Thứ Bảy, 23/11/2024, 21:06 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Mở rộng hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Ý thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh luôn chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện công tác này bằng những nội dung, hình thức phù hợp, góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, thời gian qua, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh chú trọng quán triệt, thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Hội nhập quốc tế”, Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và Đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt được những kết quả tích cực.
Rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Hiện nay, lượng bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam là rất lớn, trên diện tích rộng, đa dạng, phức tạp1. Để làm “sạch” toàn bộ diện tích bị ô nhiễm bom mìn một cách bền vững, cần có sự đầu tư rất lớn về kinh phí, công sức và thời gian. Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực của Đảng, Chính phủ, sự chung tay, góp sức của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng. Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã triển khai toàn diện các hoạt động đối ngoại phục vụ đào tạo, rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn; trong đó, tập trung vào các hoạt động đối ngoại vận động tài trợ, phục vụ Chương trình Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (Chương trình 504). Với chức năng là Văn phòng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 504, Binh chủng đã tích cực nghiên cứu, giúp Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống chính sách, cơ chế vận động tài trợ, cơ chế phối hợp điều hành cấp quốc gia cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Đặc biệt, về tổ chức, Binh chủng đã tham mưu, giúp Chính phủ kiện toàn, đưa Trung tâm Hành động bom mìn Việt Nam (VNMAC) vào hoạt động. Đây là cơ sở quan trọng để chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ quốc tế xem xét, tiếp xúc, đầu tư, tài trợ cho rà phá bom mìn tại Việt Nam.
Cùng với đó, Binh chủng phối hợp chặt chẽ với VNMAC triển khai có hiệu quả Chiến lược tuyên truyền vận động tài trợ; xúc tiến ký kết, triển khai các chương trình tài trợ quốc tế. Đến nay, chúng ta tiếp xúc, trao đổi, đàm phán với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ tiềm năng về hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam, như: trao đổi, đàm phán với các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ để triển khai xây dựng và ký kết Bản ghi nhớ với Chính phủ Hoa Kỳ; ký kết Khung hợp tác với Tổ chức hợp tác quốc tế về khắc phục hậu quả bom mìn. Mặt khác, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong rà phá bom mìn, vật nổ, vừa qua, Binh chủng tích cực phối hợp với VNMAC đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến ký kết triển khai tài trợ quốc tế từ chính phủ các nước và các tổ chức phi chính phủ,... về đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ, chuyển giao kinh nghiệm quản lý, phương tiện kỹ thuật, công nghệ rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ, v.v. Vừa qua, Binh chủng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2016 - 2019 với Trung tâm Quốc tế Giơ-ne-vơ về khắc phục hậu quả bom mìn nhân đạo (GICHD); ký Biên bản thảo luận với cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh; tham gia ký Biên bản thỏa thuận hành chính với Văn phòng Hợp tác Quốc phòng Đại sứ quán Hoa Kỳ (ODC) và tổ chức khóa đào tạo giảng viên xử lý vật liệu nổ và xử lý y tế ban đầu trong Chương trình hành động mìn nhân đạo, v.v. Qua đó, nâng tiến độ rà phá, làm sạch bom, mìn vật nổ từ 20.000 ha đất/năm lên 100.000 ha đất/năm.
