Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 17/10/2016, 08:08 (GMT+7)
Chính biến ở Thổ Nhĩ Kỳ và sự dịch chuyển địa - chính trị trên thế giới

Ngày 15-7-2016, thế giới chứng kiến cuộc đảo chính quân sự bất ngờ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù bị dập tắt nhanh chóng, nhưng cuộc chính biến đã tạo bước ngoặt quan trọng trong quan hệ đối ngoại của nước này. Phải chăng, động thái này là biểu hiện của sự chuyển dịch địa - chính trị ở khu vực và thế giới.

Lực lượng đảo chính chắn cầu Bosphorus dẫn vào trung tâm thành phố Istanbul.
(Ảnh: AP)

Nằm ở giữa châu Âu và các vùng xung đột ở Trung Đông, nhất là tiếp giáp với “chảo lửa” Xy-ri, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia có quan hệ đan xen, phức tạp, thậm chí mâu thuẫn và rất khó dự đoán với các quốc gia khác. Vì thế, theo giới phân tích, cuộc đảo chính quân sự bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua được xem như hệ quả của sự toan tính, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn cả ở trong và ngoài khu vực.

Toan tính của nhiều bên

Ngay sau khi dập tắt cuộc đảo chính, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc giáo sĩ Gu-len (hiện đang cư trú tại Mỹ) là chủ mưu và yêu cầu Oa-sinh-tơn cho dẫn độ giáo sĩ này về nước. Đồng thời, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Éc-đô-gan cũng chỉ trích gay gắt Mỹ và phương Tây đã bỏ rơi đồng minh của mình trong cơn hoạn nạn. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, sự chậm trễ về ủng hộ Chính quyền An-ca-ra (trong cơn chính biến) của Mỹ và phương Tây đều có nguyên do của nó. Sau “chiến tranh lạnh”, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia tích cực tham gia Chiến lược Đại Trung Đông đầy tham vọng của Mỹ (dưới thời Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ), nhằm “vẽ lại bản đồ” của một khu vực rộng lớn kéo dài từ châu Phi qua Trung Đông đến Trung Á và Nam Á. Theo đó, Mỹ sẽ xóa sổ nhiều quốc gia trong khu vực và hình thành các quốc gia mới, theo ý đồ của Oa-sinh-tơn. Tham gia Chiến lược này, Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi tham vọng khôi phục Đế chế Ốt-tô-man từng tồn tại từ năm 1299 - 1923, bao gồm các vùng Tiểu Á, Trung Đông, một phần Bắc Phi, châu Âu, kéo dài đến khu vực Cáp-ca. Vì thế, kể từ khi “Mùa xuân A-rập” tràn vào Xy-ri (tháng 3-2011), Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đồng minh then chốt tham gia tích cực cùng Mỹ trong việc sử dụng “các lực lượng ôn hòa” (gồm trên 30 tổ chức đến từ 80 quốc gia) hòng lật đổ Chính quyền của Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát. Trên thực tế, trong vòng 5 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành trại huấn luyện khổng lồ của đủ loại lực lượng chiến binh để tung vào cuộc chiến ở Xy-ri. Theo tính toán của Mỹ, Chiến lược trên nếu thành công sẽ vừa hạ bệ Tổng thống Ba-xa An Át-xát, xóa sổ nhà nước Xy-ri, vừa loại bỏ một đồng minh chiến lược của Nga tại Trung Đông. Còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là cơ hội vàng để tiêu diệt lực lượng vũ trang người Cuốc cùng nhà nước Cuốc-đi-xtăng của họ, mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng của An-ca-ra ở Trung Cận Đông. Do vậy, quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gắn bó chặt chẽ.

Tuy nhiên, kể từ sau bùng nổ cuộc khủng hoảng ở U-crai-na, quan hệ giữa hai bên bắt đầu rạn nứt. Trong khi Mỹ và phương Tây xiết chặt trừng phạt Nga do liên quan tới cuộc khủng hoảng ở U-crai-na, thì An-ca-ra, vì lý do kinh tế, vẫn ngang nhiên hợp tác “toàn diện” với Mát-xcơ-va và bỏ ngoài tai mọi cảnh báo của Mỹ. Đối với Nga, do có lợi ích sống còn ở Xy-ri nên việc đẩy mạnh quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là nước cờ hướng tới nhiều đích. Đó là, phá thế bao vây, cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), khơi thông nguồn khí đốt ra thị trường quốc tế; tạo thế liên kết để hỗ trợ cho Chính quyền Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát; đồng thời, chia rẽ sự đoàn kết trong nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), v.v. Với mục đích đó, Mát-xcơ-va sẵn sàng ưu tiên ký với An-ca-ra nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng; trong đó, thỏa thuận xây dựng đường ống khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” là dự án có ý nghĩa chiến lược, nhằm thay thế Dự án “Dòng chảy phương Nam” (qua Bun-ga-ri) đã bị Mỹ và phương Tây chặn lại. Đây được ví như “giọt nước làm tràn li”, buộc Mỹ và phương Tây phải quyết tâm ngăn cản và “sóng gió” đã nổi lên trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. Điển hình là kịch bản sử dụng máy bay của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga trên bầu trời Xy-ri (tháng 11-2015) đã đẩy quan hệ hai nước rơi vào băng giá. Điều đáng chú ý là, phi công lái máy bay F-16 bắn rơi máy bay Nga vào thời điểm đó lại là tín đồ của “Phong trào Gu-len”.

