Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Tư, 14/01/2015, 09:33 (GMT+7)
Cảnh giác trước mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội và công an của các thế lực thù địch

Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, mưu đồ  “phi chính trị hóa” Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xác định là một trọng điểm, nhằm mục đích xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hai lực lượng quan trọng này để chúng dễ bề chống Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Chúng ta cần cảnh giác và đấu tranh làm thất bại mưu đồ đen tối đó.

Quân đội và công an là hai thành phần chủ chốt trong lực lượng vũ trang (LLVT); công cụ bạo lực, cơ quan trọng yếu của nhà nước, có tổ chức chặt chẽ và được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Bản chất giai cấp, mục tiêu chiến đấu, nguyên tắc xây dựng, tổ chức, nhiệm vụ của quân đội và công an do đường lối, chính sách của chính đảng, nhà nước, tập đoàn xã hội tổ chức ra nó quyết định. Nghiên cứu lịch sử thế giới cho thấy, trong bất kỳ một chế độ xã hội nào từ khi xuất hiện nhà nước, cũng đều tổ chức ra lực lượng bảo vệ để phục vụ mục đích chính trị của giai cấp cầm quyền. Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Ph. Ăng-ghen đã nhấn mạnh: “Không có cảnh sát, nhà nước không thể tồn tại được”1, v.v.

Kế thừa tư tưởng đó trong điều kiện mới, V.I. Lê-nin cho rằng sự nghiệp cách mạng “Cần có quân đội cách mạng vì những vấn đề lịch sử vĩ đại chỉ có thể được giải quyết bằng vũ lực mà trong cuộc đấu tranh hiện đại, thì tổ chức vũ lực có nghĩa là tổ chức quân sự”2. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, trước sự đòi hỏi cấp thiết của tình hình, V.I. Lê-nin đã ký sắc lệnh thành lập Hồng quân công nông và Cơ quan đặc biệt toàn Nga; coi đây là “trụ cột” của chính phủ cách mạng, công cụ để quần chúng nhân dân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Người luôn quan tâm xây dựng quân đội, công an vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị; đồng thời, vạch trần bản chất phản động của luận điệu “LLVT đứng ngoài chính trị”, cho đó là “cái giáo lý tầm thường”, “giả nhân, giả nghĩa và dối trá”. V.I. Lê-nin yêu cầu quân đội, công an phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thành lập các chi bộ đảng trong mỗi đơn vị LLVT, thực hiện chế độ chính ủy,… coi đó là nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Hồng quân, Cơ quan Công an Xô-viết kiểu mới.

Trên thực tế, quân đội, công an của mọi quốc gia luôn là một lực lượng chính trị quan trọng mà bất cứ nhà nước, giai cấp cầm quyền nào cũng tìm cách nắm lấy nó để bảo vệ quyền lợi chính trị - kinh tế của mình. Quân đội, công an bao giờ cũng gắn chặt với giai cấp, nhà nước đã sinh ra nó và mang bản chất giai cấp sâu sắc. Việc tổ chức, hoạt động của hai lực lượng này luôn gắn liền với chính trị, bị chi phối bởi chính trị và là công cụ thực hiện mục tiêu chính trị ấy. Chính trị quy định bản chất, chức năng, nhiệm vụ, các mối quan hệ cơ bản của quân đội, công an, như: quan hệ với giai cấp, với chế độ xã hội, với nhân dân, dân tộc. Khi lợi ích của giai cấp, nhà nước, đảng chính trị thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động thì quân đội, công an đồng thời bảo vệ tổ quốc, chế độ và nhân dân. Khi quan hệ lợi ích đó mâu thuẫn gay gắt, không thể điều hòa, nhà nước của giai cấp bóc lột sử dụng lực lượng này để trấn áp sự phản kháng của nhân dân, chống lại các đảng phái đối lập. Lợi dụng điều đó, những thế lực thù địch muốn chống lại giai cấp, chế độ cầm quyền để thực hiện mục đích của mình thì vấn đề đầu tiên là tìm mọi cách xóa nhòa bản chất giai cấp, tính chất chính trị của quân đội, công an. Và, thủ đoạn “phi chính trị hóa” LLVT cũng xuất hiện từ đó. Về thực chất, những người đưa ra quan điểm đòi “phi chính trị hóa” quân đội và công an là muốn hai lực lượng này đứng ngoài cuộc đấu tranh chính trị của các đảng phái nhằm giành quyền kiểm soát các cơ quan quyền lực nhà nước, nhưng trong thực tế không có và không thể có điều đó. Kinh nghiệm ở Hoa Kỳ, các nước TBCN chỉ ra rằng, tất cả các đảng phái cầm quyền đều cố gắng giành lấy sự ủng hộ của LLVT. Mới đây, khi lực lượng Cảnh sát của nước Mỹ trong quá trình thực thi nhiệm vụ đã bắn chết một thanh niên da màu, nhưng khi đưa ra tòa án phán xét thì viên cảnh sát này lại vô tội, gây nên làn sóng phản ứng dữ dội trong các tầng lớp nhân dân Mỹ. Điều đó cho thấy, bất kỳ chế độ cầm quyền nào cũng đều rất quan tâm đến lực lượng quân đội và công an để bảo vệ địa vị lãnh đạo của mình, chứ không có quân đội, công an phi giai cấp, siêu giai cấp, đứng ngoài chính trị.

