo lên nắm quyền ở các nước A-rập và những ai sử dụng tôn giáo vì quyền lợi chính trị hay vì lợi ích của một phe phái sẽ sụp đổ ở bất cứ đâu trên thế giới. Riêng I-xra-en - một đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông cũng có phản ứng thận trọng. Theo họ, việc các “chiến hữu” của cựu Tổng thống Ai Cập H. Mu-ba-rắc trở lại nắm quyền sẽ tạo điều kiện duy trì quan hệ bình thường với Ten A-víp. Còn Trung Quốc và Nga chỉ tuyên bố tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Ai Cập, ủng hộ khát vọng chính đáng của người dân nước này hướng tới cuộc sống tự do và tốt đẹp hơn.

Nhận diện nguyên nhân của chính biến

Hiện nay, có nhiều cách giải thích khác nhau về nguyên nhân dẫn tới cuộc chính biến vừa qua ở Ai Cập, nhưng cách lý giải thỏa đáng nhất là do Tổng thống M. Mơ-xi đã không thực hiện những cam kết khi tranh cử, mà đẩy nước này rơi vào khó khăn toàn diện cả về kinh tế, chính trị và an ninh.

Về kinh tế - xã hội, sau “Mùa xuân A-rập” (năm 2011), nền kinh tế Ai Cập xấu đi nghiêm trọng, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này giảm chỉ còn 2,2% trong năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức 5,1% trong những năm 2009 - 2010. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống M. Mơ-xi đã không có biện pháp gì để vực dậy nền kinh tế; thậm chí, trong nửa đầu năm 2013, tăng trưởng GDP của Ai Cập chỉ đạt mức 2%. Hai trụ cột của kinh tế nước này là du lịch và đầu tư nước ngoài tiếp tục sụt giảm mạnh do lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của tổ chức "Anh em Hồi giáo" ở Ai Cập. Tình hình đó đã làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động thất nghiệp đã lên đến 13%; 46,4% số dân trong độ tuổi từ 20 - 24 không thể tìm được việc làm; 43% số dân Ai Cập sống dưới mức nghèo khổ. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến hàng chục triệu người dân xuống đường đòi Tổng thống M. Mơ-xi từ chức.

Về chính trị, sau khi đắc cử, thay vì tập trung phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân và xây dựng một xã hội cởi mở hơn, Tổng thống M. Mơ-xi đã tiến hành hàng loạt biện pháp để thâu tóm quyền lực; đưa người của tổ chức “Anh em Hồi giáo” vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị; đồng thời, từng bước loại bỏ vai trò của tòa án, quốc hội, cảnh sát và đối đầu với giới truyền thông,… nhằm “Hồi giáo hóa” toàn diện nền chính trị Ai Cập. Những động thái này đã tạo ra sự đối đầu ngày càng gia tăng trong xã hội Ai Cập. Vì vậy, những bất ổn vừa qua tại quốc gia Bắc Phi này không đơn thuần vì cơm ăn, áo mặc hay đòi dân chủ mà còn là cuộc chiến tư tưởng giữa phe Hồi giáo cứng rắn được trao quyền qua bầu cử và các phe phái đối lập, nhất là những tín đồ Cơ đốc giáo, thế tục đã ăn sâu hàng thập niên vào xã hội Ai Cập.

Về an ninh, sau một năm cầm quyền của Tổng thống M. Mơ-xi, Ai Cập trở thành tụ điểm xung đột phe phái, sắc tộc. Do không được giới quân sự ủng hộ, hệ thống bảo đảm an ninh trong nước của Ai Cập không còn hiệu lực, nạn tham nhũng, khủng bố và cướp bóc xảy ra triền miên trên toàn lãnh thổ. Đứng trước những khó khăn chồng chất và không có hy vọng về tương lai, hàng chục triệu người dân Ai Cập đã xuống đường phản đối cách thức điều hành và quản lý đất nước của Tổng thống M. Mơ-xi với những khẩu hiệu “bánh mì, tự do và công bằng xã hội cho người dân”, “người dân muốn chế độ của Mơ-xi sụp đổ”, “ông Mơ-xi hãy ra đi”, v.v.

