Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 13/04/2015, 13:51 (GMT+7)
Kết hợp tiến công và nổi dậy của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long trong Đại thắng mùa Xuân 1975

Đại thắng mùa Xuân 1975 là chiến công chói lọi trong nửa cuối thế kỷ XX của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là kết quả của cả quá trình chiến đấu anh dũng, bền bỉ của đồng bào và chiến sĩ cả nước; trong đó, có sự đóng góp tích cực của quân và dân đồng bằng sông Cửu Long, mà đỉnh cao là nghệ thuật tác chiến kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy với tiến công.

Quân Giải phóng vượt sông Vàm Cỏ Đông tiến về Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)

Để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, Đảng ta đã kiên định và vận dụng sáng tạo quan điểm cách mạng bạo lực, với hai lực lượng cơ bản: lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang (LLVT); kết hợp khởi nghĩa với chiến tranh cách mạng. Trong đó, kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công đạt tới đỉnh cao, đánh bại và làm tan rã toàn bộ lực lượng địch, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn, có lợi nhất. Sự kết hợp giữa tiến công quân sự của bộ đội chủ lực và nổi dậy của quần chúng được thực hiện hết sức chặt chẽ, hiệu quả trong suốt cuộc Tổng tiến công chiến lược. Những đòn tiến công quân sự của bộ đội chủ lực, bằng những trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh thẳng vào các thành thị, trung tâm đầu não, căn cứ quân sự của địch; tiêu diệt, làm tan rã lực lượng lớn và gây cho chúng hoang mang tột độ đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở địa phương, cơ sở để giành quyền làm chủ. Sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng nhân dân trên nhiều địa bàn từ nông thôn đến thành thị, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt đã tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực cả về thế, lực để nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch, tập trung lực lượng vào những mục tiêu chủ yếu của cuộc Tổng tiến công.

Quân khu 9 ngày nay (Quân khu 8 và Quân khu 9 cũ) gồm 12 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm ở cực Nam của Tổ quốc. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), quân và dân ĐBSCL đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân với phương châm; "hai chân, ba mũi, ba vùng", phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo, lập nên những chiến công oanh liệt. Đặc biệt, trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, quân và dân ĐBSCL đã tập trung sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, kết hợp giữa tiến công với nổi dậy để giải phóng hoàn toàn các địa phương trên địa bàn.

Cuối năm 1973, đầu năm 1974, cục diện chiến trường đã có những chuyển biến ngày càng có lợi cho cách mạng nước ta. Ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn suy yếu cả về quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao; nội bộ lục đục, mâu thuẫn, tinh thần binh lính giảm sút, tư tưởng dao động. Tuy nhiên, chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu vẫn ngoan cố bình định, mở rộng quyền cai trị ĐBSCL, nuôi hy vọng lấy nơi đây làm căn cứ để thay đổi cục diện chiến trường. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc và đánh phá ta một cách toàn diện. Cùng với việc ra sức dồn quân, bắt lính, vơ vét lúa gạo, chúng còn giao cho Vùng 4 chiến thuật và Quân đoàn 4 ngụy phải thực hiện năm mục tiêu trong năm 1974 đối với khu vực ĐBSCL, đó là: khóa chặt biên giới; tiêu diệt lực lượng Việt cộng; đánh phá căn cứ vùng giải phóng; bảo vệ an ninh lãnh thổ; nâng cao sức chiến đấu của quân ngụy.

