Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Năm, 14/05/2015, 14:12 (GMT+7)
Quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác chính trị trong xây dựng lực lượng vũ trang (giai đoạn 1941 - 1945)

Xây dựng lực lượng vũ trang là vấn đề cơ bản, trọng yếu của mọi cuộc cách mạng. Nắm vững nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và với tầm nhìn chiến lược, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có nhiều chỉ thị, huấn thị về công tác chính trị trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân qua các thời kỳ. Những quan điểm đúng đắn, sáng tạo của Người đến nay còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn.

Tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng Hồng quân công nông, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Ngay từ năm 1930, trong “Chánh cương vắn tắt” của Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trương: “Tổ chức ra quân đội công nông”1 nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng xác định. Đặc biệt, giai đoạn 1941 - 1945, khi mới về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, Hồ Chí Minh đã có nhiều chỉ thị cơ bản về lực lượng vũ trang nhân dân làm cơ sở để từng bước xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân một cách toàn diện; trong đó, công tác chính trị được Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Quan điểm đó được đúc kết trong các tác phẩm, các bài nói, bài viết và hoạt động chỉ đạo thực tiễn của Người, được thể hiện trên một số nội dung cơ bản sau:

Một là, lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam phải do Đảng tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và luôn mang bản chất giai cấp công nhân. Để đáp ứng tình hình phát triển của phong trào cách mạng, ngay sau khi về nước (đầu năm 1941), Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5-1941. Người xác định: cách mạng Đông Dương phải kết liễu chế độ thực dân phong kiến bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Muốn vậy, Đảng phải thành lập những đội tuyên truyền để tổ chức bảo vệ tất cả hội viên cách mạng và đông đảo dân chúng tham gia khởi nghĩa, phải lập những đội tự vệ làm quân chủ lực trong khởi nghĩa. Như vậy, theo Người, vấn đề cốt lõi là lực lượng vũ trang phải do Đảng Cộng sản tổ chức, lãnh đạo và giáo dục, rèn luyện. Trong “Cuốn sách của người chính trị viên” Nguyễn Ái Quốc viết: Người đứng ra tổ chức và lãnh đạo lực lượng vũ trang là Đoàn thể (Đảng) của chúng ta. Tiếp đó, Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm “Cách đánh du kích”, trong đó vạch ra những nguyên tắc và phương pháp tác chiến của lực lượng vũ trang trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền. Để đánh du kích giành thắng lợi, trước hết phải “có con đường chính trị đúng”; “dựa trên cơ sở quần chúng”; “có tổ chức vững chắc và nghiêm mật”; “có một lối đánh tài giỏi”2. Theo Người, đánh du kích của lực lượng vũ trang không phải là hoạt động nhỏ, lẻ theo kiểu manh động, mà là hoạt động của một tổ chức vũ trang cách mạng, có kỷ luật chặt chẽ, dựa vào đường lối chính trị đúng đắn của đoàn thể cách mạng tiên phong và cao trào cách mạng của quần chúng. Quan điểm của Người là, lực lượng vũ trang nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân. Điều này càng được khẳng định khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Người căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: tổ chức Đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo.

Những quan điểm vừa mới, vừa đúng đắn, sáng tạo nêu trên đánh dấu sự phát triển lý luận của Người về xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, công tác chính trị trong xây dựng lực lượng vũ trang nói riêng ở giai đoạn đầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Thực tế đã chứng minh, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bản chất giai cấp cùng mọi thắng lợi của lực lượng vũ trang. Đó là sự quán triệt quan điểm của Đảng về xây dựng chính trị, tư tưởng, tổ chức trong lực lượng vũ trang; trong đó, Quân đội nhân dân là một lực lượng nòng cốt. Vì vậy, Quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyền lãnh đạo đó là tuyệt đối, không chia sẻ cho bất cứ giai cấp nào. Đây là nguyên tắc bất di, bất dịch, bảo đảm cho quân đội luôn luôn mang bản chất cách mạng của Đảng, đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, có phương hướng chính trị và xác định mục tiêu chiến đấu đúng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng xác định mục tiêu, nhiệm vụ, quyết định các chủ trương, đề ra các nguyên tắc để định hướng cho mọi hoạt động xây dựng và chiến đấu của lực lượng vũ trang. Đồng thời, Đảng còn trực tiếp kiểm tra việc tổ chức thực hiện, bảo đảm cho đường lối và mọi chủ trương biến thành hiện thực. Do đó, Đảng phải xác lập cơ chế, nguyên tắc lãnh đạo lực lượng vũ trang phù hợp; xác định rõ vị trí, chức năng của công tác chính trị, của người chính trị viên trong Quân đội.

