Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 13/12/2021, 09:13 (GMT+7)
Đôi nét về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh

Mấy năm gần đây, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc đã, đang diễn biến nhanh, phức tạp và khó đoán định, ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển của nhiều nước. Việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Mỹ Latinh và đối sách của Mỹ với Trung Quốc ra sao, tác động đến khu vực như thế nào,… đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.

Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Mỹ Latinh

Hai thập kỷ vừa qua, cục diện “quan hệ nước lớn” ở khu vực Mỹ Latinh có sự thay đổi đáng kể. Trong khi Mỹ giành “ưu tiên” cho cuộc chiến chống khủng bố và đang “bế tắc” tại Trung Đông - Bắc Phi cũng như một số nơi khác trên thế giới, thì Trung Quốc từng bước gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Mỹ Latinh, thách thức vị thế “độc tôn” của Mỹ ngay tại “sân nhà”.

Về kinh tế, với tiềm lực hùng hậu của nền kinh tế thứ hai thế giới, Trung Quốc tạo ra sự thay đổi “ngoạn mục”, từ một nước nằm trong tốp “cuối bảng” đã vượt lên trở thành đối tác “dẫn đầu” về trao đổi thương mại và đầu tư với các nước Mỹ Latinh. Theo một số thống kê, từ năm 2000 đến năm 2020, trao đổi thương mại giữa hai bên đã tăng từ 12 tỉ USD lên trên 315 tỉ USD, dự báo năm 2025 ước đạt khoảng 500 tỉ USD. Hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại số 1 của Brazil, Chile, Peru, Uruguay và một số nước vùng Caribe, thậm chí có một số lĩnh vực, Trung Quốc đã bằng hoặc vượt Mỹ. Bên cạnh đó, nước này còn là “đối tác nặng ký” trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng; khai thác, chế biến nguồn năng lượng chiến lược; xây dựng hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển; mạng viễn thông 5G, v.v. Trên lĩnh vực chính trị, nhờ vận dụng “khôn khéo” chính sách “bình đẳng cùng có lợi” và các chiến dịch truyền thông “hấp dẫn” quảng bá về đất nước, con người Trung Hoa, Trung Quốc đã gây dựng được hình ảnh, vị thế “cường quốc”. Đặc biệt, Bắc Kinh đã tạo ấn tượng tốt đẹp khi “khẩn cấp” viện trợ trang, thiết bị y tế, cung cấp vaccine giúp các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe phòng, chống dịch Covid-19. Một số quốc gia vốn đang thất vọng với mô hình “chủ nghĩa tự do mới” cũng đã chuyển sang ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” và có cách tiếp cận phù hợp hơn với Trung Quốc. Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Trung Quốc coi trọng trao đổi quân sự, quốc phòng cấp cao; hợp tác phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự; trợ giúp huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực quân sự; viện trợ vũ khí, trang bị kỹ thuật,… cho các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe. Ngoài ra, Trung Quốc còn là đối tác xuất khẩu vũ khí tiềm năng của nhiều quốc gia trong khu vực. Về đối ngoại, khác với chính sách ngoại giao “pháo hạm”, gây sức ép về dân chủ, nhân quyền đang bị cộng đồng quốc tế xa lánh của một số nước lớn khác, Trung Quốc đề cao chính sách đối ngoại linh hoạt, đa phương hóa, đa dạng hóa dựa trên phương châm “cùng tồn tại hòa bình”, “tôn trọng lẫn nhau”, “đoàn kết Nam - Nam”, “bảo vệ chủ quyền quốc gia”,... do đó, nhiều nước nhìn Trung Quốc với ánh mắt “thân thiện”, coi là đối tác “tin cậy, lâu dài” và một số nước đã thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.

Theo các chuyên gia quốc tế, Trung Quốc lặng lẽ “lấn sân” sang khu vực Mỹ Latinh là hướng tới các mục tiêu chiến lược: (1). Chiếm lĩnh thị trường giàu tiềm năng - nơi Trung Quốc có thể sớm hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” trở thành cường quốc số 1 thế giới; (2).  Tạo sự “đối trọng” với chiến lược “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ; (3). Giúp Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với Mỹ ngay tại “sân nhà”. Việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ngay tại sân nhà của Mỹ cho thấy “cán cân quyền lực quốc tế đương đại” đang có sự dịch chuyển; vị thế độc tôn của siêu cường Mỹ tại khu vực Mỹ Latinh đang bị lung lay bởi một Trung Quốc đang trỗi dậy và tiến tới một cường quốc hiện đại.

