Thứ Ba, 17/09/2024, 09:47 (GMT+7)
Trong xã hội còn áp bức, bất công, người bóc lột người đã diễn ra sự cạnh tranh gay gắt, thôn tính lẫn nhau, “cá lớn nuốt cá bé”. Với một xã hội con người được giải phóng, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của cộng đồng mới diễn ra quá trình thi đua. Thi đua mang ý nghĩa tích cực, tiến bộ và cách mạng. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi bắt đầu quá trình xây dựng, phát triển xã hội mới, Hồ Chí Minh khẳng định: nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đó là điều kiện chính trị, xã hội bảo đảm cho thi đua phát triển trong các tầng lớp nhân dân, lực lượng xã hội, lực lượng vũ trang nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược: kháng chiến, kiến quốc.
Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc; trong đó, Người khẳng định rõ mục đích, cách làm của Thi đua ái quốc. Đồng thời, động viên mọi người dân yêu nước tham gia, đảm bảo “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”1. “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”2. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang ra sức thi đua yêu nước, góp phần thiết thực vào công cuộc kháng chiến và kiến thiết đất nước. Các tổ chức đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức lãnh đạo bảo đảm phát triển phong trào đúng hướng nhằm mang lại kết quả thiết thực.
Ngay trong tháng 6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư mời ông Hoàng Đạo Thúy, Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc - Bộ Quốc phòng, nhận nhiệm vụ lãnh đạo Ban Thi đua Trung ương. Người nhấn mạnh: lãnh đạo công tác thi đua “cần một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm và tính xốc vác”3. Tổ chức thi đua yêu nước ngay từ đầu đã có cơ quan và người lãnh đạo. Điều đó cho thấy, tầm quan trọng và ý nghĩa của thi đua; không phải chỉ là lời kêu gọi và động viên tinh thần mà phải thật sự hành động.
Đại hội Đảng lần thứ II (02-1951) đã có Báo cáo về Thi đua ái quốc. Đảng ta đã tổng kết những thành công và kinh nghiệm Thi đua yêu nước trên mặt trận nông nghiệp, công nghiệp và nhiều lĩnh vực, đề ra những chủ trương lớn; chú trọng các hình thức khen thưởng. Ngày 01-5-1952, phát biểu tại Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: thành công của công tác thi đua thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Tại đại hội, nhiều đồng chí đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Anh hùng Lao động, Anh hùng Quân đội. Hồ Chí Minh khẳng định: “Thi đua là yêu nước. Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực”4. Các đồng chí Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm được suy tôn là Anh hùng Lao động. Anh hùng Quân đội có Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị. Đó là những tấm gương tiêu biểu có sức lan tỏa để mọi người dân, mọi cán bộ, chiến sĩ noi theo.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc chống Mỹ, cứu nước, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh công tác thi đua nhằm tạo ra động lực mới, nâng cao sức mạnh tổng hợp. Trung ương Đảng, Chính phủ, lãnh đạo các ngành, các địa phương coi trọng xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Ở miền Bắc, vào đầu những năm 60, trong xây dựng phát triển kinh tế đã hình thành các tổ, đội, đơn vị lao động xã hội chủ nghĩa tiên tiến; nhất là phong trào thi đua làm theo những điển hình tiên tiến. Đó là các phong trào Gió Đại Phong, học tập Hợp tác xã làm ăn giỏi Đại Phong ở Quảng Bình; Sóng Duyên Hải, làm theo Nhà máy cơ khí Duyên Hải ở Hải Phòng; phong trào Cờ ba nhất trong Quân đội; Tiếng trống Bắc Lý, học tập Trường phổ thông cấp II Bắc Lý của tỉnh Hà Nam. Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc, phong trào thi đua diễn ra sôi nổi tạo nên sức mạnh mới trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước, với các phong trào Ba sẵn sàng trong Thanh niên, Ba đảm đang của Phụ nữ, Năm xung phong ở miền Nam. Các Đại hội Thi đua toàn quốc và toàn miền Nam đã tuyên dương các Anh hùng Lao động, chiến sĩ thi đua, Anh hùng Lực lượng vũ trang, danh hiệu dũng sĩ. Đó thật sự là nhân tố rất quan trọng đưa đến thắng lợi cuối cùng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng nêu gương “người tốt, việc tốt”. Những người có thành tích nổi bật được Người tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ. Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã rất coi trọng lãnh đạo công tác thi đua - khen thưởng. Xây dựng và kiện toàn tổ chức, phân công cán bộ chuyên trách làm công tác này và định kỳ tổ chức đại hội thi đua các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, tiến tới đại hội thi đua toàn quốc. Hiện nay, về tổ chức có Hội đồng thi đua - khen thưởng Trung ương do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Ban thi đua - khen thưởng Trung ương là cơ quan chuyên trách về công tác thi đua - khen thưởng do một Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm Trưởng ban. Các địa phương, các ngành, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, các cơ quan, đơn vị đều có tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua - khen thưởng.
