Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 07/06/2012, 15:08 (GMT+7)
Quản lý, phát huy tốt vai trò của báo điện tử, trang thông tin điện tử và mạng xã hội trước yêu cầu mới

 Ở nước ta, báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên internet những năm gần đây có bước phát triển hết sức mạnh mẽ, bộc lộ cả thế mạnh và những phức tạp, hệ lụy khó lường. Làm gì và làm như thế nào để phát huy ưu điểm, hạn chế đến mức thấp nhất mặt trái của loại hình báo chí, thông tin, phương tiện kết nối này? Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho cả xã hội, nhất là với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, văn hóa, thông tin.

alt
Báo chí tác nghiệp ở Quốc hội (Nguồn: vietnamnet.vn)

Thế giới hiện có gần 2,3 tỷ người sử dụng internet, chiếm 32,7% số dân toàn cầu (tăng khoảng 62,8% so với năm 2000). Theo một cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Pew (Mỹ), 45% số người được hỏi cho rằng, họ dựa vào internet để đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc đời. Thực tế cho thấy, internet đã trở thành kênh thông tin gần gũi, tiện lợi, bổ ích và cũng rất độc hại - tùy theo ý thức, mục đích của người dùng. Mấy năm gần đây, cùng báo chí và trang thông tin điện tử, trên internet xuất hiện các mạng xã hội và những công cụ thông tin khác. Chúng phát triển nhanh, liên kết, lan tỏa khắp toàn cầu, điển hình là: Facebook, Twitter, YouTube, Google, Yahoochat, Gmail... Riêng mạng xã hội Facebook, sau 5 năm ra đời đã có hơn 800 triệu người dùng trên toàn thế giới. Ở những nước phát triển, như: Mỹ, Cộng đồng châu Âu, một số nước châu Á, có hơn 50% số dân và gần như toàn bộ giới trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Từ cuối năm 2010 đến nay, cùng với các nhân tố, các lực lượng tạo nên những biến động chính trị, xã hội to lớn, sâu sắc ở Bắc Phi, Trung Đông đều có sự tham gia (hoặc chủ động, hoặc bị động) của các công cụ truyền thông trên internet. Những người tham gia cuộc bạo động đường phố ở Anh (tháng 8-2011), hay những cuộc xuống đường "chiếm phố Wall" ở Mỹ và nhiều nước khác (tháng 10, tháng 11 sau đó), các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử ở Nga (tháng 12-2011) và phản đối ông Pu-tin trở lại Điện Kremli (tháng 4-2012)... đều sử dụng "vũ khí" lợi hại Facebook, Twitter, mạng xã hội, điện thoại di động. 

Đài BBC, trong bài viết với tựa đề “Cách mạng Iran - Thiên An Môn - Ai Cập” (tháng 02-2011) đã nêu ra phương thức để tạo nên những đám đông là: kích động quần chúng xuống đường; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn; sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội, báo chí, truyền thông để kích động, liên kết trong ngoài. Một số người đứng đầu Chính phủ Anh, các nước phương Tây từng lớn tiếng hô hào “tự do cho internet”, phê phán nước này, nước kia là “kẻ thù của internet”, nhưng khi mặt trái của các phương tiện truyền thông này gây hậu quả ở chính nước họ, đã phải thốt lên: internet, Facebook, Twitter là “công cụ của bạo loạn”. Nhiều người phong cho internet, các trang mạng xã hội là “quyền lực thứ 5”, sau 4 “quyền lực” đã được thế giới phương Tây “công nhận”: quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp và báo chí. “Quyền lực thứ 5” này đã trở thành một sức mạnh to lớn, vượt lên trên, ra bên ngoài các biện pháp quản lý hành chính hay kỹ thuật của một quốc gia cụ thể. Điều đáng quan tâm là, cái gọi là quyền lực ấy không chia đều cho các nước mà tập trung vào một số nước lớn, thậm chí vài ba nước “cực lớn”. Theo một số liệu thống kê đáng tin cậy, tổng lượng truy cập internet trên toàn cầu tập trung vào khoảng 150 công ty, chủ yếu xuất phát từ Mỹ, do Google, Yahoo, Facebook, Twitter cầm đầu.

