Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 12/11/2015, 10:49 (GMT+7)
Cục diện mới trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Xy-ri

Vừa qua, trong bối cảnh cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Xy-ri của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu không mang lại kết quả như mong muốn, đẩy xung đột kéo dài, Nga đã chủ động tham chiến bằng không kích. Sự xuất hiện của Nga đang tạo ra cục diện mới ở khu vực này.

Lực lượng quân đội Xy-ri tấn công phiến quân IS. (Nguồn: AP)

Rơi vào bế tắc

Từ hai năm nay, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) với nòng cốt là các chiến binh theo giáo phái dòng Xăn-ni (được cho là sản phẩm của Mỹ ở Trung Đông) đã trỗi dậy, tấn công, tàn sát nhiều dân thường và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn tại I-rắc và Xy-ri, đe dọa an ninh ở khu vực và thế giới. Trước tình hình đó, tháng 9-2014, một liên minh quốc tế (gồm 60 nước) do Mỹ đứng đầu đã mở chiến dịch không kích IS ở I-rắc và Xy-ri. Tuy nhiên, sau hơn một năm, với hàng nghìn cuộc không kích, tiêu tốn hàng tỷ USD nhưng IS không những không bị tiêu diệt, mà ngày càng hung hãn hơn. Trên thực tế, IS tiếp tục tấn công, giữ vững các vị trí trọng yếu ở I-rắc và Xy-ri; đồng thời, vươn tới các địa bàn khác, như: Li-bi, Ai Cập, Áp-ga-ni-xtan và một số nước châu Âu, v.v. Điều đáng nói là, phần lớn các cuộc không kích đều do chiến đấu cơ hiện đại, như: F-15, F-16, F/A-18, F-22, AV-8B cùng máy bay ném bom B-1 thực hiện, nhưng hiệu quả không như mong muốn. Theo các chuyên gia quân sự, mặc dù có quân đông, tiềm lực vượt trội trên các mặt, nhưng Liên quân vẫn không thể đánh quỵ IS, bởi các lý do:

Thứ nhất, Mỹ và các đồng minh đã không nắm được tình hình thực địa ở Xy-ri, nhất là các tin tức tình báo về vị trí bố phòng của phiến quân IS. Đây là nhân tố chủ yếu khiến các cuộc không kích dù với tần xuất cao, liên tục ngày đêm nhưng không đánh trúng vào lực lượng chủ yếu của IS. Trong khi đó, Quân đội của chính quyền Xy-ri – người trực tiếp chống IS trên chiến trường - am hiểu tình hình và đặc điểm tác chiến của chúng thì bị Mỹ và Liên quân gạt ra ngoài rìa. Chính vì không có sự phối hợp giữa trên không và mặt đất, nên hiệu lực của các cuộc không kích rất hạn chế; phiến quân vẫn có thể dựa vào địa hình, trà trộn trong dân chúng,… để mở rộng các cuộc tấn công vào các mục tiêu trên khắp Xy-ri.

Thứ hai, Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu gồm nhiều lực lượng của nhiều quốc gia, vũ khí trang bị hiện đại, vượt trội so với phiến quân, song mỗi nước lại có những toan tính riêng, nên không tạo được sức mạnh tổng hợp. Điều đó được biểu hiện rõ nét khi một số quốc gia đã mượn cớ chống IS để ủng hộ lực lượng nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát hoặc chĩa mũi nhọn vào I-ran. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ - một thành phần của Liên quân - có vị trí quan trọng về địa chính trị, địa quân sự đối với phiến quân nhưng đã “án binh bất động” và chỉ đến khi bị IS uy hiếp, mới miễn cưỡng tham gia, với mục đích: duy trì “vùng đệm” dọc biên giới nước này với Xy-ri. Đồng thời, mượn vỏ bọc chống IS để không kích lực lượng vũ trang người Cuốc -  thành phần ngăn chặn IS hiệu quả nhất ở Xy-ri hiện nay.

