Chủ Nhật, 24/11/2024, 06:18 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 02-4-2016, xung đột quân sự giữa A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a đã bùng phát dữ dội tại Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc gây thiệt hại nặng nề cho cả hai phía. Dư luận lo ngại “điểm nóng” này nếu không được kiểm soát sẽ từ xung đột trở thành cuộc chiến tranh - mối nguy hiểm tiềm tàng đối với khu vực.
Căn nguyên xung đột
Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc là một vùng cao nguyên rộng khoảng 11.400 km2 thuộc A-déc-bai-gian, nhưng dân số ở đây lại chủ yếu là người Ác-mê-ni-a. Đặc thù địa lý, dân số “chéo ngoe” này đã biến nơi đây thành “điểm nóng” tranh chấp chủ quyền mang tính lịch sử từ lâu đời giữa A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a. Sau khi Liên bang Xô-viết thành lập, Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc trở thành tỉnh tự trị thuộc thành phần của nước Cộng hòa A-déc-bai-gian, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở đây tạm lắng xuống. Bước sang thập niên 90 thế kỷ XX, khi Liên bang Xô-viết lâm vào khủng hoảng chính trị trầm trọng và tan rã, thì số đông người Ác-mê-ni-a ở Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc đòi trở về “Đất Mẹ”, làm cho vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a đối với vùng đất này bị “hun nóng”. Năm 1991, chính quyền tỉnh Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc tổ chức trưng cầu dân ý và đơn phương tuyên bố độc lập, thành lập nhà nước tự xưng với sự hậu thuẫn của nước cộng hòa Ác-mê-ni-a. Việc làm này như “ngọn lửa” khơi ngòi xung đột giữa A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a, mà đỉnh điểm là cuộc “chiến tranh Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc” tàn khốc, kéo dài từ năm 1991 đến năm 1994, làm hàng chục nghìn người chết, hàng trăm nghìn người lâm vào cảnh tha phương. Tuy sau đó, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Nga các bên tham chiến đã ký một thỏa thuận ngừng bắn, nhưng những tranh cãi về chủ quyền đối với Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc giữa A-déc bai-zan và Ác-mê-ni-a vẫn là “nút thắt” chưa được tháo gỡ thỏa đáng. Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc tiếp tục tồn tại như một quốc gia độc lập mà chưa được cộng đồng quốc tế công nhận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mâu thuẫn giữa A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a về chủ quyền vùng đất Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc vẫn là “tảng băng chìm” làm “băng giá” quan hệ hai nước.
Sự kiện ngày 02-4-2016 cả A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a đều lên tiếng tố cáo, đổ lỗi cho nhau là người gây chiến. Tổng thống Ác-mê-ni-a Séc-gây Sa-ki-si-an, thừa nhận: “đây là xung đột nghiêm trọng nhất kể từ khi hai nước ngừng bắn vào năm 1994”. Cả A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a đều huy động số lượng lớn lực lượng quân sự chính quy, với nhiều vũ khí trang bị hiện đại, bao gồm cả máy bay, xe tăng, pháo binh, tên lửa tiên tiến nhất, thực hành tác chiến hiệp đồng binh chủng, khiến cho xung đột càng khốc liệt. Như vậy có thể thấy, mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tranh chấp chủ quyền là nguyên nhân chính gây ra xung đột giữa A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a ở Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc. Đây cũng là những vấn đề “hóc búa” đang gây xung đột vô cùng nhức nhối ở nhiều vùng đất thuộc Trung Á, Trung Đông, châu Phi và nhiều nơi khác trên thế giới.
