Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 16/06/2016, 18:29 (GMT+7)
Họ lại “bịt mắt, nói bừa”

Ngày 20-4-2016, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) công bố cái gọi là “Bản Phúc trình thường niên 2016” xếp hạng tự do báo chí của 180 nước; trong đó, vẫn duy trì cái nhìn sai lệch về tình hình báo chí ở Việt Nam.

Thông báo Bản Phúc trình, ông Benjamin Ismail - người chuyên trách khu vực châu Á của RSF - nói bừa rằng: “Lĩnh vực tự do thông tin và tự do báo chí của Việt Nam sa sút đáng kể; những hành động bắt giữ, sách nhiễu bloggers và các nhà báo công dân tiếp tục xảy ra, điển hình như vụ việc Nguyễn Hữu Vinh tức blogger Anh Ba Sàm và trường hợp luật sư Nguyễn Văn Đài”!. Còn trong Bản Phúc trình 2016, RSF cho rằng: ở Việt Nam, “các blogger và nhà báo công dân, những nguồn thông tin độc lập tại một quốc gia mà báo chí hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản, là đối tượng của một chủ trương đàn áp rất khắc nghiệt. Bạo lực công an trị nhắm vào các nhà báo diễn ra thường xuyên, nhân danh Nghị định 72, điều luật nhằm giới hạn việc sử dụng in-tơ-nét”.

Cần khẳng định ngay rằng, những thông tin mà Bản phúc trình 2016 của RSF và của ông Benjamin Ismail đưa ra là không khách quan, không đúng thực tế; chỉ là hành động “Bịt mắt, nói bừa” về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam.

Trước hết, sự thật về tự do báo chí ở Việt Nam trái ngược hẳn với những gì mà RSF đưa ra. Sự phát triển nhanh của các phương tiện thông tin đại chúng và  in-tơ-nét cho thấy: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam đã có bước cải thiện rất đáng kể trong những năm qua. Số lượng các cơ quan báo chí đã tăng thêm 71 cơ quan trong giai đoạn 2011 - 2015. Hiện nay, cả nước có 857 cơ quan báo chí, với trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ (tăng 1.500 người so với năm 2011). Số cơ quan báo chí điện tử cũng tăng thêm 44 cơ quan. Đến nay, cả nước có 105 báo, tạp chí điện tử, 248 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép. Người dân Việt Nam được tiếp cận 258 kênh phát thanh, truyền hình; trong đó, có nhiều kênh truyền hình nước ngoài, như: TV5, HBO, CNN International, BBC World News, BBC Lifstyle, NHK World, Chanel V, Arirang, Starmovies, Cartool Netwoork, Cinemax, FoxSports, Discoveri, v.v. Báo chí ở Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong phản biện các chủ trương, chính sách của các cấp chính quyền, nhất là trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Điều 2 của Luật Báo chí (sửa đổi năm 1999, còn hiệu lực đến 01-01-2017) đã ghi rõ: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”. Luật Báo chí (sửa đổi 2016) được Quốc hội khóa XIII thảo luận trong năm 2015 và thông qua tháng 4-2016 cũng theo định hướng đó; đồng thời, dành hẳn Chương II quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; mở rộng đối tượng được thành lập tạp chí khoa học so với trước, bao gồm cả các cơ sở giáo dục, tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ người dân sử dụng in-tơ-nét cũng tăng lên đáng kể. Nếu tháng 12-2013 chỉ có 34% dân số, thì đến tháng 12 năm 2015 đã có 52% dân số sử dụng, cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á (38,8%) và của thế giới (45%), đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 6 tại châu Á. Việc báo chí được tham gia giám sát công tác kiểm phiếu kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; cũng như việc phát sóng truyền hình trực tiếp buổi thuyết trình của Tổng thống B. Ô-ba-ma tại Trung tâm Hội nghị quốc gia trưa ngày 24 - 5 trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua là những bằng chứng sinh động nói lên quyền tự do báo chí ở Việt Nam đang được đảm bảo tốt.

