Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:30 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2012, hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo của thế giới. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái kinh tế, tác động của “Mùa xuân Ả-rập”, xung đột quân sự, chiến tranh từ những mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống (khủng bố, thiên tai, động đất…) tiếp tục diễn biến phức tạp, làm cho nhiều nước, nhiều khu vực bất ổn định. Trong bức tranh chung đó, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn, giới thiệu 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới của năm.
1- Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á - Thái Bình Dương.
Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ (được công bố vào tháng 02-2012) nêu rõ, trọng tâm chiến lược của nước này trong thế kỷ XXI là châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ lấy liên minh Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Hàn Quốc làm nền tảng chiến lược; tăng cường bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện quân sự hiện đại; trong đó có việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) nhằm nâng cao khả năng khống chế, kiểm soát khu vực. Mỹ cũng sử dụng con bài kinh tế, công nghệ để can dự sâu hơn vào các nước, các tổ chức khu vực và gia tăng ảnh hưởng của mình. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, việc chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á - Thái Bình Dương là bước điều chỉnh mang tính bước ngoặt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, có tác động trực tiếp đến khu vực và thế giới, buộc các nước phải có những điều chỉnh chiến lược.
2- Xung đột quân sự đẫm máu ở Xy-ri diễn biến phức tạp, có nguy cơ làm bùng phát cuộc chiến ở khu vực.
Là nạn nhân tiếp theo của cái gọi là “Mùa xuân Ả-rập”, từ đầu năm đến nay, tình hình chính trị ở Xy-ri tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu. Giao tranh giữa quân đội của Chính phủ và lực lượng đối lập (được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn) diễn ra ác liệt đẩy đất nước này vào tình trạng bất ổn định, làm hàng chục ngàn người chết và bị thương, hàng trăm ngàn gia đình phải di tản ra nước ngoài và gây ra nhiều thảm họa nhân đạo rất nghiêm trọng. Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước phương Tây đang can thiệp, tìm cách lật đổ Chính quyền của Tổng thống Át-xát và thành lập một Chính quyền mới thân Mỹ ở Xy-ri nhằm tái diễn “kịch bản Li-bi”, khiến tình hình càng căng thẳng, có thể làm bùng phát một cuộc chiến ở khu vực.
3- Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông”, góp phần vào việc duy trì an ninh, ổn định trên Biển Đông.
Ngày 17-7-2012, ASEAN đã ra Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông”, gồm: Thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC; sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); kiềm chế và không sử dụng vũ lực; giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Tuyên bố trên khẳng định vai trò của ASEAN và là đóng góp tích cực vào việc duy trì an ninh, ổn định ở Biển Đông; có ý nghĩa quan trọng khi mà tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở vùng biển này đang diễn ra phức tạp.
4- Cuộc chiến ở Dải Ga-da và Thỏa thuận ngừng bắn I-xra-en – Ha-mát.
Vào trung tuần tháng 11-2012, chiến sự giữa quân đội I-xra-en và lực lượng vũ trang Ha-mát đã nổ ra ác liệt ở Dải Ga-da, làm hàng trăm dân thường Pa-le-xtin và hàng chục dân thường I-xra-en thiệt mạng. Với những nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, ngày 22-11-2012, I-xra-en và Ha-mát đã ký kết Thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, việc I-xra-en vẫn tiếp tục chính sách thù địch chống Pa-le-xtin thì nguy cơ tái xung đột vẫn rất cao.
5- Vấn đề hạt nhân của I-ran tiếp tục nóng.
Trong năm, Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép buộc I-ran từ bỏ chương trình hạt nhân, mà họ cho là để phục vụ mục đích quân sự. Mỹ đã tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế; điều động tàu sân bay, tàu chiến đấu hiện đại để răn đe Tê-hê-ran. I-xra-en không ít lần công khai ý định tiến công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của I-ran. Tuy nhiên, Tê-hê-ran không nhượng bộ và tuyên bố sẵn sàng đáp trả các cuộc tiến công từ bên ngoài, kể cả việc đóng cửa eo biển Hoóc-mút – tuyến đường biển chiến lược. Vấn đề hạt nhân I-ran tiếp tục nóng.