Trước khi “cách mạng hoa nhài” nổ ra và nhanh chóng bùng phát ở Bắc Phi, Trung Đông; bạo loạn đường phố ở Anh; phong trào "chiếm phố Wall" ở Mỹ và nhiều nước phương Tây bùng nổ...  ít ai nghĩ báo chí điện tử, Facebook, Twiter, các trang mạng xã hội, các công cụ cung cấp nội dung trên internet lại ảnh hưởng sâu sắc, nghiêm trọng đến an ninh, trật tự đến như vậy. Một câu hỏi đặt ra là, phải làm gì và làm như thế nào với mặt trái của báo chí điện tử, các trang mạng xã hội, trang tin điện tử?

Với bản chất “không biên giới”, bên cạnh lợi thế gần như vô biên, thì những mặt trái, tiêu cực của internet cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý. Một số quốc gia đã dựng lên các “biên giới ảo” trên nền internet để kiểm soát “lãnh thổ” của mình. Chính sách quản lý internet của Trung Quốc - nơi có gần 460 triệu người sử dụng, có thể là một sự tham khảo cần thiết. Nước này phát triển internet, mạng xã hội, báo chí điện tử nội địa nhằm nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh của người dân, chiếm lĩnh thị trường trong nước, tiến mạnh và cạnh tranh với bên ngoài. Họ chủ trương lập những “tường lửa”, thậm chí ngăn chặn toàn bộ các mạng xã hội bên ngoài nếu xét thấy nguy hại cho công chúng trong nước. Họ sử dụng “quyền lực thứ 5” này để bảo vệ và xây dựng đất nước, mà không giao nó vào tay các mạng nước ngoài. Tại Nga, mạng xã hội chủ yếu là của các công ty trong nước; Chính phủ Nga tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội từ nước ngoài. Khi đề cập đến tình hình Bắc Phi, Trung Đông, ông Andrei Grozin, Vụ trưởng Vụ châu Á của Viện nghiên cứu các nước Trung Á của Nga nhận xét: ai cũng thấy rõ ràng là mô hình thay đổi chế độ ở đây đã được lập ra theo phiên bản hiện đại hóa “cách mạng màu”, một thời từng được áp dụng trong không gian hậu Xô viết. Giờ đây, dường như nó lại được lặp lại với sự trợ giúp của các công nghệ mới. Bê-la-rút cũng tăng cường kiểm soát thông tin trên các trang mạng xã hội. Các quốc gia khác, như: Pakixtan, Iran, Syria, Triều Tiên, Banglađet, Các tiểu vương Quốc Ả Rập thống nhất, Myanmar… đã chặn các trang mạng xã hội nước ngoài Facebook, Flickr, Twitter…; đồng thời, có chính sách và giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát thông tin trên các trang mạng xã hội. Ngay chính quyền Mỹ, một mặt, lên tiếng chỉ trích, xuyên tạc Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Iran, Myanmar, Syria… “vi phạm tự do internet”, nhưng họ lại giao cho Cơ quan tình báo Trung ương (CIA) thành lập trung tâm chuyên tìm hiểu tất cả các động thái trên các trang mạng xã hội của người dùng khắp thế giới. Chính quyền Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho các trang mạng xã hội bằng các thứ tiếng, như: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ (sau khi đã thực hiện rất hiệu quả các trang mạng xã hội này bằng tiếng A-rập, Farsi); đồng thời, chi ít nhất 30 triệu USD trong năm 2011 để “bảo vệ” các blogger đang bị ngăn cản và “cải thiện môi trường pháp lý” cho hoạt động truyền thông. Mặt khác, chính quyền Mỹ kiên quyết ngăn cản việc bán Yahoo cho Công ty Thương mại điện tử Trung Quốc, đến mức ông Jack Ma (Chủ tịch Công ty) phải thốt lên: “Vấn đề là những thương lượng của chúng tôi đang được dẫn giải từ chuyện kinh tế sang chuyện chính trị”. Hóa ra, người Mỹ cũng không thể “vô tư”, không thể trao quyền “tự do” cho Yahoo, cho internet, coi việc nắm Yahoo cũng là chuyện chính trị. Gần đây, chính quyền Mỹ cho phép có thể tấn công quân sự để trả đũa một cuộc tấn công trên mạng. Ngay thời điểm này, các nghị sĩ Mỹ đang tranh cãi về một dự luật internet mà Tổng thống Mỹ rất muốn ban hành. Dù kiểm soát hay cổ xúy cho “tự do internet”, thì chính quyền các nước ngày càng nhận rõ sức mạnh to lớn của internet thông qua các báo điện tử, Facebook, Twiter, các trang mạng xã hội..; thông qua các doanh nghiệp, họ đang cố kiểm soát, nắm giữ quyền lực vô biên này. Ngày càng có nhiều quốc gia ban hành những đạo luật chế tài, can thiệp sâu và mạnh hơn vào internet.

