Chủ Nhật, 24/11/2024, 00:23 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 17-12-2014, Mỹ và Cu-ba đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương sau hơn nửa thế kỷ “đối đầu” căng thẳng. Dư luận cho rằng, đây là bước ngoặt “lịch sử” trong quan hệ hai nước, mở ra chương mới đối thoại hòa bình, hợp tác cùng phát triển, góp phần ổn định an ninh khu vực và thế giới.
Lãnh đạo Cu-ba - Mỹ bắt tay nhau trong cuộc hội đàm lịch sử tại Pa-na-ma, bên lề Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7. (Nguồn: AFP/TTXVN)
1. Khép lại quá khứ hơn nửa thế kỷ đối đầu
Năm 1959, lãnh tụ Phi-đen Ca-strô đã lãnh đạo cách mạng Cu-ba lật đổ chế độ độc tài Phu-gen-xi-ô Ba-ti-xta thân Mỹ, chấm dứt 5 thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đưa Cu-ba trở thành nhà nước XHCN đầu tiên ở châu Mỹ La-tinh. Bị thất bại ngay tại khu vực vốn được coi là “sân sau”, chính quyền Mỹ đã tiến hành chính sách thù địch với các biện pháp đối đầu hà khắc cả về kinh tế, chính trị, quân sự hòng lật đổ chính quyền cách mạng ở Cu-ba. Cuối năm 1959, đầu năm 1960, Mỹ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và tiến hành cấm vận toàn diện chống Cu-ba. Năm 1961, Mỹ hậu thuẫn cho tàn quân của Ba-ti-xta mở cuộc tiến công quân sự đánh chiếm vịnh Con Lợn nhưng bị thất bại. Tháng 10-1962, Mỹ gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân cực kỳ nguy hiểm khi sử dụng sức mạnh hải quân phong tỏa toàn bộ bờ biển Cu-ba và lên kế hoạch tiến công các mục tiêu mà Mỹ nghi là có căn cứ tên lửa hạt nhân của Liên Xô (trước đây) trên đất Cu-ba. Sau các sự kiện kể trên, cấm vận kinh tế và cô lập ngoại giao trở thành công cụ chủ yếu trong chính sách thù địch của Mỹ chống Cu-ba trong suốt thời kỳ “chiến tranh lạnh” và kéo dài tới cuối năm 2014. Oa-sinh-tơn cũng thông qua Đạo luật Dân chủ Cu-ba năm 1992 và Đạo luật Hem-xơ Bơ-tơn 1996 để tăng cường lệnh cấm vận La-ha-ba-na; trong đó nêu rõ lệnh cấm vận sẽ không được gỡ bỏ “chừng nào Cu-ba chưa tổ chức các cuộc bầu cử “tự do”, “công bằng” và chuyển đổi sang một chính phủ dân chủ theo mô hình của phương Tây”. Mỹ cũng vô cớ đưa Cu-ba vào danh sách các nước “tài trợ khủng bố”. Đồng thời, ép, lôi kéo các nước đồng minh đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ gây áp lực đòi Cu-ba cải thiện tình hình nhân quyền, tôn giáo, tự do báo chí, tù nhân, phi chính trị hóa quân đội,… để can thiệp nội bộ, gây bất ổn định và chuyển hóa chế độ chính trị ở hòn đảo Tự Do này.
Những biện pháp trừng phạt hà khắc, vô nhân đạo mà Mỹ đã gây cho nhân dân và cách mạng Cu-ba muôn vàn khó khăn, làm cho quan hệ hai nước trở thành một trong những quan hệ thù địch căng thẳng, dai dẳng nhất trong hơn nửa thế kỷ qua trên thế giới. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và phe XHCN ở Đông Âu, những chính sách cấm vận mang tính hủy diệt của Mỹ đã đẩy nền kinh tế Cu-ba xuống đến “đáy” suy thoái tưởng chừng không vượt qua nổi. Tuy nhiên, dưới sự chèo lái của Đảng Cộng sản, đứng đầu là Chủ tịch Phi-đen Ca-strô và sau này là Chủ tịch Ra-un Ca-strô, cách mạng Cu-ba vẫn vững vàng vượt qua bão táp, phong ba và không ngừng tiến lên bất chấp vòng vây phong tỏa của Mỹ ngày càng siết chặt. Ngày 17-12-2014, sau hơn 53 năm “băng giá”, Mỹ và Cu-ba đã đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương, chính thức khép lại quá khứ “đối đầu”, căng thẳng kéo dài; đồng thời, mở ra một thời kỳ mới đối thoại hòa bình, hợp tác cùng phát triển giữa hai nước.