Về phía ta, LLVT trên chiến trường Quân khu 8, Quân khu 9 đã tiến bộ thêm một bước về trình độ tổ chức, chỉ huy và tác chiến. Trước sự phát triển trên chiến trường theo hướng có lợi cho ta, cán bộ, chiến sĩ ngày càng có nhận thức đúng đắn về quan điểm, đường lối quân sự, chiến lược tiến công của Đảng, củng cố thêm niềm tin thắng lợi, ý chí quyết tâm và giữ vững khí thế tiến công trên các mặt trận. Thường vụ Khu ủy Khu 8 xác định: “Tiếp tục cuộc vận động lớn, động viên quân và dân đẩy mạnh tiến công địch bằng chính trị, quân sự, binh vận với kết hợp pháp lý; kết hợp chặt chẽ ba vùng, ba thứ quân; kiên quyết đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm của địch trên cả ba vùng; đồng thời, xây dựng vùng giải phóng, xây dựng, phát triển nhanh chóng các lực lượng chính trị, vũ trang;...”. Thường vụ Khu ủy Khu 9 xác định “... Đẩy mạnh hơn nữa tiến công và phản công toàn diện, đánh bại kế hoạch bình định, củng cố thực lực cách mạng ở các vùng; đặc biệt chú ý bổ sung phát triển nhanh LLVT 3 thứ quân đủ sức làm đòn xeo thực hiện nhiệm vụ giành đất, giành dân, giành quyền làm chủ”1. Thực hiện quyết tâm của Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8, Quân khu 9, quân và dân ĐBSCL đã kiên cường bám trụ, nổi dậy phá các đồn bốt và sự kìm kẹp của bọn ác ôn; liên tục chủ động tiến công quân địch, giành nhiều thắng lợi trong chiến dịch mùa khô 1973-1974. Trong cuộc tiến công và nổi dậy đó, Quân khu 9 đã loại khỏi vòng chiến đấu 22.000 tên địch, diệt 61 đồn bốt, giải phóng 254 ấp, 12 xã (4 xã giải phóng hoàn toàn, 8 xã giải phóng cơ bản). Quân khu 8 gây cho địch nhiều tổn thất, giải phóng 9 xã, diệt 150 đồn bốt, phá rã nhiều vùng dưới sự kìm kẹp, bình định của địch, giải phóng một vùng đất rộng lớn. Thắng lợi của quân và dân ĐBSCL trong năm 1974 đã làm chuyển biến rõ rệt thế và lực của ta trên chiến trường. Các LLVT được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Các chi bộ ở nông thôn đã nắm chắc lực lượng du kích, chính trị, binh vận, phát động quần chúng nhân dân nổi dậy bao vây đồn bốt, phá rã, phá lỏng bộ máy chính quyền của địch, đẩy địch vào thế co cụm, bị động, tạo cho ta thế mới, lực mới để bước vào giai đoạn giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Thực hiện quyết tâm giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đề ra kế hoạch mùa khô 1974-1975. Kế hoạch được chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ đầu tháng 12-1974 đến tháng 2-1975; đợt 2 từ tháng 3 đến tháng 5-1975. Nội dung của kế hoạch là tiếp tục phá kế hoạch bình định của địch ở ĐBSCL. Vùng trọng điểm 1 tiến công địch là tỉnh Bến Tre (Quân khu 8) và Vĩnh Long, Trà Vinh (Quân khu 9), trong đó có nhiệm vụ mở rộng vùng giải phóng, giành nhiều dân về với cách mạng; mở rộng, hoàn chỉnh vùng căn cứ hậu phương và hành lang nối liền các chiến trường; tập trung lực lượng cắt Lộ 4, tiêu diệt lực lượng địch cơ động, tạo bàn đạp cho mũi tiến công vào Sài Gòn từ hướng Nam. Trọng điểm 2 (Quân khu 8) mở rộng vùng giải phóng Đồng Tháp Mười ra sát Lộ 4 tại vùng đất Mỹ Tho, tiêu diệt Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 ngụy, mở vùng giải phóng từ căn cứ U Minh lên hướng Cần Thơ, Sở Chỉ huy Quân đoàn 4 địch (Quân khu 9). Bộ Tư lệnh Quân khu 8 thành lập Ban Chỉ đạo chiến dịch, phân chia địa bàn thành 5 khu vực, mỗi khu vực đều thành lập Ban Chỉ đạo riêng. Tại Quân khu 9, Quân khu ủy xác định hướng chủ yếu (trọng điểm 1) sử dụng lực lượng Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3, được tăng cường Tiểu đoàn pháo 2315, kết hợp với LLVT hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh; hướng thứ yếu (trọng điểm 2) sử dụng lực lượng Sư đoàn 4 có tăng cường Đoàn Pháo binh 6, 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Cần Thơ; hướng phối hợp quan trọng có lực lượng của Trung đoàn 101, Tiểu đoàn 6 độc lập của Khu và 2 tiểu đoàn tỉnh Long Châu Tiền.

 Với phương châm: “Xã tự giải phóng xã, huyện tự giải phóng huyện, tỉnh tự giải phóng tỉnh”, không trông chờ vào lực lượng của trên, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và Quân khu 9 đã chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh thành lập các Ủy ban khởi nghĩa, tăng cường cán bộ, đảng viên vào cơ sở nội thành; nhanh chóng tổ chức, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận, phát động quần chúng sẵn sàng hiệp đồng tiến công giành thắng lợi. Các kế hoạch của tỉnh đều được thông qua từ đầu tháng 4 năm 1975, với các chi tiết rất cụ thể, thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu giải phóng quê hương rất cao. Đặc biệt, kế hoạch đánh chiếm thành phố, thị xã đều có dự kiến 2 tình huống cho 3 mũi giáp công, đó là: Có lực lượng quân sự tiến công thì nhanh chóng hiệp đồng; trường hợp thời cơ xuất hiện, lực lượng quân sự chưa kịp tiến công hoặc mới tiến công quân địch ở vòng ngoài thành phố, thị xã thì mũi chính trị, binh vận kết hợp với lực lượng vũ trang cơ sở tiến hành nổi dậy giành chính quyền.