Mở rộng hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước và Quân đội, nhằm tăng cường lòng tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển. Binh chủng Công binh đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và tìm kiếm, cứu nạn. Trong hoạt động này, Binh chủng đẩy mạnh quan hệ hợp tác, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Quân đội nhân dân Việt Nam (nói chung) và Công binh Việt Nam (nói riêng) với quân đội, bộ đội công binh các nước trong khu vực và trên thế giới theo đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Từ năm 2013 đến nay, Binh chủng đã tổ chức và tham gia nhiều cuộc diễn tập về kết hợp mìn nhân đạo với gìn giữ hòa bình, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố sập đổ công trình với quân đội các nước trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của đất nước, Quân đội trên trường quốc tế và phát đi thông điệp: Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Điển hình như, năm 2013, Binh chủng đăng cai tổ chức Diễn tập thực binh ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (ARDEX-13); năm 2016, tham gia diễn tập thực binh kết hợp hành động mìn và gìn giữ hòa bình (FTX-2016) tại Ấn Độ; tham gia Diễn tập kết hợp giữa Nhóm chuyên gia ADMM+ về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và Quân y (FTX-2016 HADR/MM) tại Thái Lan, v.v. Cùng với đó, Binh chủng tích cực làm công tác chuẩn bị, cử cán bộ tham gia khảo sát đội hình công binh Nhật Bản tại phái bộ Nam Xu Đăng; dự tập huấn sĩ quan tham mưu Liên hợp quốc tại Hàn Quốc; kiện toàn biên chế, tổ chức huấn luyện chuyên ngành, ngoại ngữ,... cho Đội Công binh gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và sẵn sàng tham gia khi có quyết định của Bộ Quốc phòng, v.v. Mặt khác, Binh chủng cũng đẩy mạnh hợp tác về giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, mua sắm trang thiết bị,... nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Công binh trong công tác, tác chiến.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong Binh chủng tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Hội nhập quốc tế”; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, trực tiếp là Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và Đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực đánh giá, dự báo tình hình, khả năng tham mưu đề xuất về hoạt động hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng, vận động tài trợ; các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công binh, rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn, cứu hộ, cứu nạn và mua sắm trang thiết bị. Quá trình triển khai, cần thực hiện phương châm: chủ động, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả; kiên định nguyên tắc, mục tiêu: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hoà bình để xây dựng, phát triển đất nước.
Về lĩnh vực rà phá bom mìn, vật nổ, Binh chủng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nhà tài trợ cấp chính phủ, tổ chức tài chính quốc tế dưới nhiều hình thức, như: trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, chuyển giao công nghệ và các hoạt động phục vụ vận động, huy động nguồn lực. Trong đó, tập trung mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng, củng cố và thực hiện hợp tác có hiệu quả, thiết thực với các đối tác đã ký bản ghi nhớ, như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Hung-ga-ry, Ấn Độ,... đẩy nhanh việc thực hiện Kế hoạch khắc phục bom mìn, vật nổ. Đồng thời, cần tăng cường, mở rộng các hình thức thông tin, tuyên truyền, vận động tới các quốc gia đã trực tiếp hay gián tiếp tham gia chiến tranh tại Việt Nam; tạo điều kiện cho các quốc gia, nhà tài trợ tiềm năng trực tiếp tham gia hỗ trợ thực hiện Chương trình 504. Đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý điều hành, cán bộ chuyên môn kỹ thuật và cán bộ nghiên cứu khoa học; phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực rà phá bom mìn. Tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao năng lực và vị thế của Công binh Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ và thiết kế, chế tạo trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ rà phá bom mìn.
Về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Binh chủng tiếp tục triển khai nhiệm vụ theo “Đề án Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”. Trong đó, tập trung vào giáo dục, huấn luyện, nâng cao kiến thức, năng lực toàn diện cho Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Tổ chức lực lượng tham gia có chất lượng vào các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, diễn tập, tập huấn, huấn luyện quốc tế theo quyết định của Bộ Quốc phòng. Không ngừng đổi mới về phương pháp, bổ sung chương trình đào tạo phù hợp với từng đối tượng học viên quốc tế tại các nhà trường trong Binh chủng. Tiếp tục nâng cao chất lượng trong hợp tác thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng hiệu quả.
Về mua sắm trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, Binh chủng đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng với các nước lớn, những nước có trình độ công nghiệp phát triển hiện đại để thúc đẩy việc mua sắm trang thiết bị, chuyển giao công nghệ; tiếp thu, áp dụng các quy trình quản lý, sản xuất tiên tiến theo cơ chế thị trường. Thực hiện mục tiêu vừa tranh thủ được các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, vừa phải nâng cao năng lực tự chủ để từng bước tự bảo đảm vũ khí, khí tài công binh ngày càng hiện đại.
Tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tác trong hợp tác quốc tế; đề cao cảnh giác trước những luận điệu sai trái, xuyên tạc về quan điểm hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta; đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình”, các hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn Binh chủng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Từ đó, xây dựng bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thiếu tướng PHÙNG NGỌC SƠN, Tư lệnh Binh chủng _______________
1 - Theo thống kê, trên toàn quốc có 11.154 xã thì có 9.116 xã bị nhiễm bom mìn, vật nổ, với diện tích hơn 6,1 triệu héc-ta đất.
Binh chủng Công binh,đối ngoại quốc phòng
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học