Sau sự kiện này, Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh giá toàn diện vụ việc, chủ động “làm lành” với Nga và đã được Mát-xcơ-va chấp thuận. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Éc-đô-gan nhấn mạnh: sự kiện bắn rơi máy bay Su-24 của Nga là âm mưu của các thế lực bên ngoài để xô đẩy quan hệ hai nước bất hòa, thậm chí gây chiến tranh với nhau, còn họ đứng ở ngoài trục lợi. Trước động thái bất ngờ của Tổng thống Éc-đô-gan, Oa-sinh-tơn đã phát tín hiệu: “sẽ xem xét lại quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ” và đêm 15-7-2016, cuộc chính biến đã xảy ra. Theo giới phân tích, hãy còn quá sớm để khẳng định thế lực nào đứng sau cuộc đảo chính. Song, việc Mỹ và phương Tây phản ứng chậm chạp trong khi đảo chính đang diễn ra càng củng cố thêm sự hoài nghi của An-ca-ra, rằng: phương Tây đứng đằng sau “giật dây” cuộc đảo chính, bởi họ đang trông chờ một kết cục khác. Không những thế, sau đảo chính, Mỹ và EU còn chỉ trích mạnh mẽ các biện pháp cứng rắn nhằm thiết lập trật tự đất nước của Tổng thống Éc-đô-gan. Các nhà quan sát cho rằng, có thể đây là những vấn đề cốt lõi thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ có sự thay đổi nhanh chóng trong quan hệ đối ngoại của mình.

Sự dịch chuyển địa - chính trị khu vực và thế giới

Mặc dù chỉ diễn ra trong hơn 3 giờ đồng hồ, nhưng dư chấn của cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã lan truyền khắp thế giới, tạo ra một số dịch chuyển địa - chính trị đáng chú ý sau.

Trong quan hệ với Mỹ, do bất đồng về việc dẫn độ giáo sĩ Gu-len cùng những hoài nghi chưa được giải tỏa, Thổ Nhĩ Kỳ có thể dần xa lánh và cảnh giác với Mỹ. Điều này sẽ làm phá sản những toan tính chiến lược của Oa-sinh-tơn và phương Tây muốn xô đẩy An-ca-ra vào cuộc đối đầu với Mát-xcơ-va trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Trung Đông. Không những thế, nhìn từ góc độ Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên tham gia chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ đứng đầu, thì việc An-ca-ra hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố ở Xy-ri sẽ là cú sốc thực sự đối với Oa-sinh-tơn trong ván cờ địa - chính trị ở Trung Đông. Vì thế, để khống chế Thổ Nhĩ Kỳ không “rơi vào vòng tay” của Nga, Mỹ đã phải “bật đèn xanh” cho An-ca-ra mở chiến dịch tấn công lực lượng vũ trang người Cuốc (vốn được Mỹ ủng hộ) trên lãnh thổ Xy-ri, bởi hơn ai hết, Oa-sinh-tơn hiểu rõ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ coi phiến quân người Cuốc (hiện đang theo đuổi thành lập một nhà nước độc lập) là kẻ tử thù của họ. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chính giới nhiều nước, mặc dù quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện những bất hòa nhưng sẽ không thể phá vỡ nền tảng gắn kết hợp tác có tính chiến lược giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực. Phải chăng, đó là chính sách cân bằng quan hệ chiến lược của An-ca-ra với các nước ngoài NATO và Mỹ, nhằm nâng cao vị thế của nước này trong điều kiện mới.

