Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 16/04/2020, 08:20 (GMT+7)
Chiến trường Idlib - đoạn kết “cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ” ở syria

Từ cuối năm 2019 tới nay, nhận được sự ủng hộ toàn diện của Nga và Iran, quân đội Syria mở chiến dịch giải phóng Idlib, tiêu diệt tàn quân của lực lượng khủng bố ngay tại sào huyệt cuối cùng của chúng. Chiến dịch này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vận mệnh của Syria cũng như cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trên phạm vi toàn thế giới.

Nhận diện cuộc chiến ở Syria

Thời gian qua, cuộc chiến ở Syria được nhìn nhận và diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Thứ nhất, đây là cuộc “nội chiến” giữa một bên là các lực lượng ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad với bên kia là “các lực lượng đối lập” chống lại Damascus. Cách diễn giải này không phản ánh được hành động can thiệp chính trị, kinh tế, quân sự của Mỹ cùng đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Trung Đông vào cuộc chiến này nhằm loại bỏ chính thể của Tổng thống Bashar al-Assad, để dựng lên một chính thể khác bảo vệ lợi ích của họ. Thứ hai, cuộc chiến này là cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” do Mỹ đứng đầu, NATO, trước hết là Thổ Nhĩ Kỳ, sử dụng cái gọi là “các lực lượng đối lập” dưới chiêu bài “chống khủng bố” nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Còn Nga, Iran và lực lượng tình nguyện Palestine là bên ủng hộ Chính phủ và Quân đội Syria bảo vệ chủ quyền quốc gia và thể chế chính trị. Thứ ba, mở rộng cách diễn giải thứ hai, cho rằng cuộc chiến này là mô hình “cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ”. Trong các lần trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, Tổng thống Bashar al-Assad khẳng định, ở Syria không có nội chiến mà là biến thể của “cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ”. Theo ông, trong cuộc chiến, Mỹ và các đồng minh sử dụng cái gọi là “các lực lượng đối lập”, trong đó đóng vai trò chủ yếu là các tổ chức khủng bố, điển hình là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Cách diễn giải thứ ba dựa trên sự so sánh với Chiến tranh thế giới thứ II theo một số tiêu chí. Về lực lượng tham gia, Chiến tranh thế giới thứ II có 72 nước, còn trong cuộc chiến Syria có gần 80 nước. Về phạm vi, Chiến tranh thế giới thứ II diễn ra trên hầu hết các châu lục và đại dương, còn cuộc chiến Syria diễn ra chủ yếu ở khu vực Trung Đông, nhưng thực tế có liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố diễn ra ở châu Âu, châu Phi, Trung Á và Đông Nam Á. Về mục tiêu, Mỹ can thiệp vào Syria để tiếp tục thực hiện Đề án Đại Trung Đông nhằm kiểm soát vành đai địa-chính trị kéo dài từ Trung Đông qua châu Âu tới Trung Á và Nam Á, thực chất nhằm duy trì và kiểm soát trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh.

Bối cảnh cuộc chiến ở Idlib

Kể từ khi phải đối mặt với cuộc chiến khủng bố núp bóng trong phong trào “Mùa xuân Ả rập” vào năm 2011, Syria được Nga và Iran ủng hộ toàn diện, đã làm thất bại cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” của Mỹ và đồng minh ở Trung Đông. Sau 02 năm không lật đổ được Tổng thống Bashar al-Assad, năm 2013, mượn cớ “Quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học”, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad, tương tự cuộc chiến tại Iraq năm 2003. Theo sáng kiến của Nga, Syria tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn kho vũ khí hóa học dưới sự kiểm chứng của Liên hợp quốc, nên Mỹ không còn lý do nào để phát động chiến tranh nhằm vào quốc gia này.

Sau sự xuất hiện của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng (6/2014), với khẩu hiệu “chống IS”, ngày 11/9/2014, Tổng thống Barack Obama thành lập liên minh gần 40 nước, tiến công các mục tiêu trên lãnh thổ Syria. Kết quả, sau 01 năm tiến công Syria, IS cùng với các tổ chức khủng bố khác không những không bị tiêu diệt, mà còn giành được quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria với hơn 1.000 nhóm vũ trang chống Chính phủ, quân số lên tới trên 70.000 tên, trong đó có hàng chục nghìn tên khủng bố là lính đánh thuê đến từ gần 80 quốc gia. Đặc biệt là chúng đã áp sát Thủ đô Damascus và uy hiếp trực tiếp sự tồn vong thể chế chính trị của Syria.

