Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Sáu, 20/01/2012, 06:35 (GMT+7)
Một số vấn đề đáng chú ý trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch

Để góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch, chúng ta cần vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn của chúng.

 

Hiện nay, chúng đang ra sức lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” để xuyên tạc, vu cáo và gây sức ép nhằm chuyển hóa chế độ chính trị của Việt Nam. Thực tế cho thấy, có những nhân vật, tổ chức thường xuyên tán phát tài liệu, tổ chức hội thảo, điều trần; cho ra những cái gọi là “Nghị quyết”, “Báo cáo”... để xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam; vu cáo Việt Nam “thiếu dân chủ, vi phạm nhân quyền, không có tự do tôn giáo, đối xử không công bằng với người dân tộc thiểu số”; kêu gọi Tổng thống và Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC); yêu cầu Việt Nam cải cách chính trị và luật pháp để bảo đảm quyền tự do tôn giáo, chấm dứt kiểm duyệt in-tơ-nét, trả tự do cho “các nhà đấu tranh dân chủ ôn hòa” và xóa bỏ các Điều 79, 84, 88 trong Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Những hành động đó đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, nhằm hướng xã hội Việt Nam theo kiểu phương Tây.

Cùng với đó, lợi dụng những vấn đề phức tạp, bức xúc xã hội, chúng ra sức kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; tìm cách tạo sự đối lập giữa Đảng với nhân dân; làm suy yếu, tiến tới làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội Việt Nam.

Lợi dụng việc Đảng và Nhà nước lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào đường lối và các chủ trương, chính sách phát triển đất nước, các thế lực thù địch tìm mọi cách tác động, nhằm lái nền kinh tế Việt Nam chệch định hướng XHCN. Thông qua các cuộc “hội thảo”, “viết tài liệu góp ý cho Đảng, Nhà nước Việt Nam”, chúng cho rằng mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN là lạc hậu và “khuyên”  Việt Nam nên đi theo mô hình của các nước phương Tây(!) Lợi dụng những khó khăn của kinh tế Việt Nam, một số tổ chức tài chính và hãng thông tấn nước ngoài đồng loạt công bố báo cáo đánh giá tiêu cực và cho rằng, việc “xây dựng nền kinh tế tự do hơn là cần thiết và là giải pháp tốt nhất cho Việt Nam hiện nay”. Để phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, họ quy chụp: “Sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là do các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn kém hiệu quả”... rồi đưa ra khuyến nghị rằng: “Mô hình doanh nghiệp nhà nước không còn phù hợp. Muốn cải tổ thể chế kinh tế thì phải cắt bỏ những “khối u nhọt” này!

Một trong những thủ đoạn thâm độc của chúng là thông qua các cơ quan đại diện, các chương trình, các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động ở Việt Nam đểxâm nhập, tác động, chuyển hoá tư tưởng, lối sống của các thế hệ người Việt Nam, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên. Bằng nhiều hướng, nhiều kênh, dưới nhiều hình thức và cấp độ khác nhau, một số tổ chức nước ngoài đã triển khai các chương trình, dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là về giáo dục - đào tạo và truyền thông ở Việt Nam. Các chương trình, dự án này chú trọng vào việc “cải thiện nhân quyền”, tác động làm thay đổi tư tưởng và nhận thức của người dân Việt Nam. Ý đồ sâu xa của họ là truyền bá quan điểm, tư tưởng, lối sống phương Tây, làm cho các thế hệ người Việt Nam hướng theo các giá trị của CNTB.

Chúng cũng ra sức hỗ trợ, tiếp tay cho lực lượng phản động, chống đối chính trị tiến hành các hoạt động chống phá. Một số thế lực bên ngoài ngấm ngầm hỗ trợ, chỉ đạo bọn phản động người Việt ở trong nước và ngoài nước củng cố tổ chức, thành lập các đảng phái chính trị để tập hợp lực lượng chống phá cách mạng. Họ tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với đại diện các tổ chức phản động trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài để nghe thuyết trình về những hoạt động nhằm thúc đẩy “dân chủ hoá Việt Nam”; tìm mọi cách gặp gỡ, tiếp xúc với các phần tử “cấp tiến” trong nước để khảo sát tình hình, thực chất là phát đi thông điệp về sự hậu thuẫn cho số này tăng cường chống phá CNXH. Ngoài ra, mỗi khi cơ quan chức năng Việt Nambắt giữ các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, một số tổ chức nước ngoài thường có hành động can thiệp và nhiều hãng truyền thông phương Tây đồng loạt đăng tải các bài viết xuyên tạc tình hình Việt Nam, vu cáo Việt Nam “trấn áp những người bất đồng chính kiến”, kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép, đòi Việt Nam trả tự do cho các đối tượng chống đối. Trên thực tế, được các thế lực thù địch hậu thuẫn, các phần tử phản động, cực đoan người Việt ở trong và ngoài nước tăng cường củng cố tổ chức, lôi kéo, phối hợp lực lượng và thực hiện nhiều kế hoạch chống phá Việt Nam. Tại Úc, nhóm phản động trong cộng đồng người Việt cho ra mắt tổ chức mang tên Lực lượng dân tộc cứu nguy Tổ quốc và bàn kế hoạch thành lập y ban cố vấn pháp lýQuỹ pháp lý nhằm hỗ trợ lực lượng dân chủ trong nước đấu tranh giải thể “chế độ độc quyền, độc đảng” tại Việt Nam… Ở trong nước, chúng vận động thành lập Hội Ái hữu công nhân Việt Nam, Hội Trí thức yêu nước xây dựng xã hội nhằm hình thành những lực lượng đối lập…

