Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 17/02/2014, 20:59 (GMT+7)
Cần khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội Mác – Lê-nin

Trước sự thoái trào tạm thời của CNXH, hiện nay, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị cho rằng, lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, trong đó có học thuyết hình thái kinh tế - xã hội không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội. Điều đó liệu có đúng không?

Lịch sử xã hội loài người cho đến nay đã trải qua bốn hình thái kinh tế - xã hội (KT-XH) và đang quá độ tiến vào hình thái KT-XH CSCN theo đúng quy luật vốn có của nó mà học thuyết hình thái KT-XH của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã chỉ ra. Thế nhưng, trong những thập kỷ qua và hiện nay, có người vẫn rêu rao rằng, học thuyết này thiên về giai cấp và đấu tranh giai cấp, không đúng với sự phát triển tự nhiên của xã hội; rằng, cần phải xem xét sự phát triển của lịch sử bằng cách tiếp cận khác. Những cách tiếp cận theo hướng tuyệt đối hóa yếu tố kinh tế - kỹ thuật, sự phát triển của các nền “văn minh”,… được họ tung ra nhằm thay thế cách tiếp cận duy vật lịch sử mác-xít. Họ cho rằng, loài người đã trải qua các làn sóng văn minh: văn minh nông nghiệp mấy nghìn năm, văn minh công nghiệp mấy trăm năm và làn sóng thứ ba đang diễn ra là văn minh “hậu công nghiệp”, “văn minh trí tuệ”. Theo họ, cách tiếp cận dựa trên nền văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp “phản ánh đúng sự phát triển của xã hội loài người” và “ở đỉnh cao hơn” cách tiếp cận hình thái KT-XH. Họ còn lập luận rằng, cách tiếp cận hình thái KT-XH “xem xét thế giới theo cách lưỡng phân, chỉ dẫn đến xung đột đối kháng. Cách tiếp cận văn minh tránh được những sai lầm đó, vì nó lấy sự thống nhất, hòa hợp làm nguyên lý căn bản”1, v. v.

Những luận điệu nêu trên thực sự thâm độc, nguy hiểm. Nó không những công kích vào một vấn đề cơ bản, then chốt của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, mà còn trực tiếp phủ định CNXH hiện thực, cũng tức là phủ định mục tiêu, con đường XHCN mà nhân dân ta đã lựa chọn.

Trước hết, cần khẳng định rằng, học thuyết hình thái KT-XH là học thuyết xem xét sự phát triển xã hội một cách toàn diện trên tất cả các yếu tố quy định, cấu thành “cơ sở cho lịch sử chính trị của thời đại” trong chỉnh thể thống nhất quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau. Đó là cách tiếp cận khoa học và cách mạng, phản ánh đúng bản chất, động lực và các yếu tố cấu thành của lịch sử xã hội. Nó hàm chứa cả sự phát triển lực lượng sản xuất (LLSX) và quan hệ sản xuất (QHSX); cả phương thức sản xuất và cơ cấu xã hội; cả cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, chứ không thoát ly, bỏ qua một yếu tố nào. Có nghĩa là xã hội loài người như thế nào thì nó “bóc ra” như thế ấy, chỉ rõ bản chất của lịch sử và đó không phải là cách tiếp cận phiến diện, một chiều như họ cố tình xuyên tạc, bóp méo. Ph. Ăng-ghen đã chỉ rõ: “…trong mỗi thời đại lịch sử, phương thức chủ yếu của sản xuất kinh tế và trao đổi, cùng với cơ cấu xã hội do phương thức đó quyết định, đã cấu thành cơ sở cho lịch sử chính trị của thời đại và lịch sử của sự phát triển trí tuệ của thời đại, cái cơ sở mà chỉ có xuất phát từ đó mới cắt nghĩa được lịch sử đó,...”2.

Bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết hình thái KT-XH mác-xít thể hiện ở chỗ, chỉ có bằng cách tiếp cận này, lịch sử xã hội loài người mới được nhìn nhận một cách đúng đắn và toàn diện, mới thấy rõ vai trò của các quy luật, của tất cả các quan hệ kinh tế, chính trị, giai cấp,… trong sự phát triển của lịch sử; mới có thể thấy rõ và phân tích đúng đắn các động lực và bức tranh chung của sự phát triển xã hội loài người, cũng như những đặc điểm, đặc thù cụ thể trong lịch sử phát triển của các quốc gia, dân tộc.

Cách tiếp cận nền văn minh mà nhiều người đã lớn tiếng tuyên bố có thể thay thế cách tiếp cận hình thái của C. Mác, với đại biểu tiêu biểu là Avin Tôphlơ, thể hiện trong tác phẩm bộ ba: “Cú sốc tương lai”, “Làn sóng thứ ba” và “Thăng trầm quyền lực” hay không? Không phủ nhận rằng, cách tiếp cận này có những yếu tố giá trị nhất định. Nhưng nếu chỉ coi lịch sử loài người là “sự kế tiếp của các nền văn minh” (cũng đồng thời với việc nhấn mạnh yếu tố LLSX, yếu tố văn minh kỹ thuật), thì người ta đã không chú ý đến, bỏ qua bản chất, nguồn gốc động lực của sự vận động phát triển xã hội; bỏ qua vai trò của QHSX, mối quan hệ biện chứng giữa LLSX và QHSX; không tính đến các quan hệ giai cấp và đấu tranh giai cấp, những quan hệ vốn có và quyết định sự phát triển của xã hội trong xã hội có giai cấp. Vì thế, cách tiếp cận nền văn minh về sự phát triển xã hội là cách tiếp cận phiến diện, phản khoa học và phản động về chính trị; bởi, thực chất nó xóa nhòa vấn đề giai cấp, thủ tiêu đấu tranh giai cấp trong thế giới hiện đại, nhằm tạo cơ sở lý luận biện hộ cho sự tồn tại “vĩnh hằng” của CNTB. Điều nguy hại của cách tiếp cận này chính là ở đó.

Nếu nói rằng, cách tiếp cận hình thái KT-XH “xem xét thế giới theo cách lưỡng phân chỉ dẫn đến xung đột đối kháng”, thiên về giai cấp và đấu tranh giai cấp, thì đó là sự xuyên tạc trắng trợn. Thế giới có lưỡng phân, xung đột hay không thì đó là tồn tại khách quan, chứ không phải do cách xem xét hình thái KT-XH mà dẫn đến xung đột đối kháng. Sự tồn tại các giai cấp và đấu tranh giai cấp từ khi xã hội phân chia giai cấp đến nay cũng là thực tế khách quan; có điều là cách tiếp cận hình thái KT-XH cho thấy rõ bản chất và động lực phát triển thực sự của sự tồn tại khách quan ấy, nó vũ trang cơ sở nhận thức và vũ khí lý luận cho các giai cấp cần lao để thúc đẩy sự phát triển của lịch sử theo đúng quy luật khách quan vốn có. Thế giới đương đại vẫn còn đó những mâu thuẫn, đặc biệt là mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản; giữa CNTB và CNXH; giữa các nước phát triển và các nước chậm phát triển, đang phát triển,... Trong tình hình mới, các mâu thuẫn không mất đi mà có mặt trở nên sâu sắc hơn với những hình thức biểu hiện mới; đấu tranh giai cấp vẫn còn đó và trở nên sâu sắc, quyết liệt hơn với những nội dung, hình thức đấu tranh mới và sắc thái biểu hiện mới.

