Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 20/11/2017, 08:31 (GMT+7)
Một số cải cách quân sự đáng chú ý của Các lực lượng vũ trang Nga đến năm 2020

Những năm gần đây, nhằm tăng cường vị thế của một cường quốc thế giới, Nga đẩy mạnh cải cách quân sự với trọng tâm là: điều chỉnh học thuyết quân sự, cải cách hệ thống chỉ huy và thay đổi cơ cấu tổ chức các lực lượng vũ trang, v.v. Đây là đợt cải cách quy mô lớn, tương đối toàn diện, khiến dư luận hết sức quan tâm.

Điều chỉnh học thuyết quân sự

Theo chính giới Nga, học thuyết quân sự là một văn kiện quan trọng, tác động trực tiếp tới an ninh quốc gia, gồm hệ thống các quan điểm cơ bản của nhà nước về xây dựng Các lực lượng vũ trang Nga, các biện pháp chiến lược bảo vệ đất nước trong mọi tình huống. Vì thế, việc điều chỉnh học thuyết quân sự lần này được coi là nội dung quan trọng nhất trong cải cách quân sự của Liên bang Nga.

Trên cơ sở Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga đến năm 2020, ngày 05-02-2010, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã phê chuẩn học thuyết quân sự mới của Liên bang Nga; trong đó xác định, nguy cơ hàng đầu là tham vọng của Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã, đang đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Nga. Học thuyết quân sự mới nhấn mạnh vai trò và tác dụng của sức mạnh quân sự trên chính trường quốc tế; xác định chiến lược quân sự của Nga chuyển từ phòng ngự bị động sang phòng ngự tích cực; đề ra các biện pháp tổng hợp, bảo đảm an ninh nước Nga, như: tiếp tục duy trì quyền đánh đòn phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân, coi không gian vũ trụ là một trong những chiến trường chính trong chiến tranh tương lai. Học thuyết cũng xác định rõ, thắng lợi trong chiến tranh hiện đại không còn phụ thuộc nhiều vào số lượng binh sĩ, xe tăng, máy bay hay tên lửa, mà phụ thuộc nhiều hơn vào hệ thống vũ khí kiểu mới; tố chất, bản lĩnh, trí tuệ của lãnh đạo, chỉ huy và ý chí của người lính trên chiến trường. Học thuyết quân sự mới định hướng chuyển từ tư duy tác chiến hiệp đồng, phối hợp, chi viện giữa các quân chủng, binh chủng sang phương thức tác chiến liên hợp, trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao.

Thực hiện chương trình tái trang bị đến năm 2020

Theo lộ trình cải cách quân sự, chương trình tái trang bị tới năm 2020 được Nga triển khai với quy mô lớn, nhằm phát triển hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến nhất. Trong đó, các biện pháp chủ yếu được đưa ra nhằm: “thông minh hoá” vũ khí, trang bị kỹ thuật; phát triển các hệ thống tích hợp chỉ huy, truyền thông, tình báo, tự động hoá, chỉ thị mục tiêu, chiến tranh điện tử; bảo đảm liên kết và phối hợp thông tin giữa các phương tiện truyền thông, chỉ huy chiến đấu, chỉ thị mục tiêu, chiến tranh điện tử, trao đổi dữ liệu tại tất cả các cấp chỉ huy chiến đấu, trước hết là ở cấp chiến thuật. Đồng thời, chú trọng chế tạo các phương tiện chiến đấu mang vác gọn, nhẹ, siêu nhỏ, đặc biệt là trong lĩnh vực trinh sát và chỉ huy chiến đấu; “tàng hình hoá” các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật và các công trình quân sự trong các dải tần số; nâng cao khả năng cơ động của quân đội, chú ý cân đối giữa khả năng chuyên chở với khối lượng và tính chất bao gói của vũ khí, trang bị kỹ thuật; ưu tiên phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật điều khiển thông minh; giảm chi phí khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật bằng cách chế tạo hệ thống và phương tiện chuẩn đoán dự phòng lắp sẵn trong vũ khí, trang bị kỹ thuật hoặc chế tạo các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, không cần sửa chữa và bảo dưỡng kỹ thuật.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3 hiện đại hóa ra mắt lần đầu trong Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 09-5-2017. (Ảnh: Reuters)

Chương trình tái trang bị này còn nhằm mục đích: duy trì sức mạnh răn đe với số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược hợp lý; dùng lực lượng thông thường đánh bại các cuộc xâm lược trên hướng lục địa và cả trên hướng biển; áp dụng hệ thống đặt hàng vũ khí, trang bị kỹ thuật quốc gia thống nhất. Theo đó, Bộ Kinh tế đóng vai trò điều phối theo nguyên tắc hợp đồng - đấu thầu, còn Bộ Quốc phòng là cơ quan đặt hàng duy nhất; xây dựng cơ sở hạ tầng chung của quân đội phối hợp với cơ sở hạ tầng vận tải, truyền thông, cung ứng chung của quốc gia; xây dựng hệ thống bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, triển khai động viên thống nhất và tập trung của quân đội và các lực lượng khác.