Hai là, chính trị trọng hơn quân sự, đặt chế độ chính trị viên trong Quân đội. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình cách mạng nước ta giai đoạn 1941 - 1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định: thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ khởi nghĩa chưa tới. Do đó, cuộc đấu tranh lúc này phải từng bước, từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song, hiện tại chính trị trọng hơn quân sự. Từ đó, Người chỉ thị, việc xây dựng các tổ, đội du kích trước hết, phải là đội vũ trang tuyên truyền nhằm động viên, hướng dẫn toàn dân tham gia phong trào cách mạng. Người chỉ rõ: “Về mặt chính trị, cấp nào cũng có một người chính trị phái viên do đoàn thể cách mạng chọn trong bộ đội ấy hoặc phái người ngoài đến làm”3. Chính trị viên phải là “linh hồn” của đội du kích; phải đi đúng đường lối chính trị của đoàn thể; có nhận thức cách mạng vững vàng, trình độ giác ngộ cách mạng sâu sắc; đồng thời, có lý luận cách mạng và năng lực tự động công tác thực sự. Năng lực lãnh đạo của chính trị viên phải gồm đủ mọi mặt: quân sự, chính trị, tuyên truyền, tổ chức, xếp đặt kế hoạch hoạt động, giải quyết kịp thời đúng đắn các việc cấp bách trước mắt và các việc sinh hoạt tinh thần, vật chất hằng ngày. Chính trị viên phải nhúng tay vào tất cả mọi việc để dìu dắt người khác. Người cũng đã bồi dưỡng và chỉ đạo các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp biên soạn hai tác phẩm: “Công tác chính trị trong quân đội cách mạng”“Chính trị viên trong quân đội”. Đây là hai cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam về công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, bước đầu đã xác định một số nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị. Đồng thời, trong “Điều lệ của Việt Nam tiểu tổ du kích cứu quốc” được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5-1941 đã xác định: từ hai tiểu tổ du kích trở lên tổ chức thành liên tiểu tổ, có một liên đội trưởng, một phó liên đội và một ủy viên chính trị để chỉ huy. Cuối năm 1941, Người quyết định tổ chức đội du kích Pác Bó và cử đồng chí Lê Thiết Hùng làm chính trị viên, với phương châm hoạt động chủ yếu trong thời kỳ đầu là vũ trang tuyên truyền. Ngày 22-12-1944 Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của Người, đồng chí Dương Mạc Thạch (Xích Thắng) được cử làm chính trị viên. Trong Chỉ thị thành lập Người chỉ rõ: “...chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”4.

Quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, công tác chính trị trong các đội vũ trang tuyên truyền đã được phát huy cao, làm cho toàn thể cán bộ và đội viên du kích hiểu rõ con đường cách mạng cứu nước, nâng cao giác ngộ chính trị; từ đó, ra sức tận tâm, tận lực vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Đồng thời, hoạt động vũ trang tuyên truyền còn góp phần to lớn xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng của địa phương, từng bước mở rộng cơ sở cách mạng trên phạm vi cả nước. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công.

Ba là, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang phải giải quyết tốt các mối quan hệ, tạo cơ sở nền tảng để phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa cách mạng đến thành công. Đặc điểm cuộc đấu tranh chống đế quốc và phong kiến của nhân dân ta là kháng chiến toàn dân, nên phải động viên và vũ trang toàn dân. Vì thế, cùng với tổ chức lực lượng, đẩy mạnh huấn luyện, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi lực lượng vũ trang phải giải quyết đúng đắn các mối quan hệ, nhất là quan hệ với quần chúng nhân dân, quan hệ nội bộ và với kẻ địch.

Theo Người, đối với quần chúng nhân dân, công tác chính trị có nhiệm vụ xây dựng tình đoàn kết, gắn bó giữa quân đội với nhân dân, thực hiện “quân và dân nhất trí”, coi nhân dân là “cha mẹ” bộ đội, bộ đội phải “tận hiếu” với dân. Khi thành lập đội quân chủ lực đầu tiên, Người yêu cầu: phải dựa chắc vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được; chỉ có dựa vào dân, lực lượng vũ trang mới phát triển nhanh chóng, vững mạnh. Đồng thời, Người còn huấn thị các đội du kích luôn là đội quân của nhân dân, ở trong nhân dân, bênh vực quyền lợi cho dân, vì nhân dân mà hy sinh chiến đấu; đồng thời, phải vận động, giáo dục nhân dân cùng đánh đuổi đế quốc. Tại các vùng còn chưa có cơ sở quần chúng cách mạng thì đội du kích phải là nòng cốt trong tuyên truyền, tổ chức và huấn luyện quần chúng. Đối với mối quan hệ nội bộ, công tác chính trị phải “đúc bền và nâng cao sức chiến đấu” cho lực lượng vũ trang, làm cho mọi đội viên hiểu rõ con đường cách mạng; đồng thời, dùng giáo dục chính trị để nâng cao trình độ quân sự, tinh thần chiến đấu và rèn luyện kỷ luật quân sự tự giác, nghiêm minh. Công tác chính trị trong lực lượng vũ trang phải làm cho cán bộ và đội viên đoàn kết thương yêu, coi nhau như ruột thịt; quan hệ cấp trên và cấp dưới, bộ phận này với bộ phận khác dựa trên sự bình đẳng chính trị và tình thương yêu giai cấp, trong sáng và thường xuyên được củng cố bằng hoạt động tự phê bình và phê bình. Đối với kẻ địch, công tác chính trị có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động sĩ quan và binh lính địch, nhất là binh lính người Việt hiểu rõ quan điểm của Đảng và trở về với cách mạng, nhằm làm tan rã hàng ngũ địch.

Thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân giai đoạn 1941 - 1945 cho thấy, quan điểm trên của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trở thành nguyên tắc về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản được vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam. Nhờ đó, lực lượng vũ trang cách mạng đã hình thành và ngày càng phát triển, tạo thành một khối thống nhất vững chắc về ý chí và hành động, không ngừng lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho.

Quan điểm của lãnh tụ Hồ Chí Minh về công tác chính trị trong xây dựng lực lượng vũ trang là một bộ phận trong tư tưởng quân sự của Người. Quan điểm đó trong giai đoạn 1941 - 1945 là cơ sở, nền móng để phát triển và hoàn thiện vào các giai đoạn tiếp sau. Nó mãi mãi còn nguyên giá trị, sức sống mãnh liệt, giúp cho Đảng ta trong việc định hướng có tính nguyên tắc, phương pháp xem xét và vận dụng thực hiện công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị trong những giai đoạn cách mạng mới.

TS. NGUYỄN BÌNH, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
__________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011,  tr. 1.

2 - Sđd, tr.167-168.

3 - Sđd, tr. 502.

4 - Sđd, tr. 539.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.