Ngày 26-4-1975, ta mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chấp hành mệnh lệnh của Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và Quân khu 9 phát động một cao trào tiến công mạnh mẽ, đều khắp tất cả huyện, xã với khí thế kết hợp giữa tổng tiến công của LLVT và nổi dậy của quần chúng để tự giải phóng địa phương. Công tác chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh lịch sử hết sức chu đáo, các lực lượng áp sát mục tiêu, chờ lệnh Tổng tiến công, nổi dậy. Nhân dân ĐBSCL luôn khát khao chờ ngày thắng lợi, sẵn sàng chi viện, giúp đỡ chính quyền cách mạng, bộ đội cả về tinh thần và vật chất, sẵn sàng tham gia xuống đường phá đồn bốt, diệt ác ôn ngụy, tạo đà cho bộ đội chủ lực tiến công quân địch. Đêm 29 rạng 30-4-1975, các cánh quân của ta đồng loạt tiến vào nội đô Sài Gòn theo kế hoạch. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Miền, quân và dân ĐBSCL nhanh chóng triển khai thế trận tiến công và nổi dậy, cắt đứt và làm chủ hoàn toàn Đường 4 (nay là Quốc lộ 1) từ Long An - Mỹ Thuận, Vĩnh Long - Cần Thơ và kênh Chợ Gạo, ngăn chặn không cho địch từ ĐBSCL chi viện lên Sài Gòn và từ Sài Gòn co cụm về ĐBSCL. Đồng thời, tổ chức một cánh quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công Sài Gòn từ hướng Tây Nam, đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát, khu kho Tân Thuận và cảng Nhà Bè.

11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975 lá cờ cách mạng tung bay trên tòa nhà chính của Dinh Độc lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Thành phố Sài Gòn được giải phóng. Cũng trong những giờ phút lịch sử trọng đại này, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh 2 Quân khu, quân và dân ĐBSCL đồng loạt tiến công, nổi dậy. Các cấp lãnh đạo địa phương đã nhạy bén chớp thời cơ, phát động quần chúng đứng lên, đấu tranh xóa bỏ chính quyền địch, giành quyền làm chủ ở từng địa phương. Khi LLVT Trà Vinh, Sóc Trăng, Vị Thanh đánh chiếm các mục tiêu trong các thị xã, quần chúng nhân dân nổi dậy bao vây, bức hàng, bức rút hàng loạt đồn, bốt ngụy quân, ngụy quyền; ba mũi giáp công áp đảo, buộc các đơn vị bảo an địch phải hạ vũ khí đầu hàng quân giải phóng. Tại hướng Cần Thơ, Mỹ Tho, Rạch Giá, Vĩnh Long, Bến Tre, Sa Đéc, Gò Công, khi LLVT tiến công áp sát các mục tiêu ngoại vi, quần chúng nhân dân trong các nội đô kịp thời nắm thời cơ nổi dậy giành chính quyền. Hướng Bạc Liêu, Châu Đốc, do làm tốt công tác binh vận, nên khi quần chúng nổi dậy, chính quyền cơ sở của ngụy đã nhanh chóng đầu hàng. Riêng tại tỉnh Long Châu Tiền, một số sĩ quan ngụy tập hợp trên 10.000 lính bảo an từ các nơi dồn về Tổ Đình ở xã Hòa Hảo (huyện Phú Tân) tuyên bố tử thủ, đòi thành lập khu tự trị của đạo Hòa Hảo. Với lý lẽ sắc bén, thái độ cương quyết và sức mạnh của lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân, âm mưu này đã bị thất bại, vùng Tổ Đình Hòa Hảo được giải phóng. Sau đó, một số tàn quân bảo an ngụy Sài Gòn trong vùng tiếp tục co cụm về Chợ Mới, tập trung tại chùa Tây An, coi đây là nơi tử thủ cuối cùng, song chúng đã bị LLVT tỉnh Sa Đéc và quần chúng bao vây, tiến công làm tan rã hoàn toàn. Ngày 6-5-1975, cờ giải phóng tung bay trên chùa Tây An, mảnh đất cuối cùng ở ĐBSCL được giải phóng.

Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Đại thắng mùa Xuân 1975, nhưng kinh nghiệm về sự kết hợp tiến công và nổi dậy của quân và dân ĐBSCL còn nguyên giá trị. LLVT Quân khu 9 đã và đang tiếp tục vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý đó vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN PHƯƠNG NAM, ủy viên BCHTƯ Đảng, Tư lệnh Quân khu 9
_________________

1 - Hồ sơ B175, lưu tại Cục Chính trị Quân khu 9.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.