“Con bài” của Oa-sinh-tơn?

Theo nhiều cứ liệu lịch sử, tổ chức “Anh em Hồi giáo” ra đời đã lâu (năm 1928), từng có quan hệ bí mật với các chính quyền Mỹ từ hơn nửa thế kỷ nay. Trước đây, trong khi nhiều nước ở khu vực coi "Anh em Hồi giáo" là tổ chức khủng bố và cấm hoạt động, thì Mỹ lại cho rằng: đây là một tổ chức Hồi giáo “ôn hòa”. Động thái này khiến dư luận quốc tế đặt câu hỏi, phải chăng ông M. Mơ-xi chỉ là “con bài” để Oa-sinh-tơn thực hiện mục đích địa - chính trị ở Ai Cập - một mắt xích quan trọng trong chiến lược Trung Đông Lớn của Mỹ dưới thời cầm quyền của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma. Đó là, sử dụng lực lượng Hồi giáo, trong đó có tổ chức “Anh em Hồi giáo” làm công cụ để “bình định” khu vực địa - chính trị quan trọng này.

Hẳn mọi người còn nhớ, trong chuyến thăm Ai Cập hồi tháng 5-2009, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã tuyên bố với người dân xứ Kim Tự Tháp rằng: “Nước Mỹ là bạn của thế giới Hồi giáo. Tôi tới đây là để tìm kiếm một sự khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa nước Mỹ và thế giới Hồi giáo”. Đến cuối năm 2010, “một sự khởi đầu mới” cho mối quan hệ giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo” đã diễn ra dưới hình thức các biến động chính trị - xã hội bất ngờ bùng phát ở nhiều nước khu vực Bắc Phi - Trung Đông mang tên “Mùa xuân A-rập”. Trong đó, các lực lượng Hồi giáo được Mỹ ủng hộ đã nổi lên làm sụp đổ chính quyền ở nhiều nước, như: Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi,… và hiện nay đang ráo riết tiến hành cuộc chiến khủng bố nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát ở Xy-ri.

Riêng ở Ai Cập, lợi dụng phong trào “Mùa xuân A-rập” (đầu năm 2011), Oa-sinh-tơn sử dụng tổ chức "Anh em Hồi giáo" làm nòng cốt để loại bỏ Tổng thống H. Mu-ba-rắc, một nhân vật đã từng là đồng minh của Mỹ ở Trung Đông nhưng trong những năm gần đây lại trở thành vật cản trong thực hiện chiến lược “bình định” toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn. Theo nhận xét của Giêm Clap-pơ, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ, hiện nay tổ chức “Anh em Hồi giáo” đã là “người bạn của Mỹ”, chia sẻ quan tâm của Mỹ trong lĩnh vực “quyền con người” và “xúc tiến dân chủ”. Vì thế, thực chất, “Mùa xuân A-rập” ở Ai Cập (năm 2011) không phải là cuộc “cách mạng” của người dân đòi lật đổ chế độ cầm quyền của Tổng thống H. Mu-ba-rắc, mà trước hết là hoạt động phối hợp giữa các tổ chức tình báo của phương Tây với tổ chức “Anh em Hồi giáo” nhằm đạt được các mục đích địa - chính trị của họ ở khu vực quan trọng này.

