Chủ Nhật, 24/11/2024, 03:26 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Là một cường quốc trên thế giới, đã từ lâu Liên Bang Nga có lợi ích chiến lược tại châu Á - Thái Bình Dương. Từ đầu thế kỷ XXI, Nga đã tiến hành can dự nhiều hơn, toàn diện hơn vào các lĩnh vực ở châu Á - Thái Bình Dương, nhằm tăng cường vị thế của mình đối với khu vực này.
Củng cố, phát triển quan hệ với các tổ chức và các nước đối tác chủ yếu trong khu vực
Những năm gần đây, do tác động có chủ ý của Mỹ và phương Tây, một số nước trong không gian hậu Xô-viết có xu hướng rời xa sự ảnh hưởng của Nga. Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chủ trương mở rộng NATO sang phía Đông, nên quan hệ Nga - Mỹ, Nga - EU ngày càng suy giảm, nhất là khi Nga quyết định sáp nhập Crưm vào lãnh thổ của mình. Trong bối cảnh ấy, Nga mở rộng ảnh hưởng và tìm cách chi phối khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD), nhằm tạo sức mạnh phá vỡ cục diện khó khăn chiến lược mà họ đang phải đương đầu. Để thực hiện được mục tiêu đó, Nga tăng cường phát triển quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh với các quốc gia hàng đầu trong khu vực CA-TBD, bảo đảm ổn định an ninh phía Đông, tạo môi trường thuận lợi phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với Trung Quốc - một cường quốc châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ, Nga coi đây không chỉ là chỗ dựa chiến lược, mà còn là đối tác thương mại và nguồn thu hút đầu tư quan trọng. Hai nước hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS)1, Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu (G20); phối hợp, thống nhất quan điểm, lập trường trong giải quyết các vấn đề an ninh quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia mỗi nước và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như quốc tế. Đặc biệt, từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn, kéo dài ở U-crai-na, Nga càng chú trọng quan hệ với Trung Quốc; trong đó, tập trung vào việc mua bán vũ khí, chuyển giao công nghệ quân sự và xúc tiến các thỏa thuận về năng lượng,… Trong quan hệ với Ấn Độ, hai nước phát triển quan hệ lên tầm đối tác chiến lược đặc biệt. Nga ủng hộ Ấn Độ gia nhập SCO và Tổ chức hợp tác kinh tế CA-TBD (APEC); thúc đẩy hợp tác ba bên Trung - Nga - Ấn; đồng thời, tăng cường phối hợp hành động giữa ba nước tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương. Với Nhật Bản, Nga khéo léo tận dụng cơ hội khủng hoảng kép của Tô-ky-ô (tháng 3-2011) để cải thiện quan hệ thông qua việc viện trợ khí đốt tự nhiên cho nước này. Trong đó, Nga cần vốn, kỹ thuật của Nhật Bản để phát triển đất nước, nhất là ở các vùng xa, vùng khí hậu khắc nghiệt, còn Nhật Bản cũng có thể thu được lợi ích kinh tế lớn thông qua các dự án ở vùng Viễn Đông, Xi-bê-ri của Nga. Cùng với đó, Nga đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ hợp tác thực chất với ASEAN. Tháng 12-2005, lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN được tổ chức tại Ku-a-la Lăm-pơ và thông qua “Kế hoạch thúc đẩy hành động toàn diện ASEAN - Nga giai đoạn 2005 - 2015”. Năm 2011, Nga chính thức tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS); qua đó, quan hệ giữa Nga và nhiều nước thành viên ASEAN tiếp tục được cải thiện, phát triển lên một bước mới.
