Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 08/08/2013, 14:24 (GMT+7)
Chỉ là "Bổn cũ soạn lại"

Hằng năm, vào quý 3, Hạ viện Mỹ lại thông qua dự luật nhân quyền về Việt Nam, mà nội dung chính của nó vẫn dựa vào những thông tin cũ rích. Với thông lệ đó, ngày 01-8 vừa qua, họ đưa ra Dự luật mang số hiệu H.R.1897. Những ai quan tâm đến nội dung bản Dự luật này đều thấy rằng, đó chỉ là “Bổn cũ soạn lại”, nên chắc chắn sẽ chịu chung số phận như các dự luật trước đây.
 

 Là “Bổn cũ soạn lại” bởi trước hết, người khởi xướng và vận động thông qua Dự luật này ở Hạ viện Mỹ, không ai khác, vẫn là dân biểu Christopher Smith, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ - người  lâu nay luôn có hành động cản trở sự phát triển quan hệ Việt - Mỹ; đồng thời, cũng là người từng khởi xướng và vận động không ít dự luật chống Việt Nam, mà gần đây nhất là “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012” vào đầu tháng 9 năm ngoái. Thứ hai, nội dung của “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2013” về cơ bản vẫn cùng nội dung với nhiều bản dự luật trước đây (H.R.2833, H.R.1587, H.R.3096 và Dự luật năm 2012 - H.R.1410). Đó là gắn vấn đề viện trợ phi nhân đạo của Chính phủ Mỹ với những ràng buộc về cải thiện tình hình nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo ở Việt Nam; đồng thời, kêu gọi Chính phủ Mỹ có thái độ cứng rắn hơn đối với Việt Nam trong lĩnh vực này và sớm đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Điều khôi hài là dữ liệu để hình thành nội dung bản Dự luật lần này cũng giống các dự luật những năm trước, vẫn dựa trên những thông tin sai lệch, thiếu khách quan và nặng định kiến, đúng như Hạ Nghị sĩ Mỹ E. Pha-lê-ô-ma-va-ê-ga từng khẳng định tại phiên thảo luận của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ năm 2012 là: “cũ rích”, có từ cách đây 10 - 15 năm và được nhắc đi nhắc lại bởi những người chưa bao giờ đặt chân tới Việt Nam; và bởi một nhóm người Việt ở Mỹ và hải ngoại luôn có tư tưởng thù địch với Việt Nam vận động. Thứ ba, cả người khởi xướng lẫn những người vận động và bỏ phiếu thông qua Dự luật này tại Hạ viện Mỹ đều cố tình làm ngơ trước những tiến bộ của Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo những năm qua. Thái độ cố chấp ấy vừa để lấy phiếu của nhóm cử tri “cờ vàng” (nhóm người Việt chống cộng cực đoan ở Mỹ), vừa thể hiện sự áp đặt thứ “tiêu chuẩn kép” về nhân quyền, tự do tôn giáo đối với Việt Nam, như chính những người có lương tri tại Mỹ đã lên tiếng.