Đối với NATO, việc An-ca-ra - một thành viên quan trọng của khối này xích lại gần Nga đã, đang có tác động như một “quả bom nổ chậm”, gây phản ứng dây chuyền kích thích các thành viên khác liên kết và hợp tác với Mát-xcơ-va. Do vậy, tác động của cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua có thể làm suy giảm sự liên kết vốn đã khủng hoảng về tinh thần của Tổ chức này và dẫn đến hậu quả không thể lường trước được. Thông qua “tấm gương Thổ Nhĩ Kỳ”, các thành viên NATO khác, nhất là các quốc gia vừa rời bỏ Tổ chức Hiệp ước phòng thủ Vác-xa-va để gia nhập NATO có thể nhận thấy một thực tế phũ phàng: họ có thể bị gạt bỏ bất cứ lúc nào khi không đi theo quỹ đạo của Mỹ. Đây cũng chính là lý do mà Bộ Chỉ huy NATO lo ngại và đang cố sức ngăn chặn quá trình Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Nga.

Ngoài ra, hệ lụy của cuộc đảo chính cũng khiến Thổ Nhĩ Kỳ lạnh nhạt với Liên minh châu Âu. Mặc dù trước đó, hai bên đã ký thỏa thuận về Hiệp định người nhập cư, nhưng sau cuộc đảo chính ngày 15-7-2016, mọi thứ đã thay đổi, dẫn đến nguy cơ phá sản. Thậm chí, Chủ tịch nghị viện châu Âu Ma-tin Sun-dơ đã chỉ trích Chính quyền của Tổng thống Éc-đô-gan tiến hành trả thù phe đối lập và cảnh báo: việc An-ca-ra dự kiến khôi phục án tử hình để thanh trừng “những kẻ phản quốc” sẽ là dấu chấm hết cho quá trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của nước này. Tuy vậy, trên thực tế, châu Âu vẫn cần Thổ Nhĩ Kỳ như là một thành viên mạnh mẽ của NATO, mà trực tiếp là đối phó với cuộc khủng hoảng di cư trong bối cảnh họ còn phải lo giải quyết “vấn đề Brexit”. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có mong muốn gia nhập EU cũng như duy trì các mối quan hệ lợi ích về thương mại, đầu tư và chính trị với khối này. Vì thế, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu và NATO tuy có “tiếng bấc, tiếng chì” nhưng sẽ khó rơi vào đối đầu, vượt tầm kiểm soát.

Trong quan hệ với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ động và có những bước ngoại giao đột phá. Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Éc-đô-gan với người đồng cấp Nga V. Pu-tin vào tháng 8-2016 vừa qua đã đạt được sự đồng thuận trong “cài đặt lại” quan hệ giữa hai nước. Theo đó, hai bên đã đạt được thỏa thuận khôi phục lại Dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”; dỡ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế đối với nhau và Nga sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Đa-quy, v.v. Đặc biệt, hai nước cũng thống nhất nhận thức chung về những vấn đề cơ bản liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố ở Xy-ri. Trong đó, An-ca-ra không chỉ coi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mà cả lực lượng “Al-Nusra” đều là khủng bố; đồng thời, ủng hộ việc tìm kiếm một giải giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Xy-ri mà không đòi hỏi sự ra đi của Tổng thống Ba-xa An Át-xát như là một điều kiện tiên quyết. Rõ ràng, những thỏa thuận trên không phải là giải pháp tình thế, chung chung, mà mang ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tác động trực tiếp tới nhân tố địa - chính trị, địa - chiến lược ở khu vực và thế giới.

Mặt khác, quan hệ nồng ấm giữa Mát-xcơ-va và An-ca-ra đã, đang là tiền đề xây dựng mối liên kết giữa Nga, I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ trong “bối cảnh mới”. Điều này được biểu hiện khi Tổng thống Éc-đô-gan (sau cuộc đảo chính hụt vừa qua) đã đề xuất và tỏ rõ quyết tâm “kề vai sát cánh trong phối hợp hành động với Nga và I-ran” nhằm giải quyết các vấn đề của khu vực. Nếu điều đó trở thành hiện thực thì vai trò chủ đạo ở Trung Đông vốn do Mỹ nắm giữ lâu nay chắc chắn sẽ có sự thay đổi. Xu hướng này cũng cho thấy, cấu trúc hệ thống quốc tế đang bị tác động mạnh mẽ. Các cơ chế chủ yếu như NATO hay EU trong bối cảnh quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ ấm lên cũng như vấn đề Brexit bắt đầu có sự biến đổi mới. Dư luận quốc tế cho rằng, đây có thể là bước chuyển biến lớn, có tác động không chỉ làm thay đổi đáng kể cục diện chính trị Trung Đông, mà còn cho thấy sự dịch chuyển cục diện quốc tế kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...