Tổng kết 30 năm kháng chiến chống xâm lược và quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng, Nhà nước ta tiến hành khen thưởng và chính sách “đền ơn đáp nghĩa”; thực hiện chính sách đối với người có công, có chế độ đãi ngộ xứng đáng với các bậc lão thành cách mạng tham gia hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám và thời kỳ tiền khởi nghĩa. Tiếp tục phong tặng và truy tặng các Anh hùng Lực lượng vũ trang (cả Quân đội, Công an); suy tôn đơn vị anh hùng thời kháng chiến; tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong sự nghiệp đổi mới, nhiều đơn vị và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc đã được phong tặng danh hiệu anh hùng. Số chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp ngành và toàn quốc không ngừng phát triển gắn liền với thành tựu về mọi mặt của công cuộc đổi mới đất nước.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam (01-2016) chủ trương đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế đòi hỏi phát triển cao nhất nội lực, ý chí và bản lĩnh Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở nước ngoài hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”5.
Thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng 70 năm trước, được Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện và đã mang lại những thành quả to lớn trong suốt quá trình kháng chiến và xây dựng, phát triển đất nước. Thi đua luôn luôn gắn liền và hướng vào thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với từng thời kỳ và giai đoạn lịch sử nhất định. Từ nhiệm vụ, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng, kháng chiến và xây dựng mà đặt ra yêu cầu, nội dung và cách thức tổ chức thi đua cho phù hợp, hiệu quả. Giá trị cốt lõi của thi đua là hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng bằng hành động thiết thực của mọi người, của từng tổ chức và cá nhân cụ thể. Thi đua mang lại kết quả, giá trị vật chất rõ rệt; đồng thời, giác ngộ ý thức trách nhiệm, tính cộng đồng của mọi thành viên trong xã hội, tạo dựng và nuôi dưỡng động lực, sức mạnh tinh thần trong sự nghiệp cách mạng. Động lực tinh thần ấy, lại tạo ra giá trị vật chất, ý chí, nghị lực và bản lĩnh để vượt qua khó khăn, thách thức.
Thi đua bao giờ và trên bất cứ lĩnh vực nào cũng là hành động tự giác, trung thực của mỗi người, mỗi tổ chức; nuôi dưỡng và thúc đẩy những gì là tích cực, tốt đẹp, phát triển những điều mới mẻ, sáng kiến, sáng tạo. Cũng qua thi đua mà phê phán những biểu hiện tiêu cực, lười biếng, tham nhũng, hư hỏng có hại cho đất nước, xã hội. Mảng sáng trong đời sống xã hội ngày càng phát triển sẽ đẩy lùi mảng tối. Với ý nghĩa đó, thi đua thật sự là công tác cách mạng có giá trị sâu sắc, bền vững.
Ở mọi thời kỳ lịch sử cũng như hiện nay, thi đua luôn luôn gắn liền với các hình thức khen thưởng, với phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thi đua. Danh hiệu thi đua được trao đúng cho thành tích của các tập thể, cá nhân, không chỉ là sự tôn vinh xứng đáng mà còn cổ vũ, động viên tập thể, cá nhân đó trong thực hiện nhiệm vụ ở chặng đường tiếp theo. Những năm gần đây, ở một số đơn vị, ngành đã có những biểu hiện lệch lạc làm mất đi ý nghĩa và giá trị của thi đua. Đó là bệnh hình thức, không thiết thực, kém hiệu quả trong thi đua. Báo cáo thành tích không trung thực, thậm chí có hiện tượng “chạy” các danh hiệu thi đua, “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”6. Hiện tượng tiêu cực đó nhằm lợi dụng danh hiệu thi đua để thăng tiến hoặc che lấp những việc làm khuất tất của một số người. Cần nhận thức rõ: thi đua vì chất lượng, hiệu quả công việc chứ không phải vì một danh hiệu. Để khắc phục những lệch lạc đó cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức đảng, chính quyền đối với công tác thi đua. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ làm công tác thi đua, bảo đảm cho thi đua thật sự là một động lực tinh thần và vật chất góp phần xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ___________________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 556.
2 - Sđd, Tập 5, tr. 557.
3 - Sđd, Tập 5, tr. 559.
4 - Sđd, Tập 7, tr. 406.
5 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 444.
6 - Sđd, tr. 31.
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - thắng lợi của tư duy và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh 19/05/2019
Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn 19/05/2019
Binh đoàn 12 phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn trong giai đoạn mới 18/05/2019
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh với xây dựng thế trận hậu cần trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc 17/05/2019
Tỏa sáng tinh thần thanh niên xung phong Trường Sơn trong phong trào Thanh niên tình nguyện hiện nay 16/05/2019
Tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn 15/05/2019
Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh” 14/05/2019
Vận dụng bài học phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng Tuyến chi viện chiến lược 559 - Đường Trường Sơn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay 13/05/2019
Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - biểu tượng sáng ngời của khát vọng độc lập, tự do và ý chí thống nhất đất nước 13/05/2019
Xuất quân Liên hoan tuyên truyền lưu động tại Km số 0 đường Hồ Chí Minh 13/05/2019