Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 19/12/2022, 18:28 (GMT+7)
Việt Nam “kém tự do internet” là đánh giá thiếu khách quan

Ngày 18/10/2022, tổ chức Freedom House có trụ sở ở Hoa Kỳ đã ra báo cáo “Tự do internet 2022”; trong đó, xếp hạng “Việt Nam là một trong năm quốc gia kém tự do internet nhất trên thế giới”. Theo đó, Báo cáo trên đánh giá về tự do internet của Việt Nam chỉ đạt 22 điểm (trên thang điểm 100); trong đó, 12 điểm được tính cho danh mục “trở ngại để truy cập”, 6 điểm cho “giới hạn nội dung” và 4 điểm cho “vi phạm quyền của người dùng”. Đây là sự đánh giá chủ quan, một chiều, phiến diện mang tính áp đặt và không có độ tin cậy, được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau.

Trước hết, Freedom House không tự lập, nên không có độc lập, hoạt động thiếu khách quan. Freedom House là một tổ chức phi chính phủ (có trụ sở chính ở Hoa Kỳ), với mục đích hoạt động là tiến hành nghiên cứu và ủng hộ dân chủ, tự do chính trị và quyền con người, nhưng phần lớn kinh phí hoạt động được Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Vì không có khả năng tự chủ, tự lập, nên tổ chức này không thể độc lập trong đưa ra các quyết định, thành thử mọi hoạt động của nó phải hướng tới việc phục vụ cho Chính phủ Hoa Kỳ để được tài trợ về mặt tài chính. Đây là điều dễ hiểu, bởi không ai cấp tiền cho tổ chức này mà không nhằm mục đích gì. Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ George Joseph Stigler đã từng nói về bản chất của kinh tế học chính là câu nói: “trên đời này không có bữa trưa miễn phí”. Đã hoạt động không khách quan, thì mọi báo cáo, không riêng gì Báo cáo “Tự do internet 2022” của Freedom House sẽ bị sai lệch với thực tiễn, bởi họ phải hướng mục đích phục vụ tới tổ chức chi tiền, mà cụ thể ở đây là phục vụ cho Chính phủ Hoa Kỳ. Cho nên, mọi báo cáo nói chung, báo cáo về tự do internet nói riêng của Freedom House đều không có độ tin cậy. Thực tế cho thấy, trong thập niên 1940, Freedom House đã ủng hộ Kế hoạch phát xít hóa và thành lập phe trục, có tinh thần chống cộng cao. Đến thập niên 1980, họ giúp đỡ một số phong trào và phe đối lập dân chủ ở nhiều nước theo tiêu chuẩn về nhân quyền và tự do của công dân Hoa Kỳ. Gần đây, Freedom House lại can dự vào việc lật đổ chính quyền ở Serbia, Ukraine và Kyrgyzstan, Iraq và Syria.

Thứ hai, phương pháp và cách tính Báo cáo “Tự do internet” của Freedom House không khoa học. Phương pháp tính của Báo cáo này dựa vào một phổ rất rộng các tiêu chí căn cứ trên Tuyên ngôn Nhân quyền Thế giới do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948. Theo đó, họ đã dựa trên giả định rằng, các tiêu chuẩn này có phạm vi áp dụng đối với mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, không phân biệt vị trí địa lý, dân tộc, tôn giáo hay mức độ phát triển kinh tế. Vì không gắn với thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh từng nước mà áp dụng chung cho toàn thế giới như thế đã làm cho báo cáo của Freedom House phi thực tiễn.

Cách tính toán của Freedom House cũng mang nặng tính chủ quan. Mỗi quốc gia chỉ do 01 nhà phân tích chấm điểm trên mọi chỉ tiêu và viết báo cáo đánh giá quốc gia đó, gửi đến ban đánh giá có trụ sở chính ở Hoa Kỳ xem xét, để quyết định công bố điểm số chính thức về một quốc gia. Hơn nữa, ban đánh giá chủ yếu là ở Hoa Kỳ, hướng tiếp cận của báo cáo cũng dựa trên thế giới quan và giá trị Hoa Kỳ, nên báo cáo được đánh giá hoàn toàn mang tính chủ quan, áp đặt, phản ánh thiếu khách quan, phản khoa học.

Thứ ba, Báo cáo “Tự do Internet 2022” của Freedom House đã phản ánh sai lệch tự do internet ở Việt Nam. Là quốc gia sử dụng internet chưa lâu (ngày 19/11/1997), nhưng số người sử dụng internet ở Việt Nam đã tăng dần trong từng năm. Kể từ khi xuất hiện, việc sử dụng intenet đã được mở rộng từ việc giữ liên lạc với bạn bè và gia đình trở thành công cụ mạnh mẽ được các thương hiệu sử dụng để tiếp cận người tiêu dùng cả trong nước và quốc tế. Các phương tiện truyền thông trên internet như báo điện tử, website, blog, chip file, dữ liệu, thư điện tử, dịch vụ yahoo, facebook… tại Việt Nam hiện nay đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển trên các lĩnh vực, thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và thế giới. Cùng với đó, mọi người dân Việt Nam đều có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua internet, nhất là qua mạng xã hội. Với sức lan tỏa nhanh, mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện nay, nhất là đối với giới trẻ.