Mục tiêu của chương trình tái trang bị đặt ra là, đưa số lượng vũ khí mới chiếm từ 70%-80% tổng số vũ khí hiện có của Các lực lượng vũ trang Nga. Trước khi cải cách quân sự, chỉ số này mới chỉ là 10%. Cuối tháng 5-2010, ngân sách chi phí bảo dưỡng duy trì trang, thiết bị và ngân sách mua sắm trang bị theo tỷ lệ 30/70. Đến năm 2020, toàn bộ vũ khí, trang bị của Các lực lượng vũ trang Nga sẽ được đổi mới.

Cải cách hệ thống chỉ huy và tổ chức biên chế

Một trong những hướng cải cách quân sự chủ yếu của Các lực lượng vũ trang Nga là chuyển từ hệ thống chỉ huy bốn khâu (quân khu - tập đoàn quân - sư đoàn - trung đoàn) thành hệ thống chỉ huy ba khâu (quân khu - tập đoàn quân - lữ đoàn). Sau khi cải cách, cơ cấu Quân đội và Hải quân Nga chỉ còn bốn Quân khu1 và Bộ chỉ huy chiến lược liên hợp “Phương Bắc”.

Về tổ chức hành chính quân sự trong Các lực lượng vũ trang Nga, được cải cách theo hướng: các đơn vị thuộc quân khu nào sẽ trực thuộc quyền chỉ huy của tư lệnh quân khu ấy và tư lệnh quân khu là người chịu trách nhiệm cá nhân cao nhất về bảo đảm an ninh trong khu vực. Việc liên kết các đơn vị của các tập đoàn quân, hạm đội hải quân và phòng không - không quân về dưới quyền chỉ huy thống nhất của tư lệnh quân khu cho phép nâng cao đáng kể chất lượng và khả năng chiến đấu của các quân khu mới thành lập, bằng cách giảm thời gian phản ứng trước các tình huống khẩn cấp và gia tăng sức mạnh của đòn tấn công tổng hợp theo yêu cầu của phương thức tác chiến liên hợp. Bên cạnh đó, trên các hướng chiến lược hình thành các cụm lực lượng liên quân chủng trực thuộc một bộ chỉ huy thống nhất, gồm: các binh đoàn và đơn vị thường trực sẵn sàng chuyển vào trạng thái chiến đấu cao trong thời gian ngắn nhất.

Cùng với đó, thực hiện việc cải cách hành chính đã làm giảm đáng kể số lượng các đơn vị so với mốc thời gian năm 2008. Trong đó, Lục quân giảm từ 1.890 đơn vị xuống còn 172 (giảm 90%); tương tự ở các lực lượng: Không quân, Hải quân, Tên lửa hạt nhân chiến lược, lực lượng Vũ trụ và lực lượng Đổ bộ đường không tỷ lệ giảm lần lượt là: 48%, 49%, 34%, 15% và 17%. Đặc biệt, để tối ưu hóa quân số, Nga đã mạnh dạn giảm đội ngũ sĩ quan từ 300.000 người xuống còn 150.000. Trong số này, sĩ quan cấp tướng từ 1.107 người, giảm xuống còn 866 vào năm 2012; sĩ quan cấp tá, từ 134.215 người giảm xuống còn 40.614; sĩ quan cấp đại úy, từ 90.000 người giảm xuống còn 40.000. Ngoài ra, Nga đã cho giải thể toàn bộ quân nhân cấp chuẩn úy. Tuy nhiên, do quá trình giảm quân số diễn ra quá nhanh và giảm quá mức so với dự kiến nên chỉ sau 03 năm (năm 2011), số sĩ quan đã giảm tới mức 150.000 người. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, quá trình tối ưu hóa quân số của Các lực lượng vũ trang Nga đã không đạt được mục đích như kỳ vọng và dẫn tới một số hạn chế, bất cập, như: thiếu hụt đáng kể số sĩ quan sơ cấp so với yêu cầu thực tế của Lục quân và Hải quân; thiếu quá nhiều đội ngũ chỉ huy kỹ thuật chuyên nghiệp sơ cấp; khoảng 80% hạ sĩ quan được tuyển dụng không muốn gia hạn hợp đồng thêm sau khi hết hạn. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ Nga đã quyết định đưa trở lại hàng ngũ quân đội khoảng 70.000 sĩ quan sơ cấp, 55.000 chuẩn úy chuyên nghiệp. Dự kiến, cuối năm 2017, Lục quân Nga sẽ có 220.000 sĩ quan; khoảng 50.000 hạ sĩ quan và chuẩn úy, 425.000 quân nhân hợp đồng và 300.000 quân nhân được điều động theo chế độ nghĩa vụ quân sự.