Sự phát triển nói trên của báo chí và in-tơ-nét ở Việt Nam cho thấy: nhận định của ông Benjamin Ismail về “Lĩnh vực tự do thông tin và tự do báo chí của Việt Nam sa sút đáng kể” và sự quy kết của RSF về Nghị định 72/NĐ-CP “nhằm giới hạn việc sử dụng in-tơ-nét ” là hoàn toàn không có cơ sở. Cần phải nhắc lại rằng, Nghị định 72 cũng để bảo đảm cho người dân được tự do, an toàn hơn khi sử dụng in-tơ-nét . Đó là việc làm phù hợp với xu thế chung mà chính phủ nước nào cũng thực hiện. Chẳng hạn, năm 2014, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ban hành Luật kiểm soát in-tơ-nét với một số quy định, như: “Các nhà cung cấp dịch vụ buộc phải lưu trữ tối thiểu 2 năm tất cả dữ liệu của người dùng và có trách nhiệm cung cấp cho an ninh nếu cần thiết”; “Cơ quan an ninh có quyền chặn bất cứ trang web nào mà không cần phải nhờ tới phán quyết của tòa án”. Trước làn sóng phản đối của cư dân mạng, Thủ tướng nước này, ông Erdogan đã nói rằng: “Chúng ta chỉ đặt ra điều luật mà bất cứ đất nước công nghiệp nào cũng đều làm. Bạn hãy sang các nước khác ở khắp châu Âu mà xem, bạn sẽ tìm thấy những bộ luật đúng như vậy. Hay bạn sang Mỹ mà xem, bên đó cũng vậy thôi, luật của nước Mỹ không có gì khác so với của Thổ Nhĩ Kỳ"1. Đúng vậy, ở Pháp, Luật tự do báo chí năm 1881 (được coi là bộ luật gốc điều chỉnh các hành vi bày tỏ ngôn luận của công dân) cũng đưa ra các giới hạn, chế tài trừng phạt nghiêm khắc người nào lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Việc bày tỏ quan điểm trên in-tơ-nét cũng chịu sự điều chỉnh của Luật này. Án lệ của nước Pháp đã đưa ra rất nhiều vụ việc lạm dụng in-tơ-nét để vu khống, nói xấu, bôi nhọ người khác. Chẳng hạn vào năm 2013, Tòa hình sự Pa-ri đã ra phán quyết xử phạt 500 ơ-rô và phạt án treo đối với một nhân viên trực tổng đài vùng Caen vì đã viết trên facebook của mình: “một ngày chết tiệt, công việc chết tiệt, văn phòng chết tiệt, sếp chết tiệt”. Tòa nhận định: “việc phát ngôn một cách xúc phạm đã vượt quá giới hạn của một sự chỉ trích thông thường”. Công tố viên Tòa phúc thẩm Versailles cũng đồng tình với phán quyết đó, khi khẳng định “Facebook là một không gian công cộng và việc tự do ngôn luận phải bị giới hạn”2.

          Thứ hai, cũng như mọi quốc gia trên thế giới, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam là một quyền có giới hạn. Những quy định hạn chế quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong luật pháp Việt Nam đối với một số trường hợp là hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và Công ước Nhân quyền châu Âu (có hiệu lực từ 03-9-1953). Khoản 3 Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Khoản 2 Điều 10 của Công ước Nhân quyền châu Âu đều quy định những giới hạn nhất định đối với quyền tự do ngôn luận, nhằm bảo đảm các quyền hợp pháp và chính đáng, uy tín, danh dự của người khác; cũng như nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn công cộng, sức khỏe cộng đồng và đạo đức của xã hội. Những trường hợp mà RSF gọi là “các bloggers có tiếng nói đối lập bị đàn áp” như: Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Đài…, thì thực chất, họ là những người đã vi phạm khoản 3 Điều 19 và khoản 2 Điều 10 mà các công ước nói trên quy định.