Như vậy, với việc thúc đẩy quan hệ với các tổ chức và các nước đối tác chủ yếu trong khu vực, Mát-xcơ-va đã và đang tạo cho mình nhiều cơ hội hợp tác; đồng thời, tăng cường vị thế, ảnh hưởng của mình tại khu vực CA-TBD. Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, các chính sách đối ngoại của Nga đã đi trúng vào những vấn đề thiết yếu của khu vực CA-TBD, tạo ra ảnh hưởng đáng kể đối với khu vực này và được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, về hợp tác kinh tế. Những năm gần đây, mặc dù, cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu đã có tác động lớn đến nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, nhưng hợp tác kinh tế giữa Nga với các nước khu vực CA-TBD vẫn phát triển ổn định. Hiện nay, Trung Quốc đã vượt qua Đức để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga (từ năm 2012); hai năm qua, đầu tư của Nhật Bản vào Nga đã lên tới gần 10 tỷ USD; kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga - ASEAN tăng 60% so với trước năm 2011. Cùng với việc tăng cường hợp tác kinh tế với từng đối tác, Nga còn tích cực thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực CA-TBD, nhằm thiết lập khu vực kinh tế năng động, với cơ chế hợp tác linh hoạt và đối trọng với các khu vực khác trên thế giới. Năm 1997, Nga trở thành thành viên của APEC và đã thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực mà mình có thế mạnh, như: năng lượng, đóng tàu, khai khoáng,… với các đối tác chiến lược quan trọng, nhất là với Trung Quốc. Cuối tháng 4 vừa qua, Nga và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận mua bán khí đốt trị giá 400 tỷ USD. Điều này, thể hiện nguyện vọng hội nhập “châu Á mới”, tạo động lực phát triển cho đất nước, nhất là phát triển vùng Xi-bê-ri cũng như vùng Viễn Đông của nước này.
Thứ hai, về hợp tác kỹ thuật quân sự và xuất khẩu vũ khí. Nga đang có thế mạnh và chiếm ưu thế trong lĩnh vực này đối với khu vực CA-TBD; coi đây là nguồn thu ngoại hối chủ yếu và là biện pháp quan trọng để gia tăng ảnh hưởng an ninh cũng như khẳng định sức mạnh về tiềm lực quân sự của mình. Theo tổng hợp của “Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế” Xtốc-khôm (Thụy Điển), những năm gần đây, số nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới có xuất xứ từ Nga đều thuộc khu vực CA-TBD2. Từ năm 2011 đến nay, lượng vũ khí của Nga xuất khẩu sang khu vực này chiếm hơn 40%; trong đó, riêng Ấn Độ số vũ khí nhập khẩu từ Nga chiếm gần 50%. Điều này cho thấy, Nga đang có ảnh hưởng không nhỏ tới cấu trúc an ninh khu vực.
Thứ ba, sự can dự của Nga vào các “điểm nóng” ở khu vực CA-TBD cũng ngày càng gia tăng. Điều đó, tạo ra thế mạnh để củng cố an ninh phía Đông, kiềm chế Mỹ, cân bằng với Trung Quốc và ngăn chặn Nhật Bản. Theo đánh giá của các nhà quan sát quốc tế, thông qua sự can dự này, tiếng nói cũng như vai trò, vị thế của Nga ngày càng có trọng lượng và ý nghĩa đối với các vấn đề an ninh thế giới nói chung, khu vực CA-TBD nói riêng. Ngoài ra, Nga còn là thành viên quan trọng trong Đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân, xây dựng cơ chế phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cơ chế an ninh Đông Bắc Á. Trong vấn đề Biển Đông, Nga ủng hộ các biện pháp giải quyết tranh chấp tuân theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; không ủng hộ Mỹ can dự ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Đồng thời, coi trọng việc tập trận riêng và tập trận chung ở khu vực, nhằm khẳng định sự hiện diện cũng như sức mạnh của mình. Điển hình là, tháng 7-2010, Nga tổ chức cuộc Diễn tập “Đông Phương - 2010” với sự tham gia của gần 20.000 quân, 70 máy bay, 30 tàu chiến cùng 2.500 vũ khí và trang bị các loại. Nga chủ động phối hợp với Ấn Độ và Trung Quốc tiến hành tập trận chung nhiều lần trên biển3, trên bộ; phối hợp với Mỹ tham gia tập trận chung “Vành đai Thái Bình Dương” (tháng 8-2012). Đáng chú ý là, Nga đã ủng hộ tích cực việc xây dựng cấu trúc an ninh và tham gia các diễn đàn an ninh khu vực, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+),... Đặc biệt, Nga tiếp tục duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, tăng cường quan hệ với Xin-ga-po, củng cố quan hệ và tận dụng ưu thế địa - chính trị của Ấn Độ,... Đây là bước đi có tính chiến lược quan trọng, nhằm hình thành thế khống chế khu vực CA-TBD và Ấn Độ Dương để từng bước thực hiện mục tiêu chiến lược của Nga.