Hiện nay, chúng đang tìm cách kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng để đấu tranh đòi sửa đổi Hiến pháp theo hướng xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 1992. Chúng xác định rõ ba mục tiêu chống phá. Thứ nhất, làm cho Đảng phải từ bỏ con đường đi lên CNXH; thừa nhận và bảo đảm quyền tư hữu cá nhân về đất đai của người dân; thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Thứ hai,biến”  Quân đội thành một đội quân phi đảng phái, không còn trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam. Thứ ba, đưa lực lượng “dân chủ” hoặc những người có tư tưởng ủng hộ “dân chủ” vào các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp để chống phá từ bên trong. Chúng triệt để lợi dụng dịp Đại hội XI, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp, vấn đề Biển Đông, tham nhũng,... để kích động chia rẽ nội bộ, chia rẽ Đảng với nhân dân; ngấm ngầm mua chuộc, lôi kéo các phần tử cơ hội, bất mãn để xây dựng lực lượng chống phá từ bên trong, nhằm làm tê liệt hệ thống chính trị XHCN ở Việt Nam. Các phần tử cực đoan trong các tôn giáo, dân tộc tiếp tục lợi dụng những vấn đề, như: tranh chấp đất đai; tự do tín ngưỡng; lịch sử, tâm lý dân tộc... để kích động quần chúng chống chính quyền, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Chúng cũng ra sức kích động chia rẽ giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số, lôi kéo quần chúng, nhất là lực lượng thanh niên tham gia các tổ chức bất hợp pháp như “Ban hành động phục hồi Nhà nước Đề-ga”; kêu gọi thành lập Hội thánh Tin lành của người dân tộc. Trên hướng Tây Nam Bộ, họ ra sức lợi dụng vấn đề lịch sử, đặc điểm tâm lý dân tộc; vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”; những khó khăn về kinh tế - xã hội để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kích động tư tưởng “ly khai”, “tự trị”, đòi thành lập Nhà nước Khơ-me Crôm tự trị, v.v.

Trong những năm tới, các thế lực thù địch sẽ tăng cường lợi dụng việc nước ta tăng cường hội nhập quốc tế để chống phá. Bọn phản động, chống đối trong nước sẽ phối hợp với các thế lực bên ngoài tiếp tục tập hợp lực lượng và kích động tư tưởng chống đối nhằm gây phức tạp tình hình, tạo cớ cho nước ngoài can thiệp. Đặc biệt, chúng sẽ triệt để lợi dụng việc Đảng ta tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị và tái cơ cấu nền kinh tế để đấu tranh mở đường cho “xã hội dân sự”, thực hiện đa nguyên chính trị ở Việt Nam và lái nền kinh tế Việt Nam chệch hướng XHCN.

Để làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, cần tỉnh táo nhận rõ bộ mặt thật của chúng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đấu tranh, trong đó chú trọng vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng và Nhà nước ta của các thế lực thù địch; thấy rõ diễn biến hòa bình thực sự là một trong những nguy cơ lớn có ảnh hưởng đến sự sống còn của chế độ XHCN, đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự ổn định chính trị của đất nước; từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực đấu tranh, không bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong từng con người, từng tổ chức.

Hai là, tích cực xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội; chủ động triển khai các biện pháp, lực lượng nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, làm thất bại ý đồ xâm nhập, móc nối chống phá dưới mọi hình thức của bọn phản động ở trong và ngoài nước; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; vạch trần những thủ đoạn kích động chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ba là, nhanh chóng triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo định hướng XHCN, nêu cao tính độc lập, tự chủ, nhằm tạo sức mạnh nội lực và nâng cao đời sống của nhân dân; qua đó, nâng cao uy tín của Đảng đối với xã hội.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, giải quyết tốt những vấn đề bất cập, bức xúc xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng để kích động quần chúng đối đầu với chính quyền; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm, đúng pháp luật với những tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam.

Năm là, tăng cường công tác đối ngoại, tích cực, chủ động đấu tranh trên mặt trận ngoại giao đối với những hoạt động can thiệp, lợi dụng các vấn đề kinh tế, dân chủ, nhân quyền... để chống phá Việt Nam; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế đối với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đại tá, ThS. ĐỖ ĐỨC ĐIỂN

Viện B.70

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.