Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 08/10/2012, 14:01 (GMT+7)
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thực sự được coi trọng trong thực tiễn ở Việt Nam

Ngày 30-7-2012, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Bản phúc trình về tự do tôn giáo quốc tế năm 2011, trong đó tiếp tục vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo. Tuy nhiên, thực tiễn sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo của đồng bào có tín ngưỡng và có đạo ở Việt Nam thời gian qua đã bác bỏ những vu cáo bịa đặt của Bản phúc trình nói trên.

 
Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.  

Tháng 10 năm 1998, Quốc hội Mỹ thông qua cái gọi là "Luật Tự do tôn giáo quốc tế năm 1998". Trên cơ sở Luật này, tháng 11 năm 1998, Tổng thống Mỹ đã ký sắc lệnh ban hành 8 biện pháp ngoại giao và 7 biện pháp chế tài để trừng phạt một nước, khi nước đó bị xác định là “vi phạm tự do tôn giáo”. Theo đó, chính quyền Mỹ cũng đã thành lập 3 bộ phận có chức năng thực hiện giám sát, theo dõi vấn đề này, đó là: Uỷ ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ; Đại sứ lưu động thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và một Cố vấn đặc biệt thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Những bộ phận này, hằng năm có nhiệm vụ đưa ra những thông tin về “mức độ vi phạm quyền tự do tôn giáo” của các nước trên thế giới, để Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào Bản phúc trình về tự do tôn giáo quốc tế và làm cơ sở tiến hành các biện pháp đối sách. Tuy nhiên, cái gọi là “mức độ vi phạm quyền tự do tôn giáo” do Mỹ phán xét đối với một nước nào đó liệu có vô tư, khách quan không? Có phản ánh đúng bản chất các hoạt động tôn giáo đang diễn ra ở nước họ hay không là những vấn đề cần phải xem xét. Người ta luôn nghi ngờ về cái gọi là “mức độ vi phạm quyền tự do tôn giáo” do Mỹ phán xét đối với các nước trên thế giới, cũng như tính khách quan trong “phán quyết” của họ. Bởi lẽ, người ta luôn nhìn thấy, đằng sau sự phán xét của Mỹ là sự thù địch hay thân thiện của chính quyền Mỹ đối với nước đó; hoặc thể hiện sự “phục tùng” của nước đó trong quan niệm “quyền tự do tôn giáo” theo tiêu chuẩn Mỹ. Và như vậy, không ai lại không nghi ngờ tính “công cụ” của các bộ phận chuyên theo dõi, giám sát về tự do tôn giáo do chính quyền Mỹ lập ra. Do đó, không một quốc gia nào không hiểu rằng: sau sự phán xét của Mỹ về “mức độ vi phạm quyền tự do tôn giáo”, là thông điệp nào đó của Mỹ đối với chính họ.

