Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Chủ Nhật, 08/11/2015, 15:23 (GMT+7)
Cách mạng Tháng Mười - những giá trị thời đại không thể phủ nhận.

Cách đây 98 năm, đông đảo quần chúng công nhân, binh lính nông dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn--vích Nga do V.I. Lê-nin đứng đầu đã làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Đến nay, gần một thế kỷ đã đi qua với biết bao thăng trầm lịch sử, nhưng Cách mạng Tháng Mười vẫn tỏa sáng, khẳng định những giá trị thời đại không thể phủ nhận, mặc cho kẻ thù ra sức xuyên tạc, bóp méo sự thật.

V.I.Lê-nin - Lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. (Ảnh tư liệu)

1. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi “mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới1. Tháng 02-1917, Cuộc Cách mạng Nga lần thứ nhất nổ ra giành thắng lợi, chế độ Nga hoàng bị lật đổ nhưng Cuộc cách mạng vẫn chưa kết thúc. Khi đó, nước Nga cách mạng trải qua một thời kỳ lịch sử đặc biệt - hai chính quyền cùng tồn tại. Giai cấp tư sản nắm quyền lãnh đạo Chính phủ lâm thời Trung ương, còn ở các địa phương do các Xô-viết công - nông - binh điều hành với vai trò chủ đạo thuộc về Đảng Bôn-sê-vích lãnh đạo. Trong thời gian này, Chính phủ tư sản dần bộc lộ bản chất phản động và tính chất cải lương trong giải quyết các vấn đề cốt tử của đất nước; do vậy càng thúc đẩy tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân lên cao. Điều đó làm cho tình thế, thời cơ cách mạng chín muồi, đêm 24 - rạng sáng 25 tháng Mười (07-11) năm 1917, Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhanh chóng giành thắng lợi, Chính phủ lâm thời bị lật đổ, công nhân và quân đội cách mạng chiếm giữ hầu hết thành phố Pê-tơ-rô-grát. Chính quyền nhà nước chuyển qua tay cơ quan của đại biểu Xô-viết công nhân và binh sĩ Pê-tơ-rô-grát là Ủy ban quân sự - cách mạng2. Cùng ngày, Đại hội II toàn Nga các Xô-viết đã khai mạc, thông qua những nghị quyết lịch sử, quyết định: “Toàn bộ chính quyền ở các địa phương đều chuyển về tay các Xô-viết đại biểu công nhân, binh lính và nông dân. Các Xô-viết sẽ đảm bảo trật tự cách mạng thật sự”3. Đại hội thông qua các sắc lệnh về: hòa bình, ruộng đất, tổ chức chính quyền“Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc nước Nga”. Do các sắc lệnh và tuyên ngôn hợp lòng dân nên có sức mạnh lan tỏa khắp nước Nga. Từ thắng lợi ở Thủ đô Pê-tơ-rô-grát, Cách mạng nhanh chóng giành toàn thắng trên một đất nước vĩ đại có diện tích lãnh thổ bằng 1/6 thế giới.

Ngay sau Cách mạng thắng lợi, V.I. Lê-nin đã khẳng định: “chúng ta tự hào là đã có cái hân hạnh được bắt đầu việc xây dựng Nhà nước xô-viết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản và ở khắp nơi đều đang tiến tới một cuộc đời mới, tới chỗ chiến thắng giai cấp tư sản, tới chỗ thành lập chuyên chính vô sản, tới chỗ giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc”4. Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử nhân loại - cách mạng xã hội chủ nghĩa - với những nội dung sâu sắc, thủ tiêu mọi hình thức bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc, mở đường thắng lợi cho cuộc đấu tranh cách mạng gắn giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

2. Cách mạng Tháng Mười thắng lợi có sức lôi cuốn, cổ vũ, giúp đỡ các dân tộc bị áp bức, chậm phát triển đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và định hướng phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội. Từ sau Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, chủ nghĩa xã hội được biết đến không chỉ là một học thuyết mà còn là một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Nó trở thành tấm gương để các dân tộc bị áp bức noi theo. Với ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đã viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”5.

