Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 24/07/2017, 08:15 (GMT+7)
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam – địa chỉ tin cậy của thân nhân liệt sĩ

Ngày 24-10-2010, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam được thành lập, với tôn chỉ, mục đích hoạt động là: tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và người có công với nước. Từ đó đến nay, Hội luôn tích cực hoạt động, đạt nhiều kết quả thiết thực, trực tiếp đến từng gia đình liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, góp phần xoa dịu nỗi đau của các gia đình liệt sĩ và toàn xã hội.

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Trải qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, ở nước ta, có hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh. Hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề, cả nước hiện nay còn gần 200 ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy mộ, khoảng 300 ngàn liệt sĩ đã quy tập vào các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương binh mang trên mình thương tích, hàng triệu người nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin; trong đó, có hàng chục ngàn trẻ em bị di chứng, sống trong tật nguyền. Và biết bao bà mẹ, người vợ, người con và những thân nhân liệt sĩ đang mong mỏi tin tức của người thân không trở về sau chiến tranh. Đây là mất mát đau thương quá lớn đối với dân tộc ta, đất nước ta và các gia đình liệt sĩ.

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”1, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách, chế độ đãi ngộ và các hoạt động xã hội tích cực đối với các gia đình liệt sĩ, người có công với nước. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với nước từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, công tác liệt sĩ đang gặp không ít khó khăn; còn nhiều vấn đề, nhiều việc phải tập trung giải quyết, có việc giải quyết còn phải lâu dài. Vì thế, trong Chỉ thị 09-CT/TW, ngày 14-02-1996 của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân tham gia tìm kiếm, phát hiện các phần mộ của liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc…”; tiếp đó, ngày 15-5-2013, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 24-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo, đã nhấn mạnh“Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta”.

Nhằm đáp ứng nguyện vọng của hàng chục vạn gia đình liệt sĩ và của toàn xã hội về công tác liệt sĩ, ngày 17-9-2010, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định 1081/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Thực hiện Quyết định đó, ngày 24-10-2010, tại Đại Hội lần thứ I, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam được thành lập. Phương châm hoạt động của Hội là “Ân tình và tự nguyện”, cán bộ, nhân viên, hội viên trong cả nước đã đoàn kết cùng nhau khắc phục khó khăn, toàn tâm, toàn ý cho nhiệm vụ thiêng liêng là tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng. Gần 7 năm qua (tháng 10-2010 đến nay), Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, thật sự là cầu nối giữa gia đình liệt sĩ với Đảng và Nhà nước - một địa chỉ tin cậy của các gia đình liệt sĩ. Kết quả hoạt động nổi bật là:

1. Tổ chức khảo sát, nghiên cứu thực trạng về liệt sĩ và gia đình liệt sĩ. Ngay sau khi thành lập, Hội đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu thực trạng về liệt sĩ, gia đình liệt sĩ ở một số địa phương, đại diện cho các vùng, miền trong cả nước (gồm các tỉnh: Hưng Yên, Gia Lai, Bến tre). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đó, Hội đã báo cáo, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần xây dựng Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13, ngày 16-7-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin; tích cực tham gia Chương trình Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với nước theo Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Hỗ trợ thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ. Hoạt động của Hội tập trung vào những vấn đề chủ yếu giúp các gia đình liệt sĩ tiếp cận với chính sách mới của Đảng và Nhà nước; tổ chức thu thập thông tin liệt sĩ, phân tích, xử lý, kết nối, tư vấn trực tiếp hoặc thông qua trang Website trianlietsi.vn và Tạp chí điện tử trian.vn của Hội, giúp cho hàng ngàn gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ đúng hướng, có địa chỉ tin cậy và hàng trăm gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt người thân đưa về yên nghỉ tại quê hương. Từ năm 2011 đến nay, Hội phối hợp với Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Viện Pháp y Quân đội, Viện Pháp y Quốc gia tiếp nhận mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin để giám định ADN theo yêu cầu của gia đình với trên 600 trường hợp (miễn phí 100%). Kết quả, Hội đã tổ chức được 29 đợt trao kết quả giám định ADN, xác định đúng danh tính cho hơn 400 liệt sĩ (đạt 75%). Cùng với đó, Hội đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ tổ chức lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ Mặt trận 31 để phục vụ giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ tại Nghĩa trang Hữu nghị Việt - Lào, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Phối hợp với Viện Pháp y Quân đội, các cơ quan chức năng ở 36 tỉnh, thành phố và Ban liên lạc Mặt trận 31 thu thập được 1.050/1.085 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ (đạt 96,7%). Thực hiện Đề án 150 của Chính phủ, Hội đã tổ chức 6 đợt lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ theo từng nhóm mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ, như: Hương Thủy, Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế); Ba Dốc (tỉnh Quảng Bình); Hướng Hóa (Khe Sanh), Đường 9 (tỉnh Quảng Trị) để giám định ADN, với trên 150 mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và đã tổ chức được 3 đợt trao kết quả giám định đúng cho các gia đình liệt sĩ.

3. Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng có hoàn cảnh khó khăn. Với phương châm xã hội hóa, Hội đã tạo kinh phí từ nhiều nguồn cho hoạt động tri ân, hỗ trợ các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, nhận được sự đồng hành, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, thời gian qua Hội đã tặng hơn 200 Nhà tình nghĩa, hơn 2.000 sổ tiết kiệm, hàng nghìn suất quà, học bổng cho gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, con, cháu liệt sĩ,… trị giá trên 40 tỷ đồng.

4. Quan tâm xây dựng và phát triển Hội trên phạm vi toàn quốc. Công tác xây dựng và phát triển Hội được chú trọng, cơ quan Hội được kiện toàn ổn định, từng bước xây dựng và hoàn thiện các văn bản, như: Điều lệ, Quy chế, quy định,… nhất là sau Đại hội lần thứ II Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (tháng 10-2015), việc phát triển tổ chức Hội, Chi hội ở địa phương và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, có hơn 30 tổ chức Hội, Chi hội, với hơn 5.000 hội viên tại các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trong cả nước, hoạt động có hiệu quả, thiết thực.

Những kết quả trên đây của Hội, tuy chỉ là bước đầu, song có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tích cực đẩy mạnh việc tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và người có công với nước. Trong thời gian tới, để Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phát huy vai trò hơn nữa trong hoạt động tri ân liệt sĩ, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhất là thế hệ trẻ. Để thực hiện điều đó, Hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo đài Trung ương, địa phương, phát huy trang thông tin điện tử: trianlietsi.vn và Tạp chí điện tử tri ân trong việc tuyên truyền tôn chỉ, mục đích và kết quả hoạt động tri ân của Hội; phối hợp với các tỉnh, thành phố, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các trường học, … tổ chức các hoạt động tri ân liệt sĩ thiết thực với nội dung và hình thức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, trong từng thời gian thích hợp.

Hai là, chủ động hỗ trợ các gia đình liệt sĩ trong việc thu thập, phân tích, xử lý và hỗ trợ thông tin về mộ và nhóm mộ liệt sĩ còn thất lạc danh tính; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng giám định ADN; tích cực triển khai xây dựng bộ phần mềm quản lý thông tin liệt sĩ; phối hợp thu thập thông tin liệt sĩ từ các cơ quan chức năng, các đơn vị, các Ban Liên lạc cựu chiến binh, các gia đình liệt sĩ, v.v. Đẩy mạnh thực hiện Đề án 150 của Chính phủ, xây dựng kế hoạch xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo nhóm mộ liệt sĩ thông qua Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; phối hợp với các viện đã ký hiệp đồng để tổ chức lấy mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ phục vụ giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ.

Ba là, tiếp tục triển khai xã hội hóa nguồn kinh phí cho các hoạt động tri ân liệt sĩ, với hình thức, như: tặng Nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, tặng học bổng và quà tới gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, con liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Chủ động xây dựng bộ tiêu chí xác định gia đình liệt sĩ khó khăn theo 4 loại hình, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương, để thực hiện việc hỗ trợ đúng đối tượng.

Bốn là, thực hiện tốt công tác xây dựng và phát triển Hội, phấn đấu từ nay đến năm 2020, có ít nhất 10 tỉnh, thành phố trong cả nước thành lập được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và hàng chục Chi hội được thành lập tại các huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, v.v. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, hội viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam có tâm huyết, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động vì sự nghiệp tri ân liệt sĩ.

Năm là, tham gia tích cực và thường xuyên, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương với vai trò phản biện xã hội, để đóng góp ý kiến xác đáng trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Thời gian tới, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trọng trách của mình; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, để đưa hoạt động tri ân liệt sĩ ngày càng hiệu quả hơn, thiết thực Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017)./.

Trung tướng LÊ VĂN HÂN, Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam
____________
___________________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 372

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.