Trong Bản phúc trình về tự do tôn giáo quốc tế năm 2011 của Bộ Ngoại giao Mỹ, công bố ngày 30-7-2012, Mỹ lại tiếp tục thể hiện quyền được đánh giá, phán xét về tình hình tự do tôn giáo của các nước trên thế giới, để từ đó làm cơ sở cho việc áp dụng chính sách đối với các nước mà Mỹ cho là “vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”. Trong Bản phúc trình này, phần đối với Việt Nam, Chính phủ Mỹ phải thừa nhận rằng, tự do tôn giáo ở Việt Nam đã có sự tiến bộ, Chính phủ Việt Nam nhìn chung đã tôn trọng quyền tự do tôn giáo của phần lớn các tổ chức tôn giáo có đăng ký và một số tổ chức không đăng ký. Tuy nhiên, để lấy lòng các nhóm cực đoan, phản động lưu vong, cũng như thực hiện ý đồ tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, Bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đưa ra các từ ngữ mơ hồ để phản ánh cái gọi là: “một số tổ chức tôn giáo vẫn tố cáo về các vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam”. Cái gọi là “các vụ vi phạm về quyền tự do tôn giáo” mà Bản Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ viện dẫn ở đây chính là việc họ dựng chuyện cho rằng Chính phủ Việt Nam “sách nhiễu, bắt bớ, giam giữ và truy tố” đối với một số công dân của mình. Tính mơ hồ ở đây là, Bản phúc trình tránh đề cập đến việc những người bị: “bắt bớ, giam giữ và truy tố” đó là do vi phạm pháp luật Việt Nam hay do hoạt động tôn giáo. Sự mơ hồ ấy đã làm cho mọi người có nhận thức không đúng sự thực về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Rõ ràng, Bản Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ nhằm đáp ứng đề xuất của một số đối tượng cực đoan rằng: “đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo - CPC”. Như vậy là không khách quan, thiếu sáng suốt, đi ngược lại lợi ích của Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, quyền tự do theo hoặc không theo một tôn giáo. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định lập trường nhất quán về chính sách tôn giáo; đồng thời, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của nhân dân được thực sự coi trọng trong thực tiễn. Điều đó đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, như ở Điều 70: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Điều đó cũng được cụ thể hoá trong Điều 1, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam. Nếu tính từ năm 2006 trở về trước, Việt Nam chỉ có 6 tôn giáo và 15 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp giấy chứng nhận hoạt động, thì đến nay số tôn giáo và tổ chức tôn giáo ở Việt Nam được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp giấy chứng nhận hoạt động là 13 tôn giáo và 33 tổ chức tôn giáo. Cùng với đó, số tín đồ các tôn giáo cũng đã tăng từ 15% lên gần 30% tổng dân số cả nước. Các tôn giáo và tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong những năm qua không chỉ phát triển về số lượng tín đồ mà cả về phạm vi, quy mô các cơ sở giáo hội, cũng như số lượng các chức sắc và nhà tu hành. Hiện nay, cả nước có gần 100 ngàn chức sắc, chức việc, nhà tu hành thuộc các tôn giáo và tổ chức tôn giáo. Các cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động tôn giáo cũng phát triển vượt bậc, phù hợp với nhu cầu phát triển của từng tôn giáo và tổ chức tôn giáo. Cả nước đã có gần 300 ngàn cơ sở thờ tự và hơn 50 học viện, trường cao đẳng, trường trung cấp, hoặc các cơ sở đào tạo của các tôn giáo và tổ chức tôn giáo. Việc tu bổ, xây dựng mới các cơ sở thờ tự, đào tạo của các tôn giáo cũng như các hoạt động tôn giáo đều được thực hiện tự do theo hiến chương, điều lệ và giáo lý, giáo luật của từng tôn giáo. Điều đó khẳng định rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đối với tôn giáo và hoạt động của các tôn giáo.

Trong hoạt động của mình, các tín đồ tôn giáo hoàn toàn tự nguyện trong việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo, được tự do bày tỏ và thực hành đức tin tôn giáo của mình, đồng thời được tự do hành lễ ở trong và ngoài nước. Các chức sắc và nhà tu hành được tham gia hoạt động, học tập, đào tạo theo tiêu chí và nhu cầu của từng tôn giáo và tổ chức tôn giáo. Việc phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển được thực hiện theo quy định của từng tôn giáo. Việc in kinh sách và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo cũng được đầu tư thường xuyên, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu hoạt động của các tôn giáo. Hiện nay, các tôn giáo ở Việt Nam đã có hàng chục báo, tập san, tạp chí, tạp văn, bản tin; hàng ngàn đầu sách, ấn phẩm với số lượng in hàng triệu bản…

Nhờ có chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta, nên trong hoạt động của mình, các tôn giáo trong cả nước luôn đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, giao lưu, quan hệ tốt đẹp với các tôn giáo và tổ chức tôn giáo trên thế giới; thực sự là cầu nối gắn liền với hoạt động của các tôn giáo trên thế giới. Nhiều tổ chức tôn giáo nước ngoài đã vào giao lưu với tôn giáo ở Việt Nam, như: tháng 6-2008, đại diện Tòa thánh Va-ti-căng đã đến thăm và làm việc tại Hà Nội; Việt Nam tổ chức thành công Đại Lễ Phật Đản Liên hợp quốc (lần thứ 5) từ ngày 13 đến ngày 17-5-2008, với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu đến từ 74 quốc gia, vùng lãnh thổ; Việt Nam đã đăng cai, tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần VI vào năm 2010 tại Hà Nội... để lại niềm tin, tự hào cho tín đồ, chức sắc các tôn giáo Việt Nam.