Cách tiếp cận hình thái KT-XH không hề giới hạn trong một nền văn minh cụ thể nào. Đó là cách nhìn nhận, xem xét xuyên suốt lịch sử xã hội loài người; đánh giá cao vai trò cách mạng của LLSX, của trình độ văn minh vật chất, nhưng không coi đó là “duy nhất quyết định”. Nó không chỉ xác định các yếu tố cấu thành hình thái KT-XH, mà còn xem xét xã hội trong quá trình biến đổi và phát triển không ngừng, coi sự phát triển của những hình thái KT-XH là một quá trình lịch sử - tự nhiên3. Sự thể hiện sâu sắc bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết hình thái KT-XH Mác – Lê-nin là ở chỗ này. Điều đó toát lên những tư tưởng chủ yếu sau:

Một là, xã hội bao giờ cũng vận động theo những quy luật khách quan nhất định, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người; không những thế nó còn quyết định cả ý chí, ý thức của con người. Những quy luật về sự phù hợp giữa QHSX với tính chất và trình độ phát triển của LLSX; giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng; những quy luật về đấu tranh giai cấp, về cách mạng xã hội trong xã hội có giai cấp,… là những quy luật cơ bản chi phối, quyết định sự phát triển của lịch sử. Những quy luật chung, tổng quát quyết định chiều hướng chung của sự phát triển xã hội loài người, biểu hiện cụ thể trong những điều kiện khác nhau, trong các chế độ xã hội khác nhau, trong các nước khác nhau thì có sự khác nhau, đó cũng là khách quan, là quy luật. Hoạt động của con người phải tuân theo những quy luật ấy. Không nhận thức đúng quy luật, hành động xem thường, bất chấp và trái quy luật thì chính con người sẽ nhận hậu quả khó lường.

Hai là, xã hội loài người phải trải qua các hình thái KT-XH từ thấp đến cao: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, TBCN và CSCN. Xét một cách tổng quát, không thể bỏ qua một hình thái KT-XH nào; sự ra đời, tồn tại, phát triển và cả diệt vong của hình thái KT-XH cụ thể nào đó cũng là tất yếu khách quan. Điều đó được quy định bởi những quy luật phát triển chung của xã hội loài người và đặc biệt bởi chính ngay những quy luật đặc thù của mỗi hình thái KT-XH cụ thể.

Từ phân tích trên, có thể thấy, CNTB chỉ là một nấc thang trong lịch sử phát triển xã hội, không phải là nấc thang cuối cùng và cao nhất, như các học giả tư sản cố tình biện hộ và níu kéo. Sự ra đời, tồn tại, phát triển và diệt vong của CNTB do chính quy luật cơ bản vốn có của nó quy định, chứ không phải do ý muốn chủ quan của giai cấp tư sản, cũng không phải do mong ước của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân, chỉ có thể trên cơ sở nhận thức đúng quy luật khách quan, tác động, thúc đẩy sự vận động của quy luật, tiến hành cách mạng xã hội mới có thể thủ tiêu CNTB.

CNTB hiện nay đang chiếm ưu thế, vẫn “còn tiềm năng phát triển”4, nhưng nó đã lạc hậu, lỗi thời về mặt lịch sử. Đi từ kinh tế thị trường tự do đến chủ nghĩa tự do mới, CNTB vẫn không thể tìm ra lối thoát bởi tính chất ăn bám, bóc lột của nó. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, tình hình suy thoái, khủng hoảng, nợ công ở các quốc gia tư bản, phong trào chiếm phố Uôn ở Mỹ, các cuộc biểu tình ở các nước châu Âu tư bản diễn ra gần đây đã chứng minh cho nhận định trên. Những chính quyền và cơ chế “của 1%, do 1% và vì 1%” là thể hiện sự tập trung cao độ quyền lực và lợi ích kinh tế, chính trị vào thiểu số rất ít người, dẫn đến sự bất bình đẳng, mâu thuẫn xã hội sâu sắc không thể điều hòa của CNTB. “Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của CNTB”5. Mọi sự biện hộ cho sự tồn tại “vĩnh hằng” của CNTB đều không có cơ sở lý luận, xét từ góc độ kinh tế, lẫn xã hội. Những luận thuyết rằng, CNTB có thể “hội tụ” với CNXH; rằng, “CNXH đã cáo chung” là vô căn cứ, trái với sự vận động khách quan của lịch sử.