Hẳn ai cũng biết rằng, bên cạnh giá trị chung, vấn đề nhân quyền luôn mang dấu ấn đặc thù về lịch sử, văn hóa của mỗi dân tộc, nên không thể áp đặt tiêu chuẩn về nhân quyền của quốc gia này, dân tộc này lên quốc gia khác, dân tộc khác. Văn hóa của các nước châu Âu có thể không giận dữ trước việc một cô gái (hoàn toàn minh mẫn và có ý thức) thản nhiên nude đi lại trên tàu điện ngầm, xe bus và nhà ga nơi đông người (một video-clip đang lưu hành trên mạng từ đầu tháng 5-2013) với lập luận đó là quyền tự do cá nhân; thì việc làm tương tự lại không thể được chấp nhận ở các nước Hồi giáo, hay ở nhiều nước châu Á khác. Đó chính là dấu ấn đặc thù về văn hóa và dân tộc khi nói về vấn đề nhân quyền. Mặt khác, trong xã hội hiện đại, mỗi người đều sống trong một quốc gia gắn với một thể chế chính trị nhất định. Theo đó, việc thực hiện quyền con người trong mỗi quốc gia bao giờ cũng gắn liền với trách nhiệm công dân, nên luôn phải chịu một sự giới hạn nhất định để bảo vệ quyền con người của những người khác và bảo đảm an ninh quốc gia. Điều 30 của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người (UDHR) đã xác định: “Quyền con người không được sử dụng để vi phạm quyền của người khác”. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966) đều không quên xác định những điều khoản chế ngự sự lạm dụng quyền con người. Điều 19, khoản 3 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị nói về quyền tự do ngôn luận đã ghi rõ: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của Điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a/ Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b/ Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hay đạo đức của công chúng”. Còn về quyền tự do tôn giáo thì Điều 18, khoản 3 của Công ước này cũng nhấn mạnh: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định của pháp luật và những giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Bàn về vấn đề này, trong bài Tản mạn quanh vài chuyện góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đăng trên sachhiem.net ngày 05-5-2013, Giáo sư Trần Chung Ngọc - một người Mỹ gốc Việt - đã viết rằng: “Mọi quyền cơ bản của người dân, theo tinh thần của các văn bản trên (công ước quốc tế - NNH), đều phải nằm trong vòng luật pháp của mỗi nước. Đây là điều hiển nhiên để ngăn chặn những lạm dụng về nhân quyền. Nếu luật pháp của mỗi quốc gia mỗi khác thì định nghĩa về nhân quyền của mỗi quốc gia cũng mỗi khác. Nhân quyền của một quốc gia phải phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, lợi ích của nhân dân và an ninh của Tổ quốc, vì thế cho nên có nhiều nước đặt nhân quyền của tập thể ở trên nhân quyền của cá nhân. Không một công dân nào của một nước có quyền nói rằng, luật pháp quốc gia này không thích hợp với quyền của tôi, với tôn giáo của tôi, v.v. nên tôi không có bổn phận phải tuân theo. Sau ngày 11-9 ở Niu-Oóc, Mỹ ra những luật hoàn toàn vi phạm nhân quyền (“USA PATRIOT” Act of 2001) như: cơ quan hữu trách có quyền kiểm soát đời tư của một công dân, từ có bao nhiêu tiền trong ngân hàng, thường liên lạc với ai, qua điện thoại hay điện thư, đọc những sách gì trong thư viện, cho đến quyền bắt giữ không cần lệnh của tòa án, v.v.. Người dân Mỹ phàn nàn nhưng vẫn không thể phản đối hay không tuân theo”[1]. Điều đáng nói là, những người cổ súy cho những dự luật về nhân quyền chống Việt Nam đều biết đến các công ước quốc tế nói trên và luôn đòi hỏi Hà Nội phải tuân thủ các công ước đó. Thế nhưng, họ chỉ nhấn mạnh các điều khoản về quyền mà cố tình lờ đi các điều khoản đính kèm về nghĩa vụ phải tuân thủ các giới hạn nhất định khi thụ hưởng các quyền đó. Phải chăng, đó là thói xấu của kẻ thích rao giảng cho người khác về nhân quyền, nhưng việc giải quyết vấn đề nhân quyền trong nước mình cũng chẳng mấy tốt đẹp; đúng như ông E. Pha-lê-ô-ma-va-ê-ga đã từng nói: người ta đang áp dụng một “tiêu chuẩn kép” đối với Việt Nam trong vấn đề này, và “Chính ở Mỹ cũng có những vi phạm về nhân quyền”.