Là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng, các tôn giáo, tổ chức tôn giáo ở Việt Nam dù có nguồn gốc bản địa hay du nhập từ nước ngoài, đều sống bình đẳng, hoà đồng, lấy mục tiêu Đạo pháp - Dân tộc làm trọng. Mỗi tôn giáo, tổ chức tôn giáo đều có tôn chỉ, mục đích của mình, song việc xây dựng đức tin tôn giáo cho các tín đồ đều gắn liền với xây dựng đạo đức, văn hoá, truyền thống và niềm tin của con người Việt Nam. Chính vì thế, đức tin tôn giáo của các tín đồ tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn với niềm tin của cả dân tộc. Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, tín đồ, chức sắc các tôn giáo cùng với nhân dân cả nước đã tham gia tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó thể hiện ngay trong giáo lý, trong đường hướng, tôn chỉ hành đạo của mỗi tôn giáo và ở ngay thực tế lời nói, việc làm của các chức sắc tôn giáo trong thuyết giảng và hành sự đạo pháp. Thực hiện tôn chỉ “Đồng hành cùng dân tộc”, với phương châm: “Tốt đời, đẹp đạo” và hành sự theo hướng: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Đạo phật đã hướng các chức sắc, tín đồ, tăng ni, phật tử thực hiện “tất cả các công trình hành đạo để chữa lành vết thương dân tộc”. Chính điều đó đã tạo nên niềm tin, động viên, khuyến khích chức sắc, tín đồ, tăng ni, phật tử làm nhiều việc tốt cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước. Công giáo, với phương châm: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”; Hội thánh Tin lành Việt Nam, với phương châm: “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”; Đạo Cao Đài, với phương châm: “Nước vinh, đạo sáng”; Đạo Bahai với tôn chỉ mục đích: “Nêu cao tinh thần đoàn kết, hoà hợp dân tộc, tôn giáo, phấn đấu vì hoà bình, phát triển kinh tế, xã hội đất nước và văn minh của nhân loại”... vừa phù hợp với đạo lý, truyền thống của dân tộc, vừa phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và xu hướng phát triển của thời đại. Những phương châm ấy đã xây dựng hình ảnh các tôn giáo như một bộ phận không thể thiếu trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong lịch sử của dân tộc Việt Nam; đồng thời, khẳng định “đồng bào các tôn giáo Việt Nam luôn sống tốt đời, đẹp đạo”. Các tôn giáo, tổ chức tôn giáo trong cả nước cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang tạo nên một hình ảnh Việt Nam hoà bình, thân thiện, mến khách, năng động và phát triển. Các hoạt động bình thường vừa “tốt đời”, vừa “đẹp đạo” của đồng bào các tôn giáo thời gian qua đã minh chứng cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và sự gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của đồng bào các tôn giáo trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam theo mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó cũng là sự phản bác mạnh mẽ đối với những luận điệu cho rằng: “ở Việt Nam không có tự do tôn giáo”, “Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo”…

Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với các cuộc đấu tranh chống xâm lược. Thắng lợi của các cuộc đấu tranh đó là thành quả của cả dân tộc Việt Nam, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Phải chịu nhiều đau thương, mất mát qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc, nhân dân Việt Nam, tín đồ các tôn giáo, tổ chức tôn giáo Việt Nam hiểu sâu sắc giá trị đích thực của độc lập, tự do. Mọi hành vi xuyên tạc, bóp méo sự thật về sự bình yên của đất nước, về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đều nhằm phá hoại khối đại đoàn kết, nền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam. Những hành vi đó đều phải lên án.

THANH DŨNG

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.