Đối với Nguyễn Văn Đài, ngay sau khi chấp hành xong bản án 4 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Đài tiếp tục nhận sự chỉ đạo của tổ chức khủng bố Việt Tân để thành lập các tổ chức đối lập và trực tiếp điều hành hoặc đóng vai trò là thành viên chủ chốt, như: “Trung tâm nhân quyền Việt Nam”, “Công đoàn độc lập”, “Liên minh dân chủ nhân quyền Việt Nam”, “Hội Cựu tù nhân lương tâm”, v.v. Các hội, nhóm này thường xuyên tổ chức tán phát tài liệu xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền ở nước ta trên các trang web, blog, facebook với các tin, bài viết tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước. Âm mưu của Đài và các “cộng sự” là tập hợp lực lượng, hình thành, công khai hóa các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam; kích động người dân xuống đường biểu tình, phá rối an ninh, thực hiện “cách mạng đường phố”. Nguyễn Văn Đài còn thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, huấn luyện cách thức “đấu tranh bất bạo động” tại nhà thờ Thái Hà, Cát Bà và nhiều địa phương khác, cũng như trên in-tơ-nét. Đầu tháng 12-2015, được sự chỉ đạo từ tổ chức Việt Tân, Đài đã cùng một số đồng bọn vào Nam Đàn, Nghệ An để tổ chức rao giảng về nhân quyền, nhưng thực chất là tuyên truyền các quan điểm chống Đảng, Nhà nước, lôi kéo người tham gia vào các hoạt động chống đối. Nguyễn Văn Đài còn thường xuyên trả lời phỏng vấn, cung cấp tài liệu cho các đài báo nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam, như: BBC, RFA,… để xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam; qua đó, vu khống, bịa đặt, kích động lớp trẻ nổi loạn, hướng dẫn mọi người tham gia đảng phái đối lập để “đứng lên giành chính quyền”!. Hành vi của Nguyễn Văn Đài đã xâm phạm đến sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong xã hội, đe dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Đài bị bắt giữ và khởi tố về tội “Tuyên tuyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa  Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn phù hợp.

Còn đối với Nguyễn Hữu Vinh, theo Kết luận của cơ quan điều tra: tháng 9-2013 và tháng 01-2014, Nguyễn Hữu Vinh đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận để cùng Nguyễn Thị Minh Thúy đăng 24 bài viết trên hai blog: diendanxahoidansu.wordpress.com và chepsuviet.wordpress.com có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức; gây hoang mang lo lắng trong xã hội, ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hai blog này đã lôi kéo nhiều người comment với nội dung tiêu cực. Hành vi nêu trên của Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Minh Thúy đã phạm vào tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân như Khoản 2 Điều 258 Bộ luật Hình sự quy định, nên bị bắt giữ và xử lý là hoàn toàn chính xác. Vì vậy, cả Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Hữu Vinh bị bắt giữ, xử lý là do họ vi phạm pháp luật, chứ không phải là họ làm báo như RSF cố tình lừa dối dư luận.

          Thứ ba, Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Văn Đài không phải là nhà báo, nên không phải là đối tượng mà Bản Phúc trình phải quan tâm. Điều đó cho thấy, RSF đang can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, không thực hiện theo đúng tôn chỉ, mục đích của chính Tổ chức này xác định là nhằm bảo vệ các nhà báo trên thế giới. Phải chăng, bất kể người viết blog nào có tiếng nói chống đối chính phủ sở tại, gây nguy hại cho an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nước sở tại cũng được RSF phong tặng danh phận là “nhà báo công dân” ?. Chẳng lẽ, RSF không biết hay cố tình không biết Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Văn Đài không làm việc trong một cơ quan báo chí Việt Nam nào cả; cũng không được Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam cấp thẻ nhà báo, như Luật Báo chí của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định, nên cố tình ghép cho họ cái danh phận “nhà báo công dân” để dễ bề ủng hộ?.