2. Bình thường hóa quan hệ Mỹ – Cu-ba là đòi hỏi khách quan
Chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cu-ba đã gây thiệt hại nặng nề về nhiều mặt đối với Cu-ba, nhất là kinh tế. Theo thống kê của chính phủ Cu-ba, hơn nửa thế kỷ cấm vận của Mỹ đã khiến nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 1.126 tỷ USD. Tuy nhiên, chính sách thù địch đó cũng gây tác dụng “ngược”, làm cho Mỹ trở thành một bên bị thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ngoại giao. Giới đầu tư Mỹ phàn nàn, chính sách cấm vận của chính phủ đã không thể làm sụp đổ chế độ xã hội ưu việt ở Cu-ba, mà chỉ làm cho họ mất thời cơ đầu tư, kinh doanh ở một thị trường vốn được coi là giầu tiềm năng này. Họ cũng lo ngại Cu-ba đang tiến hành cải cách, mở cửa nên các thị phần đầu tư có thể rơi vào tay người khác nếu chính phủ Mỹ không dỡ bỏ lệnh cấm vận chống Cu-ba. Nhiều người dân Mỹ gốc Cu-ba cũng phản đối chính sách bao vây cấm vận Cu-ba của chính phủ đã làm cho gia đình họ lâm vào tình cảnh ly tán. Chính sách thù địch của Mỹ chống Cu-ba cũng trở thành tâm điểm gây nhức nhối trong quan hệ quốc tế, bị dư luận thế giới phản đối, lên án là chính sách lỗi thời của thời kỳ “chiến tranh lạnh”, không còn phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển của thời đại. Liên tiếp những năm gần đây, Đại hội đồng Liên hợp quốc đều thông qua nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ chống Cu-ba, yêu cầu Mỹ thay đổi chính sách thù địch để cải thiện quan hệ với La-ha-ba-na. Nhưng trên hết phải nói rằng, chính sách bao vây cấm vận hơn 53 năm qua mà Mỹ thực hiện chống Cu-ba đã bị thất bại. Là người nhận thức đúng và phản đối chính sách thù địch chống Cu-ba, ngay nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã có những điều chỉnh khá mạnh tay để dọn dẹp sai lầm của những người tiền nhiệm, bằng cách cải thiện quan hệ với Cu-ba, đất nước mà ông cho là đang thay đổi và phát triển. Nếu như các chính quyền tiền nhiệm đẩy mạnh lệnh cấm vận kinh tế, phong tỏa tài chính chống Cu-ba, thì nay Nhà Trắng đã có những thay đổi đáng kể chính sách này. Tổng thống B. Ô-ba-ma đã cho phép công dân Mỹ gửi tiền trợ cấp cho những người có hoàn cảnh khó khăn tại Cu-ba và tới Cu-ba vì các mục đích giáo dục và y tế. Những người Mỹ có gia đình sống tại Cu-ba được tự do đi về và không bị giới hạn số tiền mà họ có thể gửi cho gia đình. Năm 2013, Chính quyền B. Ô-ba-ma cũng nối lại các cuộc đàm phán về vấn đề nhập cư đã ký với Cu-ba năm 2009 (sau khi đã bị tạm hoãn dưới thời Tổng thống G.W. Bu-sơ). Thực hiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, chính phủ Cu-ba cũng có những ưu đãi với các công ty của Mỹ, như: cấp phép cho họ trong việc hợp tác, trao đổi hai chiều trên nhiều lĩnh vực, nhất là y tế và nông nghiệp. Đây được coi là những tín hiệu tích cực đầu tiên thể hiện thiện chí của hai bên muốn thổi luồng sinh khí mới “nồng ấm” hơn trong quan hệ hai nước. Ngày 17-12-2014, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã chính thức bãi bỏ chính sách thù địch chống Cu-ba mà Mỹ đã áp dụng suốt thời gian qua. Phát biểu trước báo giới về quyết định bình thường hóa quan hệ song phương Mỹ – Cu-ba, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã thừa nhận, chính sách thù địch mà Mỹ thực hiện chống Cu-ba hơn nửa thế kỷ qua đã lạc hậu và không thu được kết quả. Ông cũng nêu rõ: “Sự thay đổi có ý nghĩa nhất về chính sách trong hơn 50 năm qua là, chúng ta sẽ chấm dứt cách tiếp cận lỗi thời đã áp dụng trong nhiều thập kỷ không thúc đẩy được các lợi ích của Mỹ để thay vào đó sẽ bình thường hóa quan hệ với Cu-ba”. Ông cũng bày tỏ hy vọng, Mỹ và Cu-ba sẽ mở ra một chương mới tốt đẹp hơn trong quan hệ song phương, đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích quốc gia, dân tộc của cả hai bên. Các kết quả thăm dò ở cả Mỹ và Cu-ba cho thấy, đa số người dân ủng hộ quyết định bình thường hóa quan hệ song phương giữa hai nước. Dư luận quốc tế cho rằng, quyết định bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cu-ba là đòi hỏi khách quan, không chỉ có lợi cho hai nước mà còn góp phần tích cực vào ổn định an ninh khu vực và thế giới.