Thời gian qua, mặc dù vẫn còn những nhận thức khác nhau về vấn đề nhân quyền giữa các quốc gia, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực: dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trước hết, đó là những thành tựu trong thực hiện có hiệu quả Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc (LHQ). Báo cáo của Chương trình phát triển của LHQ cho thấy: tính theo chuẩn nghèo quốc tế, tỷ lệ người nghèo của Việt Nam liên tục giảm từ hơn 60% vào năm 1990, xuống 37% vào năm 1998, 18,1% vào năm 2004 và năm 2011 còn 14,5%. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ 1992 đến 2008, tổng nguồn vốn đầu tư cho giảm nghèo ở Việt Nam đạt hơn 260 tỷ USD. Từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề, điểm xuất phát của nền kinh tế rất thấp, thì hiện nay Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 1.600 USD vào năm 2012. Đó là cơ sở để LHQ khẳng định Việt Nam là quốc gia thành công nhất thế giới trong xóa đói giảm nghèo. Trên lĩnh vực y tế, bảo vệ sức khỏe người dân, ngày 27-3-2013 vừa qua, bà Victoria KwaKwa - Giám đốc WB tại Việt Nam - cùng đại diện các cơ quan của LHQ cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện MDGs vào năm 2015. Theo đó, Việt Nam là một trong 8 nước đạt tiến độ thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong trẻ em; một trong 9 nước đạt tiến độ thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ; một trong 3 nước đạt tiến độ mức giảm 75% tỷ số tử vong ở bà mẹ giai đoạn 1990 - 2010. Về vấn đề bình đẳng giới, Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá là nước xóa nhanh nhất khoảng cách giới ở khu vực Đông Nam Á trong hơn 20 năm qua. Chính bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam - đã nhấn mạnh tại Diễn đàn đối thoại Chính sách về bình đẳng giới tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 02-2013 vừa qua, rằng: “Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang quan tâm thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất thông qua việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tăng cường công tác lồng ghép trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020”. Nhờ đó mà hiện nay, 40% số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ  có lãnh đạo chủ chốt là nữ; 24/36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức danh chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân là nữ. Tính riêng năm 2012, trong hơn 1,5 triệu người được tạo việc làm, thì nữ chiếm 48%; 80% số trẻ em gái vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số được đi học; nữ sinh đại học chiếm 61,6%, thạc sĩ chiếm 30,5%. Nhìn vào Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam mới được công bố ngày 03-7 vừa qua cũng có thể thấy được những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực thực hiện quyền con người. Theo đó, Việt Nam được xếp vào nhóm nước có tốc độ tăng Chỉ số HDI cao. Từ 1980 đến 2012, tuổi thọ người dân Việt Nam tăng 19,7 năm (từ 55,7 lên 75,4); thời gian đi học tăng 3,2 năm (từ 8,7 lên 11,9 năm); tổng thu nhập quốc dân (GNI) tăng 251% từ 1990 đến 2012. Mặc dù năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, trước tác động của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nước tiến hành cắt giảm phúc lợi xã hội, nhưng Nhà nước Việt Nam vẫn ưu tiên bố trí tăng thêm nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2012, ngân sách nhà nước chi cho đảm bảo an sinh xã hội vẫn tăng 33,2% so với năm 2011; trong đó, nhóm chính sách chi hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng tăng 20,5% so với năm 2011. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo là 2.659 tỷ đồng; cả nước đã cấp 6,4 triệu sổ/thẻ bảo hiểm y tế và giấy khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách; mức lương tối thiểu vùng của người lao động và mức lương cơ sở của các đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước cũng được điều chỉnh tăng tương ứng từ ngày 01-01 và ngày 01-7 năm nay, góp phần giảm bớt khó khăn về đời sống cho người dân. Một việc làm khác cũng liên quan trực tiếp đến thực hiện quyền con người, là chính sách quốc tịch. Ngày 09-7-2013, nhân sự kiện 576 người tại Thành phố Hồ Chí Minh được nhận quyết định nhập quốc tịch Việt Nam (đã sống ở đây 20 năm), ông Vũ Thanh Sơn, Trưởng phái đoàn Cao ủy LHQ về người tị nạn tại Việt Nam đã phát biểu rằng: “Việt Nam là quốc gia làm tốt nhất vấn đề quốc tịch cho những người không quốc tịch so với khu vực. Việc cho phép nhập quốc tịch Việt Nam đối với những công dân không quốc tịch là một chính sách rất tiến bộ”. Còn trong việc thực hiện quyền tự do tôn giáo, Việt Nam cũng đạt được nhiều tiến bộ quan trọng. Số tôn giáo, tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp giấy chứng nhận hoạt động tăng hơn 2 lần trong giai đoạn 2006 - 2012, từ 6 tôn giáo và 15 tổ chức tôn giáo lên tương ứng là 13 và 33. Số tín đồ các tôn giáo cũng tăng từ 15% lên gần 30% số dân cả nước. Hiện nay, cả nước có gần 100 ngàn chức sắc, chức việc, nhà tu hành thuộc các tôn giáo và tổ chức tôn giáo; gần 300 ngàn cơ sở thờ tự và hơn 50 học viện, trường cao đẳng, trường trung cấp, hoặc cơ sở đào tạo của các tôn giáo và tổ chức tôn giáo. Các học viện của các tôn giáo không chỉ đào tạo trình độ cử nhân mà còn đang đào tạo trình độ sau đại học. Ngày 11-4-2012, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức khai giảng khóa đào tạo Thạc sĩ đầu tiên (2012 - 2014) với 155 tăng sinh theo học. Việc in kinh sách và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến tôn giáo đều đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động của các tôn giáo. Hiện nay, các tôn giáo ở Việt Nam đã có hàng chục báo, tạp chí, tập san, bản tin, hàng ngàn đầu sách, ấn phẩm với số lượng in hàng triệu bản. Việc tu bổ, xây mới các cơ sở thờ tự, đào tạo của các tôn giáo cũng như các hoạt động tôn giáo đều được thực hiện tự do theo đúng hiến chương, điều lệ, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo. Điều đó khẳng định rõ quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đang được đảm bảo tốt. Chẳng thế mà Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) đã chọn Việt Nam để tiến hành Hội nghị toàn thể lần thứ X (từ ngày 06-12 đến ngày 12-12-2012) với sự tham gia của gần 200 giám mục và đại biểu Hội đồng Giám mục các nước châu Á, Hội đồng Giám mục Việt Nam, một số châu lục và đại diện của Tòa thánh Vatican.