Không phải bây giờ các thế lực thù địch mới đẩy mạnh thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” LLVT, mà từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng đã thực hiện âm mưu này ở các nước XHCN và lực lượng tiến bộ trên thế giới. Đây là một thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhằm loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với LLVT, làm cho nó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, mất phương hướng, mục tiêu, lý tưởng và tinh thần chiến đấu, xa rời bản chất giai cấp công nhân, dẫn đến suy yếu về chính trị và bị vô hiệu hóa. Điển hình cho quan điểm đó là S. Hăn-tinh-tơn (1927 - 2008) trong tác phẩm “Quân nhân và Nhà nước: Lý luận và chính trị của các quan hệ quân sự - dân sự” viết năm 1957. Theo Ông ta, chính trị vượt quá phạm vi năng lực của quân đội và sự can dự của sĩ quan vào chính trị sẽ phá hoại tính chuyên nghiệp của họ; giới chức sắc quân sự phải giữ trung lập chính trị; lĩnh vực khoa học quân sự là cái thuộc quyền của lĩnh vực chính trị, song độc lập với lĩnh vực chính trị, v.v. Bản chất của luận điểm đó là quân đội và công an phải trung lập, đứng ngoài chính trị; chỉ trung thành với quốc gia, dân tộc, với nhân dân, có nhiệm vụ chống ngoại xâm để bảo vệ đất nước, chính quyền nhà nước và Hiến pháp chứ không phải trung thành với đảng chính trị nào. LLVT bị “phi chính trị hóa”, dẫn tới vô hiệu hóa do chống phá của các thế lực thù địch là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những năm 80, 90 của thế kỷ XX.

Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Công an nhân dân (CAND) Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, lại được trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, nên luôn mang trong mình bản chất giai cấp công nhân, đồng thời có tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, QĐND và CAND luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân. Bản chất QĐND, CAND thể hiện rõ nét ở sự thống nhất hữu cơ giữa tính đảng, tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc; được biểu hiện sinh động ở lý tưởng, tinh thần chiến đấu, cơ sở chính trị - xã hội, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy và chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng. Mối quan hệ giữa QĐND và CAND sớm được hình thành và ngày càng chặt chẽ; đó là quan hệ giữa các thành phần của các LLVT nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước. Đó là vấn đề mang tính nguyên tắc, là yêu cầu khách quan của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; từ mối quan hệ hữu cơ, thống nhất giữa nhiệm vụ quốc phòng và an ninh; từ chức năng, nhiệm vụ của CAND và QĐND. Đồng thời, là một nhân tố đặc biệt quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước, cũng như để hoàn thành nhiệm vụ của từng lực lượng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội và Công an luôn giữ vững bản chất cách mạng, lòng trung thành, ý chí chiến đấu, gắn bó mật thiết với nhân dân, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, thực hiện tốt vai trò nòng cốt của thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Điều đó đã được thực tiễn khẳng định.