Cải cách chính sách xã hội cho quân nhân

Đây là vấn đề được Chính phủ Nga hết sức quan tâm, nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn về lương, nhà ở và đào tạo nghề cho các quân nhân. Theo đó, ngày 07-11-2011, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã ký đạo luật “Về lương và phụ cấp cho quân nhân”, nhằm cải thiện đáng kể hệ thống phụ cấp trong Các lực lượng vũ trang.

Theo Đạo luật này, quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ được trả các khoản phụ cấp, như: phụ cấp hằng tháng theo trình độ tay nghề; khi hoạt động trong các điều kiện đặc thù và khi hoạt động có liên quan tới bí mật quốc gia. Đối với quân nhân phục vụ theo hợp đồng, ngoài các khoản được hưởng như đối với quân nhân làm nghĩa vụ quân sự, hằng tháng còn được hưởng thêm các khoản: phụ cấp khi hoạt động trong các điều kiện đặc thù; trong điều kiện mạo hiểm đối với sức khỏe và tính mạng; do có thành tính cao trong khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, còn được hưởng các khoản khác, như: thưởng tiền do hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; trợ giúp vật chất hằng năm; trợ cấp và nâng hệ số lương, phụ cấp cho các quân nhân phục vụ ở các đơn vị đóng quân bên ngoài lãnh thổ Nga trong điều kiện xung đột vũ trang, tham gia các hoạt động chống khủng bố, phục vụ tại các đơn vị hoạt động ở các vùng có điều kiện khí hậu và môi trường khắc nghiệt (Bắc cực, sa mạc, đồi núi hiểm trở).

Bên cạnh đó, việc đào tạo lại nghề cho quân nhân được Chính phủ Nga hết sức quan tâm. Theo đó, từ năm 2013, các quân nhân trước khi phục vụ trong quân ngũ theo hợp đồng, kể cả lực lượng dự bị, nhất thiết phải được huấn luyện một khóa cấp tốc kéo dài bốn tuần, theo một chương trình huấn luyện tăng cường. Riêng đối với sĩ quan, trước khi được bổ nhiệm, phải qua lớp đào tạo thêm tại các trung tâm huấn luyện đặc biệt.

Theo các nhà phân tích, cuộc cải cách quân sự ở Nga đã đạt được kết quả nhất định và được kiểm chứng tại chiến dịch quân sự chống khủng bố tiến hành ở Xy-ri từ ngày 30-9-2015 tới nay. Trong chiến dịch này, Các lực lượng vũ trang Nga đã thể hiện rất rõ hiệu quả của phương thức tác chiến liên hợp, khả năng triển khai nhanh hoạt động quân sự có hiệu quả ở một chiến trường cách xa nước Nga, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chống khủng bố trong điều kiện thời gian hạn chế, trên một địa bàn chiến lược hoàn toàn mới. Chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Xy-ri chứng tỏ, Nga thực sự là một cường quốc có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn, còn Các lực lượng vũ trang Nga trở thành biểu tượng về sức mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nền hòa bình và an ninh quốc tế.

Đại tá LÊ THẾ MẪU
___________

1 - Bao gồm: (1) Quân khu Miền Tây, gồm: Quân khu Mát-xcơ-va, Quân khu Lê-nin-grát trước đây và Hạm đội Ban-tích; (2) Quân khu Miền Nam, gồm: Quân khu Bắc Cáp-ca trước đây, Bộ chỉ huy Phòng không - Không quân số 4, Hạm đội Biển Đen và Hạm đội Ca-xpi-ên; (3) Quân khu Trung Tâm, gồm: Quân khu Ngoại Vôn-ga và U-ran trước đây, các lực lượng miền Tây của Quân khu Xi-bê-ri; (4) Quân khu Miền Đông, gồm: một bộ phận ở Viễn Đông, Ngoại Bai-can của Quân khu Xi-bê-ri trước đây và Hạm đội Thái Bình Dương.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...