Nước Nga Xô-viết và sau này là Liên Xô chỉ 20 năm sau Cách mạng Tháng Mười, đã từ một nước tư bản phát triển trung bình trở thành cường quốc đứng hàng đầu thế giới; xác lập một kiểu tổ chức xã hội mang lại cho quần chúng lao động nhiều quyền lợi. Sức sống, triển vọng và xu thế phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực chính là sự khẳng định, tôn vinh những chân giá trị của Cách mạng Tháng Mười. Trong nhiều thập niên, Liên Xô từng là chỗ dựa vững chắc cho các phong trào cách mạng trên thế giới đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống họa phát xít, vì hòa bình, dân chủ, chủ nghĩa xã hội và tiến bộ xã hội.

Cách mạng Tháng Mười thắng lợi còn chỉ ra những khả năng mới về sự phát triển không ngừng của cách mạng ở các nước thuộc địa, các dân tộc chậm phát triển tự quyết định con đường đi lên gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Theo chỉ dẫn của V.I. Lê-nin, Quốc tế Cộng sản “phải xác định và chứng minh trên lý luận cho một nguyên tắc là: với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ xô-viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”6. Tại Đại hội I các dân tộc phương Đông ở Ba-cu (từ 01 đến 08-9-1920), khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại” lần đầu tiên được nêu lên là sự khẳng định bước tiến quan trọng của sự kết hợp chặt chẽ phong trào giải phóng dân tộc với phong trào công nhân quốc tế chống chủ nghĩa đế quốc trong thời kỳ mới. Lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và “sự phát triển rút ngắn” của học thuyết Mác đã được Đảng Bôn-sê-vích và V.I. Lê-nin sáng tạo, thể nghiệm thành công qua Chính sách kinh tế mới (NEP) trong những năm đầu thập niên 20, thế kỷ XX. Qua đó, cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu cho các nước chậm phát triển quá độ gián tiếp lên chủ nghĩa xã hội với những bước “quá độ dần dần”; biết “lợi dụng chủ nghĩa tư bản” để xây dựng chủ nghĩa xã hội, v.v.

Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, các dân tộc bị áp bức trên thế giới đã vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa để xây dựng đất nước. Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc (năm 1945), thắng lợi thuộc về các lực lượng dân chủ, cách mạng thế giới bước vào một thời kỳ phát triển mới. Phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa gắn kết chặt chẽ với phong trào giải phóng dân tộc và phong trào công nhân ở các nước tư bản trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, chủ nghĩa xã hội và tiến bộ xã hội, làm nên sức mạnh to lớn của ba dòng thác cách mạng trên thế giới trong nhiều thập niên qua. Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã phát triển thành hệ thống thế giới. Chủ nghĩa xã hội là xu thế phát triển tất yếu của thời đại, nhưng với hình thức và bước đi rất khác nhau như chỉ dẫn của V.I. Lê-nin: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ,…”7.

3. Hiện nay, các nước xã hội chủ nghĩa kiên trì sự nghiệp cải cách, đổi mới, vượt qua thử thách, vươn lên giành nhiều thành tựu mới là bằng chứng chân thực để bác bỏ các luận điệu thù địch phủ nhận giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười. Sau sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô (quê hương của Cách mạng Tháng Mười), sự chống phá chủ nghĩa xã hội của các thế lực thù địch càng trở nên quyết liệt hơn. Chúng lớn tiếng công kích, bôi nhọ, phủ nhận ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười và cho rằng, đó chỉ là “cuộc nổi dậy mang tính chất Nga thuần túy”, là “bước nhảy liều lĩnh vào một lĩnh vực chưa ai biết đến”, “một cuộc bạo động phản dân chủ”, v.v. Các phần tử chống cộng còn hí hửng tuyên bố về “Sự kết thúc của lịch sử”, sự “cáo chung” của chủ nghĩa xã hội hiện thực; do sự “lạc hậu, lỗi thời” của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, v.v. Chúng cố tình đồng nhất sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô với sự thất bại của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, cáo chung của chủ nghĩa xã hội, còn chủ nghĩa tư bản mới là hình thái kinh tế - xã hội cao nhất, là tồn tại vĩnh hằng, đỉnh cao của văn minh nhân loại, v.v. Mặt khác, chúng tung ra nhiều lý thuyết về cái gọi là “Chủ nghĩa xã hội dân chủ”, “Chủ nghĩa xã hội phi mác-xít”...; ra sức khuếch trương cho “tính đúng đắn” của đường lối cải lương tư sản về “sự chuyển hóa dần dần” từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội; cổ súy cho cái gọi là “đa nguyên, đa đảng”, phủ nhận các nguyên tắc mác-xít về Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, v.v.