CNXH tuy đang thoái trào, song, đó chỉ là sự thoái trào nhất thời của những sai lầm, khuyết điểm tạm thời, không thuộc về bản chất của CNXH. CNXH hiện thực vẫn đang tồn tại, đang tự khắc phục khuyết điểm để phát triển lên một trình độ mới. Đó là hiện thực XHCN ở Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba,... là phong trào CNXH ở các nước thuộc châu Mỹ - La-tinh; đó là, hiện thực của lý tưởng về CNXH vẫn đang sống trong lòng của hàng tỷ người trên hành tinh và những người sống ngay trong lòng các nước TBCN. Và, không nghi ngờ gì nữa, thế giới đang thừa nhận điều đó. Thực tế ấy đã chứng minh rằng, CNTB không phải là “nấc thang cao nhất” của lịch sử như ai đó vẫn ca tụng!

Ba là, phát triển tuần tự hay bỏ qua một hình thái KT-XH cụ thể cũng là quá trình lịch sử - tự nhiên, do những điều kiện lịch sử cụ thể khách quan quy định. Điều cần chú ý là dù có bỏ qua một hình thái nào đó để tiến lên hình thái khác cao hơn cũng không thể đốt cháy các giai đoạn phát triển của LLSX, không thể bỏ qua các nấc thang của sự phát triển, mà chỉ có thể rút ngắn các giai đoạn, nấc thang phát triển đó mà thôi. Bản chất khoa học và cách mạng của luận điểm mác-xít về sự phát triển của các hình thái KT-XH là quá trình lịch sử - tự nhiên thể hiện rất rõ ở đây. Đúng như C.Mác chỉ rõ: “Một xã hội, ngay cả khi đã phát hiện được quy luật tự nhiên của sự vận động của nó,… cũng không thể nào nhảy qua các giai đoạn phát triển tự nhiên hay dùng sắc lệnh để xoá bỏ những giai đoạn đó. Nhưng nó có thể rút ngắn và làm dịu bớt được những cơn đau đẻ”6.

Nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết hình thái KT-XH, chúng ta càng vững tin về con đường đi lên CNXH của dân tộc mình, càng thêm bình tĩnh và tỉnh táo đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng XHCN. Hình thái KT-XH XHCN ra đời và phát triển; CNTB thế giới đã lạc hậu, lỗi thời; loài người ngày nay đang quá độ lên CNXH, đó là những cơ sở khách quan cơ bản trực tiếp cho các dân tộc trên hành tinh lựa chọn con đường đi lên CNXH.

Những luận điệu cho rằng, con đường XHCN mà nước ta đã lựa chọn là “trái với quá trình lịch sử - tự nhiên”7; rằng, con đường đó là “một khúc cong của lịch sử, là đoạn vòng vèo đầy đau khổ đi lên CNTB”8, rồi “khuyên” chúng ta hãy đi theo con đường TBCN đều là những luận điệu và “lời khuyên” không có giá trị. Sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng xã hội mới của nhân dân ta đan xen cả thuận lợi và khó khăn sẽ còn lâu dài, nhưng con đường đi lên CNXH ở nước ta là phù hợp với xu thế vận động khách quan của lịch sử mà học thuyết hình thái KT-XH của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã chỉ ra.

PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG

Viện KHXHNVQS - BQP
____________

1 - Một số vấn đề về chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong thời đại hiện nay, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 23.

2 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 21, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 523.

3 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập  23, Nxb CTQG, H. 1993, tr. 21.

4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 68.

5 - Sđd, tr. 68 - 69.

6 - C.Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Tập  23, Nxb CTQG, H. 1993, tr. 21.

7 - Một số vấn đề về chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong thời đại hiện nay, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 12.

8 - Việt Nam tiến bước cùng thời đại, Nxb Giáo dục Việt Nam, H. 2009, tr. 29.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.