Thứ ba, Mỹ và Liên quân đã không đánh giá đúng khả năng của IS. Mặc dù là đội quân được tập hợp từ nhiều quốc gia, nhưng IS có tổ chức và kỷ luật tương đối chặt chẽ, khả năng cơ động linh hoạt, thường xuyên thay đổi cách thức hoạt động, tấn công và có thể dễ dàng trà trộn vào các khu vực dân cư, biết sử dụng nhiều loại vũ khí hiện đại,… nên cơ hội phá hủy vũ khí, phương tiện và chúng ở quy mô lớn rất khó khăn. Nhận xét điều này, một quan chức tình báo Pháp đề nghị giấu tên cho biết: cho dù chúng có tập trung hậu cần hoặc lực lượng thì những hoạt động này cũng diễn ra chóng vánh, bởi chúng biết đang bị theo dõi sát sao và chúng đã thích nghi với điều này. Chúng giỏi lẩn trốn và di chuyển liên tục, v.v.

Đây là lý do giải thích vì sao, sau hơn một năm Liên quân thực hiện không kích, IS không hề yếu đi, mà ngày càng mở rộng quy mô hoạt động và trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Điều đó cũng cho thấy, chiến lược chống IS do Mỹ và phương Tây khởi xướng đã rơi vào bế tắc và đạt hiệu quả thấp. Hệ lụy của nó làm cho cuộc chiến ngày thêm phức tạp, kéo dài, khiến hàng triệu người Xy-ri phải rời bỏ nhà cửa để tha hương lánh nạn, tạo làn sóng người di cư khổng lồ đang làm đau đầu các lãnh đạo châu Âu và toàn thế giới. Vì thế, vấn đề Xy-ri đã, đang đòi hỏi cộng đồng quốc tế, nhất là các cường quốc có những cách tiếp cận mới.

Bước ngoặt và triển vọng

Theo đề nghị của Chính quyền Đa-mát, ngày 30-9-2015, Nga chính thức mở chiến dịch không kích IS tại Xy-ri. Trong cuộc họp nội các, Tổng thống Nga V. Pu-tin tuyên bố: các cuộc không kích của Mát-xcơ-va không chỉ nhằm ổn định tình hình Xy-ri, mà sẽ đóng góp đáng kể cho cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Các nhà quan sát cho rằng, sự xuất hiện của Nga ở Xy-ri đang là nhân tố làm “thay đổi cuộc chơi”, khiến Mỹ và Liên quân mất đi thế độc tôn trên không phận của quốc gia Trung Đông này; đồng thời, mở ra hy vọng tạo bước ngoặt khai thông bế tắc cho cuộc xung đột. Điều khác biệt với chiến dịch không kích của Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu là sự tham gia tích cực của Nga đều có sự phối hợp chặt chẽ với Quân đội Xy-ri. Thực tiễn cho thấy, sau một tuần không kích, dưới sự yểm trợ của Nga, Quân đội Xy-ri đã mở cuộc tấn công quy mô lớn nhằm bảo vệ tuyến đường nối tỉnh Hom với Ha-na. Đây được xem là bước tiến quan trọng bảo đảm mối liên kết giữa thủ đô Đa-mát với các tỉnh miền Trung Xy-ri.

Động thái “vào cuộc” của Nga ở Xy-ri cũng thôi thúc Mỹ và các nước phương Tây có cách nhìn mới đối với cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này. Sau những chỉ trích, quan ngại ban đầu, Mỹ buộc phải chấp nhận sự tham gia của Nga như một giải pháp song song. Trong tình thế như hiện nay, ngay cả Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma cũng phải thừa nhận, sẽ là “vô trách nhiệm” nếu từ chối đối thoại với Mát-xcơ-va, rằng nước Mỹ sẽ tận dụng tối đa sức mạnh và ảnh hưởng của Nga để hạn chế thấp nhất những rủi ro của chính mình. Vì thế, thay vì phản đối, Mỹ đã đề xuất đối thoại với Nga về hoạt động không kích tại Xy-ri nhằm tránh “rủi ro đụng độ” giữa hai bên. Phát biểu trước báo giới ngày 02-10, người phát ngôn của Lầu Năm Góc Pi-tơ Cúc cho biết, hai bên đã thảo luận cơ chế bảo đảm an toàn cho các chuyến bay trên không phận Xy-ri; đồng thời, tiến hành “mở các kênh liên lạc” với Nga nhằm bảo đảm các cuộc không kích của Liên quân không bị “gián đoạn” và “tính toán sai lầm”.

