QPTD -Thứ Hai, 11/06/2018, 08:21 (GMT+7)
Cuộc vận động 50 - Phong trào Thi đua ái quốc của ngành Kỹ thuật Quân đội

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác quản lý, giữ gìn vũ khí, trang bị kỹ thuật. Người, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo công tác này để động viên, khen thưởng và nhắc nhở anh em trong Ngành làm tốt hơn. Hội nghị “Lái xe và thợ sửa chữa giỏi” toàn quân lần thứ Nhất, ngày 06-8-1968, Ngành đã vinh dự nhận lá cờ thêu 16 chữ vàng của Bác: “Yêu xe như con, quý xăng như máu, vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. Còn tại Hội nghị Tổng kết Chiến dịch Tây Bắc, ngày 29-01-1953, Người đã nghiêm khắc phê bình: “Đối với của công, các chú chưa thấm nhuần chính sách. Mỗi viên đạn, mỗi khẩu súng là mồ hôi nước mắt của đồng bào mình1, v.v.

Thấm nhuần lời dạy và cũng là thiết thực hưởng ứng Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Bác, ngành Kỹ thuật đã làm tốt việc giáo dục bộ đội “giữ gìn tốt vũ khí trang bị, tiết kiệm từng viên đạn, từng hạt gạo, không được để lãng phí2, “Yêu xe như con, quý xăng như máu”3, v.v. Đặc biệt, tháng 9-1957, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh ra chỉ thị phát động trong toàn quân Cuộc vận động “Sử dụng xe an toàn”, tiếp đến là Cuộc vận động “Quản lý, sử dụng xe máy tốt, bền, an toàn, tiết kiệm”, ngành Xe máy Quân đội đã hăng hái thực hiện, duy trì và phát triển thành phong trào thi đua sâu rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để toàn ngành và một số chuyên ngành Kỹ thuật khác tích cực hưởng ứng, tạo nên phong trào thi đua có bề dày truyền thống của ngành Kỹ thuật Quân đội.

Thi đua làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ ngành Kỹ thuật Quân đội đã chủ động khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tổ chức tiếp nhận vũ khí trang bị kỹ thuật do các nước bạn viện trợ và thu hồi của địch. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, sáng chế vũ khí mới của Việt Nam (Bazoka, SKZ…) và làm tốt công tác hướng dẫn bộ đội sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật. Nhờ đó, bộ đội ta luôn sử dụng hiệu quả các loại vũ khí trang bị hiện có, bảo đảm kịp thời cho từng trận đánh, góp phần quan trọng vào những chiến công vang dội của quân và dân ta.

Sau năm 1990, nguồn viện trợ về vũ khí, trang bị và bảo đảm kỹ thuật cho trang bị từ các nước xã hội chủ nghĩa không còn nữa đã ảnh hưởng đến công tác sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật. Lúc này, nhìn chung vũ khí, trang bị kỹ thuật của các ngành, các đơn vị xuống cấp nhanh và thiếu đồng bộ. Thêm vào đó, công tác bảo đảm an toàn vũ khí, trang bị, kho, trạm xưởng chưa tốt, có nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra, v.v. Để khắc phục khó khăn và những yếu kém này, nhằm quản lý chặt chẽ và khai thác hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, Tổng cục Kỹ thuật đã chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị 216/CT-QP, ngày 14-3-1995 về phát động trong toàn quân Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm”. Đây là Cuộc vận động có tính khoa học và thực tiễn cao, tạo động lực mới, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật quân sự. Đồng thời, thể hiện sự tích cực của ngành Kỹ thuật Quân đội trong việc đưa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) “Về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống diễn biến hòa bình của địch” vào cuộc sống, với tinh thần: Bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật là một vấn đề chiến lược. Học tập tinh thần thi đua của Bác, Tổng cục yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng quy hoạch trang bị, tăng cường công tác bảo đảm kỹ thuật, thực hiện tốt việc dồn dịch, bảo quản, niêm cất, dự trữ, sửa chữa vũ khí, trang bị, củng cố hệ thống kho tàng, xí nghiệp sửa chữa và sử dụng chặt chẽ, hiệu quả. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 36-NĐ-CP, ngày 29-5-1995 “Về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự, an toàn giao thông đô thị”, để toàn quân tích cực hưởng ứng và thực hiện nghiêm các điều khoản của Nghị định, năm 1998, Cuộc vận động được bổ sung thêm mục tiêu an toàn giao thông và có tên gọi “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” (gọi tắt là Cuộc vận động 50). Cuộc vận động đề ra 4 mục tiêu cụ thể: (1) Quản lý chặt chẽ, toàn diện cả số lượng, chất lượng và đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật được trang bị; (2) Khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, đúng quy định, quy trình, sử dụng đi đôi với bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa; (3) Bảo đảm an toàn vũ khí, trang bị kỹ thuật, kho tàng, trạm xưởng, an toàn lao động và an toàn giao thông; (4) Thực hành tiết kiệm, hiệu quả trong quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Trung tướng Nguyễn Hữu Chính tặng Cờ cho các đơn vị đạt thành tích cao trong Hội thi kỹ thuật tên lửa - khí tài đặc chủng toàn quân năm 2017.
(Ảnh: qdnd.vn)

