Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Bảy, 03/05/2014, 21:00 (GMT+7)
Một số hoạt động của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc. Một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên Chiến thắng vĩ đại đó là vai trò tổ chức, chỉ huy tác chiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch
Điện Biên Phủ xác định quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - 1953. (Ảnh: Tư liệu)

Trước tình hình bị sa lầy ở Đông Dương, tướng Na-va được Chính phủ Pháp điều động sang Việt Nam. Sau khi tới Việt Nam, Na-va đã xây dựng kế hoạch hoạt động quân sự với quy mô lớn; trong đó, trung tâm của kế hoạch là tập trung khối chủ lực mạnh để chủ động tiến công tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Biết rõ âm mưu của địch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã đẩy mạnh tiến công địch rộng khắp, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó. Sau khi biết lực lượng chủ lực của ta di chuyển lên hướng Tây Bắc, Thượng Lào, lo sợ bị mất quyền kiểm soát khu vực quan trọng này, Na-va đã quyết định lựa chọn và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, một pháo đài “không thể công phá” và là “nơi thu hút, tiêu diệt bộ đội chủ lực của Việt Minh”.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng nhận định: như vậy kế hoạch Na-va đã bắt đầu bị xáo trộn. Quân địch ở Điện Biên Phủ tuy mạnh nhưng bị cô lập bởi rừng núi; còn ta, tuy có khó khăn nhưng có thể giải quyết được; với quyết tâm ta sẽ thắng địch trong cuộc đối đầu lịch sử này, và một chiến thắng ở Điện Biên Phủ sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc cổ vũ tinh thần cho toàn quân, toàn dân đánh bại thực dân Pháp. Ngày 06-12-1953, Bộ Chính trị đã họp và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; xác định đây là trận quyết chiến chiến lược. Đồng thời, Hội nghị cũng thông qua phương án thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch (BCHCD) Điện Biên Phủ và phân công Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng, đồng chí Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị và đồng chí Đặng Kim Giang làm Chủ nhiệm Cung cấp. Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị là “tập trung lực lượng tiêu diệt toàn bộ địch ở Điện Biên Phủ theo nguyên tắc: đánh chắc, tiến chắc”1. Trước yêu cầu rất cao về khối lượng vật chất, trang bị bảo đảm cho Chiến dịch, Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Trung Quốc cũng cử đoàn cố vấn quân sự do đồng chí Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn sang giúp đỡ Quân đội nhân dân Việt Nam. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định sử dụng lực lượng gồm: 04 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316, 304), Đại đoàn Công pháo 351 và một số đơn vị binh chủng, cùng lực lượng lớn dân công, nhân dân phục vụ Chiến dịch.

Ngày 05-01-1954, đoàn công tác đầu tiên của BCHCD đã lên đường ra mặt trận. Ngày 12-01, Sở Chỉ huy tiền phương tổ chức họp bàn phương án tác chiến. Thời gian này, địch ở Điện Biên Phủ có 10 tiểu đoàn và đang khẩn trương tăng viện từ đồng bằng lên. Ngày 14-01, tại Sở Chỉ huy ở hang Thẩm Púa, BCHCD tổ chức họp giao nhiệm vụ cho các đơn vị theo phương châm tác chiến: “đánh nhanh, giải quyết nhanh” và nhắc lại Quyết tâm Chiến dịch là: tập trung binh, hỏa lực tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ trong thời gian dự kiến 02 ngày 03 đêm. Tuy nhiên, Hội nghị cũng đưa ra phương án nếu không đảm bảo chắc thắng thì chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Sáng ngày 26-01, Đảng ủy Chiến dịch đã tổ chức hội nghị, trong đó phân tích rõ ba khó khăn lớn: Một là, trình độ đánh công kiên của bộ đội còn chưa cao. Hai là, bộ đội ta chưa có kinh nghiệm chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, lại chưa qua diễn tập. Ba là, bộ đội chưa quen chiến đấu ban ngày, nay phải chiến đấu liên tục 03 đêm 02 ngày với kẻ địch có ưu thế về hỏa lực máy bay, pháo binh và xe tăng, trên địa hình trống trải của cánh đồng Mường Thanh thì rất khó tránh khỏi thương vong, khó hoàn thành nhiệm vụ. Qua phân tích, thảo luận tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư mặt trận, Chỉ huy trưởng Chiến dịch, kết luận: chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. BCHCD đã báo cáo và được Bộ Chính trị nhất trí chuyển sang phương châm tác chiến: “đánh chắc, tiến chắc”.