Theo Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC), tính đến đầu năm 2012, cả nước có trên 30,6 triệu người sử dụng internet, tương ứng với 35,11% dân số và dự báo trong 3 năm tới, số người sử dụng internet là khoảng 40 - 45 triệu người, tương ứng với 50% dân số, đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á (Singapore: 75%, Malaysia: trên 62%, Brunei: trên 55%). Chỉ tính trong vòng 10 năm (2001 – 2011), số lượng người sử dụng internet ở nước ta tăng trung bình mỗi năm 12%.

Hiện nay, cả nước có trên 60 báo điện tử, gần 200 trang tin của cơ quan báo chí và trên 280 trang thông tin điện tử tổng hợp; 63/63 tỉnh, thành phố, 22/22 bộ, ngành đã có cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử; gần 20 nhà đăng ký tên miền Việt Nam, trên 100 nhà đăng ký tên miền quốc tế và hơn 25 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ hosting tại Việt Nam. Con số thống kê nêu trên cho thấy, tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam là khá tốt và có kết quả rất đáng khích lệ, góp phần tích cực nâng cao dân trí, đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu xây dựng đất nước “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Người dùng internet ở nước ta nhìn chung có trình độ học vấn tương đối khá; phần lớn là học sinh, sinh viên, trí thức, công chức, viên chức. Đối với họ, ngoài nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin bổ ích qua các báo, tạp chí và trang thông tin điện tử chính thống, còn truy cập vào các tờ báo điện tử và các trang mạng xã hội, các trang web nước ngoài, các blog, diễn đàn, Youtube (kênh video trực tuyến)... Với báo chí điện tử trong nước, bên cạnh thế mạnh và ưu điểm cơ bản, một số báo và trang thông tin điện tử của ta còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ. Cùng với những báo, tạp chí điện tử đã được cấp phép đúng luật, xuất hiện nhiều website không phải là cơ quan báo chí nhưng hoạt động và đăng tải thông tin như một cơ quan báo chí, vi phạm Luật Báo chí và các quy định pháp luật khác.

 Ở bên ngoài, lợi dụng internet, các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng hoạt động chống đối, xâm phạm an ninh quốc gia Việt Nam với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng xây dựng các trang web, đặt máy chủ ở ngoài Việt Nam; đăng tải thông tin, luận điệu sai trái, kích động chống phá ta. Từ giữa 2009 đến nay, chúng tập trung vào hoạt động tuyên truyền phá hoại Đại hội XI của Đảng; xuyên tạc Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội XI; bôi nhọ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới, kích động một số người dân biểu tình vì lý do “bảo vệ chủ quyền biển đảo’’, vụ “40 Nhà Chung”, vụ “Tiên Lãng”, vụ “Văn Giang”... nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Ngoài những trang web, blog, diễn đàn có nội dung phản động được hosting ở nước ngoài, thời gian gần đây, xuất hiện một số trang web sử dụng tên miền Việt Nam (tên miền .vn) hoặc tên miền quốc tế nhưng được hosting tại Việt Nam đăng tải tài liệu, truyện, tranh, ảnh, video clip có nội dung độc hại, đồi trụy, bạo lực, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Nhận rõ mặt mạnh, tích cực và mặt trái của internet, của báo chí điện tử, sau 8 năm Việt Nam nối mạng internet, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ra Chỉ thị 52-CT/TW, ngày 22-7-2005 “Về  phát triển và quản lý báo chí điện tử ở nước ta hiện nay”. Trong đó nhấn mạnh: “Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tác động của mạng thông tin toàn cầu và các báo điện tử đến sản xuất và đời sống xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, quản lý của các cơ quan nhà nước đối với báo điện tử; xây dựng các tờ báo điện tử ở nước ta có kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đúng đắn, chân thực, phong phú về nội dung, sắc bén về tính định hướng, tính chiến đấu, có tính văn hóa, tính nghiệp vụ cao; thực sự là vũ khí chính trị tư tưởng quan trọng, sắc bén của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể; phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo điện tử ở nước ta phải được phát triển nhanh, vững chắc, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể về kinh tế, kỹ thuật, con người, năng lực quản lý; bảo đảm an ninh, an toàn, kết hợp hài hoà với việc phát triển các loại hình báo chí và các phương tiện thông tin khác”. Đồng thời, Chỉ thị cũng xác định các cấp phải: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thanh niên, thiếu niên về vị trí, tầm quan trọng và tính hai mặt của internet và báo điện tử để khai thác, sử dụng có hiệu quả mặt tích cực, đồng thời phòng ngừa, hạn chế mặt tiêu cực. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với báo điện tử và các mạng thông tin điện tử. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách phát triển, quản lý báo điện tử và mạng internet. Nâng cao năng lực quản lý báo điện tử của các cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Phân định rõ báo điện tử và trang tin điện tử, chấn chỉnh tình trạng các trang thông tin điện tử hoạt động như một tờ báo điện tử. Kiên quyết khắc phục hoạt động dịch vụ internet trái phép, ngăn chặn các trang điện tử phản động, đồi trụy, xâm phạm đời tư, làm tha hóa đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục; phòng chống các hoạt động lừa đảo, phá hoại kinh tế trên mạng thông tin điện tử”. Theo đó, Chính phủ đã xây dựng và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, như: Nghị định số 97/2008/NĐ-CP, ngày 28-8-2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet; Nghị định số 28/2009/NĐ-CP, ngày 20-3-2009 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet; Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT, ngày 18-12-2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta chưa kiểm soát có hiệu quả các sản phẩm, website của doanh nghiệp nội dung số nước ngoài tại Việt Nam. Thực trạng này không thể tiếp tục diễn ra, vì các sản phẩm - dù có nguồn gốc từ bất kỳ quốc gia nào, khi phát hành ở Việt Nam không thể không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, ở góc độ văn hóa, tư tưởng, điều này đã tạo ra những khoảng trống để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, phá hoại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tư tưởng, văn hóa của ta, tác động xấu đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ.