Những gì đang diễn ra ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thời gian qua cho thấy: việc thực thi quyền con người ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ. Đó chính là thực tiễn sinh động bác bỏ những thông tin sai lệch, thiếu khách quan và rất định kiến của Hạ viện Hoa kỳ được thể hiện trong Dự luật H.R.1897 vừa qua. Điều đáng hổ thẹn đối với những người khởi xướng, vận động và bỏ phiếu cho Dự luật H.R.1897 là đã áp dụng thứ “tiêu chuẩn kép” về vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam - một nước đang phát triển có thu nhập thấp. Vì thế, chẳng lấy làm ngạc nhiên khi Chính phủ Mỹ hiện đang rất lúng túng trước việc làm đầy tai tiếng của mình trong thời gian dài, bởi hành động bí mật thu thập dữ liệu cá nhân của người dân - hành động đi ngược lại chính những điều mà họ rao giảng về nhân quyền. Nhận xét về hành động này, báo Guardian ngày 05-6-2013 đã viết: “Đây là lần đầu tiên, dữ liệu liên lạc của hàng triệu người dân Mỹ bị thu thập bừa bãi trên quy mô lớn dưới thời chính quyền B. Ô-ba-ma, bất chấp họ có bị nghi ngờ làm gì sai trái, hay không”. Còn Hạ Nghị sĩ Đảng Dân chủ G. Xen-xen-bren-nơ thì bày tỏ quan ngại và “nêu lên câu hỏi về việc bảo đảm các quyền hiến định của chúng ta”; Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACCU) thì gọi thẳng bản chất của sự việc là “xâm hại những quyền dân chủ cơ bản” của người dân. Trong khi tình hình nhân quyền trong nước mình còn nhiều bê bối, nhưng vẫn lên mặt rao giảng về nhân quyền và lớn tiếng phê phán các nước khác về nhân quyền, phải chăng là phong cách làm việc của Hạ viện Mỹ? Đúng như ông E. Pha-lê-ô-ma-va-ê-ga đã nói: “Không phải Việt Nam có vấn đề về nhân quyền, mà chính nước Mỹ cũng đang có vấn đề đạo đức cần phải khắc phục; bởi nếu đã nói về những việc làm trước kia, thì phải nói đến chuyện hàng triệu ga-lông chất độc da cam /đi-ô-xin mà người Việt Nam phải hứng chịu, chỉ vì sai lầm của chúng ta đã gây ra cho Việt Nam” và “Nếu họ thật lòng quan tâm tới vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì hãy giúp Việt Nam làm sạch hàng chục triệu lít chất độc da cam mà Quân đội Mỹ đã rải xuống lãnh thổ Việt Nam từ năm 1961 - 1971. Bởi lẽ, việc để lại khối hóa chất độc hại này ở Việt Nam là một sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người”.

Chỉ là “Bổn cũ soạn lại”, nên đúng như Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố hôm 03-8 rằng: “H.R.1897 không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam và không phù hợp với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”. Vì phản ánh sai lệch thực tế và không phù hợp với quan hệ giữa hai nước vừa mới được nâng cấp lên Đối tác toàn diện, nên H.R.1897 sẽ sớm chịu chung số phận với các dự luật giống nó trước đây: tiếp tục rơi vào quên lãng./.

 

NGUYỄN NGỌC HỒI

 

__________

1- http:// sachhiem.net/ TCN/TCNts/TCNts 06.php.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.