Trên thực tế, cả lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội đã bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch đó. Cách mạng Tháng Mười không phải là một hiện tượng thuần Nga, càng không phải là sản phẩm được tạo ra từ sự cuồng nhiệt của ý chí chủ quan, không tưởng của một cá nhân nào đó, như kẻ thù thường rêu rao, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, mưu toan xóa bỏ ảnh hưởng, tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đối với tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng của kinh tế tri thức, xu hướng toàn cầu hóa, giai cấp tư sản tận dụng sự phát triển đó để nâng cao năng suất lao động, phân hóa giai cấp công nhân thành các tầng lớp “công nhân cổ xanh”, “công nhân cổ trắng”,... có mức sống chênh lệch nhau ngày càng lớn. Bộ phận công nhân có thu nhập cao dễ thỏa hiệp với giới chủ, giảm nhiệt tình đấu tranh cách mạng. Tuy vậy, bán sức lao động vẫn là phương thức tồn tại, đặc điểm cơ bản của giai cấp công nhân và chiếm đoạt giá trị thặng dư vẫn là nguồn sống cơ bản của giai cấp tư sản. Điều đó, chứng thực quan điểm của C. Mác rằng, xác thịt của tư bản có thể thay đổi nhưng bản chất bóc lột giá trị thặng dư của nhà tư bản thì không hề thay đổi. Chừng nào xã hội còn áp bức, bóc lột, bất công, chừng đó nhân loại còn phải tiếp tục đấu tranh cho một xã hội tự do, dân chủ, không còn áp bức, bóc lột, bất công. Do vậy, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là tất yếu như nhau.

Hơn nữa, sức sống, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với gần 1,5 tỷ người. Những thành tựu to lớn ở các nước xã hội chủ nghĩa đang làm nức lòng nhân dân thế giới, đồng thời là tác nhân thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi, phát triển của phong trào cách mạng trên thế giới như phong trào cánh tả ở Mỹ – la-tinh. Chính phủ nhiều nước do các đảng cánh tả cầm quyền đã tuyên bố quyết tâm “vượt qua chủ nghĩa tư bản”, xây dựng đất nước theo mô hình “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” vì lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Cách mạng là sáng tạo. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin xa lạ với những lý thuyết xơ cứng, giáo điều, thoát ly cuộc sống. Theo chỉ dẫn của V.I. Lê-nin: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đó xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”8. Để lý luận cách mạng được vận dụng thắng lợi vào cuộc sống trong thời đại hiện nay, nhất thiết phát huy tinh thần nỗ lực, sáng tạo cách mạng của khối quần chúng đông đảo, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam hơn 85 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt lịch sử. Hiện nay, cục diện thế giới đang có những biến động sâu sắc, tác động mạnh mẽ tới sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta càng phải nỗ lực phấn đấu để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta kiên trì sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra; phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt tới mục tiêu cao cả đó, tất yếu phải trải qua nhiều chặng đường khó khăn, gian khổ với những bước đi, hình thức phù hợp trong suốt thời kỳ quá độ. Tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy nhân tố con người, quan tâm tới lợi ích, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thấm nhuần sâu sắc bài học “lấy dân làm gốc” của Đảng, mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện trở thành cán bộ gương mẫu, thực sự là “công bộc” của dân.

Sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi đi cùng năm tháng, cổ vũ cho tinh thần đấu tranh không mệt mỏi để xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa của phong trào cách mạng trên toàn thế giới trong thời đại ngày nay. Mọi mưu đồ xuyên tạc của những kẻ thù địch hòng hạ thấp, xóa bỏ giá trị, ý nghĩa thời đại của cuộc Cách mạng đó chỉ là vô vọng và cần phải lên án, bác bỏ.

PGS, TS. PHẠM VĂN NHUẬN
________________

1, 5 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 387, 388.

2 - V.I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 35, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 1.

3 - Các sắc lệnh của Chính quyền Xô-viết, Tiếng Nga, M. 1917, Tập 1, tr. 8 (Trích dẫn theo: “Phong trào công nhân quốc tế - Những vấn đề lịch sử và lý luận”,Tập IV, Nxb CTQG, H. 2009, tr.126).

4 - V.I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 44, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 184 - 185.

6 - V.I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 41, Nxb Tiến bộ, M. 1977, tr. 295.

7 - V.I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 30, Nxb Tiến bộ, M. 1981, tr.160.

8 - V.I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 4, Nxb Tiến bộ, M. 1974, tr. 232.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.