Thách thức và triển vọng
Những năm qua, mặc dù Nga đặt mục tiêu chiến lược là hướng về CA-TBD và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đó, nhằm gia tăng ảnh hưởng của mình tại khu vực này, nhưng trong quá trình thực hiện, Mát-xcơ-va đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do vị trí địa lý nối liền hai lục địa Á - Âu có ý nghĩa rất quan trọng đối với Nga nên Mát-xcơ-va vẫn chủ trương chiến lược hướng về châu Âu và Mỹ là chủ yếu. Tuy là thành viên của ARF, EAS, ADMM+, song trên thực tế, Nga chưa phát huy vai trò thực sự tại các diễn đàn này4. Hiện nay, kinh tế của Nga cũng còn nhiều khó khăn do tăng trưởng quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tài nguyên cùng sự thăng, trầm của nguồn thu ngoại tệ chủ yếu từ thị trường năng lượng quốc tế5. Cơ cấu hàng hóa ngoại thương thiếu trụ cột ngành chế tạo để phục hồi và phát triển kinh tế,… dẫn đến Nga hạn chế “sức mạnh mềm”, không thể hiện được thực lực tài chính của mình tại khu vực CA-TBD, như: viện trợ kinh tế, mở rộng hợp tác đầu tư, v.v.
Mặt khác, sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, việc kinh tế, quốc phòng Nga phục hồi, khởi sắc, từng bước trỗi dậy khẳng định lại vị trí trên trường quốc tế đã trở thành đối tượng để Mỹ tập trung kiềm chế. Không ít cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga trong giải quyết các vấn đề quốc tế, như: tình hình Xy-ri, hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu, cuộc khủng hoảng ở U-crai-na,... càng làm cho Mỹ cảnh giác và đề phòng Nga hơn. Hiện nay, Mỹ đang thực hiện chiến lược “Xoay trục” sang CA-TBD, củng cố quan hệ đồng minh truyền thống, tăng cường can dự vào công việc khu vực, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hoặc triển vọng chiến lược với không ít nước vốn là bạn bè truyền thống của Nga,… đã làm cản trở Nga thực hiện mục tiêu chiến lược ở khu vực CA-TBD. Trong khi đó, quan hệ Nga - Trung Quốc tuy là “đối tác chiến lược toàn diện”, nhưng nội tại hai nước còn nhiều mâu thuẫn, bất đồng. Gần đây, Nga tỏ ý lo ngại trước sức mạnh quân sự tăng lên một cách nhanh chóng của Trung Quốc, lo ngại nước này trở thành đối thủ trên thị trường vũ khí thế giới cũng như quan ngại ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước ở khu vực Trung Á, nhất là sau sự kiện sáp nhập Crưm vào Nga, v.v.
Tuy vậy, Nga vẫn là một cường quốc của thế giới, tiềm lực công nghệ quân sự và vị thế của Nga vẫn có ảnh hưởng lớn đối với các nước trong khu vực CA-TBD. Hơn nữa, đây là khu vực phát triển năng động, hấp dẫn nhiều hứa hẹn; việc hướng tới khu vực này sẽ tạo cơ hội để Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước bạn bè truyền thống. Đó cũng là điều lý giải vì sao thời gian gần đây, vai trò của Nga trong cấu trúc an ninh khu vực CA-TBD ngày càng rõ nét. Các chuyên gia an ninh, ngoại giao cho rằng, việc Nga mở rộng quan hệ với các nước có vị trí địa - chính trị quan trọng, tăng cường ảnh hưởng đối với CA-TBD, nhất là trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực sẽ góp phần tích cực tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở CA-TBD.
THANH LÂM ___________
1 - Nhóm này gồm: Ấn Độ, Bra-xin, Nga, Nam Phi và Trung Quốc.
2 - Gồm Ấn Độ (10%), Hàn Quốc (6%), Pa-ki-xtan (5%), Trung Quốc (5%) và Xin-ga-po (4%).
3 - “Hợp tác trên biển - 2012” của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), “Tương tác biển - 2014”.
4 - Từ khi là thành viên EAS (năm 2011), Nguyên Thủ quốc gia của Nga chưa từng tham gia Hội nghị này.
5 - Năm 2011, sản phẩm năng lượng của Nga chiếm 72,6% cơ cấu hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài.
Liên bang Nga,lợi ích chiến lược
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