Việc sử dụng các trang mạng xã hội, báo chí, các loại hình thông tin khác trên internet là một xu thế không thể phủ nhận. Hiện nay, các phương tiện truyền thông trên internet tại Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn ở nhiều góc độ đối với nhiều lực lượng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Điều đáng lo ngại là, càng ngày, phía nước ngoài càng gia tăng chi phối, tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực này.

Chúng ta không ngăn cấm mạng internet; số lượng người truy cập và tốc độ tăng trưởng hằng năm đã minh chứng cho điều đó. Song, chúng ta cần phải xử lý kiên quyết một số trang mạng xã hội, một số website, blog vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Để làm được điều đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là các quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh internet, viễn thông, báo chí, phát thanh, truyền hình tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, nhất là báo chí điện tử, trang tin điện tử và trang mạng xã hội trên internet; quản lý tốt hơn việc xã hội hóa sản xuất hoặc liên kết sản xuất, truyền dẫn, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ công nghệ thông tin, tạo ra những “đơn vị tiên phong” đủ mạnh để cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường. Cần có biện pháp và hành động kiên quyết nhằm giảm tối đa tác động tiêu cực của internet đối với đời sống xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng internet, trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử có tên miền Việt Nam hoặc tên miền quốc tế nhưng thuê máy chủ (hosting) trong nước để đăng tải tài liệu, truyện, tranh, phim, ảnh có nội dung xấu, chống đối chế độ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc. Việc ngăn chặn tác động xấu và yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài có sản phẩm nói trên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định luật pháp Việt Nam đòi hỏi phải tiến hành cả giải pháp quản lý và giải pháp kỹ thuật một cách nghiêm túc. Các doanh nghiệp trong nước truyền dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp sản phẩm nội dung trên internet nếu vi phạm pháp luật phải có chế tài xử phạt thích đáng.

Tác động đến văn hóa - tư tưởng là sự tác động sâu sắc nhất đến thế hệ trẻ và có tính chất sống còn đối với vận mệnh quốc gia. Đã có nhiều quốc gia mất đi sự tự chủ, thậm chí là độc lập, tự do dân tộc khi để vũ khí tư tưởng tuột dần vào tay các thế lực thù địch. Hơn bao giờ hết, từ những bài học trên thế giới và trong nước, yêu cầu chúng ta cần phải hành động ngay, nhanh chóng và quyết liệt để tăng cường quản lý, phát huy tốt vai trò của báo chí điện tử, trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

TS. NGUYỄN THẾ KỶ

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.