6- Tình hình khu vực Đông Bắc Á có nhiều diễn biến phức tạp.
Từ giữa năm, tranh cãi về chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Sen-ka-ku; giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đối với quần đảo Ta-kê-si-ma/ Đốc-đô… làm tình hình vùng Biển Hoa Đông rất căng thẳng. Thêm vào đó, bất chấp những răn đe từ phía Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã 2 lần phóng vệ tinh, khiến tình hình khu vực Đông Bắc Á thêm phức tạp.
7- NATO thông qua chiến lược quân sự “phòng thủ thông minh”.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO (tháng 10-2012) đã thông qua chiến lược quân sự “phòng thủ thông minh”. Theo đó, NATO sẽ tăng cường sự gắn kết và nỗ lực chung trong phát triển các vũ khí hiện đại, như: máy bay, tàu chiến đấu thế hệ mới, NMD chung với Mỹ; tác chiến mạng cùng hàng chục dự án kỹ thuật quân sự tiên tiến khác. Lãnh đạo các nước NATO hy vọng, chiến lược quân sự mới này sẽ tạo xung lực mới để NATO có thể nâng cao khả năng đối phó với các thách thức an ninh trên toàn cầu trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế bị suy thoái nặng nề, mỗi thành viên lại có toan tính chiến lược riêng, nên “phòng thủ thông minh” của NATO khó có thể thành hiện thực. NATO vẫn chỉ là khối quân sự lớn mà không mạnh.
8- Cuộc chiến “chống khủng bố” của Mỹ còn rất khó khăn.
Tiếp sau vụ đột kích tiêu diệt Trùm khủng bố Bin La-đen (5-2011), năm nay, Mỹ cũng đã tiêu diệt được nhiều chỉ huy cấp cao của Al Qaeda, mà theo họ, điều đó khiến cho tổ chức khủng bố này bị suy yếu nghiêm trọng. Tuy nhiên, hoạt động khủng bố nhằm vào các lợi ích của Mỹ vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới. Điển hình là, đúng sau 11 năm vụ khủng bố 11-9, Đại sứ quán Mỹ tại Li-bi đã bị tiến công, làm vị Đại sứ và một số nhà ngoại giao Mỹ thiệt mạng. Nhiều người cho rằng, cuộc chiến “chống khủng bố” của Mỹ là cuộc chiến chưa có hồi kết.
9- Mỹ rút quân theo kế hoạch khỏi Áp-ga-ni-xtan, tình hình an ninh ở nước này vẫn phức tạp.
Tháng 11-2012, Mỹ đã rút 30 ngàn quân khỏi Áp-ga-ni-xtan. Đây là bước đệm để Mỹ sẽ rút toàn bộ quân khỏi nước này vào cuối năm 2014. Hiện Mỹ vẫn còn 67 ngàn quân, NATO có khoảng 30 ngàn quân ở Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, tình hình an ninh ở nước này vẫn hết sức phức tạp. Trong 8 tháng qua đã có khoảng 30 vụ binh lính Áp-ga-ni-xtan tiến công “nội bộ” làm hàng chục lính Mỹ và NATO thiệt mạng. Các hoạt động khủng bố vẫn diễn ra; tàn quân Ta-li-ban vẫn hoạt động mạnh khiến cho Áp-ga-ni-xtan tiếp tục lún sâu trong bất ổn định. Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai đã thừa nhận, lực lượng an ninh của nước này và NATO không đảm bảo được an ninh tại quốc gia của ông.
10- Đảo chính quân sự làm khu vực Tây Phi bất ổn định
Trong nửa đầu năm 2012, đảo chính quân sự đã nổ ra ở Ma-li và ở Ghi-nê Bít-xao, gây bất bình trong dư luận khu vực và quốc tế. Mới đây, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã quyết định gửi hơn 3 ngàn quân đến giúp Chính phủ Ma-li; Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đồng ý với quyết định này. Các cuộc đảo chính quân sự làm cho không chỉ các nước này mà cả khu vực Tây Phi lâm vào tình trạng bất ổn định.
Minh Đức
10 sự kiện nổi bật
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