Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Ba, 23/12/2014, 17:20 (GMT+7)
Xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Những năm qua, cùng với sự trưởng thành của Quân đội, Hải quân nhân dân Việt Nam cũng từng bước phát triển, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong tình hình mới, Quân chủng tiếp tục phấn đấu, xây dựng vững mạnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đô đốc Nguyễn Văn Hiến
duyệt Đội danh dự Hải quân nhân dân Việt
 Nam. (Nguồn: qdnd.vn)

Trải qua 59 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, được Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, Hải quân nhân dân (HQND) Việt Nam đã không ngừng phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuy lực lượng còn mỏng, vũ khí, trang bị hạn chế, nhưng với ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm và sự mưu trí, sáng tạo, HQND đã liên tiếp lập công: đánh thắng trận đầu (ngày 02 và 05-8-1964); làm nòng cốt đánh bại chiến tranh phong tỏa sông, biển của địch, bảo vệ miền Bắc; mở đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam…, và tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong giai đoạn xây dựng và BVTQ, Quân chủng đã tập trung xây dựng, phát triển lực lượng, nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Hiện nay, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân chủng “tiến thẳng lên hiện đại”, HQND đã phát triển nhanh cả về tổ chức lực lượng, trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật. Quân chủng được tổ chức thành 5 vùng hải quân trải dọc đất nước; cơ cấu, tổ chức biên chế chặt chẽ, thống nhất, theo hướng: tinh, gọn, mạnh, đồng bộ, có sức cơ động cao, đủ sức đáp ứng kịp thời những tình huống diễn biến mau lẹ trên biển. Các lực lượng của Quân chủng được trang bị nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại, như: tàu tên lửa cao tốc, tàu hộ vệ tên lửa, tàu ngầm, máy bay, tàu vận tải đổ bộ, tàu phục vụ hậu cần, tổ hợp tên lửa bờ thế hệ mới, v.v. Đó là tiền đề để Quân chủng tiếp tục xây dựng đồng bộ các lực lượng, cả lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động trong thời gian tới, đảm bảo đủ khả năng phòng thủ, chi viện bảo vệ các đảo, khu vực Nhà giàn, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Tổ quốc.

Trước tình hình Biển Đông tiếp tục có diễn biến mới, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, an ninh và lợi ích của đất nước, HQND phải không ngừng phát huy truyền thống, tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh toàn diện, theo hướng: “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; trong đó, xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu. Để nâng cao chất lượng về chính trị, trước hết, các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng phải quán triệt, nắm vững và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về BVTQ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới. Đồng thời, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc tình hình, nhiệm vụ Quân đội, của Quân chủng và đơn vị; thống nhất với quan điểm, chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Quân chủng trong xử lý những vấn đề nhạy cảm xảy ra trên biển; từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, SSCĐ hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, chú trọng giáo dục truyền thống của Quân đội và Quân chủng, nhất là truyền thống đánh giặc giữ nước bảo vệ chủ quyền biển, đảo của dân tộc. Qua đó, xây dựng lòng tin cho bộ đội vào tổ chức biên chế, vũ khí, trang bị, nghệ thuật quân sự và cách đánh của HQND trong điều kiện mới. Cấp ủy các cấp phải thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; kết hợp xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ.

Cùng với xây dựng về chính trị, Quân chủng tập trung phát triển lực lượng gắn với đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng SSCĐ. Theo đó, việc xây dựng, tổ chức lực lượng Hải quân cần bám sát định hướng: “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại”, với đủ các binh chủng, có cơ cấu tổ chức lực lượng hợp lý. Trong đó, chú trọng ưu tiên cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ và hoạt động ở các địa bàn trọng điểm, bảo đảm “tinh, gọn, mạnh, đồng bộ”. Đồng thời, tranh thủ mọi thời cơ để phát triển lực lượng tuần tự từ thấp đến cao, kết hợp một số bước đột phá nhưng phải lựa chọn, có trọng tâm, trọng điểm.

Trên cơ sở kiện toàn tổ chức biên chế, trang bị, Quân chủng tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện theo tinh thần Nghị quyết 765-NQ/QUTƯ, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo; bảo đảm sát phương án, đối tượng, chiến trường và tổ chức biên chế, trang bị của từng đơn vị. Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng cần tiếp tục bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng Quân chủng chính quy, hiện đại làm mục tiêu huấn luyện; tập trung đột phá vào “huấn luyện cơ bản, làm chủ vũ khí, trang bị và thực hiện quy tắc an toàn”. Đồng thời, nâng cao chất lượng diễn tập đối kháng; diễn tập hiệp đồng chiến đấu với lực lượng Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các quân khu ven biển và các ngành kinh tế biển..., nhằm kiểm chứng, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện các phương án tác chiến, sát với tình hình thực tiễn. Quá trình thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, góp phần nâng cao chất lượng và bảo đảm an toàn trong trong huấn luyện, diễn tập.