3. Triển vọng thuận lợi, nhưng cũng ngổn ngang thách thức, khó khăn
Ngay sau khi đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương, cả Mỹ và Cu-ba đã có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa thỏa thuận này. Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ sửa đổi các lệnh trừng phạt tài chính đối với Cu-ba. Theo đó, Mỹ sẽ gỡ bỏ các hạn chế đối với Cu-ba trong các lĩnh vực như kiều hối, quá cảnh, hoạt động ngân hàng hai chiều. Oa-sinh-tơn cũng sẽ xem xét việc mở đại sứ quán ở thủ đô La-ha-ba-na của Cu-ba trong thời gian tới. Nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ còn thúc giục Nhà Trắng đẩy nhanh tốc độ bình thường hóa quan hệ song phương, tiến tới xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện với Cu-ba. Theo họ, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và các cường quốc lớn đang diễn ra gay gắt, thì việc Mỹ duy trì mối quan hệ “thân thiện” với Cu-ba là lợi ích chiến lược đối với Mỹ không chỉ ở Tây bán cầu mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Chính phủ Cu-ba cũng có nhiều động thái tích cực trong việc cải thiện quan hệ song phương với Mỹ. Bộ Ngoại giao Cu-ba tuyên bố sẵn sàng thảo luận với Mỹ về những khác biệt còn vướng mắc về vấn đề chủ quyền quốc gia, dân chủ, nhân quyền và tôn giáo, v.v. Ngày 27-02-2015, Mỹ và Cu-ba đã tiến hành vòng đàm phán thứ hai bình thường hóa quan hệ về một loạt vấn đề, như: nhân quyền, mở đại sứ quán, hợp tác ngân hàng và trao đổi các đoàn ngoại giao, v.v. Thời gian tới, hai bên tiếp tục đàm phán về các lĩnh vực quản lý hàng không dân dụng, phòng, chống tội phạm, xây dựng cơ sở hạ tầng ngành viễn thông.
Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cu-ba đang đi đúng hướng, đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tiến trình này cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Trước tiên, việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận Cu-ba còn phải chờ được Quốc hội Mỹ (do đảng Cộng hòa đang chi phối) thông qua. Mặt khác, do chính sách cấm vận của Mỹ kéo dài nên giữa hai nước đã tồn tại nhiều vấn đề gai góc và việc giải quyết chúng sẽ rất phức tạp, đòi hỏi phải đàm phán lâu dài, khó có thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Hơn nữa, một số nghị sĩ quốc hội Mỹ cũng phản đối quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ – Cu-ba của ông B. Ô-ba-ma. Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ R. Mê-nen-đec (gốc Cu-ba) cho rằng, chính quyền B. Ô-ba-ma đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi trao đổi các công dân Mỹ “không có tội” với những người phạm tội hoạt động tình báo chống lợi ích của Mỹ. Thượng nghị sỹ Cộng hòa M. Ru-bi-ô tuyên bố, việc bình thường hóa quan hệ với Cu-ba là việc làm “nguy hiểm”. Ông cũng khẳng định, kiên quyết làm mọi cách để ngăn chặn. Chủ tịch Hạ viện G. Bô-e-nơ cũng ra tuyên bố phản đối chủ trương bình thường hóa quan hệ với Cu-ba của chính quyền B. Ô-ba-ma. Đây là những rào cản không nhỏ đối với tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Dư luận quốc tế cho rằng, bình thường hóa quan hệ song phương Mỹ – Cu-ba là bước ngoặt “lịch sử” trong quan hệ giữa hai cựu thù này sau hơn nửa thế kỷ “đối đầu”. Hai nước cần nhận thức đầy đủ và tranh thủ thời cơ “ngàn vàng” này để tiếp tục thể hiện thiện chí, tích cực đàm phán tìm ra các giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích chính đáng của nhau. Chỉ có như vậy, tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước mới thu được kết quả thiết thực.
MINH ĐỨC
Bước ngoặt,quan hệ Mỹ – Cu-ba
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