Trước tình thế đó, Syria chính thức khẩn thiết yêu cầu Nga và Iran tham gia tiêu diệt khủng bố. Theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bất kỳ quốc gia nào muốn triển khai lực lượng chống khủng bố trên lãnh thổ quốc gia khác phải nhận được yêu cầu chính thức của quốc gia có nhu cầu. Như vậy, việc Mỹ và đồng minh hiện diện trên lãnh thổ Syria với chiêu bài “chống khủng bố” là vi phạm luật pháp quốc tế. Đáp ứng yêu cầu chính đáng, hợp pháp của Syria, ngày 30/9/2015, Tổng thống Nga V. Putin chính thức phát động chiến dịch chống khủng bố. Sau hơn 02 năm tiến hành chiến dịch, ngày 06/12/2017, Tổng thống V. Putin tuyên bố, về cơ bản IS ở Syria đã bị đánh bại1. Kể từ đó, quân đội Syria với sự giúp đỡ của Nga, Iran và lực lượng tình nguyện Palestine tiến hành truy quét tàn quân IS và các tổ chức khủng bố khác, buộc chúng phải tháo chạy và tập trung về Idlib.

Chiến trường Idlib - đoạn kết “cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ”

Mở chiến dịch tại Idlib, Syria gặp phải nhiều trở ngại, đó là: sau khi tuyên bố “đánh bại IS”, Mỹ vẫn mượn cớ “bảo vệ các mỏ dầu của Syria” để tiếp tục duy trì bất hợp pháp một lực lượng quân đội tại quốc gia này; Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng là mở rộng biên giới sang vùng Idlib; Idlib vẫn nằm dưới sự kiểm soát của “các lực lượng đối lập”, trong đó chủ yếu là tàn quân IS và tổ chức khủng bố “Hayyat Tahrir al-Sham”.

Để hiện thực hóa mục tiêu giải phóng Idlib, Syria tập trung sàng lọc, xác định đúng các thành phần khủng bố trong hàng ngũ “các lực lượng đối lập”, nhằm tiêu diệt chính xác lực lượng khủng bố, đồng thời tránh tổn thất cho dân thường. Theo sáng kiến của Tổng thống V. Putin, Nga đạt được ba thỏa thuận quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran: (1) Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đồng bảo trợ cho tiến trình chính trị ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria; (2) từ tháng 09-2018 sẽ thiết lập vùng đệm phi quân sự giữa các bên xung đột có chiều rộng từ 15 km đến 20 km ở Idlib, đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng quân cảnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm giải giáp và đưa lực lượng khủng bố ra khỏi khu vực này trước ngày 15/10/2019; (3) Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” truy quét các lực lượng vũ trang người Kurd ở Đông Bắc Syria và cam kết tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Syria.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không những không thực hiện trách nhiệm đã cam kết, mà còn tạo điều kiện cho các tổ chức khủng bố bổ sung lực lượng và trang bị vũ khí để giành lại ưu thế trên chiến trường. Vì thế, trong năm 2019, các tổ chức khủng bố được sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tiến công các lực lượng của Syria, thậm chí cả mục tiêu của Nga ở căn cứ quân sự Khmeimim. Đáp trả, ngày 19/12/2019, Quân đội Syria tổ chức đợt tiến công nhằm vào lực lượng khủng bố ở Idlib. Ngày 27/02/2020, nhóm khủng bố “Hayyat Tahrir al-Sham” ở Idlib tiến hành cuộc tiến công lớn vào các vị trí đóng quân của quân đội Syria, buộc quân đội Syria phải tổ chức đánh trả. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ có mặt trong đội hình chiến đấu của các đơn vị khủng bố nằm trong tầm kiểm soát hỏa lực của quân đội Syria, khiến 30 binh sỹ của họ thiệt mạng. Sau sự kiện này, Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố, coi chính phủ Syria và những ai ủng hộ Syria đều là “kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ”; đồng thời, thông báo tình hình và yêu cầu NATO tiến hành cuộc họp khẩn cấp vào ngày 28/02/2020 để tham vấn theo Điều 4 của Hiệp ước thành lập NATO. Tuy nhiên, tại cuộc họp, NATO chỉ đưa ra tuyên bố kêu gọi Nga và Syria ngừng ngay “các cuộc tiến công bừa bãi” mà không đưa ra quyết định hành động quân sự.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống V. Putin ngày 29/02/2020, Tổng thống Tayyip Erdogan yêu cầu Nga “đứng tránh sang một bên”, để mặc cho Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu quân sự với Syria. Thậm chí, cố vấn của ông Tayyip Erdogan - Mesut Hakki Casin, còn tuyên bố: “Chúng ta đã chiến đấu với Nga 16 lần trong quá khứ và chúng ta sẽ chiến đấu thêm một lần nữa”. Ngày 01/3/2020, Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch “Lá chắn mùa xuân” nhằm vào quân đội Syria ở Idlib. Như vậy, chiến sự ẩn chứa nhiều hiểm họa ở Idlib có thể dẫn tới cuộc “chạm trán” giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đối đầu này không chỉ là hiểm họa đối với ông Tayyip Erdogan mà còn ảnh hưởng tới quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ.