Cuộc vận động 50 vừa giải quyết những vấn đề mang tầm chiến lược, vừa thúc đẩy hiệu quả công việc hằng ngày của bộ đội trong công tác kỹ thuật ở đơn vị. Với ý nghĩa đó, đối tượng của Cuộc vận động ngày càng được mở rộng, tác động đến mọi hoạt động công tác kỹ thuật của lực lượng vũ trang và trở thành một nội dung chủ yếu trong phong trào Thi đua Quyết thắng. Cuộc vận động đã kế thừa và phát huy truyền thống cần, kiệm xây dựng Quân đội và là sự nối tiếp có tính liên tục từ Cuộc vận động của ngành Xe máy Quân đội trước đây. Mọi cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật đều được quán triệt và hiểu rõ quan hệ mật thiết giữa mục tiêu quản lý, khai thác tốt vũ khí, trang bị kỹ thuật với mục tiêu an toàn, tiết kiệm. Vì vậy, Cuộc vận động đã làm chuyển biến cơ bản nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quản lý, khai thác có hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật; khắc phục những tồn tại, yếu kém, đưa công tác kỹ thuật đi vào nền nếp, nhằm duy trì sức mạnh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từ đó, nhiều đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật; nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, tăng hạn sử dụng cho vũ khí, trang bị kỹ thuật; duy trì tốt chế độ ngày kỹ thuật trong tuần, giờ kỹ thuật trong ngày; tổ chức hội thi, hội thao vũ khí, trang bị kỹ thuật và thi khu kỹ thuật, kho vũ khí, thi cán bộ, nhân viên kỹ thuật giỏi,... cũng như các hình thức hoạt động câu lạc bộ kỹ thuật, giao lưu tuyên truyền về an toàn giao thông, v.v. Điều đó đã thực sự góp phần nâng cao hệ số kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cấp chất lượng cho hàng nghìn vũ khí, khí tài, đạn dược, tạo sự chuyển biến mới trong hoạt động công tác kỹ thuật.

Nhờ đẩy mạnh phong trào thi đua trong toàn Ngành, nên việc bảo đảm an toàn lao động, an toàn cơ sở kỹ thuật và phòng, chống cháy nổ có những tiến bộ rõ rệt, các vụ cháy, nổ kho, mất an toàn lao động giảm đáng kể. Nhiều đơn vị đã chủ động tạo nguồn ngân sách xây dựng, củng cố nhà kho, nhà xe, khu kỹ thuật theo hướng chính quy, cơ bản và lâu dài; đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sôi nổi, rộng khắp ở tất cả các ngành, lĩnh vực công tác, đem lại nguồn lợi to lớn và tiết kiệm ngân sách đáng kể cho ngành Kỹ thuật.

Hằng năm và trong từng giai đoạn, từ cấp cơ sở đến toàn quân đều tiến hành sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Vì vậy, Cuộc vận động 50 đã khơi dậy tinh thần tự lực tự cường trong quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật và phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đem lại hiệu quả to lớn trong thực hành tiết kiệm với nhiều nội dung, hình thức mới. Sau hơn 20 năm thực hiện, đã mang lại kết quả nổi bật, góp phần quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng, đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm hệ số kỹ thuật (Kt) các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu là 1,0 và làm nhiệm vụ khác từ 0,8 trở lên; khai thác hiệu quả cơ sở kỹ thuật, trang thiết bị kỹ thuật, từng bước làm chủ các dây chuyền công nghệ mới; bảo đảm an toàn tuyệt đối kho tàng, cơ sở kỹ thuật, an toàn giao thông xe quân sự đạt hơn 7 triệu km/vụ A, B. Việc tiết kiệm kinh phí, vật tư, xăng dầu trong từng khâu, từng bước bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật có chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết 382 của Quân ủy Trung ương, Tổng cục Kỹ thuật đã tham mưu, đề xuất triển khai nhiều dự án, đề án về quản lý, sửa chữa, cải tiến, nâng cấp, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, như: Dự án cải tiến xe tăng T54B; Dự án tích hợp súng pháo lên xe cơ giới; Dự án diezel hóa xe quân sự; Đề án bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật giai đoạn 2018 - 2025 và Đề án quy hoạch hệ thống kho trong toàn quân (KA-10), v.v. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Hiện nay, toàn quân đang tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua giai đoạn 2015 - 2020 với chủ đề “Nâng cao chất lượng toàn diện Cuộc vận động 50, tạo bước đột phá mới trong làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại và bảo đảm an toàn theo hướng chủ động, sáng tạo, phát triển bền vững”. Mục tiêu của phong trào là quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật phải toàn diện, chặt chẽ, thống nhất từ cơ sở đến toàn quân; khai thác phải hiệu quả, nhất là khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại; bảo đảm an toàn tuyệt đối về vũ khí, trang bị kỹ thuật và hạn chế mất an toàn giao thông; thực hành tiết kiệm một cách triệt để từ sử dụng kinh phí đến vật tư, trang thiết bị kỹ thuật, v.v.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, các kho, cơ sở sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật toàn quân đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất vũ khí, trang bị kỹ thuật. Các học viện, nhà trường, trung tâm, viện nghiên cứu kỹ thuật tích cực nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại. Toàn quân tăng cường đầu tư bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ tiếp tục khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông” đúng như tinh thần thi đua yêu nước của Bác Hồ, góp phần xây dựng tiềm lực quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN HỮU CHÍNH, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật
________
_________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 37.

2, 3 - Sđd, Tập 15, tr. 577, 485.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng tám và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự chứng thực vĩ đại của chân lý “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, của sức mạnh dân tộc giải phóng, thực hiện giải phóng dân tộc vì độc lập tự do, làm tiền đề và điều kiện để phát triển dân tộc theo nguyên lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đến cùng cho hệ giá trị mục tiêu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.