Thế nhưng, các thế lực thù địch với mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội và công an, đang ra sức phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, mà mục tiêu hàng đầu là làm mất phương hướng chính trị, mục tiêu chiến đấu của hai lực lượng này; làm cho Đảng và Nhà nước ta mất chỗ dựa vững chắc trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước. Chúng đã và đang sử dụng mọi biện pháp cả về lý luận, tư tưởng, lẫn hành động hòng làm thay đổi bản chất chính trị của Quân đội và Công an, tìm mọi cách tuyên truyền, phủ nhận học thuyết Mác – Lê-nin về giai cấp và đấu tranh giai cấp; xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự, an ninh; đường lối, quan điểm quân sự, an ninh của Đảng; phát tán tài liệu, tung ra các luận điệu xuyên tạc bản chất, truyền thống, nội bộ Quân đội, Công an cùng mối quan hệ giữa Quân đội, Công an với nhân dân và các cơ quan đảng, nhà nước. Chúng lập luận trơ trẽn rằng, việc tổ chức ra LLVT chỉ là để bảo vệ “lợi ích dân tộc”, “lợi ích quốc gia”. Bởi thế, quân đội, công an phải “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, “không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào”, v.v. Thực chất của những lời hô hào đó là nhằm che giấu, làm lu mờ bản chất giai cấp, chức năng chính trị, xã hội của LLVT cách mạng; phủ nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” đối với QĐND, CAND, hướng tới làm tê liệt, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với hai lực lượng này. Không những thế, chúng còn đòi xóa bỏ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị cùng hệ thống cán bộ chính trị và cơ quan chính trị trong Quân đội, Công an; thổi phồng, khoét sâu những sai sót trong thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là những vụ việc có sự tham gia giải quyết của Quân đội, Công an,… hòng qua đó làm cho Quân đội, Công an suy giảm uy tín trong nhân dân, hạ thấp vị thế trong xã hội. Lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để gây mâu thuẫn nội bộ; xuyên tạc thực trạng xã hội, khoét sâu những yếu kém về kinh tế, quản lý xã hội, những khó khăn về đời sống của Quân đội, Công an, … cũng là một hình thức được chúng coi trọng thực hiện.

Âm mưu, thủ đoạn chống phá, kích động hết sức thâm độc nêu trên của các thế lực thù địch là nhằm làm suy yếu lực lượng nòng cốt, trung thành của Đảng, từ đó lái con thuyền cách mạng nước ta đi theo quỹ đạo của chúng. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta phải nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận rõ âm mưu của chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” LLVT và có những giải pháp hữu hiệu đấu tranh với thủ đoạn thâm độc này. Trước hết, phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với QĐND và CAND; coi đó vừa là nguyên tắc, vừa là quy luật cơ bản trong xây dựng quân đội, công an kiểu mới của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng khắc phục khuyết điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, không để có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hai lực lượng vững mạnh cả về phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong công tác; có uy tín trong nội bộ và nhân dân; vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách và sự chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, nhận thức rõ đối tượng, đối tác theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tích cực đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện sai trái, tiêu cực, thiếu văn hóa, lối sống thực dụng, tạo môi trường trong sạch, lành mạnh ngăn ngừa những tác động xấu, độc vào cơ quan, đơn vị. Bằng cơ sở lý luận, thực tiễn sắc bén, có tính thuyết phục cao, các cơ quan chức năng của Quân đội và Công an cần tăng cường đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhất là thủ đoạn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” QĐND và CAND của các thế lực thù địch.

Đây không chỉ là yêu cầu bức thiết, mà còn là trách nhiệm chính trị của QĐND, CAND cùng các tổ chức, lực lượng và toàn dân trong tình hình hiện nay. Thực hiện tốt điều đó sẽ góp phần thiết thực vào việc xây dựng lực lượng QĐND và CAND vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

TRẦN HỮU HÒA
_________

1 - C. Mác , Ph. Ăng-ghen - Tuyển tập, Tập 6, Nxb. Sự thật, H, 1984, tr. 184.

2 - V.I. Lênin - Toàn tập, Tập 10, Nxb Tiến bộ      M, 1977, tr. 376.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.