Để ngăn chặn hiểm họa có thể xảy ra, ngày 05/3/2020, Tổng thống Tayyip Erdogan khẩn cấp bay sang Moscow và có cuộc hội đàm kín với Tổng thống V. Putin, tiếp theo là các cuộc hội đàm ở cấp bộ trưởng ngoại giao và chuyên viên hai nước. Kết quả, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết văn kiện thỏa thuận, với nội dung: từ 0 giờ ngày 06/3/2020 sẽ chấm dứt mọi hoạt động chiến sự giữa các bên theo tuyến tiếp xúc đã được hình thành vào ngày 05/3/2020 (Syria giành lại quyền kiểm soát thành phố chiến lược Saraqib, giao điểm giữa tuyến giao thông M5 nối liền Damascus với Aleppo và tuyến M4 nối liền Aleppo với Latakia và khu vực xung quanh Idlib với tổng diện tích hơn 600 km2); Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập hành lang an ninh rộng 06 km tới phía Bắc và Nam tuyến đường M4; từ ngày 15/3/2020, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng phối hợp tuần tra dọc theo tuyến M4. Thỏa thuận này là bước tiếp theo nhằm hóa giải xung đột giữa các bên bằng giải pháp đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, theo Tổng thống Bashar al-Assad, để chấm dứt chiến tranh, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân khỏi Syria bởi họ không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để hiện diện ở quốc gia này. Ông còn khẳng định, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ là hai dân tộc láng giềng, hữu nghị nên mọi hành động quân sự của Syria sẽ không chống lại Thổ Nhĩ Kỳ mà nhằm tiêu diệt khủng bố và giải phóng hoàn toàn đất nước.

Theo các nhà phân tích, cuộc chiến ở Syria là cuộc đối đầu giữa một bên là Syria được Nga, Iran và lực lượng tình nguyện Palestine ủng hộ kiên quyết tiêu diệt khủng bố để giải phóng đất nước. Bên còn lại gồm Thổ Nhĩ Kỳ được sự ủng hộ của Mỹ, NATO, Israel, một số đồng minh và đối tác ở Trung Đông kiên quyết đứng về phía “các lực lượng đối lập”, trong đó có cả các tổ chức khủng bố, nhằm giành quyền kiểm soát Syria. Những gì đang diễn ra tại Syria chứng tỏ nhận định của Tổng thống Bashar     al-Assad về “cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ” là chính xác. Để kết thúc cuộc chiến và lập lại hòa bình ở Syria, cần có tiếng nói của các cường quốc là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính vì thế, ngày 23/01/2020, nhân dịp tham dự Diễn đàn thế giới ở Jerusalem tưởng niệm các nạn nhân do tội ác diệt chủng gây ra trong Chiến tranh thế giới thứ II, Tổng thống Nga đề nghị tổ chức cuộc gặp 05 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để bàn cách hóa giải các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh toàn cầu, trong đó có cuộc chiến ở Syria. Giới phân tích gọi đề xuất này là sáng kiến có ý nghĩa tương tự “Hội nghị Yalta-2” (Hội nghị Yalta-1 giữa Mỹ, Liên Xô và Anh tổ chức tháng 02/1945, để xác định cục diện chính trị toàn cầu sau Chiến tranh thế giới thứ II).

Lãnh đạo các nước Mỹ, Pháp và Trung Quốc đã nhất trí với đề nghị này, đặc biệt, Tổng thống Donald Trump đề nghị tổ chức Hội nghị Yalta-2 tại Mỹ, nhân dịp Liên hợp quốc tổ chức diễn đàn hằng năm và kỷ niệm 75 năm thành lập, phía Nga cho rằng hội nghị tổ chức ở đâu cũng được. Nếu “Hội nghị Yalta-2” được tổ chức, đây sẽ là cơ hội để các cường quốc tìm cách hóa giải nhiều hồ sơ an ninh quốc tế, trong đó có “cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ” ở Syria. Nếu như “Hội nghị Yalta-2” chưa thể tổ chức được thì việc giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu nhất thiết phải có sự đồng thuận của các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

LÊ THẾ MẪU
___________

1 - Nga đã thực hiện hơn 92.000 cuộc không kích, tiêu diệt 96.000 mục tiêu khủng bố, trong đó có: 832 sở chỉ huy, 17.194 ổ đề kháng, 53.707 nhóm khủng bố, 970 trại huấn luyện; phá hủy 6.769 kho vũ khí, đạn, 184 cơ sở khai thác dầu, v.v.

 

                          

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...