“Đốm lửa nhỏ có thể gây hỏa hoạn lớn”
Phân tích toàn bộ cục diện chiến sự, giới quân sự quốc tế cho rằng, việc căng thẳng gia tăng dẫn đến xung đột giữa A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a ở Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc tháng 4-2016 là điều đã được dự báo từ trước. Tháng 9-2015, quân đội hai nước đã có các vụ đấu pháo tại Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc làm hàng chục binh lính thiệt mạng, đây được coi là tín hiệu cảnh báo nguy cơ của một cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Trong bối cảnh tình hình khu vực, quốc tế phức tạp, lợi ích, mâu thuẫn đan xen, xung đột quân sự giữa A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a vừa qua được ví như “đốm lửa nhỏ có thể gây hỏa hoạn lớn” nguy hại trực tiếp cho an ninh khu vực và quốc tế. Đối với Ác-mê-ni-a, Nga là đồng minh chiến lược và bản thân Mát-xcơ-va cũng đặt căn cứ quân sự tại nước này. Trong khuôn khổ Hiệp ước Tương trợ An ninh giữa hai nước, Nga là bên cung cấp vũ khí và có trách nhiệm trợ giúp quân sự cho Ác-mê-ni-a khi có chiến sự xảy ra. Đồng thời, Nga cũng là một trong những nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho cả A-déc-bai-gian. Trong khi đó, nhiều nước phương Tây có quan hệ chặt chẽ với A-déc-bai-gian; đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thân thiết của A-déc-bai-gian. Cả Tổng thống và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đều chính thức lên tiếng ủng hộ A-déc-bai-gian trong vấn đề khôi phục chủ quyền của nước này ở Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc. Bởi vậy, trong thời điểm quan hệ giữa Nga với nhiều nước phương Tây đang ở “mức thấp”, nhất là quan hệ “đối đầu” giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (kể từ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga vào tháng 11-2015) nếu chiến tranh giữa A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a nổ ra có thể lôi cuốn nhiều nước vào “vòng soáy” của một cuộc chiến quy mô khu vực. Hơn nữa, cuộc chiến tranh giữa hai nước cũng sẽ khiến cho khu vực này vốn đã phức tạp lại càng phức tạp, rối ren hơn, v.v.
Lo ngại tình trạng căng thẳng tại Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc có thể kéo theo những hậu quả khôn lường cho khu vực và thế giới, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực ngoại giao để hòa giải, ngăn chặn xung đột leo thang. Ngày 05-4-2016, dưới sự bảo trợ của Nga, Mỹ và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a đã đồng ý ký thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt xung đột. Giới phân tích quốc tế cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn mới này là tích cực, đáng khích lệ, tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, chưa đảm bảo cho một nền hòa bình bền vững ở vùng đất nóng bỏng này. Nguyên do là những mâu thuẫn trong quan điểm về chủ quyền đối với vùng đất này của các bên liên quan vẫn còn gay gắt, không dễ điều hòa trong một sớm, một chiều. Đối với Ác-mê-ni-a, tiếp tục giữ quan điểm của một bên có vai trò và trách nhiệm chính đảm bảo an ninh cho vùng đất Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc. Về phía A-déc-bai-gian lại khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc. Thậm chí trong Học thuyết Quân sự của nước này (thông qua năm 2010) cũng nhấn mạnh đến quyền sử dụng sức mạnh quân sự để lấy lại Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc. Còn chính quyền tư xưng ở Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc bày tỏ quyết trở về với Ác-mê-ni-a. Cùng với đó, ở đây còn có những thế lực “giấu mặt” đang ngấm ngầm tìm cách kích động bạo lực, gây mâu thuẫn làm mất ổn định ở khu vực này để phục vụ cho mưu đồ chính trị của mình. Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, do không hài lòng với những thành công của Nga trong quá trình gìn giữ hòa bình và chống khủng bố ở Xy-ri, một số thế lực đang chơi trò “ném đá giấu tay”, kích động những mâu thuẫn để “thổi bùng” ngọn lửa chiến tranh ở Trung Đông, Trung Á và khu vực Cáp-ca-dơ. Đó là những hành động thù địch vô cùng nguy hại cho an ninh, ổn định ở các khu vực này và thế giới.
“Điểm nóng” Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc đang âm ỉ cháy, nếu không được kiểm soát sẽ không có lợi cho bất cứ quốc gia nào. Thời gian qua, những bài học đắt giá từ các cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc hay Xy-ri,… cho thấy, mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự, mà phải bằng đàm phán hòa bình. Việc sử dụng sức mạnh quân sự chỉ làm tình hình phức tạp hơn, hận thù - bạo lực nối tiếp nhau không bao giờ kết thúc, mà hậu quả của nó không ai khác là những người dân vô tội phải gánh chịu. Dư luận cho rằng, để hóa giải mâu thuẫn phức tạp, có tính lịch sử này, các bên liên quan cần hết sức kiềm chế, ngồi vào bàn đàm phán hòa bình trên tinh thần thiện chí, hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, lợi ích chính đáng của nhau, tìm ra giải pháp phù hợp nhất mà các bên đều có thể chấp nhận được, giải quyết bất đồng, xung đột, xây dựng Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc hòa bình, hợp tác, phát triển.
KIỀU LOAN
Xung đột,Na-go-rơ-nưi
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