Theo đó, ngày 07-02-1954, BCHCD đã tổ chức hội nghị tại Nà Tấu để quán triệt chủ trương “đánh chắc, tiến chắc” và triển khai công tác chuẩn bị chiến trường theo phương châm tác chiến mới. Tham mưu trưởng Chiến dịch, đồng chí Hoàng Văn Thái kịp thời triển khai nhiệm vụ cho cơ quan tham mưu tổ chức nắm địch, xây dựng kế hoạch tác chiến mới và chỉ đạo các đơn vị làm công tác chuẩn bị. Theo kế hoạch mới, Chiến dịch chia làm 3 giai đoạn: 1. Hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, chủ yếu là làm đường vận chuyển, xây dựng hệ thống công sự vững chắc, phân tán, bí mật, triển khai đội hình. 2. Tiến hành tiêu diệt các trung tâm đề kháng ngoại vi, hình thành và thắt chặt trận địa bao vây; tiến công địch, thu hẹp dần phạm vi chiếm đóng, tiêu hao lực lượng, khống chế sân bay. 3. Tổng công kích tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch.

Cùng với đó, cơ quan Tham mưu Chiến dịch còn tập trung chỉ đạo huấn luyện bổ sung về kỹ thuật, chiến thuật đánh công sự vững chắc, tổ chức huấn luyện hiệp đồng binh chủng,... Ngày 28-02, BCHCD tổ chức Hội nghị quân chính đánh giá toàn bộ công tác chuẩn bị và kết luận: mọi công tác chuẩn bị của ta đã hoàn thành.

Đợt 1 của Chiến dịch đã diễn ra từ ngày 13 đến ngày 17-3. Tại Sở Chỉ huy Chiến dịch, đồng chí Chỉ huy trưởng và cơ quan Tham mưu Chiến dịch đã tập trung chỉ huy hiệp đồng giữa các lực lượng; quyết định tổ chức pháo binh ngắm bắn trực tiếp, tiêu diệt địch ở Him Lam; sau đó chỉ huy bộ đội phát triển chiến đấu đánh chiếm đồi Độc Lập và Bản Kéo theo kế hoạch.

Sau đợt 1, BCHCD đã tổ chức sơ kết với thành phần cán bộ từ trung đoàn trở lên. Đồng chí Chỉ huy trưởng Chiến dịch đã biểu dương các đại đoàn: 312, 308, 351 hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, nhấn mạnh không được chủ quan, khinh địch, giữ vững quyết tâm, nắm vững phương châm “đánh chắc, tiến chắc” và chỉ đạo các đại đoàn khẩn trương làm công tác chuẩn bị cho đợt 2.

Ngày 27-3, BCHCD triệu tập cán bộ từ trung đoàn trở lên về Sở chỉ huy Chiến dịch để giao nhiệm vụ hiệp đồng tác chiến. Ngày 30-3, đợt 2 của Chiến dịch bắt đầu và kéo dài đến ngày 30-4. Đây là đợt tiến công dai dẳng, gay go, ác liệt nhất. Để tiến công các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp, BCHCD đã chỉ huy các đơn vị áp dụng chiến thuật “vây lấn” bằng hệ thống giao thông hào, chiến hào dày đặc, dần dần bao vây siết chặt các vị trí của địch. Trước tình hình nhu cầu vật chất tăng lên 3-4 lần theo kế hoạch, vấn đề bảo đảm hậu cần hết sức bức thiết. Ngày 19-4, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết về công tác bảo đảm; trong đó, nhấn mạnh việc “dốc toàn lực để chi viện cho Điện Biên Phủ”. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, gian khổ do mùa mưa đến, có lúc thương vong cao, song đợt 2 của Chiến dịch đã kết thúc thắng lợi.

Đợt 3 của Chiến dịch diễn ra từ ngày 01 đến ngày 07-5. BCHCD đã chỉ huy bộ đội ta khép dần vòng vây. Đúng 15 giờ ngày 07-5, nhận định địch có triệu chứng hỗn loạn và thời cơ đã tới, BCHCD đã lệnh toàn mặt trận tổng công kích với phương châm hành động: đánh thẳng vào Sở Chỉ huy địch, đánh mạnh, bao vây thật chặt, không cho bất cứ tên địch nào chạy thoát. 17 giờ 30 cùng ngày, tướng Đờ-cát-tơ-ri và toàn bộ Bộ Chỉ huy tập đoàn cứ điểm của địch bị bắt. Trong đêm, cơ quan tham mưu đã chuyển bức điện của Đảng ủy Chiến dịch báo cáo với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ.

Thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ do nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố; trong đó, có vai trò quan trọng của BCHCD. Từ công tác tổ chức chỉ đạo, chỉ huy điều hành các hoạt động tác chiến cũng như bảo đảm của Chiến dịch, chúng ta có thể rút ra một số bài học cơ bản sau:

Một là, thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Thực tiễn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, BCHCD luôn tuân thủ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh; đã quán triệt sâu sắc phương châm chiến lược mà Trung ương Đảng đề ra là: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Việc thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” đã thể hiện sự quán triệt và thực hiện đầy đủ sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”2

Hai là, chỉ huy phải kiên quyết, sâu sát, linh hoạt, sáng tạo. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ vai trò của người chỉ huy các cấp đều thể hiện rõ tài thao lược trong sử dụng lực lượng; linh hoạt về chiến thuật; kiên quyết, táo bạo trong hành động,... Trong Chiến dịch này, người chỉ huy các cấp luôn bám sát chiến trường; cán bộ chỉ huy  các cấp luôn có mặt ở nơi gian khổ, ác liệt nhất, đồng cam, cộng khổ cùng chiến sĩ. Nhờ đó, đã vận dụng hợp lý, sáng tạo, linh hoạt các hình thức chiến thuật trong từng giai đoạn và đối với từng mục tiêu cụ thể; đã phát hiện, giải quyết kịp thời nhiều tình huống, cùng bộ đội sáng tạo ra nhiều cách đánh mới đạt hiệu quả cao. Chiến dịch còn khẳng định sự trưởng thành của BCHCD trong tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng; chỉ huy vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật, như: đánh lấn, tập kích, các thủ đoạn chiến thuật thọc sâu, vu hồi, v.v.

Ba là, thường xuyên thực hiện tốt công tác đảng, công tác chính trị trong Chiến dịch. Công tác đảng, công tác chính trị đã được thực hiện thường xuyên cả trước, trong và sau Chiến dịch. Đảng ủy Chiến dịch luôn giữ vững sự lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành có hiệu quả công tác xây dựng, củng cố kiện toàn các tổ chức đảng; gắn thực hiện công tác đảng với công tác cán bộ trong chiến đấu. Đặc biệt, trong những thời điểm khó khăn, như: thay đổi cách đánh, phải kéo pháo, đưa lực lượng ra vòng ngoài để củng cố công sự trận địa, hoặc giữa đợt 2 của Chiến dịch, trong điều kiện khó khăn xuất hiện sự dao động tư tưởng, ngại khó khăn, gian khổ, Đảng ủy Chiến dịch đã quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng, nhằm khắc phục tư tưởng ngại khó khăn, gian khổ, thiếu niềm tin, v.v.

 Bốn là, thực hiện dân chủ quân sự, phát huy vai trò năng động, sáng tạo của các cấp. Trước khi ra các quyết định lớn, Đảng ủy, BCHCD và các cấp đều tổ chức sinh hoạt dân chủ; phân tích khách quan, khoa học, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao. BCHCD luôn tạo điều kiện, phát huy tính chủ  động, sáng tạo của các cấp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vì thế, trong chiến đấu đã xuất hiện tấm gương năng động, mưu trí, dũng cảm; nhiều cách mới xuất phát từ đơn vị cơ sở; phương pháp chiến thuật: “vây - lấn - tấn - phá - triệt - diệt” là sự sáng tạo của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra cho Quân đội nói chung và cơ quan tham mưu chiến lược nói riêng những yêu cầu mới rất cao. Những bài học kinh nghiệm từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến của BCHCD Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy những bài học kinh nghiệm đó, mỗi cán bộ cơ quan tham mưu chiến lược phải thấu suốt quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; đồng thời, có trình độ phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình; có tầm nhìn, tư duy chiến lược sắc bén, có kiến thức tham mưu tác chiến chiến lược, chiến dịch, chiến thuật vững vàng. Cùng với đó, người cán bộ cơ quan tham mưu chiến lược còn phải biết kế thừa, phát triển nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, v.v.

Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục phấn đấu xây dựng vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Trung tướng VÕ VĂN TUẤN

Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam

1 - Điện Biên Phủ mốc vàng thời đại, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 90.

2 - Chiến thắng Điện Biên Phủ, mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 99.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.