Với đặc thù của Quân chủng kỹ thuật chiến đấu, gồm nhiều lực lượng với VKTBKT hiện đại, phạm vi nhiệm vụ rộng, lại hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, nên công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật càng có ý nghĩa quan trọng. Những năm qua, cùng với việc trang bị mới một số VKTBKT hiện đại, hệ thống cơ sở bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của Quân chủng được củng cố tương đối đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị. Tuy nhiên, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và nhu cầu hiện đại hóa lực lượng Hải quân, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả; trong đó, cần coi trọng nghiên cứu, đổi mới phương thức bảo đảm cho các lực lượng, nhất là các đơn vị mới thành lập. Để thực hiện điều đó, các cơ quan, đơn vị cần duy trì đầy đủ lượng dự trữ vật chất hậu cần thường xuyên và hậu cần SSCĐ; tích cực tăng gia, sản xuất nâng cao đời sống và chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhất là bộ đội công tác trên tàu, đảo và Nhà giàn. Về lâu dài, cần nghiên cứu, từng bước thiết lập thế trận bảo đảm hậu cần vững chắc cả ở trên bờ, trên biển và các đảo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trong thời bình và thời chiến.

Đối với công tác kỹ thuật, các đơn vị cần tập trung nỗ lực vươn lên làm chủ VKTBKT mới, hiện đại; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 50 về Quản lý, khai thác, sử dụng VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông; tăng cường đầu tư nâng cao năng lực sửa chữa, bảo dưỡng, tăng hạn sử dụng VKTBKT hiện có của các cơ sở sửa chữa cả trên bờ và ở các đảo. Trên cơ sở đó, từng bước tiếp thu công nghệ để có thể tự sản xuất một số loại vũ khí, trang bị đặc chủng, góp phần nâng cao năng lực tự chủ trong bảo đảm kỹ thuật và trang bị cho đơn vị. Mặt khác, tiếp tục tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng tăng cường mua sắm VKTBKT mới, hiện đại, đồng bộ để kịp thời trang bị cho các đơn vị tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Trong điều kiện hiện nay, để công tác bảo đảm các mặt sát với thực tế chiến đấu, các đơn vị cần lồng ghép các nội dung bảo đảm ngay trong các cuộc diễn tập; đồng thời, tổ chức tốt các cuộc diễn tập chuyên ngành, nhằm nâng cao năng lực bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các nhiệm vụ theo từng phương án. Các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến trang bị, nghiên cứu đổi mới các phương thức bảo đảm, nhất là bảo đảm vũ khí đặc chủng, xăng dầu, lương thực, thực phẩm và bảo đảm quân y trên biển, đảo…, góp phần bảo đảm cho các đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả trong điều kiện chiến đấu độc lập, thời gian dài.

Cùng với đó, Quân chủng coi trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự hải quân; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy nhanh quá trình xây dựng Quân chủng chính quy, hiện đại. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, nhất là thực tiễn đánh giặc giữ nước trên sông, biển của dân tộc, cần tiếp tục nghiên cứu phát triển hệ thống lý luận khoa học, nghệ thuật quân sự hải quân và phương thức tác chiến của HQND trong điều kiện mới. Trong đó, cần kết hợp chặt chẽ việc kế thừa có chọn lọc những kinh nghiệm cũ với tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật quân sự thế giới để phát triển và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Trong quá trình hiện đại hóa, Quân chủng cần tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 806-NQ/QUTƯ, ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Các hoạt động đối ngoại hải quân phải hướng vào mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, vì hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Cùng với đó, tiếp tục củng cố lòng tin với các đối tác, nâng tầm vị thế của HQND Việt Nam trong khu vực và quốc tế; đồng thời, tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của hải quân các nước bạn để xây dựng Quân chủng chính quy, hiện đại. Đặc biệt coi trọng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác kỹ thuật quân sự; phối hợp hoạt động đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống trên biển; tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ sĩ quan trẻ giao lưu, học hỏi nâng cao trình độ, tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Đô đốc, TS. NGUYỄN VĂN HIẾN, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Tư lệnh Quân chủng Hải quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội
Nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư chúc mừng các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong Quân đội. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Bức thư.