Đối sách của Mỹ với Trung Quốc

Để đối phó với Trung Quốc “ngày càng quyết đoán hơn” trong việc gia tăng ảnh hưởng tại Mỹ Latinh, khác với cách tiếp cận “đối đầu, cạnh tranh công khai, quyết liệt, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực” của người tiền nhiệm, Tổng thống Joe Biden đã lựa chọn cách tiếp cận linh hoạt hơn, đó là: kết hợp giữa ngoại giao với hợp tác đa phương, xây dựng liên minh, thành lập mặt trận chung với các nước trong khu vực để ngăn chặn “đối thủ” trên các lĩnh vực thương mại, tài chính và công nghệ, v.v. Theo đó, Washington tiến hành sửa đổi một số chính sách để khắc phục những “sai lầm” trong các hiệp định đa phương, quan hệ thương mại và đầu tư ở khu vực; cải thiện chính sách kinh tế; thúc đẩy phục hồi quan hệ đối tác và đầu tư chiến lược; đưa ra nhiều ưu đãi tài chính “hấp dẫn” và khôi phục viện trợ nhân đạo để “tập hợp” đồng minh, v.v. Nhà Trắng cũng “cởi mở” hơn trong chính sách đối ngoại khi coi trọng củng cố liên minh với các đồng minh, đối tác truyền thống; phát huy vai trò liên kết của các tổ chức khu vực, liên khu vực do Mỹ đứng đầu; đẩy mạnh hợp tác đầu tư với các nước có chung lợi ích và tăng cường các biện pháp thương mại nhằm hạn chế sự phụ thuộc của khu vực vào thị trường hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Đáng chú ý, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đầu tư nâng cao năng lực tài chính cho Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB); phối hợp với Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ngăn chặn chính sách đầu tư và cho vay của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe. Hiện chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xúc tiến Dự án đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực Nam Mỹ với trị giá hơn 60 tỉ USD - dự án mà giới chức Mỹ hy vọng nước này sẽ giành lợi thế trước Trung Quốc. Một dự án khác cũng rất được coi trọng là thông qua Chương trình “hợp tác tài chính phát triển quốc tế” viện trợ cho kinh tế tư nhân của các nước trong khu vực nhằm trao đổi thương mại, kết nối hạ tầng, hệ thống thông tin số và dịch vụ tài chính,... để từng bước đưa các quốc gia này vào quỹ đạo của Mỹ.

Cùng với đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng chủ trương giảm sức ép về vấn đề dân chủ, nhân quyền; thúc đẩy “chiến lược ngoại giao vaccine” nhằm đối trọng với Trung Quốc; thực hiện chính sách “can dự” mang tính xây dựng với chính phủ một số quốc gia theo đường lối cánh tả; giải quyết bất đồng, từng bước thiết lập lại quan hệ hòa bình với Venezuela và Cuba. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng tăng ngân sách cho các chương trình viện trợ vũ khí, trang bị, đào tạo nguồn nhân lực quân sự; đẩy mạnh hợp tác an ninh với các quốc gia, tổ chức khu vực do Mỹ giữ vai trò chủ đạo, v.v. Bên cạnh việc thành lập “Mặt trận khu vực Mỹ Latinh”, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng tích cực liên kết với các đồng minh, đối tác gia tăng ảnh hưởng ở các khu vực khác trên thế giới, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương để hình thành “thế trận đa chiều” nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời khẳng định vai trò độc tôn lãnh đạo khu vực và thế giới của Mỹ.

Tác động mạnh mẽ đến khu vực

Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tại Mỹ Latinh thời gian qua đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia trong khu vực. Điều không thể phủ nhận là sự gia tăng cán cân thương mại hai chiều cùng quỹ đầu tư phát triển của Trung Quốc đã giúp các nước trong khu vực có cơ hội tiếp cận và hưởng lợi từ chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều quốc gia đã thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ khi tận dụng cơ hội khai thác và mở rộng thị trường quốc tế để xuất khẩu nông sản, khoáng sản,… nổi bật là Brazil, Chile và Argentina. Hàng tỉ USD vốn vay của Trung Quốc đã “cứu cánh” nền kinh tế khu vực khỏi tình trạng phá sản bởi khủng khoảng và tác động của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, “Chiến lược ngoại giao vaccine” của Mỹ và Trung Quốc cũng giúp nhiều nước, kể cả những nước nghèo, nước chậm phát triển có thể sớm hoàn thành mục tiêu “miễn dịch cộng đồng” trước đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc cũng đặt ra cho các nước trong khu vực Mỹ Latinh những lựa chọn khó khăn, nếu như không muốn lâm vào tình thế “tiến thoái, lưỡng nan”. Một số quốc gia thiết lập quan hệ với Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Cạnh tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này cũng sẽ khiến tình trạng nợ nần của nhiều nước thêm trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp, nạn đói nghèo tăng cao; nạn ô nhiễm khí thải công nghiệp và ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề gây “nhức nhối”; khu vực Mỹ Latinh có nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa giả rẻ của các nước lớn. Bên cạnh đó, chính sách dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ và chống nhập cư của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã đẩy Venezuela, Cuba cùng nhiều quốc gia theo đường lối cánh tả vào “vòng xoáy” bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị, nó cũng khiến cuộc khủng hoảng ở khu vực khó tìm ra lối thoát. Thời gian qua, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đi vào “vết xe đổ” của người tiền nhiệm, nhất là việc gia hạn sắc lệnh “đáng thất vọng” (3/2021), khi coi Venezuela là mối đe dọa bất thường và đặc biệt đối với an ninh quốc gia Mỹ. Giới chức một số nước trong khu vực bày tỏ sự quan ngại đối với chính sách dân tộc, dân chủ, nhân quyền của Mỹ, cũng như tình trạng lộ, lọt, đánh cắp thông tin tình báo ở mức “đáng lo ngại”, đe dọa ổn định, hòa bình khu vực.

Dễ dàng nhận thấy, Mỹ Latinh là một trong những khu vực tranh giành ảnh hưởng chiến lược của Mỹ và Trung Quốc. Sự cạnh tranh này sẽ còn diễn ra lâu dài, gay gắt, phức tạp và chi phối quan hệ giữa các nước lớn trên toàn cầu, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển của nhiều quốc gia tại khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe. Tuy vậy, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc tại khu vực Mỹ Latinh dù căng thẳng đến đâu cũng khó dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự toàn diện; bởi, cả hai đều có nhiều lợi ích đan xen tại đây và nhiều vấn đề quốc tế quan trọng cần hai nước chung tay giải quyết, như: chống biến đổi khí hậu, cuộc chiến chống khủng bố cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống. Do đó, cuộc cạnh tranh chiến lược này diễn biến theo chiều hướng nào, tác động ra sao đối với an ninh, chính trị, ổn định khu vực và quốc tế đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

ĐỒNG ĐỨC – ĐỨC TIẾN

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...