Thứ tư, RSF và ông Benjamin Ismail đã bộc lộ rõ ý đồ xấu đối với Việt Nam khi lồng vào Bản Phúc trình cả những vấn đề không liên quan gì đến báo chí và nhà báo. Thông báo về nội dung Bản Phúc trình tự do báo chí 2016, ông Benjamin Ismail nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục lưu ý chính giới Hoa Kỳ rằng nếu họ muốn Việt Nam trở thành đối tác TPP thì Mỹ nên thúc đẩy Hà Nội cải thiện nhân quyền trong đó có quyền tự do thông tin và tự do báo chí. Phải có tự do, đặc biệt tự do báo chí, Việt Nam mới có thể gia nhập TPP như cả Washington và Hà Nội mong muốn”. Ô hay, ông Benjamin Ismail không hiểu rằng, nhu cầu gia nhập TPP là của tất cả các nước tham gia TPP; trong đó có cả Hoa Kỳ chứ đâu chỉ là nhu cầu của Việt Nam. Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ nhân chuyến thăm của Tổng thống B. Ô-ba-ma ngày 23-5-2016 đã nêu rõ: “Cả hai đều thấy rằng Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương có vai trò quan trọng, góp phần tăng cao đầu tư và thương mại giữa hai nước, gia tăng phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm”. Trong các buổi làm việc với lãnh đạo Việt Nam và trong buổi họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, vị Tổng thống này nhiều lần khẳng định: “chúng ta cùng nhau thúc đẩy TPP”. Do vậy, vấn đề tự do báo chí đâu có vị trí trong nội dung TPP mà ông Benjamin Ismail đe dọa. 

Những cái nhìn thiếu thiện chí, nhận xét sai lệch về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam của RSF không có gì lạ; bởi về thực chất, RSF chỉ là “cái loa”, hay “cánh tay” nối dài của những thế lực thù địch đối với Nhà nước Việt Nam hiện nay. Do RSF là tổ chức nhận tài trợ nhiều từ nhà tỷ phú Mỹ George Soros và từ Quỹ quốc gia Hỗ trợ dân chủ - tổ chức mà 90% ngân sách có nguồn gốc từ ngân sách quốc gia Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Mỹ - nên RSF chẳng bao giờ khách quan. Nhiều người đã cáo buộc Tổ chức này không khách quan “khi tường trình về việc phân biệt đối xử nhà báo một cách có chọn lọc trước từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; bỏ qua tất cả các tường trình về những hoạt động chống lại nhà báo trong những nước đồng minh của Hoa Kỳ hay chính trong Hoa Kỳ”. Thierry Meyssan - Chủ tịch Nhật báo Pa-ri và nhà báo Red Voltaire đã tố cáo RSF câu kết với “Trung tâm báo chí vì Cu-ba tự do - CFF” (tổ chức phản động chống Cu-ba) để thực hiện hợp đồng trị giá 125.000 USD với điều kiện của CFF đưa ra là RSF phải đưa nhiều thông tin sai sự thật để người nước ngoài biết việc “đàn áp nhà báo ở Cu-ba” và ủng hộ “thân nhân những nhà báo bị bắt giữ”!

Bản chất của RSF là vậy, thì làm sao họ khách quan với Việt Nam được! Bất cứ nhà báo có lương tâm nào cũng có thể cảm nhận được quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam đang ngày một tốt hơn, chỉ có RSF là không thấy, vì họ đang tự bịt mắt để dễ nói bừa.

NGUYỄN NGỌC HỒI
____________

1 -  Karelphung.blogspot.com, Biểu tình tại Thổ Nhĩ Kỳ phản đối chính quyền kiểm duyệt in-tơ-nét.

2 - Vũ Văn Tính (Đại học Pa-ri 2), Tự do ngôn luận và các giới hạn về tự do ngôn luận, Báo Nhân dân, ngày 17-9-2013.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.