Cùng với đó, việc xuất hiện “nhân tố” Nga ở Xy-ri đã khuyến khích các nước phương Tây khác cân nhắc hành động quân sự của mình đối với IS. Theo đó, Tổng thống Pháp Ph. Ô-lăng-đơ đã quyết định không kích các mục tiêu (có lựa chọn) của IS trên lãnh thổ Xy-ri (trước đó, Pháp chỉ tham gia không kích phiến quân IS ở I-rắc), nhằm ngăn chặn các hành vi khủng bố có thể diễn ra trên đất Pháp. Mới đây, Thủ tướng Anh Đ. Ca-mơ-rôn cũng bày tỏ ý định vận động bỏ phiếu tại Hạ viện nước này về mở cuộc không kích IS ở Xy-ri, bất chấp sự phản đối của phe đối lập. Hơn thế nữa, sự can thiệp chính thức của Nga vào Xy-ri sẽ là “chất xúc tác” khiến quốc gia Hồi giáo I-ran – một đồng minh của Mát-xcơ-va ở khu vực, tích cực tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xy-ri. Theo đánh giá của các nhà quan sát, Tê-hê-ran sẽ là một trong những yếu tố quan trọng, tạo cơ sở, tiền đề để Nga có thể thúc đẩy việc hình thành một liên minh tự nguyện kiểu mới chống IS.

Mặt khác, sự phối hợp chặt chẽ giữa Nga và Chính quyền Xy-ri trong những ngày qua cũng khiến Mỹ và nhiều nước phương Tây khác thay đổi thái độ đối với Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát. Theo giới phân tích, sở dĩ như vậy, bởi Liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu nhận thức được rằng, chiến lược của họ với trọng tâm là dựa vào lực lượng nổi dậy “ôn hòa” để chống IS đã thất bại. Nếu để Chính quyền Đa-mát hiện nay sụp đổ làm dấy lên lo ngại IS sẽ lấp chỗ trống và kịch bản hỗn loạn hậu M. Ca-đa-phi ở Li-bi có thể sẽ lặp lại ở Xy-ri. Còn nếu để Nga, I-ran trở thành chỗ dựa chủ yếu của Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát cũng sẽ làm đảo lộn chương trình nghị sự ngoại giao quốc tế ở khu vực. Hiện, Oa-sinh-tơn (vốn luôn cho rằng, Tổng thống Xy-ri phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột) không còn coi sự ra đi của ông B. An Át-xát là điều kiện tiên quyết để nối lại thương lượng. Thái độ cứng rắn của Pháp chống Chính quyền Đa-mát đương nhiệm cũng được điều chỉnh theo hướng mềm dẻo hơn. Các nước Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ,… cũng đưa ra tuyên bố theo xu hướng đó. Đây là dấu hiệu cho thấy, triển vọng tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Xy-ri để tập trung đối phó với IS đã dần hé lộ.

Như vậy, sự “vào cuộc” quyết đoán của Nga trong cuộc chiến chống IS ở Xy-ri đã khiến cục diện cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua ở quốc gia Trung Đông này có những bước thay đổi căn bản. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Xy-ri, dù có thêm sự tham gia của Nga, nhưng về thực chất, vẫn là sự tác động nhiều phía, từ bên ngoài, với những kế hoạch và toan tính khác nhau. Trên thực tế, mặc dù bày tỏ hy vọng “tìm ra các lĩnh vực có thể hợp tác” với Mát-xcơ-va, song Oa-sinh-tơn vẫn nghi ngờ dụng ý thực sự của Nga mượn cớ tấn công IS để tiêu diệt các lực lượng nổi dậy do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn, nhằm bảo vệ chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, Liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu đang thực hiện “động tác giả”, kéo dài sự bất ổn ở Xy-ri, hòng loại bỏ Tổng thống B. An Át-xát ra khỏi sân khấu chính trị nước này. Vì thế, vấn đề tạo đồng thuận từ những sáng kiến và ý đồ rất khác nhau để giải quyết cuộc xung đột là không hề dễ dàng. Dư luận quốc tế cho rằng, để có thể đánh bại IS, lập lại hòa bình ở Xy-ri, đòi hỏi các bên cần đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trên các mặt trận, lĩnh vực (cả ở bên trong và bên ngoài) vì mục tiêu chung; đồng thời, sớm tìm ra giải pháp chính trị giải quyết cuộc xung đột. Đây là phương thức khả thi nhất có thể mang lại hòa bình không chỉ cho người dân Xy-ri, mà còn cho cả khu vực và thế giới. Cục diện ở đây đang thay đổi, nhưng kết quả và triển vọng còn bỏ ngỏ, rất khó đoán định.

VŨ MINH HOÀNG

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...