Nhờ hạ tầng băng rộng đã được phủ sóng khắp cả nước, internet giờ đây đã có mặt ở mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo. Internet được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế, giao thông… tới cả xây dựng chính phủ điện tử. Đó là những minh chứng sống động cho thấy Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền phát triển của mỗi người dân, quyền được tự do thông tin, tự do internet.

Thực tiễn cho thấy, số người sử dụng internet ở Việt Nam hiện nay đã nằm trong tốp đầu thế giới. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 9/2022, số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người (chiếm 73,7% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 06 trong tổng số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Người dùng Việt Nam dành trung bình gần 07 giờ mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới internet.

Tháng 6/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức diễn đàn chuyên sâu về internet với chủ đề “Tương lai của internet”. Tham dự diễn đàn có đại diện các cơ quan nhà nước, các chuyên gia trong nước, quốc tế, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp. Tại diễn đàn, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2022 là năm kỷ niệm 25 năm internet Việt Nam, 10 năm thế giới chính thức chuyển đổi internet sang IPv6. Trong 25 năm qua, internet Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với số người sử dụng đến nay đạt 73,7% dân số. Thực tế cho thấy, internet đã trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi người dân, là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số ở Việt Nam.

Không những thế, Việt Nam còn mạnh dạn đi sớm, cùng nhịp với các nước phát triển, thực hiện thành công quá trình chuyển đổi internet sang thế hệ mới hoạt động với IPv6 và đã có tỷ lệ truy cập đạt 50%, đứng thứ 10 thế giới. Thực tế này đã hoàn toàn bác bỏ Báo cáo của Freedom House về cái gọi là “kém tự do internet” ở Việt Nam, bởi một nước “kém tự do internet” nhất thế giới (theo như đánh giá của Freedom House) thì làm sao lại có sự phát triển internet nhanh như vậy được!

Freedom House cho rằng, “quyền tự do internet vẫn bị hạn chế ở Việt Nam do chính phủ thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với môi trường trực tuyến của đất nước” là hoàn toàn vô căn cứ. Việc chính quyền các cấp có biện pháp kiểm soát môi trường trực tuyến là biện pháp cần thiết, phù hợp với thực tế pháp lý ở tất cả các quốc gia trên thế giới, mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc, tự do luôn phải gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ để đảm bảo tự do của mỗi người, nhưng điều đó không làm mất đi hay ảnh hưởng tiêu cực đến tự do của người khác và của cộng đồng. Thực tế cho thấy, toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông, internet ở Việt Nam đều do Nhà nước, trực tiếp là các doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng để phục vụ quốc kế dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Những ai lợi dụng internet đi ngược lại điều đó đều bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là một thành viên. Quyền tự do sử dụng internet là quyền có giới hạn, không phải quyền tuyệt đối. Điều 12 Luật Viễn thông 2009 và Điều 8 Luật An ninh mạng của Việt Nam quy định rõ các hành vi bị cấm trong sử dụng internet như sau:

Cấm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng để chống lại Nhà nước Việt Nam. Cụ thể là các hành động, như: Gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, các hành động cản trở quyền tự do internet của công dân cũng bị nghiêm cấm, đó là: Các hành động cản trở trái pháp luật việc cung cấp và truy cập thông tin hợp pháp, việc cung cấp và sử dụng các dịch vụ hợp pháp trên internet của tổ chức, cá nhân; cản trở trái pháp luật hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, hoạt động hợp pháp của hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng; sử dụng trái phép mật khẩu, khóa mật mã của tổ chức, cá nhân; thông tin riêng, thông tin cá nhân và tài nguyên internet; và tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, virus máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên internet.

Những nội dung bị cấm nêu trên phù hợp với Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về quyền con người mà Việt Nam là một thành viên. Đó là: “Trong việc hưởng thụ các quyền và tự do, mỗi cá nhân chỉ có thể bị pháp luật hạn chế các quyền và tự do đó vì các mục đích bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng các quyền và tự do của người khác cũng như nhằm đảm bảo những yêu cầu về trật tự công cộng, đạo đức và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Vì thế, người sử dụng mạng internet cần hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia trên môi trường không gian mạng. Báo cáo của Freedom House về “Tự do internet 2022” cho rằng, Việt Nam “kém tự do internet” là không đúng với thực tế, mang tính áp đặt chủ quan, nhằm chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

NGUYỄN PHÙ NGHĨA

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.