Đặc biệt gần đây, cùng với quyết định của Oa-sinh-tơn tăng cường viện trợ quân sự trực tiếp cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri, ông M. Mơ-xi và tổ chức “Anh em Hồi giáo” đã công khai kêu gọi tổ chức đội quân thánh chiến để chống lại Chính quyền Xy-ri. Hành động này khiến giới quân sự và các lực lượng chính trị đối lập ở Ai Cập hết sức lo ngại. Không những thế, ông M. Mơ-xi còn đề nghị NATO thiết lập vùng cấm bay ở Xy-ri. Điều đáng chú ý là, tuyên bố của ông M. Mơ-xi được đưa ra chỉ 03 ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Giôn Ke-ry đề xuất với Chính phủ Mỹ tiến hành chiến dịch ném bom không chậm trễ nhằm vào Xy-ri. Tất cả những điều đó cho thấy, Tổng thống Ai Cập M. Mơ-xi và Chính quyền Mỹ đã đứng trên cùng một chiến tuyến trong cuộc chiến ở Xy-ri nhằm loại bỏ Tổng thống B. An Át-xát. Vì thế, phong trào “Mặt trận Dân chủ” và phong trào “Nổi dậy” ở Ai Cập đều đưa ra nhận xét rằng, ông M. Mơ-xi là “công cụ” của Mỹ không chỉ để thực hiện “Mùa xuân A-rập” ở Ai Cập (năm 2011) mà cả ở Xy-ri hiện nay.

Tương lai chính trị nào cho Ai Cập?

Có thể nói, tương lai của Ai Cập trước những diễn biến chính trị hiện nay là rất khó đoán định. Sau “cơn địa chấn chính trị”, các cuộc biểu tình giữa hai phe đối nghịch, một bên là ủng hộ Tổng thống M. Mơ-xi và bên kia là phản đối đã liên tiếp diễn ra trên khắp Ai Cập làm hàng trăm người chết và hàng nghìn người bị thương. Cộng đồng quốc tế và các nhà nghiên cứu đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình hiện nay ở Ai Cập, rằng việc loại bỏ ông M. Mơ-xi chưa thể sớm chấm dứt tình trạng bất ổn về chính trị, khủng hoảng về kinh tế và rối loạn về an ninh. Phát biểu tại Ka-dắc-xtan (ngày 07-7-2013), Tổng thống Nga V. Pu-tin cho rằng, Ai Cập đang đứng trước nguy cơ nội chiến. Còn Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma bày tỏ quan ngại về tình trạng phân cực chính trị sẽ vẫn tiếp diễn ở Ai Cập.

Hiện tại, mặc dù giới quân sự Ai Cập tuyên bố thành lập chính phủ dân sự theo đường lối kỹ trị, nhưng quốc gia này khó tránh được bất ổn kéo dài, thậm chí nội chiến, bởi khó khăn lớn nhất đối với Ai Cập lúc này là thiếu hẳn sự đồng thuận trên phạm vi quốc gia về hàng loạt vấn đề; trong đó, nổi lên mâu thuẫn giữa các đảng phái chính trị và giữa các sắc tộc, tôn giáo về con đường phát triển hướng tới tương lai. Do đó, không ai có thể bảo đảm rằng, cuộc chính biến ngày 03-7-2013 sẽ là lần cuối cùng, bởi làn sóng Hồi giáo hóa thế giới A-rập đang tiếp tục lan tỏa ngày càng mạnh mẽ. Gần đây nhất, phong trào “Liên minh quốc gia các chính đảng vì chính quyền được bầu cử hợp pháp” được thành lập ở Ai Cập; trong đó, tập hợp các xu hướng Hồi giáo và các đảng phái chính trị khác, kêu gọi tiến hành các cuộc biểu tình rộng khắp trong cả nước để tiếp tục ủng hộ cựu Tổng thống M. Mơ-xi. Trước mắt, phong trào này đang dừng lại ở các cuộc phản kháng hòa bình, nhưng không loại trừ khả năng họ sẽ tiến tới bạo lực trong nay mai. Do đó, dù ai làm tổng thống Ai Cập cũng sẽ phải đương đầu với tương lai đầy bất ổn kéo dài chưa có hồi kết.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...